tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh sáng 22-04-2016

  • Cập nhật : 22/04/2016

Indonesia sẽ mua 18 máy bay Su-35 của Nga

Indonesia quyết định sẽ mua 18 máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35 của Nga và sẽ tiến hành đàm phán để ký kết hợp đồng với Nga trong thời gian tới.

may bay su-35 cua nga

Máy bay Su-35 của Nga

“Những quyết định mang tính nguyên tắc đã được thông qua, chúng tôi (Nga) đang chuẩn bị cho các cuộc hội đàm để ký kết hợp đồng với Indonesia”, Viktor Kladov, Giám đốc Bộ phận hợp tác quốc tế của tập đoàn Rostec, thông báo trong cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.

“Chúng tôi mong chờ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tới Moscow để tham dự hội nghị an ninh quốc tế. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp bên lề hội nghị này, hiện nay cả 2 bên đều đạt được những bước tiến triển trong hợp tác mua bán trang thiết bị quân sự”, ông Kladov nói thêm. Ông cũng chia sẻ rằng số máy bay chiến đấu Indonesia dự kiến mua của Nga là 18 chiếc.

Ngoài ra, Nga cũng bắt đầu các cuộc hội đàm sơ bộ với Indonesia trong việc vận chuyển các tàu ngầm lớp Project 636 Varshavyanka chạy bằng điện diesel của Nga tới Indonesia, ông Viktor Kladov cho biết.

Các tàu ngầm lớp Kilo cải tiến chạy bằng điện diesel của Nga được trang bị công nghệ chạy ngầm tiên tiến với phạm vi tác chiến được mở rộng và khả năng tấn công các mục tiêu cả trên đất liền, mặt nước và dưới biển.

Cũng theo ông Kladov, “Indonesia mong muốn phát triển quan hệ hợp tác về kỹ thuật quân sự với Nga và Nga sẵn sàng hợp tác với Indonesia trên cả 3 mặt trận hải, lục, không quân.”


Forbes: Nga thừa khả năng sống mà không cần tới Châu Âu

Nước Nga đang đứng trước chặng đường dài về thay thế sản phẩm nhập khẩu bằng hàng nội địa, nhưng ngay lúc này có thể khẳng định rằng, ngành kinh doanh thực phẩm Nga trụ vững trước "cơn bão trừng phạt", nhà báo Kenneth Raposa chuyên về các thị trường mới nổi viết cho tạp chí Forbes.
anh minh hoa flickr/bob

Ảnh minh họa Flickr/bob

"Cho dù nước Nga không thể sản xuất phô mai brie hay cấy trồng một số loại trái cây, nhưng họ có khả năng đánh bắt nhiều hơn cá tuyết và gia tăng chăn nuôi gà tại các nông trang địa phương", nhà phân tích lưu ý.
 
Hoạt động thay thế nhập khẩu đang hỗ trợ Chính phủ Nga "duy trì đồng rúp trong nước", giúp nông dân hạn chế những rủi ro về ngoại tệ, cây viết Raposa bổ sung.
 
Nga đã giảm thiểu được tác động của biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản châu Âu do Moscow áp dụng đáp lại lệnh cấm vận của EU — trong năm qua sản xuất gia cầm trong nước tăng lên 9%, tỷ lệ pho mát nhập khẩu trên thị trường Nga giảm từ mức 40,6% năm 2014 xuống còn 22% trong năm 2015.
 
Vấn đề hàng đầu trong lĩnh vực lương thực là yếu tố lạm phát, nhưng hiện nay lạm phát đang suy giảm nhờ sự củng cố của đồng rúp, bài báo cho biết.
 
"Chính phủ Nga có thể xác định hoạt động thay thế xuất khẩu đang diễn ra theo kế hoạch...Về mặt này, Nga thực sự có khả năng sống không cần tới Châu Âu", nhà báo Kenneth Raposa thừa nhận.

Ả Rập Saudi đón tiếp ông Obama lạnh nhạt

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đón tiếp khá lạnh nhạt trong chuyến thăm Ả Rập Saudi.

Tờ Der Spiegel của Đức ngày 20/4 đưa tin cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đón tiếp khá lạnh nhạt trong chuyến thăm Ả Rập Saudi bắt đầu cùng ngày.

Theo báo Đức, khi máy bay của Tổng thống Mỹ hạ cánh tại sân bay, Quốc vương Ả Rập không tới đón ông (như từng làm với cựu Tổng thống George W. Bush) mà thay vào đó chỉ cắt cử một phái đoàn nhỏ do Thống đốc Riyadh dẫn đầu, CNN đưa tin cho hay.

Quốc vương Ả Rập Saudi chỉ gặp gỡ Tổng thống Obama khi ông tới cung điện Erg, nơi tổ chức một cuộc hội đàm song phương giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao.

Truyền thông Ả Rập Saudi cũng không phát sóng cảnh quay máy bay của ông Obama hạ cánh và đi tới cung điện.

Trong khi đó, một ngày trước khi ông Obama tới thăm, Vua Salman đã đích thân ra sân bay đón tiếp các nhà lãnh đạo của các nước vùng Vịnh.

Sự khác biệt trong cách tiếp đón này của giới lãnh đạo Ả Rập Saudi đã làm dấy lên các phản ứng chỉ trích trên truyền thông và mạng xã hội Mỹ, CNN cho biết thêm.

quoc vuong saudi arabia salman bin abdulaziz al-saud (phai) co cuoc gap voi tong thong my barack obama dang trong chuyen tham saudi arabia. (nguon: afp/ttxvn)

Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz al-Saud (phải) có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama đang trong chuyến thăm Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh, Mustafa Alani, nói với AP rằng việc các quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi không đích thân tiếp đón Tổng thống Mỹ tại sân bay có thể là dấu hiệu cho thấy Riyadh không tin tưởng ông Obama.

Theo ông, Ả Rập Saudi lo ngại rằng Washington đang cải thiện quan hệ với đối thủ của họ là Iran. Nguyên do là trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Obama đã gọi Ả Rập Saudi là đồng minh và đề nghị Riyadh chia sẻ Trung Đông với Tehran.

Phía Ả Rập Saudi đã xem đề nghị này là một sự xúc phạm.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ gần đây cũng nhận được nhiều lời chỉ trích từ phía Ả Rập Saudi do xem xét hạn chế bán vũ khí cho Riyadh và dự định công bố các tài liệu mật có thể tiết lộ về sự tham gia của quốc gia này trong vụ khủng bố ngày 11/9.

Ả Rập Saudi đe dọa sẽ bán tháo hàng tỷ USD tài sản của mình tại Mỹ nếu tài liệu này được công bố.

Tất cả những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng khai thác năng lượng dẫn tới giảm nhu cầu dầu mỏ Trung Đông, CNN cho biết.

Tuy nhiên, theo tuyên bố của Nhà Trắng, trong cuộc hội đàm kéo dài 2 giờ, Tổng thống Obama và Quốc vương Salman Bin Abdel-Aziz đã tái khẳng định tình hữu nghị lịch sử và đối tác chiến lược sâu sắc giữa hai bên.

Tổng thống Obama và Quốc vương Salman đã thảo luận về một loạt vấn đề khác như Yemen, Syria, Iraq và Liban...

Chuyến thăm Ả Rập Saudi kéo dài 3 ngày là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 6 ngày tới 3 nước bao gồm cả Anh và Đức của ông Obama.


Ông Tập Cận Bình nắm giữ chức vụ mới, tăng cường kiểm soát quân đội

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 21/4 đã tiết lộ về chức vụ mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là chức Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp - một vị trí mà giới chuyên gia đánh giá là nhằm kiểm soát hơn nữa đối với quân đội nước này.

ong tap toi tham trung tam chi huy tac chien lien hop trung quoc hom qua 20/4. (anh: scmp)

Ông Tập tới thăm Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp Trung Quốc hôm qua 20/4. (Ảnh: SCMP)

Tân Hoa xã và đài CCTV đã đề cập đến ông Tập Cận Bình trong cương vị mới trong bản tin tiếng Anh được đăng tải sau chuyến thăm của ông Tập tới Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp hôm qua 20/4.

Trong chuyến thị sát này, ông Tập xuất hiện trong trang phục dã chiến. Tại đây, ông Tập kêu gọi các quân nhân tại Trung tâm “theo sát xu hướng cải tổ quân đội toàn cầu và nỗ lực xây dựng một hệ thống chỉ huy tác chiến chung”. Ông chỉ thị Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp phải tuyệt đối trung thành, chiến đấu thuần thục, hiệu quả và chiến thắng.

Việc truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh ông Tập mặc quân phục như vậy đã gây sự chú ý bởi thông thường trong các sự kiện lớn của quân đội trước đó, ví dụ lễ diễu binh tại Bắc Kinh năm ngoái thì ông cũng chỉ mặc bộ vest màu đen. Giới quan sát cũng cho rằng, kể từ khi ra đời, Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp hoạt động “âm thầm”, việc xuất hiện lần này của ông Tập có thể cho thấy quá trình cải tổ quân đội của Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất.

Như vậy, hiện tại ngoài chức Chủ tịch Trung Quốc, Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập còn là Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp.

Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là một cơ quan mới thành lập sau khi tái cấu trúc quân đội Trung Quốc. Kế hoạch cải tổ này được ông Tập công bố hồi tháng 1 và được coi là quyết định chính sách quan trọng để hiện thực hóa tham vọng xây dựng một quân đội mạnh.

Những năm gần đây, Bắc Kinh không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, với ngân sách cho quốc phòng tăng ở mức 2 con số. Trung Quốc đầu tư mở rộng hạm đội tàu ngầm và tàu sân bay nội địa đầu tiên nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân nước này.


Triều Tiên thiếu lương thực trầm trọng

Do tình trạng hạn hán kéo dài suốt 2 năm qua nên nhiều vùng ở Triều Tiên sản lượng ngũ cốc giảm tới một nửa so với năm trước, ảnh hưởng tới lượng phân phối lương thực.

han han keo dai khien san luong luong thuc trieu tien giam nghiem trong. anh: reuters

Hạn hán kéo dài khiến sản lượng lương thực Triều Tiên giảm nghiêm trọng. Ảnh: Reuters

Liên hợp quốc ngày 20/4 thông qua bản báo cáo về tình hình nhân quyền Triều Tiên với chủ đề “Thứ tự ưu tiên và cần thiết đối với tình hình nhân quyền ở Triều Tiên”. Nội dung bản báo cáo nêu rõ tổng sản lượng ngũ cốc của Triều Tiên năm 2015 chỉ đạt 5,06 triệu tấn, giảm 11% so với năm 2014.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 21/4 cho biết do tình trạng hạn hán kéo dài suốt 2 năm qua nên nhiều vùng ở Triều Tiên sản lượng giảm tới một nửa so với năm trước.

Do sản lượng ngũ cốc giảm nên lượng phân phối lương thực của Triều Tiên cũng giảm. Theo Tổ chức lương thực thế giới (FAO), trong khoảng thời gian từ tháng 1-3/2015, mỗi người dân Triều Tiên chỉ được chính phủ phân phối 370kg /1 ngày. Do đó, nhiều người dân đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ người dân Triều Tiên suy dinh dưỡng là 41,6%, tăng 6,1% so với giai đoạn 2005-2007 (35.5%).

LHQ đã lên dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên năm nay với tổng trị giá 121 triệu USD (tương đương 136 tỷ won). Trong đó, dự kiến 54,7 triệu USD dành cho dự án viện trợ dinh dưỡng, 29,8 triệu USD dành cho lĩnh vực y tế, 23,3 triệu USD dành cho lĩnh vực an ninh lương thực (viện trợ phân bón, máy nông nghiệp), 13,9 triệu USD dành cho lĩnh vực nước sạch.

LHQ nêu rõ “Viện trợ nhân đạo không liên quan tới tình hình chính trị ở Triều Tiên. Nguồn viện trợ này nhằm duy trì cuộc sống tối thiểu đối với người già, phụ nữ và trẻ em Triều Tiên".


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục