tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 20-06-2017

  • Cập nhật : 20/06/2017

Doanh thu ngành bột nêm sụt giảm nhất trong 3 năm qua?

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, năm 2016 giá trị tiêu thụ bột nêm ở khu vực thành thị bốn thành phố lớn chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng. Đây là sự sụt giảm lớn nhất trong vòng ba năm trở lại, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, chủ yếu là do giảm lượng người mua.

Cùng nhận định trên, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết năm 2016 tăng trưởng sản lượng đối với hạt nêm, gia vị nêm sẵn chỉ tăng 1%.

Trong báo cáo về Sức khỏe và sự nhạy cảm với các thành phần nguyên liệu của Nilesen cũng chỉ ra 72% người Việt Nam cho biết họ theo một chế độ ăn uống đặc biệt để hạn chế hoặc không tiêu thụ một số loại thực phẩm hoặc một vài thành phần nguyên liệu thực phẩm.

Đáng chú ý trong các thành phần nhạy cảm mà người tiêu dùng Việt Nam muốn tránh đứng đầu là Chất bảo quản nhân tạo, màu sắc nhân tạo, hương vị nhân tạo.

Doanh thu ngành bột nêm sụt giảm nhất trong 3 năm qua? - ảnh 1
Chỉ duy nhất dòng hạt nêm từ rau củ đang tăng trưởng

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty  Kantar Worldpanel cho hay NTD đã bắt đầu làm quen cũng như dùng thử các sản phẩm gia vị mới như gia vị tạo món, các loại nước sốt như dầu hào, tương cà, mayonnaise….

Số liệu từ Kantar Worldpanel sản lượng bột nêm tiêu thụ bình quân khoảng 2.4 kg/năm/ hộ gia đình ở thành thị, còn ở nông thôn khoảng 1.8kg/năm/ hộ gia đình. (PLO)
-----------------------------------

Đau đầu vì kẹt hàng ở cảng Cát Lái

 Hơn 100.000 tấn hạt điều thô mà các doanh nghiệp nhập về chế biến đang bị ùn ứ tại các cảng khiến doanh nghiệp đau đầu vì tăng chi phí và xáo trộn kế hoạch kinh doanh. 

un u lan oto tren xa lo ha noi, doan gan nut giao thong cat lai - anh: mau truong

Ùn ứ làn ôtô trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần nút giao thông Cát Lái - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo các doanh nghiệp, tình trạng trên còn tiếp tục kéo dài nếu như các cơ quan chức năng không sớm giải quyết trong điều chỉnh giao thông để các xe chở hàng được lưu thông thuận tiện hơn.

Kẹt cả cảng đi lẫn cảng đến

Năm 2017, Công ty TNHH Tấn Toàn (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) dự kiến nhập khẩu khoảng 8.000 tấn hạt điều thô từ châu Phi về chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, đã gần hết tháng 6 nhưng lượng điều nhập về kho của doanh nghiệp mới chỉ đạt trên 1.000 tấn.

Nhiều lô hàng doanh nghiệp đã thanh toán rồi và lẽ ra đã về đến VN vào đầu tháng 5 nhưng đến nay cũng chưa biết khi nào mới tới kho.

Ông Đỗ Tấn, giám đốc Công ty TNHH Tấn Toàn, cho biết các nhà xuất khẩu châu Phi thông báo họ không tìm được tàu để giao hàng đúng hẹn và cũng không chắc chắn các lô hàng tiếp theo có giao đúng hạn hay không.

“Đây là tình trạng chung của cả ngành điều khi mà chuyện thiếu tàu, ùn ứ tại cảng đi, cảng trung chuyển xảy ra” - ông Tấn nói.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều cũng cho hay dù tàu có về đến VN rồi thì cũng còn lâu doanh nghiệp mới nhận được hàng. Bởi tình trạng kẹt cảng không chỉ diễn ra ở các nước xuất khẩu mà còn ở tại cảng VN, nhất là cảng Cát Lái.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến hạt điều tại TP.HCM cho biết theo kế hoạch trong tháng 6 này công ty sẽ nhập về kho 20 container hạt điều từ châu Phi. Nhưng do đối tác không tìm được tàu nên họ giao thành nhiều đợt, về tới VN bị kẹt tại cảng Cát Lái nên đến nay vẫn còn 4 container chưa lấy được hàng ra.

Ngày càng trầm trọng

Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - đơn vị quản lý địa bàn cảng Cát Lái, số lượng tờ khai lẫn số container về cảng vẫn bình thường, không có hiện tượng tăng đột biến. Trung bình mỗi tuần nơi này xử lý khoảng 7.000 tờ khai, trong đó 3.000 tờ khai xuất, 4.000 tờ khai nhập.

“Hiện tượng ùn ứ hàng hóa có thể rơi vào từng thời điểm nhưng đây chưa phải là mùa cao điểm như tết nên không có chuyện quá tải” - vị này cho biết.

Còn đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý cảng Cát Lái, cho biết hiện mặt hàng cà phê, hạt điều đang vào mùa xuất khẩu nên số xe tải chở hàng này hoạt động khá tấp nập. Tuy nhiên, một số cầu cân tại khu vực cảng đang gặp phải tình trạng quá tải do tài xế chở điều, cà phê... phải vào trạm cân hàng.

Đại diện công ty cũng thừa nhận tình trạng xe hàng bị kẹt khi ra khỏi cảng xảy ra khá thường xuyên do đường vào cảng đang bị quá tải. Đặc biệt hiện xe vào cảng để giao nhận hàng quá đông, trong khi số xe được vào cảng có hạn, những xe sau phải xếp hàng ngoài đường dẫn đến tình trạng ùn ứ.

Theo các công ty dịch vụ vận tải, tình trạng kẹt xe, ùn ứ hàng hóa ở cảng Cát Lái đã diễn ra nhiều năm và ngày càng trầm trọng. Giám đốc một công ty logistics có trụ sở ở Q.Tân Bình cho biết nhiều thời điểm tàu về tới VN nhưng không thể cập được cảng, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất đứng ngồi không yên.

“Hàng chậm ngày nào là nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, chậm tiến độ. Chưa kể, thời gian vận chuyển kéo dài làm cho nguyên liệu bị giảm chất lượng. Một số trường hợp được báo thời gian cụ thể, nhưng cũng có nhiều tình huống không biết khi nào dỡ được hàng. Thế là chúng tôi phải điều chỉnh tờ khai thông tin hàng hóa với hải quan, chuyển hàng về cảng Cái Mép chấp nhận phát sinh một loạt thủ tục, chi phí” - ông này cho biết.(Tuoitre)
--------------------------

Tồn 9,3 triệu tấn than, 4.000 lao động TKV nguy cơ mất việc

Giữa lúc 9,3 triệu tấn than đang bị tồn kho, 4.000 lao động của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) có nguy cơ mất việc khi ngành điện dự kiến giảm mua 2 triệu tấn trong năm nay.

ong mai tien dung de nghi tkv phai co ngay giai phap tieu thu 9,3 trieu tan than - anh: n.an

Ông Mai Tiến Dũng đề nghị TKV phải có ngay giải pháp tiêu thụ 9,3 triệu tấn than - Ảnh: N.AN

Bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng rằng ngành than cần có ngay giải pháp để giải quyết lượng tồn kho lên tới hơn 9 triệu tấn, gắn với nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và tái cơ cấu hoạt động. 

Các nội dung trên được Bộ trưởng Dũng đưa ra tại buổi làm việc của Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các giải pháp về tăng trưởng tại Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam sáng ngày 19-6 tại Hà Nội.

Lo tiêu thụ 9,3 tấn than tồn của TKV

Dù năng suất lao động đã tăng lên, từ 216 tấn/người/năm lên 1.350 tấn/người/năm, nhưng ông Đặng Thanh Hải, tổng giám đốc TKV, cho biết giá thành sản xuất than vẫn tăng do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn, suất đầu tư, chính sách thuế, phí, tiền lương...

Tuy nhiên, mức tăng chi phí của tập đoàn này, theo ông Hải, lên đến gần 10.000 tỉ đồng, và đặc biệt là  tồn kho than tính đến tháng 6-2017 ở mức 9,3 triệu tấn.

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị giảm mua than từ TKV với khối lượng lên đến 2 triệu tấn so với kế hoạch.

Điều này được cho là sẽ gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh khi lượng than tồn kho tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến người lao động.

“Nếu tính toán theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 thì khoảng 4.000 người lao động sẽ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa” – ông Hải lo ngại.

Ông Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo để EVN và PVN "chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV" đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than sản xuất trong nước, gắn với các chính sách thuế, phí giúp TKV tiêu thụ than tồn cũng như cho phép TKV xuất khẩu không phụ thuộc vào hạn ngạch.

Nâng năng suất, giảm bao cấp

Với lượng than đang tồn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng nếu không sớm có giải pháp thì đây sẽ là vấn đề trở ngại cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của tập đoàn bởi để đóng góp vào mức tăng trưởng chung, TKV phải phấn đấu đạt được 0,8 điểm phần trăm.

Ông Dũng cho rằng một mặt Chính phủ quan tâm đến các cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để tập đoàn hạ giá thành sản phẩm, mặt khác TKV phải nỗ lực đổi mới quản trị, giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Theo đó, bên cạnh việc kiểm tra việc hoàn thành 66 nhiệm vụ đã giao, Tổ công tác sẽ kiểm tra việc thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng.

Truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trước mắt TKV cần tập trung giải quyết xử lý các sản phẩm tồn đọng, đặc biệt là 9 triệu tấn than tồn kho, gắn với đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan cũng như ngăn chặn tình trạng khai thác than trái phép, than lậu, giảm thất thoát.

Thêm nữa, TKV cần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, theo đó, đối với các dự án dừng triển khai, ông Dũng yêu cầu phải có phương án xử lý để không thất thoát vốn đầu tư, đảm bảo hoạt động.

Theo báo cáo hiện TKV đầu tư khoảng 450 dự án, với tổng vốn đầu tư là 198.000 tỉ đồng. 

Bộ trưởng Dũng yêu cầu TKV phải nâng cao hiệu quả đầu tư, cắt giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng suất, năng lực quản trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng tăng tính tự chủ về tài chính, tổ chức của các đơn vị sự nghiệp.

“TKV cần phải tập trung tái cơ cấu tập đoàn, trong đó cần quan tâm xây dựng phương án sản xuất kinh doanh tài chính, đầu tư, dòng tiền, thay đổi phương thức hạch toán, tránh hình thức bao cấp, giao chỉ tiêu cho các đơn vị, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

6 tháng đầu năm 2016 doanh thu TKV đạt 53.538 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch. Tình hình tài chính dần được cải thiện, lợi nhuận dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng, nộp ngân sách ước đạt 6.300 tỉ đồng. (Tuoitre)
-----------------------------

Samsung: 201 nhà cung cấp Việt Nam, tỉ lệ nội địa hóa 57%

Samsung Electronics Việt Nam cho biết hãng đã có 201 nhà cung cấp nội địa của Việt Nam tăng mạnh so với con số chỉ 4 doanh nghiệp vào năm 2015 và tỉ lệ nội địa hóa đạt 57%.

tai mot co so san xuat bao bi cho samsung tai ha noi - anh: t.huong

Tại một cơ sở sản xuất bao bì cho Samsung tại Hà Nội - Ảnh: T.HƯƠNG

Theo thông tin từ Samsung Electronics Việt Nam, số liệu cập nhật đến hết tháng 4-2017, số doanh nghiệp Việt Nam (không gồm các doanh nghiệp FDI) đã trải qua các bước thẩm định và chính thức trở thành nhà cung cấp (vendor) cho hãng này đã đạt con số 201 doanh nghiệp. 

Trong số đó có 23 doanh nghiệp là vendor cấp 1 và 178 doanh nghiệp là vendor cấp 2 (tức cung cấp cho Samsung qua 
các vendor cấp 1).

Con số trên cho thấy mức tăng khá mạnh khi năm 2015, chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là vendor cấp 1 của Samsung và trong các cuộc hội thảo mời gọi hợp tác của Samsung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó còn cho rằng các yêu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng... của Samsung quá cao, khó đáp ứng.

Hiện 201 doanh nghiệp trên đang cung cấp phụ kiện cho 3 nhà máy Samsung tại Việt Nam là Samsung Electronics VN (SEV), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) và tổ hợp Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Cũng theo báo cáo của Samsung, tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm tại Việt Nam của hãng này đã tăng từ 35% năm 2014 lên 57% tại thời điểm tháng 4-2017.

Trả lời Tuổi Trẻ về cách tính tỉ lệ nội địa hóa, đại diện Samsung cho biết 57% là tỉ lệ trên tổng giá trị một sản phẩm Samsung được tạo ra tại Việt Nam (bao gồm cả chi phí nhân công, linh kiện do các nhà cung cấp nội địa và nước ngoài làm ra tại Việt Nam)(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục