tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hãy bước vào thị trường thế giới với tâm thế chấp nhận cạnh tranh

  • Cập nhật : 21/03/2016

(Tin kinh te)

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Đối thoại TPP – Cơ hội nào cho DN tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 17-3.

dn dat cau hoi voi ong tran quoc. (anh: n.hien)

DN đặt câu hỏi với ông Trần Quốc. (Ảnh: N.Hiền)

Bước ra thế giới với tâm thế dám cạnh tranh

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, DN cần nhận thức cơ hội mà các chuyên gia đã phân tích là dựa trên giả định kinh tế thế giới phát triển ổn định. Nhưng trong trường hợp kinh tế thế giới có biến động, cơ hội này có thể sẽ thay đổi. Ngoài ra, cơ hội không tự đến với tất cả DN mà chỉ đến với những ai nỗ lực. Ông Khánh dẫn chứng trường hợp ngành dệt may, cơ hội trong TPP của dệt may là rất lớn. Tuy nhiên, có thể sẽ vẫn có những DN thất bại khi Việt Nam gia nhập hiệp định này do thiếu nỗ lực hoặc định hướng sai… Cùng với đó, cơ hội cũng phân chia không đồng đều cho tất cả mọi đối tượng. Những DN nào chuẩn bị tốt hơn sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn. “Hiện tại, tôi thấy các DN FDI đang có sự chuẩn bị tốt hơn DN trong nước” – ông Khánh nhận định. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành với thách thức. Thách thức dễ nhận thấy nhất đối với DN trong TPP chính là sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Khánh, thách thức lớn hơn cả đối với DN chính là sức ép thay đổi chính mình theo tinh thần đổi mới và sáng tạo.

Từ những phân tích như trên, ông Khánh chỉ ra một số nguyên tắc chung mà DN cần lưu ý trong quá trình hội nhập. Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế không phải là việc của riêng Chính phủ mà là sự nghiệp của toàn dân, trong đó có cộng đồng DN. Ông cho biết, ông không bao giờ nhận được các câu hỏi kiểu như “Nhà nước sẽ làm gì để hỗ trợ DN hội nhập?” từ phía các DN nước ngoài mà toàn bộ đều đến từ cộng đồng DN trong nước. Theo ông Khánh, DN cần chủ động hơn và hãy bước vào thị trường thế giới với tâm thế chấp nhận cạnh tranh. Nhiều DN cũng nêu vấn đề rằng hiện DN Việt Nam rất yếu, làm sao có thể cạnh tranh với những người khổng lồ đến từ nước ngoài. Ông Khánh cho rằng, người khổng lồ có việc của người khổng lồ và người khổng lồ cũng có lúc cần nhờ đến những DN nhỏ. Ông dẫn chứng câu chuyện thị trường sữa Việt Nam những năm trước đây khi Vinamilk chưa phát triển và bức tranh ngành sữa hiện nay với sự dẫn đầu của Vinamilk. Cùng với đó là câu chuyện của những ông chủ Việt Nam đang thống trị thị trường gia vị, dầu ăn, mì ăn liền… trong nước.

Ông Khánh cũng lưu ý DN không nên cạnh tranh bằng giá. “Cạnh tranh về giá là bạn đang tự cắt vào lợi nhuận của mình. Thay vào đó, hãy cạnh tranh bằng chất lượng và chữ tín, chính điều này sẽ tạo ra sức cạnh tranh bền vững nhất cho DN”. Cùng với đó, DN cũng cần chú ý đến quản trị hiện đại thay vì mô hình quản trị gia đình như nhiều DN đang áp dụng hiện nay. DN dù nhỏ đến mấy cũng cần được quản trị hiện đại mới có thể tối ưu hóa dòng tiền và gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, DN cũng cần đi nhiều hơn để nhìn thấy bên ngoài họ đang làm gì, họ đang thay đổi như thế nào, để từ đó thay đổi chính mình.

Cuối cùng, ông Khánh chia sẻ, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Việc vận dụng công nghệ làm công cụ marketing sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Sự thành công của nồi cá kho làng Vũ Đại chính là minh chứng cho hiệu quả to lớn từ việc marketing qua internet. “Internet đang mở ra cơ hội rất lớn. Với tinh thần khởi nghiệp kết hợp với công cụ marketing hiện đại sẽ mang lại thành công cho DN” – ông Khánh phát biểu.

Tạo động lực từ chính thách thức

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam nhìn nhận, những khó khăn trong TPP không nằm ở các quy định của TPP mà nằm ở năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam và nút thắt của các ngành có thể hưởng lợi từ TPP. Điển hình như ngành dệt may với các quy tắc mà DN phải đáp ứng nếu muốn được hưởng những lợi ích từ hiệp định này.

Ông Khánh phân tích, khi đứng trước cơ hội, DN vẫn có thể phá sản. Như ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 1 tỷ USD lên tới 28 tỷ USD, nhưng vẫn có DN thất bại. Điều đó cho thấy, trong môi trường cạnh tranh, tính cá nhân hóa của DN rất cao. Trong ngành dệt may, để hưởng lợi DN phải đáp ứng nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là sản phẩm dệt may từ sợi đến vải và các khâu cắt may… đều phải thực hiện trong các nước thành viên của TPP. Ông chia sẻ: “Nhưng hiện Việt Nam hiện chỉ có sợi và cắt may, không có vải, thì làm sao hưởng lợi? Chúng tôi đã mất 5 năm để tìm đáp án cho câu hỏi này. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã chấp thuận quy tắc xuất xứ này vì tin rằng về lâu dài quy tắc này sẽ có lợi cho Việt Nam?” Bởi lẽ, khi có một thị trường rộng lớn, DN sẽ có động lực đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm để có được vải và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may.

“Lâu nay báo chí vẫn nói giá trị gia tăng của ngành dệt may quá thấp, ta chỉ làm thuê, làm gia công. Đây chính là cơ hội để ta không phải làm thuê, làm gia công nữa”- ông Khánh nhấn mạnh. Đồng thời, điều này cũng tạo nên sự phát triển bền vững hơn cho ngành dệt may, bởi hiện nay ngành dệt may của Việt Nam chỉ cạnh tranh dựa trên giá nhân công rẻ. Trong tương lai, nếu có một nước khác trong khu vực có nhân công giá rẻ hơn, toàn bộ ngành dệt may của ta sẽ gặp khó khăn. Ông Khánh cũng dẫn lời ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, theo đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam tin tưởng rằng khi TPP có hiệu lực vào tháng 1-2018, 50-60% hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm sau đó. Thêm vào đó, trong 2 năm qua, vốn đầu tư vào dệt nhuộm đã bằng tổng đầu tư tất cả các năm trước cộng lại. Điều đó đã cho thấy sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Ông Ái cũng chia sẻ một kết quả nghiên cứu của KPMG. Theo đó, một loạt DN đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc đã đầu tư vào ngành công nghiệp dệt nhuộm tại nhiều địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh với số vốn lên tới hàng trăm triệu USD. Các DN trong nước cũng đang đi theo xu hướng này, đang tích cực tìm hiểu thị trường và tìm hiểu cơ hội để nắm bắt trong quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.


Nguyễn Hiền
(Theo Báo Hải Quan) 

Bài cùng chuyên mục