tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 24-12-2017

  • Cập nhật : 24/12/2017

Tiếp sức cho kinh tế hợp tác xã từ chính sách tài chính

Sau gần 05 năm triển khai Luật Hợp tác xã (năm 2012), khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã bước đầu đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Để khu vực hợp tác xã tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, cần có sự ưu đãi về thuế và cơ chế tài chính cho thành phần kinh tế này.

pho thu tuong chinh phu vuong dinh hue giao bo tai chinh nghien cuu, de xuat chinh sach uu dai ve thue cho cac hop tac xa. nguon: internet

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã. Nguồn: Internet

 

Trong những năm qua, hợp tác xã được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khu vực hợp tác xã phát triển, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 (2012-2017), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giaoBộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã; Đề xuất phương án xử lý nợ (nợ thuế, nợ ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, nợ doanh nghiệp nhà nước...) của hợp tác xã ngừng hoạt động, tạo cơ sở cho việc giải thể, chuyển đổi.

Đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; Quy định về đánh giá và thanh lý tài sản không chia của hợp tác xã trong trường hợp tài sản hư hỏng, không còn khả năng sử dụng. Chủ trì, phối hợp với Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn việc kiểm toán hợp tác xã theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Hợp tác xã năm 2012; Trình Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương; Nghị định bảo hiểm nông nghiệp...

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế; Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, bố trí thành dòng riêng để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã.

Với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Nghiên cứu đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, liên kết và thống nhất về cơ chế hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động để cung ứng các dịch vụ về công nghệ, quản trị và xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã trên cơ sở cơ cấu lại các đơn vị hiện có; Xây dựng thí điểm một số mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị ở các địa phương để tạo sức lan tỏa và làm cơ sở cho việc tuyên truyền phát triển hợp tác xã. Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã hàng năm…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách, đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng; Sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đề xuất cơ chế định giá tài sản khi vay vốn và cho phép hợp tác xã được dùng tài sản hình thành trên đất sau khi định giá để thế chấp vay vốn tín dụng; Hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của hợp tác xã khi giải thể, phá sản…(TCTC)
------------------------------

Khởi sắc thị trường cho thuê căn hộ cao cấp

Hiện tại, thị trường cho thuê căn hộ dịch vụ cao cấp đang phát triển mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Nhiều nhà phát triển BĐS đều đang có xu hướng đầu tư vào loại hình này, với những kì vọng lớn vào lượng khách hàng ổn định trong thời gian dài.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mới đây, ông Dương Hoàng Bảo, Phó giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định của mình.

Theo đánh giá từ thực tiễn làm việc của bộ phận Cho thuê thương mại – căn hộ dịch vụ cao cấp Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ cao cấp cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh cho phân khúc 3 phòng ngủ (PN) đang có xu hướng thiếu và căn từ 1-2 PN đang thừa so với nhu cầu. Xét về giá cả, căn hộ 3PN bắt đầu từ mức 3.300 USD – chưa tính thuế và phân khúc 1-2PN sẽ dao động từ 900-2700 USD/tháng tùy theo vị trí và diện tích mỗi căn, với công suất cho thuê tốt. Hiện tại, căn hộ dịch vụ cao cấp tại Quận 1, Quận 3 và Quận Phú Nhuận đang thu hút phần lớn nhu cầu từ khách thuê.

Từ lâu, phân khúc cho thuê căn hộ dịch vụ cao cấp đã hướng đến đối tượng chủ yếu là khách hàng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Thống kê cho thấy, những năm gần đây số lượng các chuyên gia người nước ngoài công tác tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Qua đó, có thế thấy được rằng số lượng có nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ là rất lớn, đặc biệt sự hội nhậpđang ngày càng được mở rộng.

Với sự hội nhập các sân chơi kinh tế, Việt Nam đang trở thành điểm đến của lực lượng lao động trong khu vực, từ đó phát sinh nhu cầu thuê chỗ ở gia tăng trong vòng từ 3-5 năm tới. Chênh lệch thu nhập giữa lao động nước ngoài và nội địa cũng là một yếu tố, khi tầm giá từ 900–5.000 USD cho một căn hộ dịch vụ đối với cấp chuyên gia tại Việt Nam hoàn toàn không cao so với mặt bằng chung các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia…

Ngoài ra, căn hộ dịch vụ cao cấp cũng được nhìn nhận như một giải pháp hỗ trợ, lựa chọn thay thế cho sự xuất hiện ồ ạt của loại hình Officetel – có thể hiểu như một dạng căn hộ đa dịch vụ. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán và tính thanh khoản cũng như tương lại phát triển của phân khúc căn hộ dịch vụ cao cấp. Trong năm 2018, chúng ta có khả năng chứng kiến giá thuê với chiều hướng tăng nhẹ, bởi nhu cầu cạnh tranh của thị trường.

Khác với rào cản pháp lý của việc sở hữu căn hộ của người nước ngoài, việc thuê căn hộ dịch vụ cao cấp, dù là ngắn hạn hay dài hạn thông qua một đơn vị tư vấn uy tín hầu như không vướng phải khúc mắc nào. Quy trình cơ bản chỉ bao gồm việc thu thập yêu cầu lưu trú bao gồm loại hình nhà, ngân sách và thời gian ở từ khách hàng ngoại quốc sau đó làm việc với các lựa chọn phù hợp.

Trước khi kí hợp đồng, nhà tư vấn sẽ đồng hành cùng khách hàng lẫn chủ đầu tư trong hầu hết mọi giai đoạn như khảo sát địa điểm, thảo hợp đồng cũng như đóng vai trò thương thuyết, trung gian để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đôi bên. Chất lượng đang chính là yếu tố tiến quyết, tạo cơ hội cho sự phát triển của những dự án đẳng cấp, giúp Việt Nam trở thành điểm đến đáng tin cậy của những khách hàng nước ngoài kỹ tính.(TBNH)
---------------------------

Ôtô nhập khẩu Thái Lan: Nén lại để bùng nổ?

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ có 1.306 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 11/2017, đạt giá trị kim ngạch hơn 25 triệu USD.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Như vậy, so với tháng liền kề trước đó, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ quốc gia Đông Nam Á này đã giảm gần một nửa xét cả về lượng lẫn giá trị.

Cú tụt dốc không phanh của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan sẽ là một bất ngờ lớn khi ngành ôtô không có diễn biến gì bất thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018 thì lại là hiện tượng dễ giải thích.

Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chỉ còn ít ngày nữa thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có ôtô CBU, nhập khẩu từ các nước nội khối sẽ giảm về 0%. So với thuế suất 30% hiện hành, tỷ lệ giảm này là đáng kể và qua đó sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các loại xe đạt điều kiện ưu đãi thuế.

Bởi vậy, không có lý do gì mà cả các doanh nghiệp ôtô lẫn người tiêu dùng không cố chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa để có thể mua xe với mặt bằng giá hấp dẫn hơn.

Cũng từ lý do này mà nhiều khả năng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan trong tháng cuối cùng của năm 2017 cũng sẽ tiếp tục ở mức thấp, thậm chí giảm so với tháng 11. Hiện tượng này có thể hình dung như một thực thể đang nén mình lại để chờ bùng nổ.

Bước sang năm 2018, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, viễn cảnh bùng nổ của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ Thái Lan và cả Indonesia là rất rõ ràng.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, cộng dồn 11 tháng năm 2017, tổng lượng ôtô CBU nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đã đạt 46.870 chiếc, vượt rất xa so với con số 31.148 chiếc được nhập khẩu từ toàn bộ 10 nước và vùng lãnh thổ còn lại mà Việt Nam đang nhập khẩu xe CBU.

Trong khi đó, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU từ 2 quốc gia Đông Nam Á này cũng đã đạt 848 triệu USD, gần như ngang bằng với tổng giá trị kim ngạch đạt được từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại.

Theo VnEconomy

-------------------------------------

Việt Nam - Lựa chọn dài hạn của nhà đầu tư

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Nhận định này được ông Seck Yee Chung, đại diện Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie nêu trong hội thảo Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.

toan canh hoi thao. nguon: internet

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: Internet

Xu hướng và triển vọng M&A tại Việt Nam...

Với lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính trị ổn định, hội nhập kinh tế quốc tế… Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong số các thị trường mới nổi, vượt qua cả Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương, Cục Xúc tiến thương mại Trần Kim Oanh cho biết.

Năm 2017, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt khoảng 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm ngoái và có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án trong 18 lĩnh vực ở Việt Nam, trị giá 25,5 tỷ USD. Các ngành chế tạo và chế biến tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất.

Nhận định về xu hướng và triển vọng M&A tại Việt Nam, ông Seck Yee Chung, đại diện Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư dài hạn vào Việt Nam.

Trong đó, các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất…

Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, ông Seck Yee Chung gợi ý.

Trong những năm qua, thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp… có yếu tố nước ngoài như: Tập đoàn SCG và Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Công ty Deasang và Công ty Thực phẩm Đức Việt…

Đặc biệt, mới đây nhất, chiều 18/12, Công ty ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua lại 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. Phó Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam Nguyễn Quốc Việt cho rằng, điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong các lĩnh vực.

... và cơ hội bứt phá

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phát triển công thương Trần Kim Oanh cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo trên thế giới, bên cạnh đó chè, điều, thủy sản cũng nổi lên là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm phần lớn.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm có mức tiêu thụ trong nước hàng năm là 30 tỷ USD và được dự báo tăng trưởng đều đặn hơn 18%/năm trong giai đoạn 2014 - 2019. Với dân số hơn 93 triệu dân, Việt Nam đang có xu hướng thay đổi phương thức tiêu dùng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm mở ra cơ hội lớn trong việc dành sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài qua hình thức M&A.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch điện năm 2020 sẽ đưa vào vận hành thêm 5.000MW mỗi năm, xây dựng nhiều công trình điện, phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo như gió và mặt trời giai đoạn đến năm 2025…

Lĩnh vực dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD, tăng 14,5%/năm, nhất là xuất khẩu giày dép đạt trên 10 tỷ USD, tăng 9%/năm. Lĩnh vực nguyên vật liệu xây dựng với nhu cầu xây dựng tăng từ 7 - 10%. Đây cũng được coi là những lĩnh vực công nghiệp tiềm năng thu hút đầu tư thông qua M&A.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp Việt Nam tính chung 11 tháng năm 2017 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian qua, công nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012.

Trong đó, có những ngành được đánh giá tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016, phải kể đến như sản xuất kim loại tăng 17,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,8%.

Nếu xét về mặt hàng, một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số công nghiệp tăng cao gồm tivi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, sữa bột. Từ những số liệu này, nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định, công nghiệp Việt Nam đang trong đà phát triển mạnh mẽ.

Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp và tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường M&A với số lượng thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược dài hạn, trong đó M&A đã trở thành công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược đó.

Mặt khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về chất lượng và quy mô, giúp thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ doanh nghiệp Việt Nam. “Với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức M&A trong thời gian tới sẽ cần chú trọng hơn nữa tới các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước”, ông Phú nói.(ĐBND)

Trở về

Bài cùng chuyên mục