tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 22-04-2016

  • Cập nhật : 22/04/2016

Tam giác Nga - Trung - Ấn khuấy đảo Mỹ, Nhật

Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ở Moscow cho thấy mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa ba nước. Tuy nhiên, liên minh này lại khiến giới tân bảo thủ ở Mỹ - Nhật dè chừng.

Theo phân tích của nhà ngoại giao Trung Quốc Wang Yusheng trên Thời báo Hoàn cầu, những mối lo ngại của lực lượng bảo thủ nói trên là không bình thường và không có cơ sở bởi trên thực tế, quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow, Delhi và Bắc Kinh sẽ có lợi cho một thế giới đa cực.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa ba quốc gia này được hình thành từ năm 1998 dưới sự "tác thành" của Thủ tướng Nga khi đó là ông Yevgeny Primakov. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm của ông, coi việc đó là không thể và không chú trọng phát triển mối quan hệ này.

Thế nhưng, ý tưởng của ông Yevgeny Primakov dần dần chứng minh được tầm quan trọng thông qua các cuộc gặp gỡ ba bên ngày càng được phát triển và mở rộng.

bo truong ngoai giao trung quoc, nga, an do gap go o moscow. nguon: sputnik

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nga, Ấn Độ gặp gỡ ở Moscow. Nguồn: Sputnik

Theo Thời báo Hoàn cầu, cả thế giới đang quan sát mối quan hệ giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, một liên minh giúp củng cố hệ thống đa cực, đóng góp vào sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là ba nước lớn nhất thế giới xét về dân số và GDP. Nga được thừa kế sức mạnh của Liên minh Xô Viết và chưa từng đánh mất vị trí là một siêu cường trên trường quốc tế, đặc biệt là trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, Ấn Độ có truyền thống không tham gia bất kỳ một liên minh nào còn Trung Quốc trung thành với đường lối ngoại giao độc lập. Cả Delhi và Bắc Kinh đều có một mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

"Vì vậy, cả ba quốc gia nói trên có một vị thế khá vững chắc trên trường quốc tế và có một điều hiển nhiên là cả ba đều đang đóng góp một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới đa cực. Tất cả các yếu tố này tạo nên một mối lo ngại cho Mỹ", nhà ngoại giao Wang Yusheng phân tích.

Trung Quốc có thể từ chối "Mỹ hóa", trong khi Tổng thống Nga không đi theo con đường của người tiền nhiệm và không chạy theo phương Tây; còn Ấn Độ vốn được Mỹ và Nhật Bản coi là một thành viên lý tưởng cho liên minh "NATO châu Á" lại không muốn trở thành một phần trong đó.

Ông Yusheng cho biết thêm: "Nếu Mỹ gạt đi những quan điểm thời Chiến tranh Lạnh thì Washington có thể nhận ra rằng Moscow, New Delhi và Bắc Kinh đang theo đuổi sự hợp tác cho một kỷ nguyên mới. Đây là một mối quan hệ lành mạnh và tích cực, có lợi cho sự phát triển của cả thế giới".


Trung Quốc xác nhận đã thử tên lửa tầm xa 15.000 km

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 21/4 gián tiếp xác nhận một bài báo nói rằng nước này đã tiến hành một vụ thử nghiệm khác của một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Tên lửa này được cho là có tầm xa 15.000 km, có thể tấn công nước Mỹ trong 30 phút.

mot ten lua df-41 (anh: scmp)

Một tên lửa DF-41 (Ảnh: SCMP)

Trang tin Washington Free Beacon ngày 20/4 đưa tin, Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa mới có tên gọi DF-41 hôm 12/4.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web hôm nay để phản hồi bài báo trên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng các cuộc thử nghiệm nghiên cứu thông thường trên lãnh thổ Trung Quốc là chuyện bình thường.

“Các cuộc thử nghiệm này không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào”, tuyên bố nói thêm.

Washington Free Beacon không biết vụ thử diễn ra ở đâu, nhưng nhấn mạnh rằng nó được tiến hành ngay trước chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới một tàu sân bay di chuyển trên Biển Đông.

Còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói các nguồn tin báo chí đưa rằng vụ thử diễn ra gần Biển Đông.

“Các thông tin trên báo chí về địa điểm của vụ thử nghiệm hoàn toàn là tin đồn”, tuyên bố cho hay, nhưng không nói chi tiết.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc xác nhận rằng nước này đã thử nghiệm một tên lửa DF-41 từ một bệ phóng đặt trên đường ray tàu hỏa tại tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ủng hộ một chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng, trong đó có việc phát triển các máy bay chiến đấu tàng hình và chế tạo sân bay bay nội địa.

Nhưng các tham vọng của Trung Quốc đã khiến các quốc gia trong khu vực và Mỹ lo ngại, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bành trướng ở Biển Đông. Trung Quốc đã tiến hành ồ ạt các hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc gần đây cũng liên tiếp có các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, trong đó có việc đưa máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bắc Kinh mưu đồ độc chiếm Biển Đông bằng cách đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết vùng biển này dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp.

Nhưng vẻ bề ngoài, Trung Quốc luôn miệng nói không có ý định thù địch và rằng nước này cần quân đội hiện đại để bảo vệ các nhu cầu an ninh hợp pháp với tư cách là nền kinh tế thứ 2 thế giới.


Mỹ ganh tị với các máy bay trinh sát Nga

Đầu tư quy mô lớn được Moscow dành cho chương trình hiện đại hóa quân sự đã mang lại những kết quả hữu hình, cựu chiến binh Lục quân Hoa Kỳ Kettlin Patterson viết cho tạp chí The Diplomat.
may bay trinh sat tu-214r cua nga. anh: wikipedia/rimma sadykova

Máy bay trinh sát TU-214R của Nga. Ảnh: Wikipedia/Rimma Sadykova

Mỹ chỉ có thể ganh tị với thành tựu của chương trình hiện đại hóa quân sự cho quân đội, nhà phân tích cho biết. Cụ thể đó là việc nâng cấp kho vũ khí thông thường, đặc biệt là các phương tiện tình báo điện tử và tác chiến điện tử.

Trong số này phải kể đến máy bay trinh sát IL-20 đã được Nga sử dụng ở Syria. IL-20 phục vụ đánh chặn vô tuyến và quét sóng đối phương.

Một trinh sát cơ nữa là "máy bay toàn năng" trinh sát tổ hợp Tu-214R, bài báo cho biết. Trên Tu-214R có cả hệ thống trinh sát điện tử (ELINT) lẫn kỹ thuật vô tuyến điện (SIGINT) cho phép bắt các tín hiệu từ thiết bị liên lạc di động, máy bay và xe quân sự.

Theo Phó trưởng Ban chỉ huy Điều khiển học Lực lượng Vũ trang Mỹ Ronald Pontius, các máy bay trinh sát Nga là mối đe dọa cho nước Mỹ, Washington không thể theo kịp tốc độ phát triển của chúng.

"Nước Mỹ để mất quá nhiều thời gian vào các hoạt động chống phiến quân và sa lầy trong loạt cuộc xung đột từ Iraq đến Afghanistan. Kết quả là Mỹ đã xao nhãng việc phát triển phương tiện chiến tranh điện tử, vốn cấp thiết cho cuộc chiến thông thường với các cường quốc như Nga hay Trung Quốc", vị chuyên gia viết.

Putin bất ngờ nói hệ thống chính trị Nga cần thay máu

Hệ thống chính trị Nga cần những người mới để giữ cho đất nước thống nhất và hòa bình - Tổng thống Putin nói tại hội nghị trực tuyến với cử tri tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Nước Nga Thống Nhất.

"Các bạn nói rằng hệ thống chính trị cần có dòng máu mới. Đó chính xác là những gì nó cần. Các bạn hoàn toàn đúng" - ông Putin đáp lời tuyên bố của một cựu chiến binh tham gia vòng bầu cử sơ bộ ở Krasnoyarsk.

1131296_XCMT

"Để gìn giữ đất nước thống nhất và tránh đổ máy, hệ thống chính trị cần dòng máu mới. Những người mới, hứng thú và đầy hứa hẹn cần phải tham gia chính trường. Đó là những người biết phải làm gì và biết cách thức để làm được điều đó" - Tổng thống giải thích.

"Những người được Đảng Nước Nga thống nhất lựa chọn đều là những người trưởng thành và được chuẩn bị tốt. Họ thực sự muốn theo đuổi một sự nghiệp chính đáng theo nghĩa rộng nhất của từ này. Tôi sẽ không nói về bất cứ nền chính trị nào, tôi chỉ muốn nói về sự mong muốn chân thành được làm việc vì lợi ích của nhân dân Nga" - ông Putin kết luận và chúc những người tham gia bầu cử sơ bộ thành công. Tổng thống Putin cũng nói, ông hy vọng các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Nước Nga thống nhất sẽ được tổ chức theo cách thức văn minh hơn ở các nước khác.

"Theo như cách các bạn tranh luận, tôi hy vọng rằng bầu cử sẽ được tổ chức với tinh thần văn hóa cao. Chúng ta sẽ không giẫm vào bước chân của một số nước tự cho mình có nền dân chủ tiên tiến, nơi các ứng viên chửi rủa lẫn nhau" - ông Putin nói.


Mỹ bác lo ngại của Trung Quốc về lá chắn tên lửa THAAD

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã lên tiếng gạt bỏ những quan ngại của Trung Quốc về kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, Reuters hôm 21/4 đưa tin.

he thong phong thu ten lua thaad cua my dat tai han quoc

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc

Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc hội đàm về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên vào hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này vào ngày 7/2. Theo Mỹ, hệ thống này được triển khai để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ và Hàn Quốc.

“Thực tế cho thấy Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa hạt nhân rất nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên”, Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên chia sẻ với báo giới.

“Chúng tôi (Mỹ), cùng với Hàn Quốc, đã quyết định rằng cả hai nước cần phải có những biện pháp phòng thủ thích hợp để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.

Ông Kim cho biết Mỹ vẫn luôn rộng cửa chào đón các cuộc gặp gỡ ngoại giao tin cậy và ý nghĩa với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra thờ ơ với thiện chí này của Washington.

Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là lý do giải thích tại sao “chúng ta (Mỹ và Hàn Quốc) phải bắt đầu các cuộc hội đàm chính thức về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim nhấn mạnh.

Ông khẳng định: “Đây hoàn toàn đơn thuần là hệ thống phòng thủ tên lửa. Vì vậy, Trung Quốc và Nga không cần quan ngại về hệ thống này”.

Trung Quốc là nước ủng hộ Triều Tiên mạnh mẽ nhất trong các hoạt động về kinh tế và ngoại giao, tuy nhiên Bắc Kinh cũng “đứng ngồi không yên” với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng đồng tình với các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên.

Theo các quan chức chính phủ và các nhà phân tích Mỹ, các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Triều Tiên có tác dụng hay không phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.

Ông Kim nói rằng Trung Quốc “cũng đã có nhiều động thái để góp phần thực thi” nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

“Tôi hi vọng và mong chờ rằng Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực thi trách nhiệm của mình và thực sự thi hành tất cả các điều khoản của nghị quyết trừng phạt chưa từng có tiền lệ này”, ông nói thêm.

Mặc dù vậy, Trung Quốc nói rằng nước này có quyền phát triển cái gọi là “quan hệ bình thường” với Triều Tiên.

Theo dữ liệu thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc ngày hôm nay (21/4), Triều Tiên trở thành nhà cung cấp than đá lớn thứ hai cho Trung Quốc trong tháng 3 với sản lượng 2,35 triệu tấn.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố hồi đầu tháng 4 rằng nước này sẽ cấm không nhập khẩu than đá từ Triều Tiên để thực thi lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc lại miễn trừ mặt hàng than đá được nhập từ các nước thứ ba thông qua cảng Rason của Triều Tiên. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho phép xuất khẩu các mặt hàng nhằm phục vụ “nhu cầu hạnh phúc của con người” nhưng không liên quan tới các chương trình hạt nhân hay tên lửa.

Về phía Triều Tiên, nước này tuyên bố vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân trong tương lai, bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt từ cộng đồng quốc tế. Các hình ảnh vệ tinh mới đây nhất cho thấy nước này có thể đã cho hoạt động trở lại đường hầm tại bãi thử hạt nhân, như vụ thử hạt nhân hồi tháng Giêng vừa qua.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục