tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-06-2017

  • Cập nhật : 19/06/2017

Doanh nghiệp tôn thép gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường Indonesia

Quyết định 82/M-DAG/PER/12/2016 của Indonesia nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép vào nuớc này đã áp dụng được nửa năm. Nhiều doanh nghiệp tôn thép trong nước cho rằng quyết định này gây ra những bất hợp lý và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu vào Indonesia.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, ông Trần Ngọc Chu, quyết định này quy định việc nhập khẩu sắt thép vào Indonesia phải tiến hành theo 4 bước.

Nhà nhập khẩu phải xin giấy phép chứng nhận về kỹ thuật từ Bộ Công nghiệp Indonesia, từ đó, Bộ Công nghiệp Indonesia sẽ cấp cho mỗi nhà nhập khẩu một hạn mức nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải nộp hồ sơ cho Bộ Thương mại Indonesia được phê duyệt hạn mức nhập khẩu và nhận được giấy phép. Sau khi nhận được giấy phép nhập khẩu, hàng nhập khẩu phải được kiểm định từ nước xuất khẩu bởi một số tổ chức được chỉ định. Ở Việt Nam, tổ chức kiểm định là Bureau Veritas và mới nhất là Vinacontrol.

Việc chấp hành các thủ tục này sẽ khiến các nhà nhập khẩu thương mại từ Inđonesia gặp khó khăn khi xin hạn mức nhập khẩu. Thực tế, các nhà nhập khẩu này chỉ xin được 20-30% hạn mức mong muốn và thời gian được cấp lại kéo dài.

van chuyen ton thanh pham trong kho de chuan bi xuat khau cung cap ra thi truong tai chi nhanh cua nha may ton hoa sen-phu my, tinh ba ria vung tau. (anh: hoang hai/ttxvn)

Vận chuyển tôn thành phẩm trong kho để chuẩn bị xuất khẩu cung cấp ra thị trường tại chi nhánh của Nhà máy Tôn Hoa Sen-Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Đối với hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen sang Indonesia, ông Trần Ngọc Chu cho hay Quyết định 82 này đã gây khó khăn gián tiếp cho Hoa Sen do hạn mức nhập khẩu được cấp hạn chế, không đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng; khách hàng phải sử dụng hết 80% hạn mức cũ thì mới có thể xin tiếp hạn mức nhập khẩu mới.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và mua hàng từ phía đối tác Indonesia cũng tăng do tập đoàn phải chịu thêm chi phí kiểm định tại Việt Nam.

“Do vậy, để thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh cần hỗ trợ làm việc với Bộ Thương mại Indonesia để đề nghị huỷ bỏ quyết định này," Tổng Giám đốc Trần Ngọc Chu kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á cũng cho rằng quyết định này làm việc xuất hàng từ Việt Nam hay từ Đài Loan (Trung Quốc) vào Indonesia trở nên phức tạp, chi phí bán hàng tăng cao do phát sinh các công đoạn không cần thiết.

Theo ông Trung, hiện Indonesia đã có hệ thống quản lý chất lượng (rào cản kỹ thuật) SNI của riêng họ và các nhà sản xuất như Tôn Đông Á đều phải trả chi phí mời các đơn vị từ Indonesia về nhà máy thực hiện kiểm soát chất lượng hằng năm. Các nhà máy đều đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp chứng nhận SNI để xuất hàng sang Indonesia. Hàng cập cảng cũng được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn trước khi cho nhà nhập khẩu lấy hàng.

Các nhà máy muốn xuất khẩu vào Indonesia cũng phải làm thêm một công đoạn tiền kiểm chất lượng. Công đoạn này được thầu bởi các đơn vị được chỉ định bởi Indonesia như Bureau Veritas, Vinacontrol... và các đơn vị này cử người kiểm soát tới nhà máy khi đang đóng hàng xuất vào Indonesia. Công đoạn này làm cho việc đóng hàng mất thời gian và lãng phí, bởi các đơn vị giám định cũng không nắm rõ là cần kiểm tra những gì.

Bên cạnh đó, Quyết định 82 cũng đưa thêm một số sản phẩm vào danh mục sản phẩm sắt thép cấm nhập khẩu vào Indonesia, nhưng đến nay vẫn chưa rõ mặt hàng thép nào sẽ bị cấm nhập khẩu.

Với những khó khăn trên, ông Nguyễn Thanh Trung kiến nghị: “Chúng tôi hy vọng Cục Quản lý Cạnh tranh có những giải pháp ứng phó kịp thời và thông tin những danh mục sản phẩm thép cấm nhập khẩu vào Indonesia. Việc phía Indonesia đưa ra Quyết định 82 gây cản trở, tạo nhiều thủ tục dư thừa sẽ rất khó khăn cho việc giao thương hai nước."

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết Hiệp hội sẽ tiếp tục tổng hợp những tác động của Quyết định 82 tới việc xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp sang thị trường Indonesia. Đây sẽ là thông tin, căn cứ để cơ quan nhà nước có chương trình hành động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quyết định 82 được Indonesia ban hành nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép vào Indonesia, được áp dụng từ đầu năm 2017 cho tôn kẽm và từ ngày 28/2/2017 cho tất cả các mặt hàng sắt thép khác.

Mục đích của việc ban hành quyết định là buộc các nhà nhập khẩu cắt giảm một phần sản lượng nhập khẩu và chuyển qua mua từ các nhà máy nội địa.(Vietnam+)
----------------------

Ông Đặng Văn Thành sẵn sàng tái cơ cấu Sacombank

Ông Thành đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để quay trở lại Sacombank.

Chia sẻ trước những đồn đoán trở về Sacombank, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), cho biết ông đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để quay trở lại ngân hàng này.

Ông Thành, một trong những người sáng lập ngân hàng Sacombank và từng giữ chức Chủ tịch ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2012, cho biết vì có nhiều đồng nghiệp trong ngành tài chính quan tâm đến việc ông quay lại ngân hàng nên ông cũng sẵn sàng quay trở lại đây.

"Nếu điều kiện thích hợp và thời điểm tôi cảm thấy hưng phấn nhất, tôi sẽ quay lại", ông nói.

"Có gì đó vẫn còn nằm trong máu, tôi yêu và mê nghề này", ông Thành tâm sự sau 5 năm rời khỏi Sacombank. "Đó là tổ chức tôi và các anh em cùng sáng lập. Là một trong những người sáng lập, tôi cảm thấy nhức nhối và thấy rằng mình cũng phải quan tâm một tí."

Ông Thành cũng thẳng thắn cho rằng việc tái cấu trúc của Sacombank như ngày nay là do M&A không chuyên nghiệp 5 năm trước và bản thân Sacombank cần một nhóm tổ chức để tái cấu trúc lại.

Nói về kế hoạch tái cấu trúc mà ông chuẩn bị sẵn, ông chủ cũ của Sacombank cho biết: "Bản thân tôi cũng có làm việc với một số tổ chức tài chính và các định chế tài chính nước ngoài, cụ thể Evercore là đơn vị đầu mối để cùng làm việc. Tôi đi Singapore, Hồng Kong, Mỹ để gặp đối tác và trao đổi thông tin về kế hoạch tái cấu trúc."

Theo đó, ông Thành đưa ra ba nguyên tắc để tái cấu trúc. Một là nhà đầu tư phải có tiền tươi thóc thật. Hai là phải nhận được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước. Ba là nhà đầu tư phải quan tâm và yêu mến ngành tài chính thì tính khả thi mới cao. Ông Thành cũng đã trình lên cơ quan nhà nước để xem xét kế hoạch này và dự tính số tiền để tái cấu trúc Sacombank vào khoảng 1 tỷ USD.

"Nếu ai trong nước mà đủ điều kiện thì đây là một điều tốt cho Sacombank", ông Thành nói.(NCĐT)
------------------------------

Vì sao Amazon lại thâu tóm Whole Foods?

Amazon sẽ trở thành một trong 5 chuỗi cửa hàng tạp hóa hàng đầu ở Mỹ. Để duy trì sự tăng trưởng của mình, Amazon phải nhập vào thị trường này.

Amazon đã thâu tóm chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods vào hôm thứ Sáu với giá 13,7 tỷ USD, tương đương 42USD/cổ phiếu, cao hơn 27% so với giá chốt phiên gần đây nhất của Whole Foods.

Vì sao Amazon lại làm như vậy?

cac thuong vu m&a lon nhat cua amazon toi thoi diem hien tai. anh: market watch/factset.

CÁc thương vụ M&A lớn nhất của Amazon tới thời điểm hiện tại. Ảnh: Market Watch/FactSet.

Đầu tiên, việc mua 440 cửa hàng của Whole Foods tại Mỹ - khá nhiều trong số đó ở các vị trí đắc địa - có thể hỗ trợ mạng lưới dịch vụ giao hàng tạp hóa AmazonFresh.

Các nhà phân tích của hãng Bernstein đã viết trong một bài nghiên cứu rằng: "Để vận chuyển hàng tạp hoá đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, bạn cần phải có hoạt động phân phối (chọn mặt hàng, đóng hàng, và phân phối) ở gần với người tiêu dùng. Các cửa hàng có vị trí lý tưởng để làm điều đó."

Theo các nhà phân tích của Credit Suisse, việc triển khai AmazonFresh đã chậm hơn dự kiến. Dù vậy, việc thâu tóm Whole Foods cũng có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là với "vũ khí" mà Amazon đã công bố hồi tháng 3: AmazonFresh Pickup.

Dịch vụ này cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến, sau đó có thể nhận hàng chỉ trong vòng 15 phút sau đó. Cho đến nay, chỉ có hai địa điểm ở Seattle cho phép thực hiện điều này nhưng AmazonFresh Pickup có thể triển khai đại trà hơn sau vụ thâu tóm Whole Foods.

Theo Credit Suisse, động thái này có thể cải thiện số lượng các mặt hàng cho người sử dụng AmazonFresh, cũng như tăng cường vị thế của Amazon trong việc thương lượng với các nhà cung cấp.

Việc mua lại Whole Foods cũng có thể thúc đẩy các mặt hàng nhãn riêng (private label) của Amazon, vốn là một ngành đang phát triển đều đặn ở Mỹ và các thị trường phát triển khác, theo Bernstein cho biết. Thương hiệu 365 Everyday Value của Whole Foods đã trở nên phổ biến, và Amazon sẽ có thể mở rộng dấu ấn của mình.

Bernstein cho biết trong báo cáo nghiên cứu rằng việc phát triển kinh doanh nhãn hiệu riêng là "tốn nhiều thời gian". Công ty này cho biết thêm: "Thương vụ này có thể giúp Amazon rút ngắn khoảng thời gian đó thông qua một dòng sản phẩm có một mức độ tin cậy cao, dù không rẻ".

Cooper Smith, giám đốc nghiên cứu về Amazon tại L2 Inc, một công ty về thông tin kinh doanh, nói: "Trong 5 năm tới, Amazon sẽ trở thành một trong 5 nhà bán hàng hàng tạp hóa hàng đầu ở Mỹ. Để duy trì sự tăng trưởng của mình, Amazon phải nhập vào thị trường này."

Ngành siêu thị và cửa hàng tạp hoá tại Mỹ có trị giá 611,9 tỷ USD, theo số liệu mới nhất của IBISWorld.

Chuyên gia Nigam Arora cho rằng có sự tương đồng giữa Amazon và Đế quốc La Mã: Người La Mã không ngừng giành lãnh thổ mới, và Amazon cũng vậy. Quân đội La Mã hầu như không có đối thủ, và Amazon cũng vậy. Nhưng liệu Amazon có đi vào vết xe đổ của Đế quốc La Mã là mở rộng quá nhanh mà không kiểm soát nổi hay không?(NCĐT)
-------------------------

Arab Saudi tung chiêu mới để thúc đẩy giá dầu

Arab Saudi đang giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ, nhằm giảm lượng tồn kho dầu tại Mỹ.

Sự trượt giá không ngừng của giá dầu đang gây áp lực lên Arab Saudi và các nhà sản xuất dầu lớn khác, và chiến thuật tiếp theo của họ có thể là giảm lượng hàng tồn kho dầu mỏ của Mỹ.

Dữ liệu tồn kho hàng tuần của Mỹ có lẽ là nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên và sẵn có với nhà đầu tư nhất, nó cho biết tình trạng tồn kho dầu của Mỹ và các thông tin khác, bao gồm lượng dầu nhập khẩu, xuất khẩu và sản xuất ở Mỹ.

Arab Saudi, vốn có một nhà máy lọc dầu lớn ở vùng Gulf Coast của Mỹ, được cho là có ý định giữ lại một lượng dầu mà lẽ ra sẽ được xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 7. Điều đó có thể được thể hiện ngay trong dữ liệu nhập khẩu và tồn kho dầu của Mỹ của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) như một tín hiệu lạc quan cho giá dầu.

John Kilduff của Again Capital cho biết: "Tôi nghĩ rằng kế hoạch kế tiếp của họ là giảm xuất khẩu dầu sang Mỹ để tạo ra một sự suy giảm trong báo cáo của EIA. Nó sẽ làm cho tồn kho có vẻ đang thực sự giảm xuống."

Kilduff cho biết, trong số lượng dầu nhập khẩu khoảng 8 triệu thùng/ngày vào nước Mỹ trong tuần trước, Saudi Arabia cung cấp khoảng 1 triệu thùng/mỗi ngày. Ông nói rằng nước này có thể giảm xuất dầu vào Mỹ từ 100.000 đến 250.000 thùng / ngày.

"Arab Saudi hiểu được tầm quan trọng của việc thay đổi số liệu ở Mỹ và ra dấu hiệu rằng họ sẽ giảm lượng dầu nhập vào Mỹ", Helima Croft, phụ trách chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, cho biết. Bà nói rằng Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đã nêu rõ rằng việc giảm xuất khẩu dầu vào Mỹ là một lựa chọn.

Croft cho biết: "Đây là thời điểm tốt để thực hiện chiến lược giảm nguồn cung bởi vì nước Mỹ đang bước vào mua cao điểm về sử dụng năng lượng". Saudi Arabia sẽ tăng sử dụng dầu tại thị trường trong nước mình vào những tháng hè.

Báo cáo EIA vào thứ 4 vừa qua cho thấy sản lượng dầu thô giảm 1,7 triệu thùng cho tuần kết thúc ngày 9/6/2017, thấp hơn dự kiến, trong khi dự trữ xăng tăng 2,1 triệu thùng.

Dầu thô cũng đang chịu áp lực trong tuần này sau khi OPEC báo cáo nguồn cung dầu tăng lên từ Libya và Nigeria, trong khi OPEC và Nga gần đây đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng mỗi ngày thêm 9 tháng nữa.

Sản lượng của Mỹ đã lên 9,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước so với mức 9,2 triệu thùng/ngày của tuần trước nữa.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng cung dầu ngoài  OPEC sẽ tăng lên 660.000 thùng/ngày trong năm nay, nhưng sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm tới, vượt xa mức tăng nhu cầu.

Việc nhắm đến số liệu tồn kho của Mỹ không phải là điều gì bất ngờ. OPEC đã nói rằng các nhà giao dịch chú ý quá nhiều đến dữ liệu ở Mỹ và tồn kho dầu toàn cầu đã giảm.

"Số liệu của Mỹ là dễ tiếp cận hơn hầu hết các số liệu khác. Việc xuất khẩu dầu sang Mỹ ít hơn có thể sẽ giúp thay đổi cái nhìn của các nhà giao dịch, nhưng liệu là Arab Saudi họ có đang chuyển dịch từ Mỹ sang châu Á hay không. Vì nếu tồn kho dầu giảm xuống sẽ sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường ", Eric Lee, nhà phân tích năng lượng của Citigroup cho biết.

Hiện tại giá dầu giao dịch ở mức hơn 44 USD/thùng đối với dầu WTI (tại Mỹ) và gần 47 USD/thùng đối với dầu Brent, rời xa mốc 50 USD/thùng sau đợt giảm giá mạnh vừa qua.  Mức thử thách tiếp theo là 40 USD. Ông Lee cho biết ông mong đợi  tồn kho dầu sẽ tiếp tục giảm, và dầu khó mà giảm xuống mức 40 USD/thùng.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục