tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-09-2018

  • Cập nhật : 22/09/2018

Không bán được đậu tương cho Trung Quốc, Mỹ xuất khẩu sang châu Âu

Sau khi bị Trung Quốc áp thuế đậu tương 25%, Mỹ đã trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho châu Âu...

Mỹ đã vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho thị trường châu Âu. Đây được xem là một kết quả của thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương - hãng tin Reuters cho hay.

Theo dữ liệu do Reuters thu thập được ngày 20/9, trong vòng 12 tuần tính đến trung tuần tháng 9, đậu tương Mỹ chiếm khoảng 52% nhập khẩu đậu tương của EU, tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1,47 triệu tấn.

Cùng kỳ năm 2017, Mỹ chỉ chiếm 25% nhập khẩu đậu tương của EU.

Cũng trong 12 tuần nói trên, Brazil chỉ còn chiếm 40% thị trường nhập khẩu đậu tương có quy mô 35 triệu tấn mỗi năm của châu Âu.

Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker hứa với Tổng thống Donald Trump rằng châu Âu sẽ tăng nhập khẩu đậu tương Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ không tăng thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ châu Âu. Thỏa thuận này đã giúp ngăn nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-châu Âu.

Các số liệu về nhập khẩu đậu tương của EU cho thấy khối này có vẻ đang thực thi đúng thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng việc châu Âu tăng mua đậu tương Mỹ chủ yếu là kết quả của diễn biến giá cả trên thị trường toàn cầu.

Do Trung Quốc đã áp thuế 25% lên đậu tương Mỹ, các nhà nhập khẩu đậu tương Trung Quốc chuyển sang mua đậu tương Brazil. Từ tháng 6, Trung Quốc đã gần như dừng mua đậu tương Mỹ.

Điều này khiến giá đậu Mỹ giảm xuống mà giá đậu Brazil lại tăng. Vì vậy, các nhà nhập khẩu đậu tương châu Âu tất yếu sẽ tăng mua đậu Mỹ. Hiện tại, châu Âu không có hàng rào thương mại nào đặt ra đối với đậu tương Mỹ.

Ngoài thỏa thuận tăng mua đậu tương Mỹ và không áp thuế lên xe hơi châu Âu, hai bên còn đang thảo luận nhằm đi đến một thỏa thuận lớn hơn để cắt giảm thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với châu Âu. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này được dự báo sẽ không dễ dàng và sẽ mất nhiều thời gian. (Vneconomy)
-------------------------

Gần 60% sắt, thép Việt xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á

Thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam là các quốc gia ở Đông Nam Á, chiếm tới 57,6% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắt thép tăng mạnh gần 41% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,05 triệu tấn, tương đương 2,99 tỷ USD. Giá sắt thép xuất khẩu trung bình trong tháng 8/2018 tăng trên 14% so với năm 2017.

Gần 60% sắt, thép Việt xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á - Ảnh 1.

Gần 60% sắt, thép xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á. (Ảnh: Báo Đầu Tư)

Khu vực Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam. Trong đó, thị trường Campuchia chiếm 34,9% trong tổng kim ngạch sắt thép xuất khẩu. Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan cũng là những nước nhập khẩu thép lớn của Việt Nam.

Đứng sau khu vực Đông Nam Á là thị trường Mỹ. Xuất khẩu sang thị trường EU tăng mạnh 65% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 364.408 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép sụt giảm mạnh từ 30% - 95% ở các thị trường Thụy Sỹ, Saudi Arabia, Pakistan, Australia, Tây Ban Nha.(VOV)
--------------------

Cua hoàng đế Mỹ sẽ 'tấn công' thị trường Việt

Mới đây, Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM và Hiệp hội xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Hoa Kỳ đã phối hợp tổ chức chương trình quảng bá hải sản Hoa Kỳ.

Theo đó, một số hải sản của Hoa Kỳ có vẻ không xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt, sự xuất hiện của cua hoàng đế trên các kệ siêu thị có mức giá cả gần chục triệu đồng/con vẫn bán khá chạy. Theo giới am hiểu , giá cao vì nguồn hàng hiếm. Nhưng trong tương lai, cua hoàng đế sẽ bày bán rộng rãi và nguồn hàng dồi dào.

Bà Colleen Coyne, phụ trách chương trình hải sản, Hiệp hội xuất khẩu hải sản vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cho biết: "Chúng tôi đang xúc tiến tìm các nhà nhập khẩu Việt Nam có uy tín để kết nối kinh doanh. Thị trường Việt Nam đang rất tiềm năng với hải sản Hoa Kỳ".

Bà Colleen Coyne cũng cho biết, tính đến hết tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt 39 triệu USD.

Xuất khẩu nông nghiệp của Hoa Kỳ đã tăng trưởng đáng kể trong 10 năm qua, từ 1 tỉ USD năm 2008 lên 3 tỉ USD năm 2017. Riêng lĩnh vực hải sản có một sự tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu hải sản của Hoa Kỳ vào Việt Nam từ 8 triệu USD năm 2008 lên 115 triệu USD năm 2017. Với thành quả này thì Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 9 của Hoa Kỳ về hải sản.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục