tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 06-03-2016

  • Cập nhật : 06/03/2016

Thủ tướng Malaysia đối mặt chiến dịch lật đổ từ các đảng đối lập

thu tuong malaysia najib razak dang doi mat voi chien dich lat do tu cac dang chinh tri - anh: reuters

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang đối mặt với chiến dịch lật đổ từ các đảng chính trị - Ảnh: Reuters

Lãnh đạo các đảng phái chính trị của Malaysia kêu gọi thực hiện một chiến dịch lật đổ thủ tướng đương quyền Najib Razak đang bị cáo buộc liên quan tham nhũng, khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này thêm nặng nề.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả người dân Malaysia, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính trị, tín ngưỡng, hãy cùng chúng tôi cứu lấy Malaysia từ tay Thủ tướng Najib Razak", lãnh đạo các đảng, nhóm đối lập, và tổ chức dân sự tuyên bố trong một thông cáo chung hôm 4.3, theo AFP.
Liên minh lịch sử này được những lãnh đạo chống đối chính phủ cầm quyền tạo ra, trong đó có cựu thủ tướng 90 tuổi Mahathir Mohamad, người dẫn đầu chiến dịch kêu gọi lật đổ ông Najib với những cáo buộc tham nhũng và quản trị đất nước kém.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur, ông Mahathir - người tuyên bố rút khỏi đảng cầm quyền UMNO hồi đầu tuần này để phản đối ông Najib - nói rằng các bên chia sẻ cùng "một mục tiêu."
"Chúng ta phải tách ông Najib khỏi cương vị thủ tướng," ông Mahathir nói.
Đây được xem là thách thức lớn nhất chưa từng có đối với ông Najib, khi trở thành vị thủ tướng bị các đảng phái kêu gọi công chúng tẩy chay ngay lúc còn đương quyền.
Ông Najib, 62 tuổi, năm 2015 qua bị chỉ trích nặng nề với cáo buộc hàng tỉ USD đã bị đánh cắp từ một công ty nhà nước do ông sáng lập, trong số này 681 triệu USD (báo Mỹ Wall Street Journal nói là hơn 1 tỉ USD) chảy vào tài khoản cá nhân của ông thông qua khoản thanh toán ở nước ngoài. Nhiều bài báo còn chỉ trích gia đình ông sống xa hoa với những chuyến đi nước ngoài sang trọng và tốn kém.
Trước khi bị cáo buộc tham nhũng, ông Najib còn bị cho là bóp nghẹt bất đồng chính kiến và quản lý kinh tế yếu kém.
Thủ tướng Najib phủ nhận những cáo buộc trên, nói rằng đó là một phần của âm mưu chính trị nhằm chống lại ông.

Trung Quốc triển khai một loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Hãng tin Reuters vừa dẫn một thông báo của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết bộ này đã yêu cầu các cơ quan quản lý vận tải biển đưa vào "danh sách đen" 31 con tàu do một công ty Triều Tiên điều hành. 

Đây chỉ là một trong số các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà Trung Quốc đã triển khai sau khi Liên hợp quốc ra nghị quyết tăng cường cấm vận nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng. 

Thông báo trên, đề ngày 3/3, nói rằng các cơ quan an toàn hàng hải phải "khẩn trương" xác định xem 31 con tàu thuộc công ty Triều Tiên với tên quốc tế Ocean Maritime Management (OMM) có neo đậu ở các cảng biển hay hoạt động trong vùng nước Trung Quốc hay không. Nếu phát hiện những tàu này, các cơ quan trên phải lập tức báo với Bộ Giao thông. 

Được biết các lệnh cấm vận mới nhất của Liên hợp quốc, do Trung Quốc và Mỹ soạn thảo, có đưa các tàu này vào danh sách đen. 

Thông báo của Bộ Giao thông nói rằng các cơ quan quản lý không được cho những tàu trên vào các cảng biển của Trung Quốc. Thông báo cũng cho biết những biện pháp mới chống lại các tàu của Triều Tiên nằm trong khuôn khổ hoạt động thực thi nghị quyết của Liên hợp quốc. 
 
tau jin teng moi bi philippines tam giu (nguon: cnn)

Tàu Jin Teng mới bị Philippines tạm giữ (Nguồn: CNN)

Hôm thứ Sáu vừa qua, hãng tin AFP cho biết lực lượng tuần duyên Philippines đã bắt giữ một trong 31 tàu của OMM là chiếc Jin Teng, trọng tải hơn 6.800 tấn.

Trả lời trên đài phát thanh Radyo ng Bayan, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Manolo Quezon cho biết tàu hàng Jin Teng sẽ không được phép rời cảng Subic, nằm ở phía Đông Bắc thủ đô Manila, nơi con tàu này đã bị giữ lại để kiểm tra trong ba ngày qua và tất cả các thủy thủ đoàn sẽ bị trục xuất.

Tuần này, Trung Quốc cũng bắt đầu hạn chế số lượng xe được vào Triều Tiên mỗi ngày, thôn qua một cây cầu nằm ở thành phố Dandong. Số xe vào Triều Tiên đã giảm từ 300 - 400 chiếc xuống chỉ còn 100 chiếc mỗi ngày.

Ngoài ra, tờ Tokyo Shimbun cho biết 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng ngừng chuyển đồng nhân dân tệ và USD sang Triều Tiên. Các ngân hàng này gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp cùng Ngân hàng Nông nghiệp.

Từ tháng trước, có tin vài ngân hàng Trung Quốc đã phong tỏa và ngưng dịch vụ gửi, rút tiền cho các tài khoản thuộc sở hữu của người Triều Tiên


Trung Quốc phản đối mọi hoạt động ly khai của Đài Loan

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 5.3 nói rằng sẽ phản đối những hoạt động ly khai từ Đài Loan, và sẽ bảo vệ hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, theo Reuters.

Phát biểu tại phiên mở đầu cuộc họp Quốc hội Trung Quốc ngày 5.3, ông Lý Khắc Cường nhắc lại lập trường của Trung Quốc đối với lãnh thổ Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ phản đối các hoạt động ly khai để đòi độc lập của Đài Loan, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, duy trì mối quan hệ phát triển hòa bình giữa hai bờ eo biển và sự ổn định, hòa bình trên eo biển Đài Loan”, Reuters dẫn lời ông Lý Khắc Cường.

Dù xem Đài Loan là một đơn vị hành chính thuộc Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh vẫn thường xuyên vấp phải sự phản đối từ khu vực này.

Viễn cảnh về một Đài Loan dân chủ hơn, tách biệt khỏi sức ảnh hưởng của Trung Quốc đã trở nên gần hơn sau khi đảng Dân tiến đối lập của bà Thái Anh Văn chiến thắng trong cuộc bầu cử của khu vực này vào tháng 1.2016.

Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ động thái nào về việc ly khai của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn, người phụ nữ đầu tiên nắm cương vị lãnh đạo Đài Loan, đã cam kết duy trì mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc, trong khi truyền thông đại lục nói thêm rằng bà Thái hứa sẽ “giữ nguyên hiện trạng” về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đối mặt với những rắc rối từ hai đặc khu kinh tế Hồng Kông và Macau. Ông Lý Khắc Cường khẳng định, hai khu vực trên sẽ duy trì sự phát triển phồn thịnh lâu dài và bền vững, theo Reuters.


Chính phủ mới của Myanmar sẽ giảm số lượng bộ trưởng

ba aung san suu kyi ben canh cac thanh vien cua nld - anh: reuters

Bà Aung San Suu Kyi bên cạnh các thành viên của NLD - Ảnh: Reuters

Chính phủ mới của Myanmar sẽ cắt giảm số lượng bộ trưởng từ 36 xuống còn 23 người, theo Tân Hoa xã ngày 5.3.
Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin từ đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 5.3 cho biết chính phủ mới của Myanmar do đảng này lập ra sẽ chỉ còn 23 bộ trưởng thay vì 36 bộ trưởng như trước.
Theo nguồn tin này, NLD sẽ không cắt giảm số nhân viên trong các bộ nhưng sẽ sáp nhập một số bộ nhằm củng cố các bộ khác nếu cần thiết. NLD cũng khẳng định rằng bộ trưởng của tất cả 14 bang và khu vực đều sẽ được chỉ định trong số các đại diện của NLD được bầu vào quốc hội. Trong số này, NLD tiết lộ sẽ đề cử ông U Nyi Pu làm Bộ trưởng bang Rakhine.
Các nguồn tin trên nói rằng 30-40% các bộ trưởng trong nội các chính phủ mới sẽ của đảng NLD, số còn lại là từ các đảng khác và các chuyên gia bên ngoài. Lãnh đạo cấp cao của NLD cho biết danh sách nội các sẽ được thông báo vào ngày 6.3, 4 ngày trước thời điểm bầu tổng thống nước này.
Chính phủ mới của Myanmar sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào cuối tháng 3, sau khi bầu xong tổng thống. Lãnh đạo NLD, bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do các quy định của hiến pháp hiện hành. The Straits Times (Singapore) ngày 1.3 dẫn các nguồn tin từ đảng NLD cho biết bà Suu Kyi sẽ giữ một chức vụ chính danh trong nội các chính phủ của đảng NLD cầm quyền, có thể sẽ là ngoại trưởng. Dù vậy, bà Suu Kyi chưa chính thức khẳng định hay phủ nhận thông tin này.

Viễn cảnh Hàn Quốc chế tạo vũ khí hạt nhân

ten lua han quoc tham gia mot cuoc dieu binh - anh: afp

Tên lửa Hàn Quốc tham gia một cuộc diễu binh - Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, đã bắt đầu manh nha khả năng Hàn Quốc đơn phương theo đuổi vũ khí hạt nhân do các nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên.
Chuyên gia về vũ khí hạt nhân Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) nhận định Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan là 3 “thế lực hạt nhân tiềm tàng” ở Đông Bắc Á.
Trong cuốn sách mới vừa xuất bản mang tên Asia's Latent Nuclear Powers: Japan, South Korea and Taiwan (tạm dịch: Những thế lực hạt nhân tiềm tàng của châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), ông Fitzpatrick lập luận rằng 3 nước và vùng lãnh thổ này có chương trình hạt nhân dân sự rất phát triển, đồng thời sở hữu nhiều công nghệ lưỡng dụng có thể quân sự hóa để chế tạo vũ khí.
Theo ông Fitzpatrick, Hàn Quốc đang đối mặt mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên, Đài Loan đương đầu với Trung Quốc đại lục ngày càng mạnh bạo và cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, còn Nhật Bản vướng vào tranh chấp chủ quyền cùng những bất đồng về lịch sử với cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc.
Tuy nhiên, là nước duy nhất đến nay hứng chịu hậu quả hủy diệt của bom hạt nhân nên chắc chắn dư luận Nhật Bản không bao giờ chấp nhận loại vũ khí này hiện diện trên lãnh thổ. Tham vọng hạt nhân của Đài Loan thì đã bị chặn đứng trong thập niên 1980 và đang nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Vì thế, chuyên gia Fitzpatrick nhận định: “Nếu có một nhà nước vũ khí hạt nhân mới nổi lên ở Đông Bắc Á thì Hàn Quốc có khả năng lớn nhất”.
 
“Chỉ cần 2 năm”
Để dẫn chứng cho ý kiến của mình, chuyên gia Fitzpatrick đưa ra kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi ở Hàn Quốc ủng hộ lựa chọn chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1 và đến ngày 7.2 tiếp tục phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh, Yonhap dẫn lời nghị sĩ Won Yoo-cheol thuộc đảng cầm quyền Saenuri ngày 15.2 kêu gọi Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cho phép Mỹ tái triển khai loại vũ khí này trên lãnh thổ để ứng phó miền Bắc.
Theo chuyên gia Fitzpatrick, Hàn Quốc đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng 2 năm. Seoul được cho là sẽ mất từ 4 - 6 tháng để làm giàu uranium và tái chế những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, đồng thời bỏ ra thêm khoảng hơn 1 năm để thiết kế cơ sở chế tạo, đào tạo chuyên gia. Hàn Quốc hiện nay đã có bí quyết chế tạo tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và có nhiều kinh nghiệm về hạt nhân dân sự. Đầu đạn tên lửa thông thường hiện nay của quân đội Hàn Quốc được cho là có đường kính khoảng 0,52 - 0,54 m nên nước này thừa kinh nghiệm và khả năng thu nhỏ thiết bị hạt nhân đủ gắn lên tên lửa.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lưu ý rằng vào năm 1974, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã bật đèn xanh cho chương trình phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân, theo Viện Nghiên cứu an ninh bền vững Nautilus (Mỹ). Tuy nhiên, đến tháng 12.1976, ông Park ra lệnh đình chỉ do sức ép của Mỹ. Từ đó đến nay, Washington liên tục có những động thái cam kết hỗ trợ an ninh cho Seoul nhằm trấn an và ngăn ngừa đồng minh “làm liều”.

Tranh cãi quyết liệt
Tuy nhiên, những hành động liên tục của Triều Tiên trong thời gian qua cùng các cảnh báo từ Mỹ về tiến bộ trong chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này đã khiến nảy sinh tranh cãi quyết liệt ở Hàn Quốc xung quanh câu hỏi: có nên theo đuổi vũ khí hạt nhân hay không.
Những người ủng hộ lập luận rằng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp Hàn Quốc có đủ “bài tẩy” trong cuộc đương đầu với miền Bắc, không phải sống trong phập phồng lo sợ, đồng thời đẩy mạnh niềm tự hào quốc gia, giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ và tiết kiệm chi tiêu phát triển sức mạnh quân sự truyền thống. “Những lời kêu gọi về vũ khí hạt nhân gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ rằng Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng đảm bảo an ninh của Mỹ trong trường hợp xảy ra bất ổn trên bán đảo Triều Tiên”, nhà nghiên cứu Yang Wuk thuộc Diễn đàn an ninh và quốc phòng Hàn Quốc nhận định với Yonhap.
Trong khi đó, phía phản đối cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về quân sự, kinh tế và ngoại giao mà Hàn Quốc sẽ gánh chịu. Chiến lược hạt nhân trên thế giới hiện nay đặt nặng vào tính răn đe và phòng ngừa. Tức là các cường quốc hạt nhân đặt nhau vào thế không ai dám khai chiến trước vì sẽ dẫn đến trả đũa, kéo theo một cuộc chiến hủy diệt cho tất cả. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên luôn có động thái khó lường và không thể đoán định trước nước này sẽ làm gì một khi miền Nam cũng theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ khiến Hàn Quốc đánh mất sự ủng hộ của đa số dư luận quốc tế và Mỹ sẽ lập tức cắt đứt quan hệ đồng minh, rút hết lực lượng ra khỏi bán đảo. Ngoài ra, Yonhap dẫn lời chuyên gia Balbina Hwang cho rằng nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ “sụp đổ ngay lập tức” do trừng phạt của LHQ.
Để trấn an dư luận đồng thời “nhắc khéo” Mỹ, chính phủ Hàn Quốc mới đây đã khẳng định “tầm nhìn về một bán đảo phi hạt nhân sẽ không thay đổi với sự hậu thuẫn an ninh của Mỹ”, theo Yonhap.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục