tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp "kêu trời" với thủ tục kiểm tra chuyên ngành

  • Cập nhật : 22/08/2015

(Doanh nghiep)

Các quy định kiểm tra chồng chéo, phí kiểm định cao, thời gian kiểm định kéo dài gây thiệt hại về kinh tế cũng như tốn kém thời gian của doanh nghiệp (DN).

 

Đây là các ý kiến được DN nêu ra tại Hội thảo đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), diễn ra vào ngày 17/8, tại Hà Nội. Hội thảo do dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID GIG phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Chồng chéo trong quản lý một mặt hàng

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia tư vấn dự án GIG cho biết,  sau khi khảo sát tại một số cửa khẩu cảng, sân bay cho thấy, tỷ lệ hàng hóa bị kiểm tra chuyên ngành vẫn còn cao, khiến thời gian thông quan hàng hóa vẫn còn chậm. Tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tỷ lệ các lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành là 30-35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu.  

Theo ông Bình, các đơn vị Hải quan và nhiều DN cho biết, hàng loạt các mặt hàng phải chịu sự quản lý/cấp phép/kiểm tra, cấp chứng thư của 2-3 cơ quan thuộc cùng một Bộ hoặc thuộc 2-3 Bộ khác nhau (kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm...) như chè, cà phê, dầu cá, nguyên liệu sữa, phomat, bột ngô, đậu nành, cỏ nuôi bò, tơ tằm, dấm... Có những ngành sản xuất mà hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó 2/3 các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của từ hai cơ quan trở lên (ví dụ ngành sữa). Đây là gánh nặng thủ tục hành chính rất lớn đối với DN. 

ty le kiem tra chuyen nganh cao khien thoi gian thong quan hang hoa con cham. anh: phuong ngoc

Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành cao khiến thời gian thông quan hàng hóa còn chậm. Ảnh: Phương Ngọc

Tốn kém chi phí và thời gian của DN

Đại diện cho Hiệp hội dệt may, ông Trương Văn Cẩn cho biết, có đơn vị phản ánh, cho đến nay chưa có loại hàng nào của DN họ kiểm tra mà phát hiện ra vấn đề gì, 1% cũng ko có. Trong quy định nói là kiểm tra xác suất nhưng 1 container mở ra thì 50m hay 50.000m hàng hoá cũng là tốn kém bao nhiêu phí như nhau, ít nhất là trên 2 triệu đồng. “Tốn kém quá nhiều chi phí không đáng có của DN nhưng có phát hiện ra cái gì đâu”, ông Cẩn bức xúc.

Cùng chung sự bức xúc, bà Trịnh Tú Anh, Gíam đốc Công ty TMHH TM và XD An Đô cho biết, DN rất mệt mỏi với quy định về kiểm tra chuyên ngành thuốc bảo vệ thực vật. Trước kia, DN được phép đưa hàng về kho bảo quản, nên rất thuận lợi. Nhưng kể từ khi có thông tư, phải có kết quả kiểm tra chất lượng rồi mới được đưa hàng về kho bảo quản. 

DN phải xin giấy phép của Cục bảo vệ thực vật, mà để xin giấy phép đó phải mất khoảng 3 ngày, trong khi 3 ngày đó đã có kết quả kiểm tra chất lượng rồi. Vì vậy rất mất thời gian và tốn kém chi phí cho DN. 

Chia sẻ với phóng viên Vinanet, bà Tú Anh cũng cho biết, DN của bà đã phải tuyển riêng một nhân viên để hàng ngày chỉ mang hồ sơ xin cấp phép và nhận kết quả.

Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, khảo sát các cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, các đơn vị Hải quan và một số DN đều cho biết, mặc dù việc kiểm tra là rất nhiều nhưng tỷ lệ các trường hợp không đạt yêu cầu xuất nhập khẩu là rất ít, luôn ở mức dưới 1% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu. Kết quả này cho thấy, việc kiểm tra như hiện nay là quá mức cần thiết.

70,6% DN được khảo sát cho biết thời gian cấp giấy phép, chứng nhận hợp quy là 7-15 ngày. 44,4% DN được khảo sát cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành từ 7-15 ngày, thời gian kiểm tra chất lượng mặt hàng thép, dây thép theo quy định tại thông tư 44 kéo dài 2-4 tuần, thời gian hoàn thành thủ tục quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông nhập khẩu khoảng 15 ngày.

Trả lời thắc mắc của DN, đại diện Cục bảo vệ thực vật cho biết, số lượng kiểm tra chuyên ngành 5 tháng đầu 2015 chỉ tăng 5%, các năm trước khi chưa áp dụng quy định có năm cao hơn mức này. Do đó nếu nói áp dụng biện pháp này làm tăng thì không đúng. Hiện cả nước có 9 chi cục kiểm dịch thực vật vùng thì có đến 6 chi cục giảm lượng kiểm tra, chỉ có Hải Phòng, TP HCM có tăng một chút, còn Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội… đều giảm. Do đó con số này không phải đột biến. 

Về giải pháp cho vấn đề đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đề xuất nên xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm phát huy tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện máy móc kỹ thuật hiện có, tiết kiệm được nguồn lực đầu tư của Nhà nước

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục