tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 21-09-2018

  • Cập nhật : 21/09/2018

Bất chấp tranh cãi thương mại, giao thương về năng lượng vẫn mạnh

Buôn bán năng lượng với Trung Quốc sẽ vẫn vững ổn trong dài hạn, bất chấp tranh cãi thương mại leo thang giữa hai nước ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ.

Các quan chức tham dự diễn đàn thường niên Trung - Mỹ về dầu và khí đốt, diễn ra tại Houston, ngày 19/9 cho rằng buôn bán năng lượng với Trung Quốc sẽ vẫn vững ổn trong dài hạn, bất chấp tranh cãi thương mại leo thang giữa hai nước ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc, ông Li Fanrong nhấn mạnh sự hợp tác song phương có khả được mở rộng và thêm nhiều điều khác có thể được thực hiện để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Theo ông, có sự hợp tác hiệu quả giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, quan chức Vụ Năng lượng Hóa thạch thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, ông Steve Winberg cũng nêu rõ: "Sự hợp tác về năng lượng có khả năng tiếp diễn trong dài hạn, bất chấp các vấn đề thương mại ngắn hạn tác động đến hành trình điều chỉnh những thỏa thuận thương mại toàn cầu của chúng ta".

Diễn đàn trên được khởi động một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa có giá trị 60 tỷ USD nhập từ Mỹ, trong đó có mức thuế 10% đối với các sản phẩm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, để đáp trả việc Mỹ thông báo sẽ áp thuế mới đối với các sản phẩm xuất khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, trong đó có thiết bị điện tử, đồ nội thất và hóa chất.

Bất chấp tình hình căng thẳng thương mại, một số chuyên gia tham dự diễn đàn cho hay họ lạc quan về mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng giữa Bắc Kinh và Washington và điều này sẽ làm thay đổi thuế “ăn miếng trả miếng”.

Xuất khẩu các chế phẩm từ dầu và LNG sang Trung Quốc đã ngày càng tăng mạnh trong hai năm qua. Trong nửa đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu 300.000 thùng dầu thô/ngày sang Trung Quốc, còn trong thời gian từ đầu năm đến tháng Bảy đã xuất khẩu 56 chuyến hàng LNG sang nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này, lên tới gần 190 tỷ phút khổi (ft3) khí tự nhiên tổng cộng. (1 ft3 = 0,0283 m3).

Trung Quốc nhập khẩu gần 10% tổng LNG xuất khẩu của Mỹ. Mỹ đã xuất khẩu hơn 1.300 ft3 khí tự nhiên kể từ khi hoạt động xuất khẩu LNG bắt đầu vào năm 2016, nhờ sự bùng nổ của dầu khí đá phiến.

Tuần trước, DOE dự báo xuất khẩu LNG sẽ tăng lên đạt trung bình 9,9 tỷ ft3/ngày trong năm 2018, tăng 15% so với mức của năm 2017.(TTXVN)
----------------------------

Lĩnh vực dịch vụ tài chính ASEAN sẽ vượt xa các thị trường khác

PwC cho rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính của ASEAN sẽ vượt xa các thị trường khác, bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ của ngành này trong khoảng thời gian từ năm 2005-2016.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ vượt xa các thị trường khác. Ảnh: reuters

PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, mới đây đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng của khu vực dịch vụ tài chính ASEAN, cho rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ vượt xa các thị trường khác, bất chấp sự gia tăng mạnh mẽ của ngành này trong khoảng thời gian từ năm 2005-2016 có dấu hiệu chậm lại trong vài năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, báo cáo của PwC đã được đề cập trong bài viết “Triển vọng của khu vực dịch vụ tài chính ASEAN” của tác giả Eijas Ariffin đăng tải trên trang mạng ASEAN Post ngày 19/9.

Trong đó, nêu bật thành quả kinh tế mà nên kinh tế ASEAN đạt được trong 20 năm qua, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Đó là nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên ASEAN hiện có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2.400 tỷ USD, và là nền kinh tế lớn thứ ba phát triển nhanh nhất châu Á, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bài viết khẳng định cuộc khủng hoảng tài chính với tính chất lây lan trong khu vực Đông Nam Á mang lại cơ hội xây dựng nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế cho hầu hết các quốc gia.

Một trong những nền tảng góp phần thúc đẩy tăng trưởng là nhân tố dịch vụ tài chính của khu vực gia tăng nhanh chóng.

Chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2005, lĩnh vực này đã đóng góp hơn 20 tỷ USD cho các nền kinh tế của Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Trong năm 2016, Indonesia lần đầu tiên vượt Singapore để trở thành thị trường dịch vụ tài chính lớn nhất trong ASEAN về mặt giá trị tổng tài chính (GVA).

Báo cáo của Pwc cho rằng sự tăng trưởng của ngành dịch vụ tài chính được cho là đang được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính gồm sự gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng, tiến bộ của công nghệ tài chính, và sự hội nhập không ngừng của ASEAN.

Trong khi đó, nền kinh tế của các nước ASEAN phát triển đã tạo ra các tầng lớp trung lưu của khu vực. Hiện có 87 triệu hộ gia đình trung lưu ở Đông Nam Á và con số này dự kiến sẽ đạt 116 triệu vào năm 2020.

Mức thu nhập của các tầng lớp trung lưu này tăng sẽ làm tăng nhu cầu về các công cụ tài chính và như vậy có thể tạo thuận lợi cho việc mua dịch vụ và sản phẩm giá trị cao hơn.

Nắm bắt được nhu cầu về dịch vụ tài chính, nhiều công ty công nghệ tài chính đã bắt đầu thiết lập hệ thống cửa hàng trong khu vực.

Kết hợp với việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều của người dân trong khu vực và tỷ lệ truy cập Internet ngày càng cao của người dân, các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số được dự báo gia tăng theo cấp số nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho khu vực dịch vụ tài chính ASEAN trong thời gian tới, hiện vẫn tồn tại rất nhiều trở ngại mà các nước ASEAN phải vượt qua.

Trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu cách tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản.

So với Thái Lan, Maylaysia và Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Campuchia là các quốc gia tụt hậu hơn trong lĩnh vực thâm nhập ngân hàng.

Sự gia tăng của việc sử dụng ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số có thể giúp người dân ở các quốc gia này không cần phải gửi tiền vào ngân hàng, nhưng các dịch vụ như vậy rất hạn chế.

Nếu không có cơ sở hạ tầng ngân hàng và tài chính phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân sẽ vẫn ở mức thấp.

Việc thiếu khả năng tiếp cận tài chính cũng sẽ tạo ra các vấn đề khác cho ngành dịch vụ tài chính. Ngành dịch vụ tài chính chủ yếu dựa vào các giao dịch không dùng tiền mặt, có thể là kỹ thuật số hoặc thông qua ghi nợ và tín dụng.

Vì nhiều người dân trong khu vực không có quyền tiếp cận tài chính, điều này đã tạo ra một xã hội vẫn ưa thích phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

Báo cáo của PwC nhấn mạnh 3 rào cản chính hiện nay trong việc chuyển từ tiền mặt sang thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, đó là các quốc gia vẫn thiếu điểm bán hàng (POS), khả năng tương tác thấp và khối lượng thanh toán thấp.

PwC nhận định hiện tại khu vực dịch vụ tài chính của Đông Nam Á đã có tất cả các thành phần phù hợp để phát triển, nhưng vẫn còn những khoảng trống lớn cần phải được lấp đầy.

Tuy nhiên, đó không phải là trách nhiệm của bất kỳ một đối tượng cụ thể nào, của chính phủ hay của các ngân hàng.

Theo PwC, để đảm bảo sự tăng trưởng liên tục bền vững, đòi hỏi các khâu, các mắt xích trong hệ thống phải phát huy vai trò một cách hiệu quả (Bnews)
-----------------------

Truyền thông Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ cuộc chiến thuế quan

Hàng loạt kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng các bài xã luận thể hiện sự ủng hộ quyết định của Bắc Kinh về việc áp dụng các biện pháp trả đũa Washington trong cuộc chiến thương mại hiện tại.

"Để ứng phó với cuộc chiến thương mại, điều Trung Quốc thực sự nên làm là tập trung làm tốt việc của mình", People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, viết.

Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ coi cuộc chiến thương mại với Mỹ là "thời cơ để tiến hành thay thế hàng hóa nhập khẩu, thúc đẩy nội địa hóa hoặc phát triển nền sản xuất tiên tiến hướng đến xuất khẩu”.

Trung Quốc hôm 18/9 thông báo sẽ áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Đây là biện pháp đáp trả sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 17/9 tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9. Thuế suất này sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Bắc Kinh sẽ vượt qua cuộc chiến tranh thương mại này và "sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn”, tờ China Daily cảnh báo trong một bài xã luận đăng ngày 18/9.

“Nếu chính quyền Mỹ thực sự muốn chấm dứt cuộc cuộc chiến thương mại, họ nên tỏ ra có thiện chí hơn, có một cách tiếp cận thực tế và hướng đến giải quyết căng thẳng”, tờ báo viết. “Cuộc chiến thương mại sẽ không làm Trung Quốc khuất phục trước sức ép đến từ Mỹ”.

Nhiều người dự đoán ông Trump sẽ đáp trả động thái mới này bằng việc áp đặt những biện pháp mới.

Trong tuyên bố hôm 17/9, tổng thống Mỹ cho biết: “Nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào nông dân hoặc những ngành công nghiệp khác của Mỹ, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển sang giai đoạn thứ ba, tiếp tục đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc".(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục