tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-08-2015

  • Cập nhật : 27/08/2015

Citi: FED sẽ vẫn tăng lãi suất vào tháng 9

pho chu tich fed stanley fischer. anh: bloomberg

Phó chủ tịch FED Stanley Fischer. Ảnh: Bloomberg

Citi vẫn quả quyết với sự kiện tháng 9 tới, tuy nhiên lại hé lộ rằng chưa thể tiên đoán được điều gì ít nhất cho tới khi cuộc hội thảo Jackson Hole được diễn ra.
 

Hiện tại ngân hàng Citibank vẫn kiên định với quan điểm cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng sau theo đúng kế hoạch. Những chuyên gia kinh tế của ngân hàng này đứng đầu là ông William Lee cho biết nhận định của họ về cuộc họp vào tháng 7 của FED khác hoàn toàn so với những tổ chức phân tích khác. Ngân hàng này tuyên bố rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ hiện đang quan tâm nhiều hơn đến sự ổn định của hệ thống tài chính, do đó họ sẽ vẫn quyết tâm thực hiện việc đẩy cao tỷ lệ lãi suất vào tháng 9.

Các tổ chức tài chính mới đây đang xem xét lại những dự đoán trước đây do bối cảnh nền tài chính quốc tế phức tạp, đặc biệt là thị trường chứng khoán đang biến động bắt nguồn từ động thái giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Lãi suất cho vay tương lai liên ngân hàng cũng cho thấy khả năng tăng lãi suất của FED đã giảm xuống dưới 30%, thậm chí còn thấp hơn mức 50% của tuần trước.

Một câu hỏi được đặt ra, rằng tại sao Citi vẫn quả quyết với sự kiện tháng 9 tới? Phải chăng tổ chức này cho rằng, mặc dù hiện Trung Quốc đang là một nền kinh tế lớn nhưng vẫn chưa đủ ảnh hưởng tới quyết định của FED.

Theo ông Lee “Sự xuất hiện của phó chủ tịch FED Stanley Fischer tại cuộc hội thảo chiến lược kinh tế Jackson Hole sắp tới mới điều không thể đoán trước được. Nếu ông ấy tỏ thái độ lo ngại về vấn đề hàng hóa, giá nhiêu liệu cũng như đồng dollar tiếp tục tăng giá sẽ tiếp tục gây nên ảnh hưởng tới mức lương và giá cả nội địa, chúng ta có thể trông chờ một sự kiện lớn xảy ra. Mối quan tâm của ông ta sẽ phần nào cho thấy FED bắt đầu bớt tự tin trong việc đạt mục tiêu lạm phát ở mức trung bình"


Ukraine đã bơm được 14,1 tỷ m3 khí đốt dự trữ cho mùa Đông

Hãng Sputnik dẫn thông báo của bộ phận báo chí và quan hệ công chúng của Công ty Ukrtransgaz ngày 25/8 cho biết, tính đến nay, kho dự trữ của Ukraine đã được bơm 14,1 tỷ m3 khí đốt.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng-Than Ukraine Vladimir Demchishin nói rằng nước này cần mua thêm 5-6 tỷ m3 khí đốt để qua được giai đoạn mùa Đông.

Từ tháng 5/2015, nhà điều hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm 2015-2016.

Để công việc không bị gián đoạn trong mùa lạnh, Kiev đã lên kế hoạch đại tu 34 km đường ống dẫn khí đốt, sửa chữa 269 trạm phân phối khí đốt, kiểm tra 544 đoạn dưới nước và 249 đoạn chuyển tiếp trên mặt nước.


Tổng thống Brazil trấn an người dân về tình hình kinh tế

Trước tình hình kinh tế không khả quan như hiện nay, Tổng thốngBrazil Dilma Rousseff đã lên tiếng bác bỏ những dự báo cho rằng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ "nếm trải" những khó khăn to lớn trong năm tới.

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 25/8, Tổng thống Rousseff bày tỏ hy vọng bức tranh nền kinh tế Brazil trong năm 2016 sẽ có nhiều gam sáng hơn, tuy nhiên bà cũng thẳng thắn thừa nhận chưa thể đảm bảo quốc gia Nam Mỹ này lấy lại tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trước.

Bà cho rằng với diễn biến kinh tế thế giới khó lường như hiện nay, Brazil vẫn sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề.

Theo nhà lãnh đạo Nam Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil trong năm 2015 có thể giảm 2%, và chính phủ cần có những quyết sách để không tái diễn mức thâm hụt này trong năm sau.

Liên quan đến chính sách tài khóa năm nay, trong đó có kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế, Tổng thống Brazil cũng bày tỏ tin tưởng vào chủ trương này, và hy vọng người dân Brazil kiên trì và tiếp tục ủng hộ biện pháp tài chính của chính phủ.

Triển vọng kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này khá ảm đạm sau khi các biện pháp tài chính nhằm thúc đẩy kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Rousseff đã không hiệu quả và làm ảnh hưởng tới ngân quỹ quốc gia.

Theo thống kê, năm 2014, thâm hụt ngân sách ban đầu của Brazil tương đương 0,63% GDP và sau trả lãi lên tới 6,7% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2002. Nhiều chuyên gia cho rằng Brazil đã mất kiểm soát chi tiêu trong năm 2014, đe dọa tăng cao nợ công của nền kinh tế số một Mỹ Latinh này.

Tổng thống Dilma Rousseff đề ra mục tiêu đạt thặng dư ngân sách ban đầu trong năm nay ở mức tương đương 1,1% GDP để đảm bảo cân bằng tài chính công, giữ ổn định nợ công và hướng tới tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ lên kế hoạch cắt giảm ngân sách gần 23 tỷ USD.

Mới đây nhất, Chính phủ Brazil đã công bố kế hoạch cải cách hành chính nhằm cắt giảm ngân sách liên bang, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Theo chủ trương này, số lượng các bộ sẽ giảm, từ 39 xuống còn 29, các cơ quan trực thuộc chính phủ và cơ quan ngang bộ cũng bị cắt giảm. Khoảng 22.000 biên chế trong khối nhà nước nằm trong diện cắt giảm.

Theo thống kê mới nhất công bố cùng ngày, tỷ lệ thất nghiệp của quý 2/2015 tại Brazil đứng ở mức 7,5%, cao hơn nhiều so với mức 6,2% của quý trước. Trong khi đó, kinh tế sụt giảm cũng khiến chỉ số lòng tin người tiêu dùng trong tháng Tám giảm còn 80,6%, thấp hơn so với mức 82% của tháng trước.


Mỹ và Mexico có tuyến đường sắt mới đầu tiên trong hơn 100 năm

Lần đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ, Mỹ và Mexico mở một tuyến đường sắt mới giữa hai nước như một phần kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương hiện đã cán mốc 600 tỷ USD/năm.

Tuyến đường sắt xuyên biên giới phía Tây nối liền thành phố Brownsville, bang Texas, với thành phố Matamoros của Mexico sẽ chủ yếu dành cho vận chuyển hàng hóa.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho hay kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ được ký kết 20 năm trước, thương mại Mỹ-Mexico đã tăng gấp 6 lần và Mexico đã trở thành một trong những bạn hàng lớn nhất của Mỹ song cơ sở hạ tầng phục vụ giao thương giữa hai nước vẫn chưa được cải thiện xứng tầm.

Bà Pritzker nhấn mạnh hai bên cần có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt để bắt kịp những cơ hội kinh tế, đồng thời cho hay hai chính phủ cũng đã khởi động nhiều dự án khác nhằm phục vụ mục đích này.

Dự án đường sắt này được khởi công từ tháng 12/2010 và được thiết kế nhằm mục tiêu nâng cao khả năng giao thông vận tải khu vực, cải thiện môi trường và giảm tải giao thông đô thị bằng cách chuyển giao thông đường sắt ra khỏi các khu vực đông dân cư của cả hai thành phố giáp biên.

Theo thống kê từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Mexico là đối tác trao đổi hàng hóa lớn thứ 3 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ trong năm 2013.

Trao đổi thương mại song phương trong năm 2014 đạt 592 tỷ USD tương đương trung bình gần 1,5 tỷ USD hàng hóa qua biên giới hai nước mỗi ngày. Trước tuyến đường sắt này, Mỹ và Mexico có tổng cộng 8 tuyến đường sắt nối liền hai nước./.


Venezuela sẵn sàng bán dầu với giá 30 USD/thùng

Venezuela - một thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa tuyên bố sẵn sàng để giá dầu xuất khẩu của nước này rơi xuống mức dưới 30 USD/ thùng, thậm chí thấp hơn.

Theo Tổng thống Venezuela Maduro, giá dầu xuất khẩu của Venezuela ngày hôm qua (25/8) đã giảm 2 USD xuống còn 35 USD/thùng và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức 30 USD, thậm chí là thấp hơn nữa.

Giá dầu ngọt nhẹ thế giới trên thị trường thế giới hôm qua chốt ở mức 43,21 USD/ thùng. Sở dĩ giá dầu của Venezuela thấp, vì thành phần có chứa nhiều dầu nặng hơn.

Trước đà lao dốc của giá dầu đã có những lời kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu, nhưng tổ chức này sẽ không có cuộc họp nào từ nay cho đến ngày 4/12 tới và từ chối lời đề nghị tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Cho tới nay, OPEC chưa cắt giảm sản lượng vì hy vọng với lợi nhuận ít như vậy sẽ loại được các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.
 

Hiện chỉ có các thành viên vùng Vịnh của OPEC mới có đủ tiềm lực về kinh tế để có thể chống chọi được với giá dầu thấp. Còn với những thành viên khác như Iran hay Venezuela, giá dầu thấp đang đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục