tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-06-2018

  • Cập nhật : 06/06/2018

Dự báo thị trường chất bán dẫn sử dụng trong ôtô bùng nổ

Thị trường chất bán dẫn sử dụng trong chế tạo xe hơi trên thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng gần 20% trong năm nay do nhu cầu các hệ thống lái xe tự động gia tăng.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn báo cáo công bố ngày 2/6 của hãng nghiên cứu thị trường IT Insight cho biết thị trường này ước tính sẽ đạt doanh số bán 32,3 tỷ USD năm nay, tăng 18,5% so với năm ngoái.

Báo cáo cũng nhận định rằng thị trường có thể sẽ tăng trưởng trung bình 12,5% từ nay tới năm 2021, chiếm 9,3% tổng doanh số bán chất bán dẫn, tăng so với con số hiện nay là 7,5%.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng hai nhà sản xuất chip nhớ là Samsung Electronics Co và SK hynix Inc. của Hàn Quốc sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu chip nhớ sử dụng trong ôtô gia tăng do các nhà chế tạo xe hơi trên thế giới đang và sẽ lắp đặt các hệ thống lái tự động trong các mẫu xe mới của mình (TTXVN)
---------------------

Cà phê châu Á: Vụ thu hoạch ở Indonesia bắt đầu, mức cộng tăng do đồng USD suy yếu

Mức cộng cà phê ở Indonesia đã tăng lên trong tuần trước do đồng USD suy yếu, nhưng mức tăng bị giới hạn bởi nguồn cung dồi dào khi bắt đầu vụ thu hoạch chính ở một số khu vực. Trong khi đó, giao dịch ở Việt Nam chậm lại vào cuối vụ, giới thương nhân cho biết.

Tại Indonesia, cà phê robusta loại 4, với 80 hạt khiếm khuyết được giao dịch ở mức cộng 40 USD/tấn đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 ở London, nới rộng từ mức 20 – 30 USD/tấn một tuần trước đó.

Tuần trước, khoảng 500 xe tải được giao dịch vào thứ 2 và khoảng 300 xe nữa giao dịch hôm thứ 5. Trong đó, mỗi xe chở 8 – 10 tấn cà phê, các thương nhân cho biết.

Tại Việt Nam, cà phê robusta loại 2, với 5% hạt đen và vỡ được giao dịch ở mức 80 USD/tấn đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 9, so với mức trừ lùi 80 USD đối với hợp đồng giao tháng 7 một tuần trước đó.

Xuất khẩu cà phê trong tháng 5 của Việt Nam được ước tính ở 140.000 tấn, đưa tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 lên 825.000 tấn, tương đương 13,75 triệu bao (loại 60kg), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng Cục Thống kê.(Vinanet)
--------------------------

Đức ủng hộ lập quỹ nhằm giảm sự mất cân bằng kinh tế trong EU

Đức ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự mất cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu hơn và các nước nghèo trong EU.

Sau một thời gian khá dài, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3/6 đã đáp lại lời kêu gọi cải cách Liên minh châu Âu (EU) mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, với cam kết ủng hộ đầu tư và hỗ trợ các quốc gia đang ngập trong nợ nần của Khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone).

Trả lời phỏng vấn báo Đức "Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung", Thủ tướng Merkel cho biết Đức, với vai trò là nền kinh tế lớn nhất Eurozone, sẽ ủng hộ việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm giảm sự mất cân bằng về kinh tế giữa các nước giàu hơn và các nước nghèo trong EU, đặc biệt liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo.

Theo bà Merkel, quỹ sẽ được giải ngân dần dần và sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả, với ngân sách ít nhất là hàng chục tỷ euro.

Ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp về Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), Thủ tướng Đức nhận định Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - vốn chịu trách nhiệm giám sát các khoản cứu trợ tài chính cho các nước thành viên gặp vấn đề lớn về nợ công như Hy Lạp - là không đủ để bảo vệ Eurozone khỏi các cuộc khủng hoảng.

Theo bà Merkel, ngoài liên minh về ngân hàng và thị thường vốn, Eurozone cần nâng cấp ESM thành EMF, có khả năng hỗ trợ quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công với một loại tín dụng ngắn hạn, khoảng 5 năm.

Trong khi đó, nếu cả khu vực gặp nguy hiểm, EMF phải có khả năng cung cấp tin dụng dài hạn với kỳ hạn 30 năm và là điều kiện để thực hiện các cải cách cơ cấu.

Tuyên bố của bà Merkel được cho là câu trả lời cho lời kêu gọi từ 1 năm trước của ông Macron khi nhậm chức Tổng thống Pháp với tham vọng tái cơ cấu EU và đưa khối này trở nên "trách nhiệm" hơn nữa đối với người dân.

Câu trả lời của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về tương lai của EU đang gia tăng trước tình hình chính trị bất ổn tại Italy và Tây Ban Nha, cũng như căng thẳng với Mỹ.

Dự kiến, lãnh đạo Đức và Pháp sẽ có cuộc thảo luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào cuối tháng Sáu này nhằm phối hợp lập trường của mỗi bên về cải cách EU.

Hội nghị là cơ hội cuối cùng trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 5/2019 để đưa ra các dự án khả thi và thuyết phục các cử tri châu Âu đang hoài nghi về khả năng thực hiện các cam kết của khối.

Các nhà lãnh đạo EU đang lo ngại trước việc lực lượng hoài nghi châu Âu lên nắm quyền tại Italy và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải từ chức do liên quan vụ bê bối tham nhũng.

Trong khi đó, quan hệ giữa các nước châu Âu với đồng minh lâu năm bên kia Đại Tây Dương là Mỹ đang trở nên ngày càng khó khăn do bất đồng trong một loạt vấn đề, nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran và nguy cơ chiến tranh thương mại sau quyết định của Washington tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm của EU.(TTXVN)
-----------------------

Cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái

Việc Chính phủ Mỹ sử dụng biện pháp cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dường như sẽ không còn hiệu quả vào năm 2019 và làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế này rơi vào suy thoái năm 2020.

Nhận định này đã được Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE) đưa ra trong bản báo cáo kết quả khảo sát công bố ngày 4/6.

Cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái. Ảnh: Reuters

Theo dự báo của NABE với thành viên gồm 45 nhà kinh tế độc lập, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay sẽ có mức tăng trung bình 2,8% và giảm còn 2,6% vào năm 2019. Kết quả khảo sát của NABE cho biết có 57% ý kiến cho rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng, trái với kết quả khảo sát hồi tháng 3 khi có tới 75% số ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ đang có chiều hướng tăng trưởng tích cực.

Chuyên gia phân tích của NABE, ông Steven Cochrane, nhận định chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn được dự báo sẽ quay đầu giảm vào năm 2019.

Theo ông Cochrane, các nhà kinh tế quan ngại việc chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ nhiều đối tác thương mại sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế nước này.

Một nửa số nhà kinh tế trong NABE cho rằng kinh tế Mỹ có thể hứng chịu đợt suy thoái kế tiếp trong khoảng từ quý IV/2019 đến giữa năm 2020. Trong khi đó, có 3/4 các nhà kinh tế của NABE cho rằng các chính sách thương mại hiện nay của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực.

Tuần trước, Mỹ quyết định tăng thuế đối nhôm, thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, đồng thời de dọa tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu khác. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018, trước khi giảm còn 2,7% vào năm 2019.

Kinh tế Mỹ không ngừng tăng trưởng kể từ sau đợt suy thoái gần đây nhất chấm dứt vào tháng 6/2009. Đây được coi là giai đoạn tăng trưởng dài thứ 2 trong lịch sử kinh tế Mỹ mặc dù tốc độ tăng trưởng khá chậm chạp (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục