tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường thủy sản tuần qua: Tôm, cá tra bị cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc, Thái Lan

  • Cập nhật : 11/10/2015

(Tin kinh te)

Nhu cầu tôm Thái Lan trên thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng mạnh, trong khi thị phần cá tra của Việt Nam tại Mỹ cũng bị cạnh tranh bởi Trung Quốc.

Trên thị trường thế giới, các nhà chế biến tôm của Thái Lan hiện đang gặp thuận lợi vì đồng nội tệ yếu và nguồn cung đã phục hồi sau đại dịch tôm chết sớm (EMS). Đối với các nhà xuất khẩu tôm Thái Lan sang thị trường Mỹ, đồng nội tệ yếu giúp họ có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn so với một số nước đối thủ. Sản lượng tôm Ấn Độ hiện giảm và giá tôm tăng cũng có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tôm Thái Lan tăng.

Nhu cầu tôm Thái Lan trên thị trường Mỹ dự báo sẽ vẫn cao cho tới cuối tháng 11. Tuy nhiên, một nhà chế biến tôm của Thái Lan cho rằng, tình hình khả quan hiện nay có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì đang được tỷ giá ủng hộ. Trong 3 đến 4 tuần tới, khi tôm Ấn Độ vào vụ mới, sản lượng sẽ tăng, giá tôm Thái Lan sẽ không còn như hiện tại.


Tại Nhật Bản, giá surimi cao hơn do đồng yên suy yếu và đồng USD mạnh, tiếp tục tác động đến mức độ tồn trữ surimi. Mức tồn trữ surimi của Nhật Bản cho năm 2015 là khoảng 50.000 tấn, trong khi năm 2013 là 70.000 tấn; trong đó Surimi cá minh thái – chiếm 50% lượng tồn kho đã giảm mạnh, chỉ ở mức trên 20.000 tấn, so với 30.000 tấn trong năm ngoái.

Sự sụt giảm trữ lượng, đặc biệt là cá minh thái, đã làm giảm sản lượng đánh bắt trong vùng biển Nhật Bản. Trong khi đó nhu cầu của người tiêu dùng tại Nhật Bản – tiêu thụ surimi lớn nhất thế giới - vẫn không hề suy giảm và được dự báo sẽ tiếp tục như vậy trong những tháng cuối năm và xa hơn nữa. Bất chấp những lo ngại hiện nay về nền kinh tế của Nhật Bản, thị trường surimi có dấu hiệu sự hồi sinh trong những tháng cuối năm.

Trong nước, thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tuần này vẫn ổn định trong trạng thái trầm lắng so với tuần trước. Tại Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu trong trọng lượng 650-850 gr/con trong tuần này vẫn ổn định ở mức 19.500-20.000 đ/kg (trả chậm). Tại Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu trong size 650-850 gr/con trong tuần ổn định mức 19.500-20.000 đồng/kg (trả chậm).


8 tháng năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,02 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này là do khó khăn xuất khẩu tại nhiều thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU, Mexico, Brazil, Colombia…

Theo số liệu của ITC tính toán trên thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, hiện nay, cá tra Việt Nam đang bị giảm thị phần tại thị trường Mỹ. Nguyên nhân là do thuế chống bán phá giá và bị giành thị phần bởi các mặt hàng tôm, cá hồi và mặt hàng cá rô phi của Trung Quốc.
 

Quý I/2015, giá trị nhập khẩu cá tra và da trơn của Mỹ từ Trung Quốc tăng lên 16,2%. Tuy nhiên, đây cũng được cho là một lý do khiến nhập khẩu cá tra từ Việt Nam của Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay tăng rất mạnh.

Giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tuần này tiếp tục giảm so với tuần trước. Tại Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giá tôm thẻ nguyên liệu giảm từ 2.000- 5.000 đ/kg so với cuối tuần trước. Cụ thể, tôm thẻ loại 60 con/kg giá 95.000 đ/kg, loại 70 con/kg giá 90.000 đ/kg, loại 80 con/kg giá 85.000 đ/kg, loại 90 con/kg giá 80.000 đ/kg, loại 100 con/kg giá 75.000 đ/kg. Cùng xu hướng, giá tôm sú nguyên liệu các cỡ 20, 30 và 40 con/kg cũng đồng loạt giảm 5.000 đ/kg, lần lượt ở mức 235.000 đ/kg, 165.000 đ/kg, 120.000 đ/kg.


Giá cá rô phi nguyên liệu cỡ 350-750 gr/con trong tuần này ổn định sảu khi tăng lên mức 29.500đ/kg vào ngày 5/10.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá rô phi. Thời gian qua, một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp, An Giang… đã triển khai nuôi và xuất khẩu cá rô phi sang nhiều nước trên thế giới với các sản phẩm như: cá rô phi nguyên con đông lạnh, phi lê lạng da, phi lê còn da… Giá xuất cá rô phi nguyên con đông lạnh khoảng 2,5 USD/kg và cá rô phi phi lê khoảng 4 - 4,5 USD/kg… Tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi năm 2014 có trị giá 32 triệu USD. Những thị trường như Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Colombia… rất có tiềm năng cho cá rô phi của Việt Nam trong thời gian tới. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp nước ta phải tập trung xây dựng thương hiệu cho cá rô phi Việt Nam, chọn dòng sản phẩm thế mạnh, đặc trưng riêng… để cạnh tranh với các nước khác, nhằm chiếm thị phần trên thế giới.

Tổng cục Thủy sản nhận định, nếu các địa phương và doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt thì đến năm 2020 sẽ phấn đấu mở rộng diện tích nuôi cá rô phi lên khoảng 30.000 ha, sản lượng từ 500.000 - 650.000 tấn cá nguyên liệu, nâng giá trị xuất khẩu lên từ 130 - 150 triệu USD.


Theo Bộ NNPTNT

Trở về

Bài cùng chuyên mục