tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-12-2017

  • Cập nhật : 23/12/2017

Bitcoin giảm 40% từ đỉnh, có lúc xuống 12.500 USD

Theo dữ liệu trên Coindesk, bitcoin hiện có giá 13.137 USD, giảm 15,57%. Mức thấp nhất trong ngày là 12.504 USD, giảm gần 40% từ mức cao nhất từ trước đến nay là 19.783 USD ngày 17/12.

Diễn biến giá bitcoin trong 24h (Nguồn: Coindesk).

Thực tế, giới phân tích cho rằng giá có thể tiếp tục biến động vào năm 2017 và tiền mới vào thị trường cũng đang nhanh chóng biến mất, phần vì tâm lý lo sợ bong bóng vỡ, phần vì nhà đầu tư đang đổ vào các đồng tiền mới.

Theo dữ liệu từ OnChainFX - trang web theo dõi diễn biến giá của các loại tiền ảo, top 20 tính theo vốn hóa đều từng lập kỷ lục trong vòng 4 ngày vừa rồi. Trong số đó, bitcoin cash, dash và litecoin đều giảm trong 24 giờ qua.(NDH)
------------------------------

Sức mua trầm lắng trong mùa Giáng Sinh 2017

Mặc dù các mặt hàng Giáng Sinh đã được các đơn vị kinh doanh tung ra rầm rộ, nhưng người mua có vẻ thờ ơ.

khach chon mua do trang tri noel tai mot cua hang quan 3. anh: phuong vy/ttxvn

Khách chọn mua đồ trang trí Noel tại một cửa hàng Quận 3. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo thông lệ hằng năm, mỗi dịp mùa Giáng Sinh về là các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đồng loạt triển khai nhiều hoạt động giảm giá để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm. Tuy nhiên trong năm nay, ngoài các ngành hàng ẩm thực, vui chơi, giải trí có sức mua tăng nhẹ, còn lại những ngành hàng khác như thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... đều khá trầm lắng so với những năm trước.

Ghi nhận tại các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Trần Phú, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5); chợ An Đông, chợ Tân Bình, chợ Bến Thành... các mặt hàng trang trí Giáng sinh 2017 được bày bán phổ biến với mẫu mã đa dạng, giá cả không tăng đáng kể so với năm 2016. Đáng chú ý, các đơn vị kinh doanh đã tích cực giới thiệu ra thị trường các mặt hàng sản xuất trong nước, đồng thời cung cấp nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để tạo niềm tin nơi người tiêu dùng nhưng vẫn không hấp dẫn được nhiều khách hàng. 

Cụ thể, những mặt hàng phục vụ cho dịp Giáng sinh 2017 vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm gồm: cây thông, trái châu, ông già Noel, xe tuần lộc, người tuyết, vòng hoa tuyết và dây thông... với nguồn cung dồi dào. Hay các hang đá được làm thủ công có giá ở mức từ 150.000 - 500.000 đồng/sản phẩm (tùy kích cỡ); vòng nguyệt quế trang trí hoa trạng nguyên, chuông và nơ có giá phổ biến từ 250.000 - 400.000 đồng/sản phẩm; cây thông Noel có giá tùy theo dáng cây và nguồn gốc xuất xứ là sản phẩm trong nước hay ngoại nhập mà có mức giá khác nhau. 

Còn ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh thời trang may mặc, túi xách, giày dép, mắt kính... trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi... đều treo biển giảm giá từ 30% - 70%. Mặt khác, để thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều đơn vị kinh doanh đã dành vị trí trung tâm của cửa hàng để trưng bày những mặt hàng thời trang có mẫu mã mới của xu hướng thời trang năm 2017; trong đó, tại nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm được thiết kế với sắc đỏ làm chủ đạo nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Giáng Sinh. 
Tuy nhiên, chị Hồng Thúy, chủ cửa hàng thời trang Hanad, trên đường Hai Bà Trưng, quận Phú Nhuận, cho biết, mặc dù các sản phẩm phục vụ cho mùa Giáng Sinh 2017, đã được các đơn vị kinh doanh tung ra rầm rộ cách đây hai tuần, nhưng trái ngược với kỳ vọng của người bán, người mua có vẻ thờ ơ. Hầu hết khách hàng chỉ ghé vào xem và hạn chế mua. 

Trong khi đó, ở góc độ người tiêu dùng, anh Phương Nam, cư ngụ tại quận 11, TP Hồ Chí Minh, cho rằng, nguyên nhân người dân không còn mặn mà với các mặt hàng như trang phục ông già Noel hay mũ, áo, váy Noel dành cho trẻ em cũng không nhiều người mua, bởi các mặt hàng quần áo Noel dành cho trẻ em hiện nay được sản xuất từ nguyên vật liệu không đảm bảo nên nhiều phụ huynh hạn chế mua sắm cho trẻ em sử dụng. Đặc biệt, với giá từ 40.000 - 120.000 đồng/sản phẩm thì khó được sản xuất từ nguyên vật liệu chất lượng và an toàn
---------------------------------------

Nợ xấu Sacombank giảm về 4,4% từ mức 6,68% đầu năm

Báo cáo tại lễ kỷ niệm thành lập giữa tuần này, lãnh đạo Sacombank cho biết sau 26 năm phát triển, nhà băng hiện là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu với vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng tài sản của Sacombank tăng 11,5%; tổng huy động tăng 12,9%, trong đó gần 97% đến từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng tăng 13%, chủ yếu tăng mạnh từ cho vay phân tán, cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, bình ổn thị trường… Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68%, hiện đã giảm xuống còn 4,4% và sẽ giảm xuống mức 3% trong năm 2018.

2017 là năm đầu tiên Sacombank hoạt động theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trọng tâm của đề án là cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong vòng 10 năm, còn bản thân ngân hàng đề ra mục tiêu sẽ hoàn thành cơ bản trong vòng 5 năm.

Sacombank cũng đã hoàn tất xây dựng và áp dụng mô hình quản trị điều hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới, với Hội đồng quản trị định hướng và cùng Ban điều hành xây dựng khuôn khổ quản trị ngân hàng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết Sacombank là ngân hàng tư nhân đầu tiên của thành phố và cũng là cả nước. Sacombank đã có lúc gặp phải những khó khăn nhưng Bí thư khẳng định rằng, niềm tin của lãnh đạo và người dân thành phố vẫn không thay đổi.

"Giờ đây, với đội ngũ lãnh đạo mới, tôi mong Sacombank sẽ lắng nghe, học hỏi từ quá khứ của chính mình để phát huy truyền thống tốt đẹp, có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa và thực hiện tốt đề án tái cơ cấu”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Lê Minh Hưng cũng nhận định Sacombank đã có những bước đi mạnh mẽ hưởng ứng định hướng tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng của Chính phủ. Sacombank là một trong những ngân hàng đầu tiên được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước duyệt Đề án tái cơ cấu với lộ trình cụ thể và đang tiếp tục có những giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại. Thống đốc bày tỏ tin tưởng Ban lãnh đạo Sacombank sẽ phát huy tối đa các giá trị của Ngân hàng để thực hiện thành công Đề án một cách nhanh chóng và an toàn

Sacombank xác định 2 nhiệm vụ chiến lược hàng đầu từ năm 2018 – 2020, bao gồm tiến bước vững chắc thông qua đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu Sacombank theo Đề án, nâng cao khả năng thích ứng bằng kế hoạch tái cơ cấu thượng tầng kiến trúc và tái cấu trúc hạ tầng cơ sở. Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh bằng chiến lược khác biệt hóa, kết hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí và bằng việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác, liên kết, kế cả hợp tác, liên kết với các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trong và ngoài nước nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh trong phạm vi nội ngành.(NDH)
----------------------

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có thay đổi về chất

Ở giai đoạn trước, dù số lượng đạt cao hơn nhưng có doanh nghiệp chỉ cổ phần hóa được vài phần trăm và mang tính hình thức, thì đến năm nay đã khác, quá trình cổ phần hóa bán được nhiều hơn, có sự tham gia của các đối tác, đây là sự thay đổi rất quan trọng về chất.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những vấn đề trên. 

dong goi san pham tai cong ty lien doanh owens-illinois (o-i), berli jucker public company limited (bjc) va tong cong ty co phan bia - ruou - nuoc giai khat sai gon (sabeco). anh: hoang anh tuan/ttxvn

Đóng gói sản phẩm tại Công ty liên doanh Owens-Illinois (O-I), Berli Jucker Public Company Limited (BJC) và Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/TTXVN

Xin ông cho biết hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua? 

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua đã được nêu rõ trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội và được đăng tải công khai. Về cơ bản, các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có lãi, chỉ một số ít doanh nghiệp; trong đó có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bị thua lỗ. Năm 2017, tình hình kinh tế phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã tốt hơn. 

Chẳng hạn như Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017 đã lãi 1.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Nhìn chung, trong 600 doanh nghiệp Nhà nước, có doanh nghiệp lỗ, có doanh nghiệp lãi, nhưng về tổng thể là có lãi, bảo toàn vốn, đảm bảo hiệu quả. 

Thưa ông, năm nay tiến độ thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch diễn ra như thế nào? 

Năm 2017, kết quả quan trọng đạt được là sự thay đổi về chất. Lần đầu tiên, Chính phủ công khai danh mục cổ phần hóa, thoái vốn, tỷ lệ cổ phần hóa từng doanh nghiệp, từng năm, để nhà đầu tư và thị trường xem xét lựa chọn, tham gia. 

Với những văn bản như Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Công văn 991/TTg - ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định 1001 QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020…, thông tin liên quan đến cổ phần hóa đã được công khai, minh bạch. 

11 tháng qua, cả nước đã cổ phần hóa 40 doanh nghiệp, mặc dù con số này chưa đạt kế hoạch của năm là 44 doanh nghiệp, nhưng xét về tổng số thực hiện cũng đã gần hoàn thành. Sự khác nhau về con số này thể hiện rõ việc đánh giá minh bạch, công khai, số 40 doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm cả số từ năm trước chuyển sang, năm nay thực hiện tiếp. Tuy nhiên, cũng phải đến hết năm mới đánh giá chính xác được số lượng hoàn thành. 

Đó là về số lượng, còn về chất lượng đã có bước chuyển rất lớn. Những doanh nghiệp cổ phần hóa tới đây đều là doanh nghiệp có quy mô rất lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil (công ty mẹ), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn... Tới đây, Chính phủ cũng sẽ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Cao su, Tổng công ty Phát điện 3. Các đơn vị này có quy mô lớn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị rất tốt, kỹ càng thị trường có khả năng hấp thụ mới triển khai được. 

Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa, không bàn lùi và phải thay đổi mạnh về chất…

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ lớn giai đoạn trước và đang phải xử lý hậu quả. Vậy cơ chế giám sát hiện nay có gì thay đổi không, thưa ông ? 

Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước thực hiện theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003, cho phép doanh nghiệp được kinh doanh đa ngành đa nghề, thành lập các công ty con cấp 2, cấp 3. Chính vì thế đã tạo quyền tự chủ cao hơn cho hội đồng quản trị, được quyết định các vấn đề và tự chịu trách nhiệm, không phải báo cáo bộ chủ quản. Những vấn đề lớn thì báo cáo trực tiếp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, cho nên không phát huy được cơ chế giám sát, cảnh báo. 

Sau đó, Chính phủ ban hành các Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; Luật Quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước, Nghị định 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản nên công tác giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước đã gồm nhiều cấp, chặt chẽ, bài bản hơn, có sự trao đổi giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra và bộ, ngành, góp phần chấn chỉnh, phát hiện lỗ hổng sai phạm. 

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giám sát từ kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư thành lập công ty, thậm chí còn xếp loại cán bộ của doanh nghiệp. Vì thế, gần đây đã kịp thời hạn chế, ngăn chặn đầu tư không đúng, không hiệu quả, chấm dứt việc đầu tư đa ngành, tập trung vào tái cơ cấu, sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty trong nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn.. 

Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; trong đó có hàng loạt doanh nghiệp lớn. Cộng với số còn lại của kế hoạch năm 2017 chuyển sang, điều này có làm sức ép cổ phần hóa năm tới có hoàn thành được hay không ? 

Kế hoạch cổ phần hóa đã được công bố công khai từ giữa năm nay, các bộ ngành địa phương có 6 tháng để chuẩn bị nên không có lý do gì để chậm. Nơi nào làm chậm, phải có nguyên nhân cụ thể, kiểm điểm trách nhiệm người làm chậm. 

Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì danh sách, tiến độ doanh nghiệp cổ phần hóa lần đầu tiên được công khai trên mạng. Một doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải đăng ký các bước thực hiện để cơ quan quản lý, người dân giám sát, cũng là để thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đối với đồng vốn nhà nước giao. 

Năm 2018, hoạt động cổ phần hóa được dự kiến sẽ phải tăng tốc và đạt kết quả tốt hơn. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. Đây cũng chính là cơ hội cho cổ phần hóa trong năm 2018. 

Bên cạnh đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2018 sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề về thủ tục, kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc thị trường minh bạch. Ví dụ như quy định rõ về đất đai, khi cổ phần hóa, nếu Nhà nước không dùng thì trả lại cho địa phương để đấu giá. 

Như vậy, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất đai sẽ không tìm cách để tham gia, nhường sân cho các nhà đầu tư tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng. Nghị định này cũng cho phép các nhà đầu tư đưa tư vấn nước ngoài vào đánh giá doanh nghiệp, rất công khai, minh bạch… 

Nhiệm vụ cổ phần hóa đã được giao cụ thể, nhưng áp lực, chế tài với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã đủ mạnh hay chưa, thưa ông? 

Đến nay, các thể chế, chế tài quy định đã đầy đủ, song hành cùng hệ thống khuôn khổ pháp lý và sự hỗ trợ của hệ thống chính trị. Từ các quy định mới tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị định 61/2013/NĐ-CP… quy định rõ cơ chế giám sát tài chính, trách nhiệm giám sát rõ ràng, chặt chẽ, bài bản hơn, với sự trao đổi giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra. 

Chủ trương đã rõ, hệ thống pháp lý đầy đủ, nếu tổ chức thực hiện không nghiêm sẽ xử lý người đứng đầu. Như với Tổng công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa qua, mãi không xây dựng xong phương án thoái vốn, Tổng giám đốc Habeco đã phải chịu trách nhiệm riêng việc thoái vốn, nhiệm vụ điều hành doanh nghiệp phải bàn giao cho cấp phó. Đây là một ví dụ cho thấy, khi đã có quy định rõ ràng, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải quyết tâm, làm triệt để hơn. Bên cạnh đó, còn có sự giám sát của thị trường, người dân, báo chí…. (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục