tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 28-06-2016: Brexit

  • Cập nhật : 28/06/2016

EU từ chối đàm phán phi chính thức với Anh về Brexit

Các quan chức EU khẳng định họ chỉ bắt đầu quá trình đàm phán để Anh rời khỏi khối sau khi London đưa ra thông báo chính thức về Brexit.
thu tuong duc angela merkel (trai) va tong thong phap francois hollande. anh:afp

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh:AFP

Ngày 27/6, các quan chức Đức đã bác bỏ khả năng Liên minh châu Âu (EU) tổ chức các cuộc đàm phán phi chính thức về việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) trước khi London đưa ra thông báo chính thức về hành động này, theo Guardian.

"Một điều rõ ràng là trước khi Anh gửi thông báo này, sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán sơ bộ nào về các khả năng rời đi", Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuyên bố. Đây được coi là đòn giáng mạnh vào các lãnh đạo ủng hộ Brexit của Anh, bởi họ chưa có bất cứ phương án đàm phán chính thức nào với EU về việc ra đi, đặc biệt là khi Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức.

Để ngăn chặn hiệu ứng domino có thể lan sang các quốc gia thành viên khác, lãnh đạo EU tuyên bố họ muốn Anh kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisbon càng sớm càng tốt bằng một thông báo chính thức về việc rời khỏi liên minh. Sau khi điều 50 được kích hoạt, Anh và EU mới có thể chính thức ngồi vào bàn đàm phán về những điều khoản của cuộc "ly hôn".

Tuy nhiên ông Cameron đã khẳng định sẽ chuyển giao nhiệm vụ đàm phán đầy khó khăn này cho người kế nhiệm, trong khi các thủ lĩnh Brexit, chẳng hạn như ông Boris Johnson, lại muốn bàn bạc không chính thức với EU trước khi bước vào quãng thời gian hai năm thực thi quy trình theo điều 50.

Ngày mai, các lãnh đạo EU sẽ bắt đầu một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels, và đây được coi là sự kiện quan trọng để họ bắt đầu bàn bạc quá trình rời khỏi liên minh của Anh. Các cuộc bàn bạc này sẽ diễn ra mà không có mặt ông Cameron.

Các quan chức EU cũng cho rằng Anh cần có thời gian để xử lý các khủng hoảng nội bộ sau cuộc trưng cầu dân ý, nhưng họ cũng hy vọng London sẽ kích hoạt điều 50 muộn nhất vào cuối năm nay, để nước này có đủ thời gian rời khỏi EU trước khi nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu được bầu lại vào năm 2019.(VNEX)


Anh trì hoãn ra đi, EU tức giận nhưng không thể ép buộc

Dù nóng ruột và tức giận vì Anh trì hoãn ra đi nhưng EU không thể ép buộc được Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron vừa cho biết ông sẽ để dành việc chính thức tuyên bố với  Liên minh châu Âu (EU) rằng Anh muốn ra đi cho người sẽ kế vị khi ông rời ghế thủ tướng vào tháng 10 tới.

Sau khi Anh chính thức tuyên bố với EU muốn ra đi, điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon tiến hành thương lượng ra đi mới được kích hoạt. Việc chậm trễ này có lợi cho Anh, nhưng EU thì không vì một khi Anh còn trì hoãn thì EU còn chìm trong bất an và khủng hoảng.

EU dù nóng ruột và tức giận…

Vì lo ngại này mà ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý Brexit, các lãnh đạo EU đã nhanh chóng lên tiếng yêu cầu Anh chính thức trình bày ý định và gấp rút tiến hành thủ tục thương lượng ra đi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người sẽ dẫn đầu thương lượng với Anh cũng yêu cầu Anh khẩn trương. Các nước Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hà Lan đều đã lên tiếng yêu cầu Anh không dây dưa.

EU rất mong muốn giải quyết sớm mớ bùng nhùng Brexit để tập trung củng cố sự thống nhất 27 thành viên còn lại, cũng như tập trung nguồn lực đối mặt nhiều thách thức lớn đã và đang phải đối mặt như khủng hoảng nhập cư, bất ổn kinh tế Hy Lạp, trừng phạt kinh tế lên Anh vì vấn đề Ukraine, các cuộc bầu cử ở nhiều nước thành viên sắp tới (Tây Ban Nha, Đức, Pháp).

Vì thế khi biết Thủ tướng Cameron quyết định lần lữa ít nhất tới tháng 10 thì EU đã mất kiên nhẫn. Nói với truyền thông Đức ngày 26-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói thẳng “Tôi không hiểu tại sao chính phủ Anh phải cần đến tháng 10 để quyết định gửi đơn ly hôn đến Bỉ - trụ sở EU? Tôi muốn ngay lập tức. Anh rời EU không phải là một cuộc ly hôn thân ái, Anh với EU cũng chẳng phải là một chuyện tình thắm thiết gì.”

chu tich uy ban chau au jean-claude juncker tuc gian vi su tri hoan ra di cua anh. (anh: daily mail)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tức giận vì sự trì hoãn ra đi của Anh. (Ảnh: DAILY MAIL)

Trong khi đó, nói với báo Guardian (Anh), Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bực bội rằng ông Cameron tốt nhất nên ra đi sớm để thủ tướng mới xúc tiến rút khỏi EU, chứ đừng để đến tháng 10.

Cuối tuần rồi Ngoại trưởng sáu nước thành viên sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) – tiền thân EU đã họp khẩn ở Đức, bày tỏ sự nóng ruột của mình và chuẩn bị cho cuộc họp với Thủ tướng Cameron dự kiến sẽ diễn ra ở Bỉ ngày 28-6. Theo dự đoán của báo CSM (Mỹ) thì cuộc họp này có nguy cơ sẽ không thể diễn ra suôn sẻ, nhiều khả năng Thủ tướng Cameron sẽ bị các Ngoại trưởng yêu cầu rời khỏi phòng họp.

Người kế vị Thủ tướng Cameron sẽ là một thành viên đảng Bảo thủ, trong đó cựu Thị trưởng London Boris Johnson là ứng viên tiềm năng nhất. Khả năng Anh sẽ tiếp tục dây dưa với EU ngay sau khi ông Cameron rời chức là rất lớn khi dù là một trong những lãnh đạo quyết liệt nhất của chiến dịch vận động Anh rời EU nhưng ông Boris Johnson lại rất đồng tình với Thủ tướng Cameron ở quan điểm: chẳng việc gì phải vội vàng dứt khoát với EU, cứ dây dưa xem sao đã.

…nhưng không thể ép buộc được Anh

Anh là thành viên đầu tiên chọn rời EU trong lịch sử 60 năm thành lập của khối. Do đó không ai có thể chắc tiến trình sẽ kéo dài bao lâu. Dù kết quả Brexit đã có nhưng EU không có quyền buộc Anh phải chính thức tuyên bố muốn ra đi ngay nếu Anh chưa muốn.

eu tuc gian vi thu tuong anh david cameron quyet dinh danh quyen chinh thuc tuyen bo ra di voi eu cho nguoi ke nhiem ong vao thang 10 toi. (anh: daily mail)

Eu tức giận vì Thủ tướng Anh David Cameron quyết định dành quyền chính thức tuyên bố ra đi với EU cho người kế nhiệm ông vào tháng 10 tới. (Ảnh: DAILY MAIL)

Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon chỉ có thể được kích hoạt sau khi Anh chính thức tuyên bố với EU mình muốn ra đi. “Không có cơ chế nào để ép buộc một nước rút khỏi EU. Điều khoản 50 cho phép ra đi, nhưng không một nước nào hay một thể chế nào khác có quyền kích hoạt nó ngoài nước tuyên bố muốn ra đi.”, Guardian dẫn lời Giáo sư luật Kenneth Armstrong tại đại học Cambridge.

Giáo sư Kenneth Armstrong dẫn điều 7 trong Hiệp ước Lisbon cho thấy một nước có thể bị ngưng tư cách thành viên nếu vi phạm các quyền cơ bản của EU, đó gọi là một “giải pháp hạt nhân”, tuy nhiên Anh không có vi phạm gì để EU có thể viện tới điều khoản này.

Vì thế theo Giáo sư Kenneth Armstrong, dù các lãnh đạo EU có sốt ruột và bực bội thế nào thì cũng không thể thúc ép Anh dứt khoát một khi Anh chưa muốn.(PLO)


Thủ hiến Nicola Sturgeon: Quốc hội Scotland có thể bác bỏ Brexit

Trong diễn biến mới nhất, bà Nicola Sturgeon, thủ hiến Scotland cho biết sẽ đề nghị Quốc hội nước này bác bỏ kết quả trưng cầu ý dân ngày 23-6.

lanh dao cong dang jeremy corbyn cung bac bo viec to chuc mot cuoc trung cau y dan thu hai - anh: reuters

Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cũng bác bỏ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai - Ảnh: Reuters

Trong ngày trưng cầu ý dân về việc nước Anh đi hay ở lại EU ngày 23-6, kết quả bỏ phiếu tại Scotland cho thấy 62% người dân nước này muốn ở lại Liên minh châu Âu.

Theo Independent, bà Sturgeon nêu rõ ý định này trong chương trình Sunday Politics của đài BBC.

Khi người dẫn chương trình hỏi: “Bà có thể hình dung được sự tức giận của người dân Anh nếu bà ngăn cản họ rời EU không?”, bà Sturgeon đáp: “Tôi hiểu điều đó, nhưng có lẽ nó cũng tương tự với sự tức giận của nhiều người dân Scotland lúc này khi chúng tôi đối mặt với khả năng bị buộc phải rời khỏi EU không theo nguyện vọng của chúng tôi. Tôi không gây ra những rắc rối này, tôi phải cố gắng chèo lái tốt nhất để vượt qua chúng”.

Cũng theo Reuters trong hôm qua, 26-6, bà Nicola Sturgeon cho biết Scotland sẽ làm mọi điều có thể để ở lại EU.

Theo Scotsman, kết quả thăm dò dư luận của ScotPulse công bố hôm qua (26-6) cho thấy 59% người dân Scotland ủng hộ việc nước này tách khỏi Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Cùng với đó, hãng Reuters dẫn quan điểm của ông Gunther Krichbaum, chủ tịch Ủy ban các vấn đề châu Âu trong quốc hội Đức đồng thời là một đồng minh thân cận của bà Merkel cho rằng, một quốc gia Scoltand độc lập sẽ được chào đón để trở thành thành viên mới của EU.

Phát  biểu với báo Đức Welt am Sonntag, ông Gunther Krichbaum nói: “EU sẽ vẫn có 28 quốc gia thành viên như tôi hy vọng về một cuộc trưng cầu ý dân mới về độc lập tại Scotland sẽ thành công. Chúng tôi sẽ mau chóng giải quyết đơn xin gia nhập khối từ một quốc gia thân thiết với EU”.

Trong khi đó, những thông tin mới nhất từ Huffington Post cho thấy, số người ký vào đơn kiến nghị tập thể đòi tổ chức trưng cầu ý dân lại ở Anh đã lên tới hơn 3 triệu người.

Tuy nhiên bất chấp thực tế này, tờ Mirror của Anh cho biết, cuộc khảo sát với 1.069 người Anh từ 18 tuổi trở lên cho thấy chỉ 39% nói họ cảm thấy cần có một cuộc trưng cầu lại. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cũng bác bỏ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.(TT)


Mỹ có nguy cơ mất căn cứ quân sự ở châu Âu vì Brexit

Lầu Năm Góc sẽ phải lên kế hoạch B để duy trì hiện diện lực lượng hải quân ở châu Âu sau khi người dân Anh chọn rời khỏi EU (Brexit).

Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin bình luận về những tác động có thể xảy ra của Brexit đối với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Anh, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov S. Zakheim cảnh báo Lầu Năm Góc sẽ phải có phương án B để duy trì hiện diện hải quân ở quốc gia này.

Bình luận trên tờ National Interest, ông Zakheim cho rằng nguy cơ Brexit có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích quân sự của Mỹ và do đó Mỹ cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.

Theo ông, vấn đề chính là mối đe dọa từ chủ nghĩa dân tộc ở Scotland và hiệu ứng domino có thể kéo theo từ cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Anh rời EU. Trong khi đó Anh hiện là nơi đóng một số căn cứ tàu ngầm quan trọng của khu vực.

can cu  falslane o scotland. anh: ap

Căn cứ  Falslane ở Scotland. Ảnh: AP

"Nếu Scotland trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh, Hải quân Hoàng gia Anh và cả Mỹ có thể sẽ không còn được tiếp cận căn cứ Faslane. Mỹ cũng không thể tiếp cận căn cứ tàu ngầm này trong trường hợp khẩn cấp", ông Zakheim nói.

Trong trường hợp đó, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh London có thể sẽ phải xây dựng một căn cứ tàu ngầm mới, song điều này là rất tốn kém và ảnh hưởng đến các chương trình quốc phòng khác của Anh.

Ông đặt ra giả thuyết rằng khi đó, Mỹ có thể sẽ phải thương lượng với Scotland. "Mỹ có thể trang trải chi phí để cả hải quân Mỹ và Anh có thể sử dụng căn cứ ở Faslane, giống như đang làm với các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới".

Cựu quan chức quốc phòng người Mỹ cảnh báo rằng, “với sự phát triển quân sự của Nga, cũng như tầm quan trọng của khu vực GIUK, nơi tiếp giáp với Scotland, việc Mỹ không thể sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Faslane sẽ là mối lo ngại lớn cho Mỹ, Anh và NATO”. GIUK là vùng biển giáp ranh đảo Greenland, Iceland và Vương quốc Anh ở phía Bắc Đại Tây Dương.

Mặc dù vậy, ông Zakheim cũng khẳng định rằng hi vọng cho cả Mỹ và NATO vẫn còn. “Scotland đã tuyên bố rằng họ sẽ không buộc Anh phải rời vịnh Faslane trước năm 2020. Washington và London vì vậy sẽ có đủ thời gian để giảm bớt tác động xấu từ việc Scotland tuyên bố độc lập”.

Sau cùng, ông Zakheim nhấn mạnh rằng “điều quan trọng nhất là Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Anh cần phải nhanh chóng lên sẵn kế hoạch B nếu Scotland thực sự tách khỏi Anh.

Những nhận định trên được đưa ra sau khi kết quả trưng cầu dân ý tuần trước ở Anh cho thấy 52% cử tri Anh nhất trí ủng hộ Anh rời EU. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát do báo Sunday Post thực hiện, gần 60% người dân Scotland đã ủng hộ độc lập khỏi Vương quốc Anh nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại quốc gia này, sau khi Anh ủng hộ Brexit.(PLO)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục