tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-12-2017

  • Cập nhật : 24/12/2017

Thị trường chứng khoán năm 2017: Ấn tượng từ những kỷ lục!

Trong năm 2017, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có sự tăng trưởng tốt đã tạo cơ sở vững chắc cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Á. Trong đó, quy mô vốn hóa của thị trường đã vượt cả mục tiêu tới năm 2020 khi đạt trên 70% GDP.

nam 2017, tai khoan nha dau tu nuoc ngoai tren ttck viet nam tang 14,3%. nguon: tinnhanhchungkhoan.vn

Năm 2017, tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam tăng 14,3%. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index tăng 43% so với cuối năm 2016 - mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây.

Mức vốn hóa thị trường đạt gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020; Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016...

Trong khi đó, thị trường trái phiếu diễn ra sôi nổi với giá trị niêm yết đạt 1.015 nghìn tỷ đồng tăng 8% so với cuối năm 2016, tương đương 23% GDP; Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm 2016.

TTCK phái sinh dù mới hơn 4 tháng song đã chứng tỏ sức hấp dẫn với nhà đầu tư với tổng khối lượng giao dịch đạt 946.326 hợp đồng tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng, đạt 80.899 tỷ đồng.

Hoạt động nhà đầu tư diễn ra sôi nổi, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản tăng 11% so với cuối năm 2016, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 14,3%. Trên TTCK phái sinh, hiện có 15.808 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở, gấp đôi so với cuối tháng 8/2017.

Về hoạt động huy động vốn, đấu giá, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng. Huy động qua cổ phần hóa thoái vốn đạt gần 14,8 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ thành công đạt 91%. Đặc biệt, thị trường đã có được một ấn tượng rất rõ nét khi tổ chức đấu giá thành công đợt bán vốn nhà nước tại Sabeco, thu về cho Nhà nước hơn 109 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục được thực hiện theo lộ trình. Đến nay, số lượng công ty chứng khoán hoạt động bình thường là 79 công ty (giảm được khoảng 25% tổng số công ty chứng khoán). Các công ty chứng khoán đã nâng cao hơn về quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật ngày càng tốt hơn, dịch vụ cho khách hàng ngày càng được cải thiện. 

Số lượng Công ty Quản lý quỹ đang hoạt động bình thường là 45 và 04 công ty đang trong diện tái cấu trúc. Khung pháp lý hướng dẫn đồng bộ các sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán dành cho các loại hình nhà đầu tư khác nhau, các quỹ đầu tư đa mục tiêu kết nối với thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản về cơ bản đã hoàn thiện.

Trong năm 2017, UBCKNN cũng đã chấp thuận đăng ký công ty đại chúng cho 116 trường hợp, xem xét hủy đăng ký công ty đại chúng cho 29 trường hợp. Hiện UBCKNN đang quản lý 1.918 công ty đại chúng, trong đó có 727 công ty niêm yết và 679 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM và còn 512 công ty đại chúng chưa niêm yết/đăng ký giao dịch. UBCKNN đã xét duyệt hồ sơ chào bán với tổng giá trị phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 63 nghìn tỷ đồng...

Bước sang năm 2018, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục công tác tái cấu trúc TTCK, tổ chức kinh doanh chứng khoán; Nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết, công ty kiểm toán và chất lượng công tác quản trị công ty; Tiếp tục phát triển các sản phẩm mới cho TTCK phái sinh, triển khai thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm giúp đảm bảo hoạt động của thị trường được ổn định; Tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng TTCK...(TCTC)
-----------------------

Thế nào là một nền kinh tế sáng tạo?

Nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia.

nganh cong nghiep sang tao la trai tim, la chia khoa cho mot nen kinh te sang tao. nguon: internet

Ngành công nghiệp sáng tạo là trái tim, là chìa khóa cho một nền kinh tế sáng tạo. Nguồn: Internet

Cụm từ “nền kinh tế sáng tạo” hiện nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác cho cụm từ này.

Nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia. Đặc biệt là ở các đất nước đang phát triển và muốn tình trạng gia công, lắp ráp và xuất khẩu thô. 

Nền kinh tế sáng tạo là gì?

Ở đây là ta có thế nói rằng một ngành công nghiệp sáng tạo là trái tim, là chìa khóa cho một nền kinh tế sáng tạo. Sáng tạo luôn là một giải pháp tối ưu để phát triển một nền kinh tế, là cho nền kinh tế ấy vững mạnh, đột phá hơn. Phải luôn thay đổi các ý tưởng về sản phẩm, về hàng hóa, về chất lượng để đem lại lợi thế cạnh tranh về kinh doanh và các nền kinh tế quốc gia. 

Hiện nay, những quốc gia đứng đầu về nền kinh tế sáng tạo, họ luôn tối ưu hóa các ý tưởng công nghiệp, dịch vụ, áp dụng công nghệ tinh vi, hiện đại vào chu trình sản xuất hàng hóa họ. Họ cầu kỳ trong từng khâu sản xuất, cho ra các mặt hàng sáng tạo, chất lượng nhất. 

Ngày nay, một nền kinh tế sáng tạo không chỉ ở ngành công nghiệp, dịch vụ. Mà nó còn mở rộng sang các di sản văn hóa truyền thống , nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật truyền thông, thiết kế…Một ví dụ điển hình như ca khúc Gangnam Style vào năm 2012 của nghệ sĩ PSY của Hàn Quốc được rất nhiều người trên thế giới thích thú và theo dõi. Qua đó, hình ảnh của đất nước này trên thế giới cũng được nhiều người biết hơn.

Điều kiện cần có của một nền kinh tế sáng tạo?

 

Một nền kinh tế sáng tạo không phụ thuộc hoàn toàn vào năng suất lao động hay tài nguyên thiên nhiên mà còn dựa vào các ứng dụng công nghệ và sự học hỏi, đổi mới. 

Thế giới hiện nay đang bước dần vào kỷ nguyên của công nghệ 4.0. Vì thế, nó không thể bị vùi lấp dưới sự lạc hậu mà cần phải có những sáng tạo đột phá không ngừng để phát triển một nền kinh tế sáng tạo.

Do vậy, việc đổi mới các chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, học hỏi lẫn nhau, áp dụng công nghệ tối tân với tư duy đột phá là các yêu cầu cần có để trở thành một nền kinh tế sáng tạo.(KT&DB)
------------------------

Cơ hội hậu APEC với công nghiệp Việt Nam

Hơn 150 lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham dự hội nghị chuyên đề “APEC 2017: Triển vọng cho các ngành công nghiệp Việt Nam” được tổ chức bởi SCG.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự kiện nhằm tổng hợp các nghị quyết chính yếu của Hội đồng tư vấn kinh doanh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương(ABAC) được rút ra từ các buổi họp trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam, đồng thời trao đổi về những tác động của các nghị quyết này đối với cơ hội phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng hướng đến giải quyết những thách thức kinh doanh và đề ra phương pháp tiếp cận mô hình kinh doanh bền vững và phát triển bao trùm, là những chìa khoá quan trọng cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Được biết, trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2017, ABAC đã đưa ra kết luận và khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo APEC nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh khu vực.

Các khuyến nghị này tập trung vào việc thúc đẩy hội nhập khu vực và xoá bỏ các rào cản bảo hộ để đẩy mạnh phát triển kinh doanh và đầu tư; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng; đề cao tầm quan trọng của phát triển bền vững và bao trùm; hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mặt tài chính và công nghệ; tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 và những năm về sau.

Những đề xuất này khi được thực thi sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp tại địa phương.(TBNH)
-------------------------

Thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững chắc

 Thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của toàn thị trường ước tăng 21,2% so với năm ngoái.

chi rieng trong 9 thang dau nam, tong doanh thu hop nhat tap doan bao viet tang truong 26,8% so voi cung ky, vuot 1 ty usd. nguon: baoviet.com.vn

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn Bảo Việt tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ, vượt 1 tỷ USD. Nguồn: baoviet.com.vn

Năm 2017, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm trước, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 38.270 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.

Năng lực tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm được nâng cao, đóng góp của doanh nghiệp bảo hiểm vào nền kinh tế ngày càng nhiều. Cụ thể, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm năm 2017 ước đạt 302.935 tỷ đồng, tăng 23,44% so với năm ngoái.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm ngoái. Năm 2017, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã đấu thầu thành công 15.040 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm; 4.383 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm; 1.475.3 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 15 năm…

Số liệu của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng cho thấy, trong năm 2017, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 190.930 tỷ đồng, tăng 24,61% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92% so với năm 2016.

Đáng mừng là các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng chú trọng nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, đa số các doanh nghiệp này đều đảm bảo biên khả năng thanh toán theo quy định, không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, phát triển kênh phân phối đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng. Nhờ đó, kết quả kinh doanh hết sức lạc quan.

Cụ thể, kết quả kinh doanh quý III/2017 sau soát xét của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy, kết quả tăng trưởng ổn định trên các lĩnh vực kinh doanh. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ, đạt 23.360 tỷ đồng, vượt 1 tỷ USD.

Trong đó, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao với tổng doanh thu tăng trưởng 28,7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 28,9%; Doanh thu phí khai thác mới trong năm thứ nhất hợp đồng tăng trưởng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm Bảo Việt đạt mức tăng 22,9% tổng doanh thu; doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 22,8%.

Trong khi đó, tính đến hết 11 tháng năm 2017, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trong đó tổng doanh thu tăng trưởng hơn 36%. Một số nghiệp vụ bảo hiểm có mức tăng trưởng cao, đặc biệt, dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng tăng trưởng hơn 117% so với cùng kỳ năm 2016.

Đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, kết thúc năm 2017, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI dự kiến đạt 3.339 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với năm 2016... Trong khi đó, năm 2017 khép lại với những thành quả khá ấn tượng mà Hanwha Life Việt Nam vượt mốc 500 tỷ đồng doanh thu.

Có thể nói, với mức tăng trưởng doanh thu trên 20%, liên tục trong 4 năm qua, ước đạt 2%GDP; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, đầu tư trở lại nền kinh tế… của các doanh nghiệp bảo hiểm liên tục tăng qua các năm cho thấy bước phát triển tốt và vững chắc của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2018, toàn ngành Bảo hiểm đặt mục tiêu doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng 22,38%; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước 305.497 tỷ đồng; tổng tài sản ước đạt 370.818 tỷ đồng...

Theo các chuyên gia bảo hiểm, đây là mục tiêu khá cao, song với thị trường tiềm năng như Việt Nam khi số lượng người tham gia bảo hiểm còn ít, đời sống thu nhập người dân càng nâng cao, nhận thức về bảo hiểm thay đổi thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi.(TCTC)

Trở về

Bài cùng chuyên mục