tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 27-06-2016

  • Cập nhật : 27/06/2016

Dân London kêu gọi ly khai khỏi Anh

Kết quả trưng cầu dân ý chia tay EU đã đẩy nước Anh vào nguy cơ chia rẽ sâu sắc, thậm chí là ly khai.
bieu tinh phan doi roi eu tai london ngay 25.6

Biểu tình phản đối rời EU tại London ngày 25.6

Đơn kiến nghị về việc thủ đô London tách khỏi Anh và làm thủ tục xin gia nhập EU đăng trên trang Change.org từ ngày 24.6 đến tối qua đã thu thập được gần 140.000 chữ ký. Kiến nghị do một phóng viên tự do tên James O’Malley lập ra có nội dung nêu rõ: “London là thành phố quốc tế và chúng tôi muốn ở lại trung tâm châu Âu”. Tuy hành động của ông O’Malley chủ yếu mang tính châm biếm và khả năng London ly khai là không thể xảy ra nhưng nó thể hiện hố sâu chia rẽ trong lòng nước Anh sau cuộc trưng cầu lịch sử. Thống kê cho thấy gần 60% cử tri thủ đô ủng hộ ở lại EU. BBC dẫn lời chuyên gia Tony Travers nhận định nền kinh tế, chính trị London, nơi đóng góp 22% GDP cả nước và là một trong những trung tâm tài chính của thế giới, lâu nay đã khác biệt với đa phần còn lại ở Anh và sau cuộc trưng cầu thì chia rẽ càng thêm sâu sắc.
Cùng ngày, Thị trưởng Sadiq Khan tuy không bình luận về lời kêu gọi độc lập nhưng nhấn mạnh London phải có tiếng nói trong các cuộc đàm phán liên quan đến Anh rời EU (Brexit). Là người ủng hộ ở lại, ông Khan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục vươn ra bên ngoài, giao thương và hội nhập với cả thế giới, bao gồm cả EU”. Cũng trong ngày 25.6, nhiều người đã tổ chức biểu tình trước nhà của cựu Thị trưởng London Boris Johnson, một trong những thủ lĩnh của phe Brexit. Khi xe của ông Johnson rời nhà, đám đông đã chặn đầu xe la ó, khiến cảnh sát phải can thiệp. Chính trị gia này được cho là nhiều triển vọng trở thành thủ tướng mới của Anh, thay thế ông David Cameron vừa tuyên bố từ chức. Nhiều cuộc biểu tình phản đối rời EU khác cũng đã nổ ra ở thủ đô.
Trong khi đó, nguy cơ ly khai lại rất gần hiện thực tại Scotland, nơi 62% cử tri chọn ở lại EU. Hôm qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố nhiều khả năng sẽ tổ chức trưng cầu về độc lập khỏi Anh. “Cuộc bỏ phiếu vừa qua rõ ràng cho thấy Scotland bị miễn cưỡng loại khỏi EU. Điều này là không thể chấp nhận về mặt dân chủ. Một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rời khỏi Anh nhiều khả năng sẽ xảy ra”, Reuters dẫn lời bà Sturgeon tuyên bố và nhấn mạnh sẽ làm mọi cách để Scotland ở lại EU theo nguyện vọng của phần lớn người dân. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014 về việc có tách khỏi Anh hay không, đa số dân Scotland chọn ở lại vì muốn được tiếp tục sống trong khối EU. Nay Anh đã quyết định dứt áo khỏi EU thì họ cũng không còn lý do gì để níu kéo. Hơn nữa, một số chính trị gia EU đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Scotland rời Anh. “Châu Âu luôn mở cửa đón tiếp thành viên mới. Điều này là đương nhiên”, Reuters dẫn lời ông Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu - nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu - tuyên bố.

Tổng thống Putin: Nga - Trung có hướng tiếp cận chung với các vấn đề khu vực

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hai nước hợp tác chặt chẽ trong chính sách đối ngoại và an ninh, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. 
tong thong nga vladimir putin hom qua bat tay voi chu tich trung quoc tap can binh tai bac kinh. anh: reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

 

"Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực của chính sách đối ngoại và an ninh. Chúng ta có hướng tiếp cận chung với nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. Hoạt động điều phối giữa các cơ quan hành pháp cũng đang được tăng cường, trong đó có việc đối phó với mối đe doạ chính, đó là khủng bố", Sputnik dẫn lời ông Putin hôm qua nói tại Bắc Kinh. 

Tổng thống Nga phát biểu tại tiệc kỷ niệm 15 năm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Láng giềng Thân thiện Nga - Trung. Ông tới Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Putin nhắc nhở rằng hàng trăm tài liệu song phương đã được ký và giới chức tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, khu vực, lĩnh vực công và doanh nghiệp, trao đổi liên quốc hội mang tính hệ thống.

"Mức độ hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau chưa từng có mà chúng ta đạt được cho phép chúng ta giải quyết những vấn đề phức tạp và khá nhạy cảm chúng ta có từ quá khứ. Điều quan trọng nhất là nó mở ra các khả năng tiến lên phía trước, để thiết lập các mối quan hệ đa phương trên nhiều địa hạt", ông Putin nói.

Trong chuyến thăm này, ông Putin đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp với ông Tập, ông Putin cho biết nhân dân hai nước có mong muốn mạnh mẽ trong việc "đẩy mạnh, phát triển quan hệ". "Tôi chắc chắn rằng các nước chúng ta có thể đạt thành công lớn hơn nữa trong thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng và tất nhiên cả công nghệ cao, vốn là ưu tiên của chúng tôi", ông Putin nói.

Ông Tập nói với ông Putin rằng hai nước nên "thúc đẩy rộng rãi ý tưởng bạn bè vĩnh viễn".  

Sau cuộc thảo luận với ông Tập, lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ ký kết hơn 30 thoả thuận trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế và thương mại, đối ngoại, tài chính, công nghệ, tới hạ tầng cơ sở và năng lượng, Xinhua đưa tin. Hai lãnh đạo Nga - Trung cũng ký tuyên bố chung cam kết tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu.(VNEX)


Ngành hàng không Anh đầy sóng gió hậu Brexit

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, có thể tạo ra một thời kỳ đầy sóng gió cho ngành hàng không nước này.
Ngành hàng không vốn khởi sắc nhờ hệ thống một bầu trời chung châu Âu (Single European Sky) của EU trong vòng hai thập niên qua, theo AFP ngày 26.6.
Sau Brexit, Anh sẽ phải tái đàm phán nhiều thỏa thuận với EU, bao gồm các chuyến bay giữa Anh và các nước EU.
Chuyên gia kinh tế Peter Morris thuộc công ty chuyên nghiên cứu về thị trường hàng không Ascend Flightglobal Consultancy cảnh báo Brexit sẽ ảnh hưởng đến nhiều hãng hàng không, sân bay và hành khách đi lại bằng máy bay ở Anh.
Hệ thống Single European Sky tháo gỡ những rào cản thương mại đối với các hãng hàng không của các nước thành viên EU.
Các hãng hàng không Anh sẽ mất lợi thế này nếu các nhà đàm phán Anh không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào mới với EU sau Brexit. Điều này đồng nghĩa các hãng hàng không Anh không còn có quyền tự do định giá vé máy bay hay mở bất kỳ đường bay nào ở châu Âu.
Mặt khác, các hành khách đến hoặc rời khỏi Anh sẽ phải đối mặt với những khoản thuế mới.
hai may bay cua hang easyjetreuters

Hai máy bay của hãng EasyJetREUTERS

Hai hãng hàng không lớn ở Anh là EasyJet và International Airlines Group (IAG) chịu ảnh hưởng sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit được công bố vào ngày 24.6 cho thấy dân Anh muốn rời khỏi EU. Trong ngày 24.6, cổ phiếu của EasyJet giảm 14,35% và IAG giảm 22,54% ở thị trường London.
Ngay khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, EasyJet đã gửi thư lên chính phủ Anh và EU đề nghị giữ Anh trong hệ thống Single European Sky.
Tổng giám đốc EasyJet Carolyn McCall cho biết hành khách được hưởng lợi nhờ Single European Sky, tức giảm giá vé 40%.
EasyJet trong một thông cáo khẳng định Brexit sẽ không ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của hãng này, nhưng sẽ phải tìm kiếm những lựa chọn khác để duy trì hoạt động.
Theo bà Morris, EasyJet, hiện có trụ sở ở thủ đô London, “có kế hoạch di dời trụ sở đến các nước EU, có lẽ dưới một thương hiệu mới”. IAG được cho cũng có chiến lược tương tự.
Hãng hàng không Ryanair, đã tham gia chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU, có thể ít chịu nhiều ảnh hưởng từ Brexit do trụ sở hãng này nằm Ireland dù hoạt động rất mạnh ở Anh.

Uỷ viên châu Âu của Anh từ chức

Uỷ viên châu Âu của Anh ở Brussels hôm nay từ chức sau khi vận động phản đối việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. 
ong jonathan hill tai brussels, bi. anh: reuters

Ông Jonathan Hill tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

"Tôi không nghĩ việc tôi tiếp tục công việc uỷ viên của Anh như thể chưa có điều gì xảy ra là điều đúng đắn", Reuters dẫn lời ông Jonathan Hill, Ủy viên châu Âu phụ trách Dịch vụ tài chính, hôm nay nói.

Ông Hill tuyên bố một ngày sau khi các cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ ra khỏi EU, trong cuôc trưng cầu dân ý do Thủ tướng David Cameron tổ chức. Người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ 52% ủng hộ, 48% phản đối.

Ông Hill tỏ ra thất vọng nhưng đảm bảo về cuộc chuyển giao trước khi rời đi vào ngày 15/7 tới. "Những gì đã xảy ra rồi thì không thể đảo ngược lại và chúng ta phải tiếp tục làm quen để quan hệ mới của chúng ta với châu Âu tốt hết mức có thể", Ông Hill, 54 tuổi, một đồng minh thân cận và một người bạn của ông Cameron, nói.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói ông đã chấp thuận quyết định của ông Hill, lấy làm tiếc vì không thể thuyết phục ông ở lại. Thủ tướng David Cameron hôm qua cũng tuyên bố ông sẽ từ chức sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý. 


Hai hạm đội Mỹ 'canh chừng' tây Thái Bình Dương

Hạm đội 3 hùng mạnh sẽ tăng cường hiện diện tại tây Thái Bình Dương phối hợp cùng Hạm đội 7 ngăn chặn nguy cơ bất ổn ở châu Á.
tau san bay uss ronald reagan (gan, ham doi 7) va uss john c.stennis (ham doi 3) cung dien tap tren bien philippines

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (gần, Hạm đội 7) và USS John C.Stennis (Hạm đội 3) cùng diễn tập trên biển Philippines

Trong thời gian qua, Mỹ liên tục triển khai lực lượng hùng hậu đến các vùng biển ở tây Thái Bình Dương như Biển Đông, biển Philippines, vùng biển bán đảo Triều Tiên... Đặc biệt, phần lớn trong số này thuộc Hạm đội 3 chứ không phải Hạm đội 7 truyền thống. Đáng chú ý nhất là cuộc diễn tập và hoạt động chung vào ngày 19.6 trên biển Philippines giữa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C.Stennis thuộc Hạm đội 3 và USS Ronald Reagan của Hạm đội 7. Trước đó, USS John C.Stennis đã có đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông kéo dài khoảng 3 tháng. Mới nhất, hải quân Mỹ hồi giữa tuần tiếp tục thông báo điều động 2 tàu chiến Hạm đội 3 là khu trục hạm USS Spruance và tàu tác chiến cận bờ USS Coronado đến Biển Đông nói riêng và tây Thái Bình Dương nói chung. Những diễn biến này củng cố tiết lộ của giới chức cấp cao Mỹ với Reuters rằng Hạm đội 3 sẽ rời khỏi khu vực hoạt động truyền thống để hoạt động cùng Hạm đội 7 ở Đông Á.

Phối hợp sức mạnh
Hạm đội 3 có lực lượng hùng hậu hơn Hạm đội 7, chuyên phụ trách khu vực đông và bắc Thái Bình Dương tính từ Đường đổi ngày quốc tế (IDL), đường tưởng tượng từ cực bắc đến cực nam chia dọc Thái Bình Dương. Từ căn cứ chính ở bang California, hạm đội này có nhiệm vụ “canh chừng” Nga cũng như bảo vệ các tuyến giao thương, vận chuyển dầu khí quan trọng với Mỹ và các quốc gia bạn bè, theo chuyên trang Global Security. Trong khi đó, Hạm đội 7, đặt trụ sở ở TP.Yokosuka của Nhật Bản, có phạm vi hoạt động trải dài từ quần đảo Kuril (Nga) đến Nam cực và căng rộng từ Biển Đông đến IDL. Hiện nay, khu vực này được đánh giá là có vai trò năng động bậc nhất trong kinh tế, giao thương hàng hải và địa chiến lược của thế giới nhưng lại đang chứng kiến nhiều biến động khó lường về an ninh vì những diễn biến đáng quan ngại ở Biển Đông cũng như tình hình biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên.
Vì thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của tờ Nikkei Asian Review, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Scott Swift tiết lộ rằng hải quân Mỹ sẽ tận dụng sức mạnh tổng hợp của 2 hạm đội 3 và 7 để ngăn chặn nguy cơ bất ổn đang gia tăng ở châu Á với các chiến dịch được tiến hành đồng bộ dựa trên nhiệm vụ cụ thể hơn là phân chia địa lý. “Việc Hạm đội 3 hoạt động ở vùng biển xa là sự thật. Tôi không hiểu tại sao cứ phải giới hạn hoạt động bằng IDL”, Đô đốc Swift tuyên bố.
Bằng chứng rõ rệt nhất cho sự tận dụng sức mạnh tổng hợp chính là cuộc diễn tập chung nói trên giữa 2 nhóm tàu sân bay. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh giữa lúc Trung Quốc bành trướng sức mạnh trên biển và cấp tập tiến hành các hoạt động xây cất phi pháp trên các bãi đá ở Biển Đông cũng như trước thềm phán quyết của Tòa án thường trực LHQ (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tờ The Japan Times dẫn lời chuyên gia Ashley Townshend, thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney (Úc), nhận định: “Cuộc tập trận phối hợp giữa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay chắc chắn gửi một thông điệp về sự cam kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khả năng vô đối của họ trong việc triển khai sức mạnh hải quân”.

Hùng hậu Hạm đội 3
Hạm đội 3 được thành lập vào ngày 15.3.1943 dưới sự chỉ huy của Đô đốc William F.Halsey để chống lại hải quân Nhật trong Thế chiến 2. Ngày 29.8.1945, trên soái hạm USS Missouri, Đô đốc Halsey dẫn đầu hạm đội tiến vào vịnh Tokyo và đến ngày 2.9, chiến hạm này trở thành nơi đại diện chính phủ Nhật ký văn kiện đầu hàng. Hạm đội 3 duy trì hiện diện tại vùng biển của Nhật cho đến cuối tháng 9.1945 và sau đó nhận lệnh tái bố trí về bờ biển phía tây của Mỹ.
Hiện nay, Hạm đội 3 là lực lượng sẵn sàng tác chiến, kiểm soát các tàu chiến nổi, tàu ngầm và máy bay đóng trú ở các bang California, Washington và Hawaii. Lực lượng hải hành của hạm đội có tới 4 nhóm tác chiến tàu sân bay là 1, 3, 9, 11 và 15. Trong đó, nhóm tác chiến 3 chính là nhóm tàu sân bay USS John C.Stennis. Mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm có 1 hàng không mẫu hạm dẫn đầu, 1 tuần dương hạm được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, 2 khu trục hạm tên lửa dẫn đường, 1 tàu ngầm và 1 tàu tiếp tế tổng hợp, theo website của hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, trong biên chế Hạm đội 3 còn có trên 10 đơn vị tác chiến khác như nhóm tấn công viễn chinh số 3, đội tàu tác chiến cận bờ 1, bộ chỉ huy tác chiến chống tàu ngầm và thủy lôi, phi đội trực thăng tấn công trên biển và nhóm hành động nổi Thái Bình Dương... Hạm đội 3 hiện nay có tổng cộng khoảng 100 tàu, gồm cả hơn 30 tàu ngầm, 12 tàu tiếp tế cho các nhóm tác chiến tàu sân bay, trên 400 máy bay, trong đó có chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 cùng trực thăng tấn công AH-1Z. Đáng chú ý, tư lệnh hiện nay của Hạm đội 3 là Phó đô đốc Nora Tyson, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ được trao quyền chỉ huy một hạm đội.

Uy lực Hạm đội 7
Hạm đội 7 được thành lập cùng ngày với Hạm đội 3 và từng tham gia nhiều cuộc chiến lớn ở châu Á như trận vịnh Leyte ở Philippines trong Thế chiến 2, chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Chiến tranh VN và Chiến tranh vùng Vịnh (1990 - 1991). Đến năm 1996, Hạm đội 7 chịu trách nhiệm chính lên kế hoạch và tổ chức triển khai lực lượng nhằm ứng phó căng thẳng quanh eo biển Đài Loan.
Hạm đội hiện sở hữu 50 - 70 tàu chiến, kể cả tàu ngầm, 140 máy bay và 20.000 quân nhân. Cụ thể, hạm đội này có 1 tàu sân bay mang tên USS Ronald Reagan kết hợp với các tàu tuần dương và khu trục để tạo thành nhóm tác chiến tàu sân bay gồm 12 tàu và 75 máy bay. Bên cạnh đó là 10 - 14 khu trục hạm, tuần dương hạm mang hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa diệt hạm. Trong số này có 11 chiếc đóng trú tại Yokosuka và 2 - 5 chiếc được triển khai định kỳ tới khu vực từ Hawaii hoặc San Diego. Trên website của mình, Hạm đội 7 nhấn mạnh rằng nếu căng thẳng leo thang dẫn đến cuộc xung đột vũ trang, thì đội tàu ngầm hạt nhân tiên tiến gồm 8 - 12 chiếc của họ sẽ mang lại lợi thế chiến lược lớn cho lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Về lực lượng hỗ trợ, Hạm đội 7 được trang bị 4 tàu đổ bộ, với chiếc lớn nhất là tàu trực thăng Bonhomme Richard có thể mang hàng chục trực thăng và khoảng 1.000 lính thủy đánh bộ. Nhóm tàu này đóng ở TP.Sasebo thuộc phía tây nam Nhật Bản. Ngoài chiến đấu cơ, hạm đội còn sở hữu 16 - 20 máy bay do thám, bao gồm dòng P-8 tối tân, giúp cung cấp thông tin tình báo, giám sát, do thám toàn bộ khu vực đảm trách cũng như thực hiện sứ mệnh săn ngầm nhờ mang ngư lôi.(TN)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục