tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 20-10-2015

  • Cập nhật : 20/10/2015

Tư lệnh Malaysia chỉ trích Trung Quốc ngay tại Trung Quốc

Trái với dự đoán trước đó, nhiều bên tham dự Diễn đàn Hương Sơn ở Trung Quốc đã phát biểu thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, thậm chí lên án nước chủ nhà.
tu lenh luc luong vu trang malaysia, zulkefli mohd zin chi trich manh me nhung gi trung quoc lam tren bien dong - anh: the malaysian insider

Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin chỉ trích mạnh mẽ những gì Trung Quốc làm trên Biển Đông - Ảnh: The Malaysian Insider

Phát biểu trong ngày cuối cùng (18.10) của Diễn đàn an ninh - quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Malaysia, Zulkefli Mohd Zin bất ngờ lên án hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông là “sự khiêu khích phi pháp không thể chấp nhận”.
Đây là sự chỉ trích công khai hiếm thấy của Malaysia đối với Trung Quốc về Biển Đông. Reuters dẫn lời ông Zulkefli nhấn mạnh: “Thời gian sẽ trả lời ý định của Trung Quốc là gì. Trong thời gian này, chúng tôi đành chấp nhận những lý do chính phủ CHND Trung Hoa đưa ra cho mục đích phát triển những đảo này... Tôi hy vọng đó là những mục đích tốt, phục vụ cho nhân loại”.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngụy biện tại Diễn đàn Hương Sơn rằng 2 ngọn hải đăng nước này xây phi pháp trên đá Châu Viên và Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam “sẽ hỗ trợ đáng kể sự an toàn đi lại” ở Biển Đông. Ông Lưu còn ngang nhiên tuyên bố sẽ xây thêm nhiều cơ sở tương tự, nhưng không cung cấp chi tiết, theo Reuters.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao và sĩ quan nước ngoài nhận định việc xây dựng 2 ngọn hải đăng là “động thái xảo quyệt” nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Reuters, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) Ian Storey cảnh báo: “Nếu tàu hải quân và tàu dân sự từ những quốc gia khác, trong đó có Mỹ, phải sử dụng sự điều hướng từ 2 ngọn hải đăng này thì sẽ bị coi là công nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc”. Chuyên gia này còn cho rằng 2 ngọn hải đăng phi pháp sẽ củng cố chiến lược lâu nay của Trung Quốc là dần dần “thay đổi hiện trạng ở vùng biển khu vực”.
Trong khi đó, cũng tại Diễn đàn Hương Sơn, cựu Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ Gary Roughead nhận định tình trạng Trung Quốc mở rộng các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo và không có lời giải thích rõ ràng “làm gia tăng sự nghi ngờ và nguy cơ tính toán sai lầm”.
Cũng trong ngày 18.10, Kyodo News dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho hay Mỹ đã thông báo với đại diện ngoại giao các nước Đông Nam Á về kế hoạch sẽ sớm triển khai tàu hải quân vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Theo các chuyên gia, việc thông báo kế hoạch này cho các nước liên quan thông qua các kênh ngoại giao chứng tỏ sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Barack Obama đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua các đảo nhân tạo phi pháp. (Thanh Niên Online)

"Nhân Dân Nhật Báo" bị chỉ trích tham nhũng, tống tiền

Ngày 19-10, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích Nhân Dân Nhật Báo vì hàng loạt sai phạm, tham nhũng ở các văn phòng đại diện của báo này.

an ban tieng anh cua nhan dan nhat bao - anh: en.people.cn

Ấn bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo - Ảnh: En.people.cn

Theo Reuters, Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho biết vừa hoàn tất quá trình điều tra hoạt động của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.   

CCDI mô tả các bài viết trên Nhân Dân Nhật Báo “đã tạo ra môi trường tốt để chống tham nhũng”. Nhưng CCDI phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng ở các văn phòng đại diện của Nhân Dân Nhật Báo tại một số tỉnh thành.

CCDI cho biết nhiều nhân viên Nhân Dân Nhật Báo ở một số văn phòng đại diện “dùng tiền của nhà nước để đi nghỉ mát”, và “khi các vấn đề bị phát hiện thì chúng đều không được xử lý đúng quy trình”.

“Một số văn phòng đại diện sử dụng tiền ngân sách dành cho tờ báo để kiếm lợi từ các dự án phát triển. Một số khác nhận tiền hối lộ để đăng thông tin này hoặc ém thông tin khác, hay dùng thông tin để tống tiền” - CCDI tố cáo.

Dù vậy, CCDI không công bố chi tiết các sai phạm nghiêm trọng này của Nhân Dân Nhật Báo. Tổng biên tập Nhân Dân Nhật Báo Yang Zhenwu tuyên bố ban biên tập tờ báo sẽ nghiên cứu kỹ báo cáo của CCDI và dùng nó để thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng.

Chống tham nhũng trong hoạt động báo chí là một trong những chiến dịch Chính phủ Trung Quốc thực hiện thời gian qua. Đây là một phần trong chiến lược “đánh cả ruồi lẫn hổ” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. (Tuổi Trẻ Online)


Mỹ, EU bắt đầu dỡ bỏ cấm vận Iran

Hôm  18-10 (theo giờ Mỹ), Mỹ và châu Âu bắt đầu tiến trình dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã đè nặng lên nền kinh tế Iran khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và các cường quốc có hiệu lực.

ben trong mot nha may loc nuoc tai nha may hat nhan bushehr cua iran - anh: afp

Bên trong một nhà máy lọc nước tại nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran - Ảnh: AFP

"Hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng nhắm đến việc ngăn cản Iran có được vũ khí hạt nhân và đảm bảo chương trình hạt nhân của nước này phát triển theo hướng hòa bình" - tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố.

Bên cạnh đó Liên minh châu Âu cũng thông qua một khuôn khổ pháp lý để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

AFP cho biết quá trình dỡ bỏ cấm vận bắt đầu 90 ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ chứng thực bản thỏa thuận ký kết tại Vienna hồi tháng 7.

Tuy nhiên các công ty nước ngoài sẽ không thể nối lại mối quan hệ làm ăn với ngành công nghiệp dầu khí và ngân hàng ngay lập tức bởi các biện pháp trừng phạt vẫn duy trì cho đến khi Iran thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký kết.

Bước tiếp theo - "ngày thi hành" - sẽ chỉ được tiến hành khi cơ quan giám sát hạt nhân LHQ IAEA xác nhận Iran đã tuân thủ các điều khoản trao đổi trong thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này.

Iran cho biết tiến trình này có thể bắt đầu trong tuần. Chính quyền Tehran sẽ phải giảm phần lớn các kho dự trữ hạt nhân đã làm giàu, tháo dỡ hầu hết các máy ly tâm và ngưng lò phản ứng làm ra plutonium.

Trước đó hôm 14-10 quốc hội Iran đã đề xuất dự luật nhằm thông qua thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và 6 cường quốc phương Tây. Hội đồng Guardian của nước này cũng đã thông qua luật ngay trong ngày này.


Tỷ phú Trung Quốc bị quản thúc tại Mỹ

Tỷ phú Trung Quốc Ng Lap Seng, người bị cáo buộc hối lộ cựu chủ tịch đại hội đồng Liên Hợp Quốc, sẽ được phép tại ngoại nhưng chịu quản thúc tại gia nếu đóng bảo lãnh 50 triệu USD.
ng lap seng. anh: reuters

Ng Lap Seng. Ảnh: Reuters

Thẩm phán Kevin N. Fox của Tòa án Liên bang quận Manhattan, Mỹ, hôm 16/10 đồng thời yêu cầu ông Ng, 68 tuổi, trùm bất động sản Trung Quốc, phải giao nộp tất cả hộ chiếu, bị theo dõi bởi thiết bị định vị GPS và luôn có nhân viên an ninh canh gác, theo New York Times.

Trước khi quyết định được đưa ra, công tố viên Daniel C. Richenthal đã gửi một văn bản tới thẩm phán Fox, nêu những lý do khiến Ng có thể trốn chạy khỏi New York nếu được tại ngoại, trong đó có khối tài sản trị giá hai tỷ USD của Ng, hành vi hối lộ quan chức nước ngoài và sự thiếu liên kết giữa Mỹ và quốc tế. Ông cũng cho rằng bị cáo không đủ điều kiện để thoát khỏi sự quản lý của nhà tù liên bang.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho Ng, ông Benjamin Brafman, cho rằng không thể trừng phạt một người chỉ vì họ giàu có. Ông cũng nhấn mạnh bị cáo Ng sẽ được cách ly bên trong một căn hộ trị giá 3,8 triệu USD, được theo dõi bởi một thiết bị điện tử và luôn có nhân viên an ninh canh phòng 24/7.

Ông Ng bị buộc tội hối lộ cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) John Ashe số tiền trên 500.000 USD. Đổi lại, ông Ashe sẽ tạo điều kiện cho Ng có các khoản đầu tư sinh lợi lớn ở Antigua và thúc đẩy đề xuất do Ng đưa ra về việc xây dựng một trung tâm triển lãm và hội nghị thường trú của LHQ tại Macau.


Israel và Mỹ nối lại đàm phán về hỗ trợ quốc phòng

Ngày 18-10, Mỹ và Israel tuyên bố nối lại các đàm phán bị trì hoãn thời gian qua về việc Mỹ sẽ hỗ trợ quốc phòng cho Israel.

chu tich hoi dong tham muu truong lien quan my joseph dunford (trai) va tong tham muu truong quan doi israel gadi eizenkot trong le don tiep ong dunford tai tel aviv, israel ngay 18-10 - anh: reuters

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford (trái) và Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Gadi Eizenkot trong lễ đón tiếp ông Dunford tại Tel Aviv, Israel ngày 18-10 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tuyên bố cho thấy tín hiệu hai nước đồng minh bắt đầu chấp nhận tạm gác sang một bên những bất đồng quan điểm về thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5+1.

Việc này cũng diễn ra trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân của Iran chính thức có hiệu lực ngày 18-10 và Israel đang đón tiếp tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford có chuyến công du tới Israel.

Mỹ và Israel đang tiến tới một thỏa thuận về gói hỗ trợ quân sự 10 năm, mở rộng hơn so với chương trình hỗ trợ thường niên hiện nay trị giá 3 tỉ USD của Mỹ cho Israel sẽ hết hạn năm 2017.

Trước đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tạm ngưng các cuộc đàm phán liên quan tới việc này vào trước thời điểm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm 6 nước đạt được. Israel cực lực phản đối thỏa thuận hạt nhân của Iran.

Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer cho biết trên Facebook: “Trong bối cảnh hiện tại khi thỏa thuận hạt nhân chính thức khởi động, Israel cũng phải tiến về phía trước, tạo dựng một chính sách chung với Mỹ để ứng phó với những nguy cơ từ phía Iran”.

Cũng theo ông Ron Dermer, “các cuộc đàm phán về thỏa thuận ghi nhớ (thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng) giữa Israel và Mỹ sau một thời gian trì hoãn đã được nối lại tuần qua tại Washington”.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục