tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 28-08-2015

  • Cập nhật : 28/08/2015

Chính phủ Mỹ sẽ cạn tiền vào tháng 11 tới

chinh phu my se can tien vao thang 11 toi

Chính phủ Mỹ sẽ cạn tiền vào tháng 11 tới

Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn khả năng vay mượn vào giữa tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới nếu nước này không nâng trần nợ công.
Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ hôm qua 25/8 vừa cảnh báo, Mỹ sẽ chạm trần nợ công 18,1 nghìn tỷ USD vào giữa tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Thời hạn này có ý nghĩa quan trọng đối với Quốc hội khi cân nhắc có thông qua nâng trần nợ công nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

“Theo ước tính của CBO, Bộ tài chính Mỹ nhiều khả năng vẫn có thể tiếp tục vay nợ và trang trải các khoản thành toán đến giữa tháng 11 hoặc đầu tháng 12 mà chưa cần nâng trần nợ”, CBO cho biết trong báo cáo vừa công bố.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dự đoán nợ công sẽ chạm trần sớm hơn, các nhà làm luật có thể phải thảo luận về trần nợ vào cuối tháng 10. Ông Lew dự kiến sẽ cho các nhà làm luật thời hạn chắc chắn hơn trong vài tuần tới.

Trong khi đó, giám đốc CBO lý giải, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân cao hơn dự đoán nên thời hạn chạm trần nợ công có sự điều chỉnh muộn hơn.

Gần đây nhất, tháng 2/2014, Quốc hội Mỹ từng quyết định nâng trần nợ công để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ. Một số chuyên gia cho rằng, cuộc chiến nâng trần nợ công sắp tới có thể sẽ gắn với các điều kiện như tăng hạn mức chi tiêu cho năm tài khóa tiếp theo.

Pháp đền Nga dưới một tỷ euro trong vụ hủy bán chiến hạm

Chính phủ Pháp cho biết tổng chi phí nước này phải trả cho Nga do hủy bán tàu Mistral dưới một tỷ euro, thấp hơn mức Moscow đưa ra.
mot trong hai chien ham mistral phap huy hop dong voi nga. anh: afp

Một trong hai chiến hạm Mistral Pháp hủy hợp đồng với Nga. Ảnh: AFP

Khoản tiền này đã bao gồm tất cả các chi phí mà Nga đã trả trước đó, APdẫn lời phát ngôn viên chính phủ Pháp Stephane le Foll cho biết hôm nay.

Tuy nhiên ông Foll không công bố con số chính xác vì Quốc hội Pháp cần được thông báo chính thức trước tiên. Tổng số tiền không bao gồm những chi phí đắt đỏ mà Pháp phải trả để bảo quản hai con tàu tại thành phố Saint Nazaire.

Hồi đầu tháng 8, truyền thông Nga cho hay nước này và Pháp đã kết thúc thảo luận về việc bồi thường do Paris hủy giao hai tàu Mistral. Khoản đền bù có thể lên đến 1,3 tỷ USD. Nhưng sau đó Tổng thống Pháp Francois Hollande phủ nhận việc này.

Nga dự kiến nhận bàn giao chiến hạm Mistral đầu tiên do Pháp đóng, mang tên Vladivostok, vào cuối năm ngoái. Chiếc thứ hai, Sevastopol, dự kiến được chuyển giao vào nửa cuối năm nay, theo hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD ký hồi tháng 6/2011. Pháp tháng 11 năm ngoái tuyên bố hoãn giao hai chiến hạm Mistral cho Nga, với lý do bất đồng trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tờ Canard Enchainé của Pháp, nổi danh về điều tra và có các nguồn tin từ chính phủ, mới đây ước tính tổng thiệt hại mà Paris phải chi trả có thể lên đến 2 tỷ euro.

Ông Hollande hôm qua xác nhận có một vài khách hàng tiềm năng mua lại hai chiến hạm trên. Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp sẽ thảo luận việc bán một trong hai chiến hạm Mistral cho Malaysia. Ấn Độ cũng bày tỏ mối quan tâm tới tàu này.

 

Nga nổi giận khi Mỹ hạn chế thị thực Chủ tịch thượng viện

 Ngày 27-8, Nga đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Mỹ cấp thị thực hạn chế đối với Chủ tịch Hội Chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko. 

Đoàn đại biểu quốc hội Nga dự kiến tham dự Hội đồng Liên nghị viện thế giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York tuần này đã tuyên bố hủy chuyến đi vì những hạn chế thị thực đối với Chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko. 

chu tich thuong vien nga matviyenko - anh: rada.gov.ua

Chủ tịch Thượng viện Nga Matviyenko - Ảnh: rada.gov.ua

Bà Matviyenko, là mục tiêu của các lệnh cấm đi lại của Mỹ ban bố năm ngoái vì vai trò trong việc Nga sáp nhập Crimea, bị Mỹ hạn chế chỉ được phép tham dự các sự kiện của liên minh nghị viện.

Bộ Ngoại giao Nga nói những hạn chế này là “không thể chấp nhận được” với một quốc gia tổ chức những diễn đàn đa phương trên lãnh thổ họ và cho rằng các hạn chế đó đã khiến đoàn đại biểu Nga “không thể nào” tới Mỹ.

“Mục đích chính của chuyến thăm là (để bà Matviyenko) tham gia một cuộc gặp giữa các chủ tịch nghị viện là nữ, và các nghị sĩ đi theo đoàn sẽ không biết làm gì nếu không có lãnh đạo của họ”, ông Andrei Klimov, Phó ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, nói.

Hội thảo của các lãnh đạo quốc hội dự kiến diễn ra từ 31-8 tới 2-9 ở New York.

Từ năm 2014, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước khác đã áp đặt lệnh cấm đi lại với nhiều nhân vật chính trị cấp cao ở Nga.

Ngày 1-7, Phần Lan từng từ chối thị thực cho một nhóm nghị sĩ Nga, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Sergei Naryshkin.

Ngày 26-8, Igor Morozov, thành viên Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga, đã kêu gọi Nga cần phải đáp trả thích đáng các lệnh cấm vận đó, cụ thể là đưa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và những người phó của ông này vào danh sách cấm tới Nga.

Ông Morozov nói với hãng tin RIA-Novosti rằng chỉ như thế mới đáp trả xứng đáng quyết định của Mỹ giới hạn thị thực của bà Matviyenko.


Cựu thù Serbia, Kosovo đạt thỏa thuận đột phá

Ngày 27-8, chính quyền Serbia và Kosovo bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.

thu tuong serbia aleksandar vucic bay to su lac quan ve thoa thuan voi kosovo anh: reuters

Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic bày tỏ sự lạc quan về thỏa thuận với Kosovo Ảnh: Reuters

“Chúng tôi đã đạt được hơn những gì chúng tôi hi vọng” - Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic mô tả về thỏa thuận đạt được ở Brussels (Bỉ). Thủ tướng Kosovo Isa Mustafa cũng đánh giá thỏa thuận này “là thành công lớn”.

Ngoại trưởng Kosovo Hashim Thaci đánh giá thỏa thuận này đồng nghĩa với việc “Serbia sẽ ký các văn bản công nhận chúng tôi là nước CH Kosovo độc lập”. Khoảng 120.000 người gốc Serb sống ở Kosovo, nơi 90% trong tổng số 1,8 triệu dân là người gốc Albania.

Một phần quan trọng của thỏa thuận là kế hoạch thành lập một hiệp hội các vùng do người Serbia quản lý ở Kosovo. Thủ tướng Vucic cho biết Serbia có thể sẽ cung cấp tài chính trực tiếp cho các vùng do người Serbia quản lý ở Kosovo.

Hai bên cũng đạt thỏa thuận về các vấn đề năng lượng và viễn thông. Serbia và Kosovo có mối quan hệ đầy khó khăn kể từ sau chiến tranh Kosovo. Serbia và Nga vẫn chưa công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2008 dù nó được hơn 100 quốc gia thừa nhận.

Năm 2013, chính quyền Pristina và Belgrade ký thỏa thuận do EU làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên sau đó đàm phán gặp nhiều khó khăn. Mới đây Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini mô tả thỏa thuận ở Brussels “là bước tiến đột phá trong quá trình bình thường hóa quan hệ”.

Thỏa thuận này cũng là cơ hội đẩy nhanh tiến trình Serbia và Kosovo gia nhập EU. “Giờ đây chúng tôi không còn thấy rào cản nào đối với việc bắt đầu đàm phán giúp Serbia gia nhập EU” - ông Vucic nhấn mạnh.


Malaysia, Indonesia lập đội phản ứng nhanh chống cướp biển

Malaysia và Indonesia đang triển khai những đội phản ứng nhanh để đối phó tình trạng cướp biển đang gia tăng ở vùng biển xung quanh 2 nước này và lân cận.

malaysia va indonesia lap doi ung pho nhanh voi cuop bien - anh minh hoa: afp

Malaysia và Indonesia lập đội ứng phó nhanh với cướp biển - Ảnh minh họa: AFP

Reuters ngày 26.8 cho biết đã có hơn 70 tàu hàng bị tấn công ở khu vực eo biển Singapore và Malacca, bờ tây của bán đảo Malaysia trong năm 2015, cao nhất tính từ năm 2008 đến nay, theo số liệu từ các tổ chức an ninh và chống cướp biển.
Số vụ cướp biển gia tăng đáng lo ngại đến mức Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia, còn gọi là đội tuần duyên, phải huy động đội cứu hộ đặc biệt được trang bị trực thăng ở Johor Bharu (thị trấn thuộc bang Johor ở cực nam Malaysia), ông Zulkifili bin Abu Bakar, Giám đốc phụ trách vấn đề hàng hải của Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia nói với Reuters.
Singapore, Indonesia và Malaysia đã hợp tác tuần tra trên biển ở khu vực eo biển Malacca và Biển Đông, nhưng hiệu quả chưa cao vì thiếu nguồn lực; trong khi điều kiện bờ biển, hải đảo ở khu vực này rất thuận lợi cho cướp biển hoạt động.
“Đối với Indonesia, việc thành lập đội phản ứng nhanh không phải là mới, nhưng trước đây chỉ tập trung vào hoạt động phối hợp, hợp tác tuần tra ở Malacca. Chúng tôi liên lạc với nhau và kết quả khá tốt”, Zainuddin, người phát ngôn của Hải quân Indonesia cho biết.
Các chuyên gia an ninh và vận chuyển tàu biển ủng hộ việc lập đội phản ứng nhanh đối phó với cướp biển nhưng cho rằng cần phải năng động hơn trong việc ngăn chặn và khống chế loại tội phạm trên biển này.
Khu vực Đông Nam Á trở thành điểm nóng của cướp biển. Khu vực này ghi nhận xảy ra 84 trong số 106 vụ cướp biển trong 6 tháng đầu năm 2015, theo Cơ quan hàng hải Quốc tế. Vùng biển của Indonesia là nơi cướp biển hoạt động mạnh nhất, theo Reuters.
Khác với ở châu Phi, cướp biển được trang bị vũ khí hạng nặng khi tấn công tàu thuyền và bắt cóc thuyền viên, cướp biển ở eo biển Malacca và Singapore trang bị vũ khí nhẹ và đôi khi tay không cũng có thể khống chế tàu hàng.
Các chủ tàu cho biết giới chức các nước trong vùng Đông Nam Á ít huy động lực lượng trang bị vũ khí để đối phó với cướp biển, vì quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng vũ khí và mức độ bạo động thấp từ các vụ cướp biển.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục