tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-06-2017

  • Cập nhật : 19/06/2017

Trung Quốc nới lỏng hạn chế đối với 27 hạng mục đầu tư nước ngoài

Tân Hoa Xã đưa tin Chính phủ Trung Quốc ngày 17/6 đã chính thức ban hành bản hướng dẫn về danh mục thu hút đầu tư nước ngoài mới được sửa đổi, với mục đích nới lỏng những hạn chế đối với quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài trong 27 hạng mục thuộc tám lĩnh vực ngành nghề khác nhau tại các khu thí điểm thương mại tự do (FTZ), trong đó có công nghiệp khai khoáng, sản xuất dược phẩm, công nghiệp chế tạo, kế toán kiểm toán, tài chính-ngân hàng.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp nước ngoài được phép xây dựng các cơ sở vận tải đường sắt riêng, thay vì phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc.

Quy định mới cũng nới lỏng những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo xe điện và những sản phẩm liên quan.
 


Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được phép mua, bán trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, quy định mới cũng bãi bỏ yêu cầu về thời gian hoạt động tối thiểu tại thị trường Trung Quốc trước khi triển khai các dịch vụ bằng đồng Nhân dân tệ.

Bản hướng dẫn về danh mục thu hút đầu tư nước ngoài được ban hành lần đầu tiên vào năm 2013, trong đó đưa ra 190 hạng mục cấm hoặc hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong hai năm 2014-2015, bản danh sách tiếp tục được cắt giảm xuống còn lần lượt 139 và 122 hạng mục. Với quy định mới được ban hành, danh sách cấm và hạn chế đầu tư nước ngoài của Trung Quốc hiện còn 95 hạng mục.

Theo Chính phủ Trung Quốc, đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng nước này nhằm mở cửa hơn nữa thị trường đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, quy định mới chỉ được áp dụng cho 11 khu FTZ gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Thiên Tân, Phúc Kiến, Liêu Ninh, Chiết Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Thiểm Tây.(Vietnam+)
--------------------------------

Xuất khẩu hạt điều dự kiến đạt 3,3 tỷ USD

Trong năm 2017, ngành điều Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 360.000 tấn điều nhân các loại, trị giá xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) với ông Michael Waring - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban Chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC) ngày 16/6.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch VINACAS Nguyễn Đức Thanh đã thông tin tới đại diện INC và GCC về tình hình sản xuất và kinh doanh điều của Việt Nam, kết quả Hội nghị Khách hàng điều quốc tế Bình Phước tháng 5/2017 và kế hoạch tổ chức Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2017 diễn ra từ ngày 13-15/11 tới đây tại tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.

Nói về kết quả sản xuất và kinh doanh điều của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thanh cho hay, năm 2016, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam xuất khẩu được 350.000 tấn điều nhân các loại, giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, bao gồm khoảng 2,85 tỷ USD điều nhân, còn lại là các sản phẩm phụ của điều.

Theo ông Thanh, đây là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).

Trong năm 2017, ngành điều Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 360.000 tấn điều nhân các loại, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2016. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó nhân điều khoảng 3 tỷ USD, tăng 5,0% so với năm 2016.

Tại buổi làm việc, thay mặt cho INC và GCC, ông Michael Waring cũng đã thông báo với lãnh đạo VINACAS về một số kết quả đại hội của INC vào tháng 5/2017 tại TP. Chennai (Ấn Độ) và một số thông tin về hoạt động của GCC thời gian qua.

Trên tinh thần hợp tác, vì sự phát triển chung của ngành điều nói riêng và hạt quả khô thế giới nói chung, VINACAS và INC, GCC đã thống nhất một số nội dung. Theo đó, INC và GCC cam kết đồng hành và bảo trợ VINACAS trong các hoạt động như xúc tiến, quảng bá giá trị dinh dưỡng của hạt điều Việt Nam; Hội nghị Điều quốc tế thường niên tại Việt Nam; các hoạt động thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm điều của Việt Nam; các chương trình sản xuất sạch hơn và phát triển bền vững…

VINACAS cũng xác định là thành viên sáng lập tích cực của GCC trong các hoạt động trọng điểm của tổ chức này. VINACAS đề nghị GCC củng cố tổ chức và hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và các chương trình hoạt động trọng điểm của GCC để thu hút sự tham gia của các tổ chức điều trên toàn thế giới.

Cùng với đó, VINACAS sẽ kêu gọi hội viên tham gia đóng góp kinh phí cho các hoạt động ý nghĩa của ngành điều thế giới và đề nghị INC và GCC sẽ lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo của Đại hội Hạt quả khô thường niên của INC và GCC, bởi hiện nay, Việt Nam không chỉ là trung tâm chế biến, xuất khẩu điều lớn nhất thế giới mà còn là quốc gia xuất khẩu tiềm năng của các loại hạt và quả khô khác như mắc ca, sen sấy khô, dẻ, thông, mít khô…(Chinhphu)
----------------------

Mỹ Latinh gia tăng nhập khẩu thép từ Trung Quốc

Trong quý I/2017, khu vực Mỹ Latinh này đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn thép từ Trung Quốc với tổng giá trị 1,117 tỷ USD, tăng 8% về lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Theo số liệu của Hiệp hội thép Mỹ Latinh (Alacero), các thị trường nhập khẩu thép Trung Quốc hàng đầu trong khu vực Mỹ Latinh gồm Trung Mỹ, với 384.000 tấn (giảm 2%), Chile với 349.000 tấn (tăng 36%) và Peru với 297.000 tấn (tăng 26%) so với cùng kỳ năm 2016).

Alacero cho biết giá bình quân thép xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ Latinh trong quý I/2017 đạt 580 USD/tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn so với mức giá bình quân 613 USD/tấn mà Trung Quốc bán ra thị trường thế giới.

 

Theo thống kê, Trung Mỹ nhập thép Trung Quốc với giá bình quân 499 USD/tấn, thấp hơn 19% so với giá thế giới, Peru (518 USD/tấn), Colombia (522 USD/tấn) và Costa Rica ( 527 USD/tấn).

Trong năm 2016, Mỹ Latinh đã nhập 7,6 triệu tấn thép của Trung Quốc, trong đó thép cán là 6,8 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2015. Tổng kim ngạch nhập khẩu thép Trung Quốc của khu vực trong năm qua lên đến 3,65 tỷ USD, với mức giá bình quân 478 USD/tấn, bằng với giá bình quân trên thế giới.

Mỹ Latinh hiện là nhà nhập khẩu đứng thứ ba trên thế giới đối với mặt hàng này của Trung Quốc, đứng sau Hàn Quốc và Việt Nam.(TTXVN)
-----------------------

Sản lượng than của Trung Quốc tiếp tục tăng

Theo số liệu mới nhất từ ​​Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng khai thác than của nước này tiếp tục phục hồi trong tháng 5/2017, dẫn đến giá loại hàng hóa này suy giảm do nhu cầu vẫn còn yếu.

Cụ thể, sản lượng khai thác than của Trung Quốc trong tháng Năm đã tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước lên 300 triệu tấn và là tháng tăng thứ ba liên tiếp. NBS nhận định rằng sự tăng trưởng trên là do sản lượng cùng kỳ năm ngoái ở mức thấp, bên cạnh công nghệ khai thác phát triển hơn.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng than của Trung Quốc đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 1,4 tỷ tấn. Trong khi đó, nhập khẩu than của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong tháng 5/2017 cũng tiếp tục đi lên khi tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 22,2 triệu tấn.

Theo NBS, nguồn cung tăng lên khiến giá than suy giảm vì tháng Tư và tháng Năm lượng tiêu thụ than thường ở mức thấp. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng giá than sẽ tăng lên vào những tháng tới vì mức tiêu thụ điện của nước này sẽ tăng mạnh trong mùa Hè.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Song, ngành công nghiệp này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư thừa nguồn cung, nhu cầu suy giảm và kinh tế “hạ nhiệt”. Kể từ nửa cuối năm 2016, dư luận trong và ngoài Trung Quốc đều tỏ ý lo ngại về nguy cơ “chảy máu vốn” do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này phải đối mặt với sức ép giảm tốc và việc đồng Nhân dân tệ suy yếu so với đồng USD.

Cũng trong tháng 5/2017, Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) cho biết lượng ngoại hối được bán ròng của các ngân hàng nước này tiếp tục tăng nhẹ, trong khi dòng vốn xuyên biên giới vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Các ngân hàng của Trung Quốc trong tháng Năm đã mua vào lượng ngoại tệ trị giá 129,6 tỷ USD và bán ra 146,7 tỷ USD, đạt mức bán ròng 17,1 tỷ USD, tăng 15% so với tháng 4/2017 (15 tỷ USD), song vẫn thấp hơn mức 19 tỷ USD của tháng 1 năm nay.

Số liệu này cho thấy xu hướng gia tăng bán ròng ngoại tệ của Trung Quốc kể từ đầu năm nay vẫn tiếp tục diễn ra. Tính gộp cả 5 tháng đầu năm, các ngân hàng Trung Quốc đã bán ròng 72,9 tỷ USD.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu cắt giảm công suất sản xuất 150 triệu tấn than trong năm nay. Tính đến cuối tháng Năm vừa qua, công suất sản xuất than của Trung Quốc đã giảm 97 triệu tấn, đạt 65% so với kế hoạch đặt ra cho cả năm 2017.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục