tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-06-2017

  • Cập nhật : 20/06/2017

"Phù thủy tài chính" Suze Orman chỉ ra sai lầm về tiền bạc mà 100% chúng ta đều mắc phải

Suze Orman cho rằng, tất cả con người đều muốn thoát khỏi nợ nần, tăng thu nhập, mua nhà và nghỉ hưu sớm. Nhưng khi đã kiếm đủ tiền để biến những điều mong muốn trên thành hiện thực, chúng ta lại không biết phải làm gì với số tiền đó.

Suze Orman là một MC kiêm nhà tư vấn nổi tiếng của kênh truyền hình CNBC. Bà được mệnh danh là vị phù thủy có uy tín nhất trong giới tài chính nước Mỹ với khả năng giải quyết những khó khăn về ngân sách xuất sắc và tác phong làm việc rất chuyên nghiệp theo từng giai đoạn: hỏi chi tiết, động viên và phân tích tâm lý, đưa ra tư vấn tối ưu nhất. Trong một hội nghị gần đây tại Miami, bà đã đưa ra lời khuyên bổ ích cho những ai muốn sống một cuộc sống thoải mái về tài chính.

Theo Suze, con người thường đặt cho mình những mục tiêu về tài chính như mua nhà, trả hết nợ và nghỉ hưu sớm, nhưng khi đã kiếm đủ tiền, họ không biết phải làm gì tiếp theo. Điều mà bà quan ngại đó là mọi người chỉ tập trung vào việc kiếm tiền mà không chú trọng đến quản lý tài chính và kế hoạch chi tiêu.

Vì tiền bạc và thị trường có bản chất dễ thay đổi nên Suze Orman đã không ngừng khuyên người dân: hạn chế đầu tư, chú trọng tới an toàn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động như ngày nay. Bà cho rằng, bạn nên cảnh giác với những người tư vấn tài chính và lời kêu gọi đầu tư vì những người này có thể sẽ đưa ra cho bạn lời mời nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất không hề sinh lợi nhuận cho bạn, thậm chí là lỗ vốn.

Ngay cả khi đủ tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, bạn vẫn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính vì chưa thanh toán thẻ tín dụng và các khoản nợ sinh viên. Điều quan trọng bạn cần làm lúc này là không nên dồn tiền vào các dự án kinh doanh mà mình không chắc chắn, thay vào đó, hãy thanh toán hết các khoản nợ trước khi tiền lãi tăng lên một con số khổng lồ.

Suze cũng nhấn mạnh, để đạt được tất cả các mục tiêu tài chính, ngoài việc kiếm tiền, bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi chi tiền. Ví dụ, khi mua nhà, hãy tham khảo mức giá ở nhiều nơi khác nhau và hỏi kinh nghiệm của những người quen từng mua nhà để không bị mua nhà với mức giá trên trời.

Cuối cùng, Suze Orman bày tỏ quan niệm của mình về tiền bạc. Theo bà, tiền bạc không phải là tất cả, con người mới là nhân tố quan trọng trước nhất. Orman nhấn mạnh: "Nếu bạn muốn một cuộc sống giàu có, bạn phải nắm giữ quyền làm chủ đối với sự nghiệp, tiền tài và cuộc sống cá nhân của mình”. (CafeF)
--------------------------------

Hơn 30% lao động nước ngoài ở Việt Nam có quốc tịch Trung Quốc

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia, trong đó, lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 30,9% (tương ứng hơn 25.700 người).

Đây là số liệu được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện bảo hiểm xã hội đối với người lao động là công dân nước ngoài và triển khai các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/6 tại Hà Nội.

Báo cáo về tình hình người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cho thấy, chỉ trong vòng hơn 10 năm số lao động người nước ngoài ở Việt Nam tăng từ hơn 12.600 người năm 2004 lên đến hơn 83.500 người năm 2015. Lao động thuộc diện được cấp phép chiếm tới hơn 93% số lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đông lao động người nước ngoài làm việc nhất với hơn 20.300 người, chiếm tới 24,3%, tiếp theo là Bình Dương với hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Tĩnh hơn 7.000 người (8,4%), Hà Nội 6.386 người (chiếm 7,6%), ĐỒng Nai 6.205 người (7,4%)…

Lao động người nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc (hơn 15.300 người), Đài Loan (hơn 10.700), Nhật Bản (hơn 7.900 người)…

Số lượng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng đòi hỏi cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền của người lao động di cư, đặc biệt là quyền đối xử bình đẳng về an sinh xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam đã quy định người lao động nước ngoài sẽ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ năm 2018.

Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Đối tượng áp dụng của nghị định sẽ là người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động tại Việt Nam và cả người sử dụng lao động.”

Hiện nay, dự thảo nghị định đang đưa ra 2 phương án lấy ý kiến, theo đó phương án 1 là thực hiện bắt buộc lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2018. Còn với phương án 2, từ 1/1/2018 lao động người nước ngoài tham gia 3 chế bộ bảo hiểm ngắn hạn là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; đến 1/1/2020 người lao động tham gia thêm 2 chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất (TTXVN)
-------------------------------------

TP.HCM gọi vốn PPP vào 6 lĩnh vực ưu tiên

TP.HCM đang rốt ráo thực hiện những giải pháp để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP).

“Rào cản” làm khó nhà đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trước khi Nghị định số 15 của Chính phủ về PPP được ban hành năm 2015, TP.HCM là địa phương sớm thực hiện việc thu hút các nguồn vốn xã hội cùng với vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước… Đã có 18 dự án được triển khai theo cách này, với tổng vốn đầu tư 59.225 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông.

..

Sau khi Nghị định số 15 được ban hành, Thành phố đã có thêm 5 dự án được triển khai, với tổng vốn đầu tư 11.902 tỷ đồng. “Từ thực tế cho thấy, mô hình PPP khi được sử dụng hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án PPP phát sinh nhiều khó khăn về áp dụng quy định pháp luật liên quan, quỹ thanh toán cho dự án BT không đủ để đáp ứng vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, khó khăn về thể chế thực hiện, phương án tài chính của dự án, phí và lệ phí dịch vụ công…

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, trước khi có Nghị định số 15, Công ty đã thực hiện nhiều dự án PPP, trong đó có những dự án quy mô lớn như cầu Phú Mỹ, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, nhà máy nước BOO Thủ Đức… HFIC đang xúc tiến, chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 74.810 tỷ đồng, trong đó, vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỷ đồng.

“Dù có nhiều nỗ lực, việc triển khai các dự án PPP mà HFIC đang theo dõi, xúc tiến vẫn chậm so với tiến độ đề ra”, đại diện HFIC nói và chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, hành lang pháp lý về PPP hiện là Nghị định số 15. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn phải phụ thuộc vào Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… và các văn bản dưới luật khác. Trong khi đó, các luật này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh các hoạt động đầu tư dự án công. Ngoài ra, do hình thức đầu tư PPP hiện chỉ được điều chỉnh ở mức nghị định, mà việc chỉnh sửa, bổ sung các nghị định diễn ra thường xuyên, nên nhà đầu tư quan ngại về tính ổn định của chính sách.

Thứ hai, các dự án PPP thường có quy mô lớn, quy trình xúc tiến và nghiên cứu, cũng như hồ sơ trình duyệt phải qua nhiều bước, nên thời gian thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính khá lâu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thứ ba, quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT, nhất là ở những vị trí mà nhà đầu tư mong muốn không còn nhiều, quỹ đất sạch không có sẵn, do đó khó khăn trong việc lựa chọn quỹ đất phù hợp để nhà đầu tư có phương án khả thi cho dự án.

Tạo đột phá từ cách làm mới

Trao đổi với các nhà đầu tư trong khuôn khổ một hội nghị về PPP được tổ chức giữa tuần này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Do đó, Thành phố sẽ có nhiều giải pháp, cách làm mới nhằm thu hút đầu tư PPP. Trong đó, 6 lĩnh vực được ưu tiên là môi trường; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; hạ tầng giao thông; dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tính riêng nhu cầu vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập cũng lên đến gần 500.000 tỷ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị… Do đó, vấn đề thu hút đầu tư PPP hiện rất cấp bách. Thành phố sẽ rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện những cách làm mới để thu hút nguồn vốn này.

Ông Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tiêu chí của từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân. Đồng thời, để tăng tính công khai, minh bạch, Sở cần mở chuyên mục riêng trên trang web của sở về nhu cầu đầu tư công của Thành phố, trong đó thông tin cụ thể về danh mục các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP… để các nhà đầu tư nắm đầy đủ thông tin.

“Cách làm mới sẽ tạo bước đột phá về thu hút đầu tư PPP”, ông Phong nói và cho biết, Thành phố sẽ linh hoạt, đa dạng các hình thức chi trả cho nhà đầu tư. Thành phố sẽ sớm hình thành Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ Bù đắp tài chính (VGF) nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP. (Baodautu)
--------------------------

Hà Nội thành lập thêm 2 cụm công nghiệp tại Thường Tín và Gia Lâm

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3644 và 3645 thành lập Cụm công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín) và Cụm công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).

Theo đó, Cụm công nghiệp Duyên Thái có quy mô 18,3ha. Việc thành lập nhằm cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Thường Tín; Tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng các công trình trong cụm công nghiệp. Đồng thời, tạo mặt bằng sản xuất di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư vào sản xuất tập trung; thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cụm công nghiệp Duyên Thái có chức năng phát triển công nghiệp các ngành dây cáp điện, bao bì, sản xuất thép không rỉ, sản xuất các sản phẩm cơ khí….

Đồng thời, đối với việc thành lập Cụm công nghiệp Ninh Hiệp, đây là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng 18 làm Chủ đầu tư, địa điểm xây dựng tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, quy mô 63,6ha.

Việc thành lập Cụm công nghiệp nhằm cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Gia Lâm; Tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng các công trình trên phạm vi đất quy hoạch; Tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Cụm công nghiệp được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: thủ công mỹ nghệ, trang thiết bị trường học, hàng dệt may, giày, hóa mỹ phẩm…; cơ khí, kim khí, điện, điện tử; công nghiệp chế biến; vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ sản xuất gạch.

UBND Thành phố giao công ty cổ phần giao thông Hồng Hà có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý Cụm công nghiệp Duyên Thái, giao Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng 18 có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp Ninh Hiệp.

Thành phố giao UBND huyện Thường Tín có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp Duyên Thái theo quy định hiện hành của Nhà nước; điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất (từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh và đất khu công nghiệp thành đất cụm công nghiệp), báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với Cụm công nghiệp Ninh Hiệp theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý cụm công nghiệp.

Sở Công thương là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. (Baodautu)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục