tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 03-03-2016

  • Cập nhật : 03/03/2016

Philippines tố Trung Quốc điều 7 tàu chặn lối vào Trường Sa

Philippines hôm nay tố cáo Trung Quốc điều nhiều tàu đến gần bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chặn ngư dân tiếp cận với ngư trường này.
bai hai sam nhin tu ve tinh. anh: google earth

Bãi Hải Sâm nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Google Earth

Reuters dẫn lời ông Eugenio Bito-onon Jr, một quan chức địa phương của Philippines, cho hay có 7 tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Đây là điều rất đáng báo động", ông Bito-onon Jr nói. Ông cho biết Bãi Hải Sâm "nằm trên đường chúng tôi đi từ Palawan đến Pagasa. Nó nằm giữa hành trình và chúng tôi thường dừng ở đây nghỉ ngơi". Pagasa là cách gọi của Philippines với đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Tôi cảm thấy có gì đó khác lạ. Người Trung Quốc đang cố gắng bóp nghẹt chúng tôi bằng cách đặt một chốt kiểm soát ảo ở đó. Đây là một sự vi phạm trắng trợn quyền đi lại của chúng tôi, cản trở tự do hàng hải", ông nói thêm.

Các ngư dân thông báo với ông Bito-onon Jr rằng một tàu cá Philippines mắc cạn trong vùng biển này và vẫn ở đó nhưng không bị các tàu Trung Quốc quấy rối.

Một nguồn tin quân đội từ Palawan cho biết một máy bay giám sát đã phát hiện 4-5 tàu gần bãi Hải Sâm vào tuần trước. Nguồn tin này không thể xác định là các tàu chỉ đi qua hay neo tại đây vì khu vực này nằm gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và tích cực bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.

"Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xây dựng hạ tầng hay phát triển nó thành một hòn đảo", nguồn tin này nói.

Tờ Philippines Star thì dẫn lời một ngư dân kể rằng các tàu Trung Quốc đã đuổi theo họ khi họ định đi vào khu vực trên tuần trước.

"Các tàu Trung Quốc màu xám trắng đã ngăn chúng tôi đi vào ngư trường truyền thống, có khoảng 4 chiếc trong số đó nằm bên trong bãi", ông nói. 

Quân đội Philippines đang cố gắng xác nhận sự hiện diện của các tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm. Một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã bắn cảnh cáo các ngư dân Philippines tại đây vào năm 2011.

"Chúng tôi biết có các tàu Trung Quốc đang di chuyển quanh khu vực Trường Sa", phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Restituto Padilla, nói. "Cũng có các tàu quanh bãi Cỏ Mây mà chúng tôi muốn xác nhận chắc chắn là liệu chúng có ở đó cố định hay không".

Giới chức Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Trung Quốc trong năm qua gia tăng các hoạt động cải tạo đất trên các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa và gần đây được cho là triển khai các tên lửa và chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa. Những động thái phi pháp này vấp phải sự phản đối gay gắt từ Việt Nam, Philippines cũng như dư luận quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm qua yêu cầu Trung Quốc không nên có những hành động "gây hấn" trong khu vực và cảnh báo việc quân sự hóa Biển Đông sẽ dẫn đến "những hậu quả rõ ràng".


Ngày 'siêu thứ Ba': Donald Trump và Hillary Clinton chiến thắng áp đảo

Tỉ phú Donald Trump và bà Hillary Clinton cùng chiến thắng áp đảo ở bảy bang. Nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz đề nghị các ứng viên Cộng hòa khác dừng cuộc đua để dồn khả năng đối đầu tỉ phú Donald Trump cho ông.

Ngày bầu cử siêu thứ Ba 1-3 - ngày bầu cử lớn nhất trong mùa bầu cử sơ bộ diễn ra tại 14 bang và một vùng lãnh thổ Mỹ: Alabama, Arkansas, Colorado, Georgia, Massachusetts, Minnesota, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont, Virginia, Alaska, North Dakota, Wyoming và vùng Samoa.

Bầu cử sơ bộ diễn ra ở 11 bang, các bang Alaska, North Dakota và Wyoming bầu cử kín để chọn ứng viên đảng Cộng hòa; vùng Samoa bầu cử kín để chọn ứng viên đảng Dân chủ.

11 bang bầu cử sơ bộ ngày 1-3 có 595 cử tri Cộng hòa - gần một nửa số cử tri mà một ứng viên Cộng hòa cần có để được đảng chọn làm đại diện tham gia tranh cử tổng thống với đảng Dân chủ.

Số cử tri Dân chủ ở 11 bang này là 865 -tương đương 1/3 số cử tri một ứng viên đảng Dân chủ cần có để được chọn làm đại diện tranh cử.

Ngày bầu cử siêu thứ Ba chứng kiến chiến thắng huy hoàng của ứng viên Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Dân chủ Hillary Clinton.

Ở đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton thắng ở bảy bang Texas, Massachusetts, Arkansas, Tennessee, Virginia, Georgia, Alabama, đạt được 436 phiếu cử tri. Tổng cộng tính đến thời điểm này bà Clinton được 984 phiếu cử tri.

Ông Bernie Sanders thắng ở bốn bang Oklahoma, Vermont, Minnesota, Colorado. Tổng cộng tính tới thời điểm này ông Sanders đạt 347 phiếu cử tri.

Người nào đạt 2.382 phiếu cử tri Dân chủ sẽ đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống.

Ở đảng Cộng hòa, tỉ phú Donald Trump cũng gây bất ngờ lớn với chiến thắng vang dội ở bảy bang Georgia, Virginia, Tennessee, Massachusetts, Arkansas, Vermont và Alabama, đạt 186 phiếu cử tri. Tổng cộng đến thời điểm này ông Trump dẫn đầu đảng Cộng hòa với 268 phiếu cử tri.

Nghị sĩ Ted Cruz thắng ở bang nhà Texas và bang Oklahoma, đạt được tổng cộng 142 phiếu cử tri. Nghị sĩ Marco Rubio về đầu ở bang Minnesota, đạt tổng cộng 78 phiếu cử tri.

Để được chọn đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, ứng viên phải đạt 1.237 phiếu cử tri.

ti phu donald trump phat bieu mung chien thang tai bang florida (my) ngay 1-3. anh: abc news

Tỉ phú Donald Trump phát biểu mừng chiến thắng tại bang Florida (Mỹ) ngày 1-3. Ảnh: ABC NEWS

Chiến thắng trong ngày bầu cử 1-3 đã nâng số bang ông Trump chiến thắng trong mùa bầu cử sơ bộ từ ba lên chín bang. Số phiếu cử tri Cộng hòa ông Trump đạt được đến thời điểm này chiếm gần 50% tổng số cử tri Cộng hòa đã bầu.

Theo báo Los Angeles Times (Mỹ), đảng Cộng hòa đang nỗ lực ngăn chặn khả năng ông Donald Trump chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và trở thành đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống với đại diện của đảng Dân chủ.

Đảng Cộng hòa không những lo ngại vị tỉ phú này làm đại diện sẽ không những làm mất cơ hội ghế tổng thống thuộc về đảng mình, mà còn có thể làm đảng này mất luôn thế đa số ở Quốc hội.

Phát biểu tại bang Texas ngày 1-3, ông Cruz đã gây ngạc nhiên lớn khi đề nghị các đối thủ Cộng hòa khác dừng cuộc đua để ông tăng khả năng đối đầu ông Trump trong các vòng bầu cử sơ bộ tiếp theo, ngăn chặn ông này trở thành đại diện đảng tranh cử tổng thống.

Hiện trong các ứng viên Cộng hòa, ông Cruz là người theo sát ông Donald Trump và được đánh giá là người có khả năng kiềm chế ông Trump nhất so với các ứng viên còn lại Marco Rubio, John Kasich và Ben Carson.

Theo ông, nếu số phiếu cử tri Cộng hòa cứ phải chia ra cho nhiều ứng viên như hiện nay thì khả năng ông Trump trở thành đại diện đảng rất lớn và sẽ là thảm họa chẳng những cho đảng Cộng hòa mà cho cả phe bảo thủ và cho nước Mỹ.

Báo New York Times (Mỹ) cho biết trong ngày 1-3, một nhóm người giàu ủng hộ đảng Cộng hòa kêu gọi tổ chức hội nghị quyên góp cho chiến dịch ngăn chặn nguy cơ ông Trump trở thành đại diện đảng tranh cử tổng thống với đại diện phe Dân chủ.

Về phần mình, cùng ngày, ông Trump bác bỏ thông tin ông đang bị đảng Cộng hòa cố gắng cho ra rìa cuộc đua và cho biết đang nhắm tới cuộc đua với bà Hillary Clinton bên đảng Dân chủ.

Kết quả của các ứng viên Ted Cruz (Cộng hòa), Marco Rubio (Cộng hòa), Bernie Sanders (Dân chủ) trong ngày bầu cử 1-3 dù khiêm tốn nhưng đủ để cho cuộc đua tiếp tục.

Chiến thắng của ông Ted Cruz tại bang Texas rất quan trọng vì đây là bang có cử tri nhiều nhất trong số các bang bầu cử ngày 1-3 với 155 cử tri đảng Cộng hòa và 222 cử tri đảng Dân chủ.


Lào: Công ty Trung Quốc bị tấn công, 1 người chết

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Luang Prabang - Lào ngày 2-3 xác nhận 1 công dân Trung Quốc đã thiệt mạng và 3 người bị thương trong vụ tấn công của các phần tử vũ trang chưa rõ danh tính tiến hành.

Theo Tân Hoa Xã, vụ tấn công xảy ra lúc 19 giờ ngày 1-3 tại nhà kho của công ty ​do Trung Quốc đầu tư ở huyện Phoukhoun, tỉnh Luang Prabang. 3 nạn nhân bị thương đã được đưa tới điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, bản tin không nói rõ các công nhân Trung Quốc có bị tấn công một cách cố ý hay không.

hien truong vu no nghi do danh bom tai lao lam 2 nguoi trung quoc thiet mang hoi thang 1-2016. anh: the guardian

Hiện trường vụ nổ nghi do đánh bom tại Lào làm 2 người Trung Quốc thiệt mạng hồi tháng 1-2016. Ảnh: THE GUARDIAN

Nguồn tin của Tân Hoa Xã cho biết thêm lúc 20 giờ cùng ngày, một vụ tấn công vũ trang khác cũng xảy ra tại huyện Phoukhoun, nhằm vào một xe buýt chạy từ thủ đô Vientiane tới tỉnh Phongsaly và một xe tải nhỏ, làm ít nhất 5 công dân Lào bị thương.

Sau các vụ tấn công, quân đội Lào ở tỉnh Luang Prabang đã tới hiện trường để truy quét ​các đối tượng.

Trước đó, vào tháng 1 năm nay, hai công dân Trung Quốc bị giết trong một vụ nổ nghi do bom gây ra ở vùng Xaysomboun của Lào. Đây là khu vực hay có xung đột giữa quân đội Lào và phiến quân trong nhiều năm qua.

Công dân Trung Quốc trở thành mục tiêu bị tấn công ngày càng nhiều sau khi công ty nước này mở rộng hoạt động ra nước ngoài, bao gồm những khu vực bất ổn. Tháng 11-2015, 3 quản lý cấp cao của công ty đường sắt Trung Quốc thiệt mạng trong vụ phiến quân tấn công khách sạn tại thủ đô Mali.


Bin Laden dự báo về ngày tàn của IS

Osama bin Laden trước khi chết từng dự đoán về sự sụp đổ của IS đồng thời cảnh báo "nếu chưa đánh bại phương Tây, mọi nỗ lực nhằm thiết lập nhà nước Hồi giáo đều sẽ tiêu tan".
trum khung bo osama bin laden. anh: telegraph

Trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Telegraph

Thông tin trên nằm trong 113 tài liệu mà lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) của hải quân Mỹ thu giữ trong đợt đột kích tiêu diệt Osama bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, hồi tháng 5/2011. Chúng được giải mật vào hôm qua.

Những bức thư, dòng ghi chú viết bằng tiếng Arab, dịch sang tiếng Anh bởi các nhân viên tình báo Mỹ, góp phần khắc họa chân dung đậm nét hơn về thủ lĩnh tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới al-Qaeda. Bin Laden qua đó hiện lên như một kẻ hoang tưởng đang vật lộn để giữ "đứa con" của mình không bị "chết yểu", theo AP.

Al-Qaeda "không có tính thống nhất. Tranh cãi nội bộ xảy ra liên miên", một quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho hay. "Mọi người cần biết về đống hỗn độn phía sau nó".

Sự sụp đổ được báo trước

Vấn đề lớn nhất của al-Qaeda nằm ở sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các thủ lĩnh cấp cao nhất và những kẻ cầm đầu al-Qaeda tại Iraq (AQI). Tổ chức tiền thân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) này ngay từ đầu đã thể hiện rõ tham vọng xây dựng một đế chế Hồi giáo trước khi đánh bại phương Tây và Mỹ, bình luận viên Ken Bredemeier và Jeff Seldin từ VOAnhận định.

Nhưng bin Laden lại cảm thấy thiết lập nhà nước Hồi giáo theo cách đó là không chính đáng và nếu có làm vậy thì cũng sẽ thất bại, vị quan chức tình báo giấu tên cho biết.

"Để xây dựng một Nhà nước Hồi giáo, chúng ta trước hết cần tiêu diệt những kẻ ngoại đạo trên toàn cầu bởi dù ít ỏi đến đâu thì chúng vẫn đang chống lại Nhà nước Hồi giáo", bin Laden viết trong lá thư gửi Abu Basir, mật danh của Nasir al Wahayshi, thủ lĩnh chi nhánh al-Qaeda trên Bán đảo Arab.

Thay vào đó, bin Laden dường như quan tâm hơn tới việc thiết lập các điều kiện cần thiết để tạo dựng một nhà nước Hồi giáo thành công, trong bối cảnh AQI khi ấy có thiên hướng sử dụng những hành vi cực kỳ bạo lực để gieo rắc sợ hãi và tấn công cả cộng đồng Hồi giáo.

Tham vọng đó "sẽ sụp đổ vì nó không nhận được ủng hộ", vị quan chức tình báo nói. Bin Laden "cực lực chỉ trích việc AQI đàn áp người dân địa phương".

Bin Laden cùng các thủ lĩnh chủ chốt trong al-Qaeda cũng "phản đối gay gắt" việc vội vàng tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo khi nguồn lực và sức mạnh của tổ chức còn bấp bênh, một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề cho biết. Theo ông, bin Laden cuối cùng đã đi kết kết luận rằng al-Qaeda cũng như các nhóm Hồi giáo cực đoan khác "không thể đảm đương gánh nặng của việc phải điều hành cả một nhà nước".

Hoang tưởng

Những tài liệu công bố hôm qua đồng thời cho thấy Osama bin Laden đã trở nên hoang tưởng như thế nào suốt quãng thời gian lẩn trốn ở Pakistan.

Trong một bức thư, bin Laden lo ngại về việc vợ hắn bị gắn chíp theo dõi cấy trong miếng hàn răng sau khi đến khám nha sĩ ở Iran.

"Con chíp dài bằng hạt lúa mỳ, rộng bằng sợi mỳ", hắn viết và yêu cầu "hủy bức thư sau khi đọc". 

Trong một tài liệu khác, bin Laden hướng dẫn tất cả thành viên al-Qaeda giữ con tin Afghanistan cảnh giác trước công nghệ theo dõi có thể bị gắn vào tiền chuộc. "Điều quan trọng là phải vứt những vali chứa tiền, do khả năng chúng bị gắn chíp", bin Laden viết cho một trợ lý mang tên Shaykh Mahmud.

Đề cập đến các máy bay không người lái có vũ trang của Mỹ liên tục tuần tra, trùm khủng bố khuyên những kẻ đàm phán của hắn không nên rời căn nhà thuê ở thành phố Peshawar, Pakistan, trừ khi "trời nhiều mây".

Một tài liệu không có chữ ký hay ngày tháng tiết lộ al-Qaeda từng xử tử nhầm 4 kẻ tình nguyện gia nhập tổ chức vì nghi ngờ là gián điệp.

"Tôi nhắc tới điều này không phải để biện minh cho những gì đã xảy ra. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến tình báo và con người thì không ai lại không phạm sai lầm", văn bản có đoạn.

Cộng đồng tình báo Mỹ công bố 103 tài liệu đầu tiên về bin Laden cũng như những cuốn sách bằng tiếng Anh mà nhà chức trách tìm thấy tại nơi ẩn náu của tên này hồi tháng 5 năm ngoái. Nhiều văn bản liên quan khác theo kế hoạch sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.


Lộ diện người giàu nhất nước Nga

Theo đánh giá mới nhất của tạp chí Mỹ Forbes, Leonid Mikhelson, Giám đốc điều hành và đồng sở hữu của Novatek, đã trở thành người đàn ông giàu nhất nước Nga với tài sản ước tính 14.4 tỉ USD, vượt qua tỉ phú Vladimir Potanin.

Ngoài cổ phần trong Novatek - tập đoàn sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga, Mikhelson còn là cổ đông hàng đầu trong dự án Yamal LNG và là đồng sở hữu công ty hóa dầu Sibur. Ông cũng sở hữu cổ phần trong Ngân hàng Promsvyazbank của Nga.

Mikhelson giữ vị trí thứ 60 trong danh sách các tỉ phú giàu nhất thế giới. Năm nay, Nga chỉ có 70 người được lọt vào bảng xếp hạng, ít hơn 11 người so với năm trước.

tong thong nga vladimir putin (giua) cung ong mikhelson (ngoai cung ben trai) tham nha may voronezh synthez kauchuk thuoc cong ty sibur, o voronezh, nga. anh: reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) cùng ông Mikhelson (ngoài cùng bên trái) thăm Nhà máy Voronezh Synthez Kauchuk thuộc Công ty SIBUR, ở Voronezh, Nga. Ảnh: Reuters

Mikhail Fridman, đồng sở hữu của Alfa-Bank, nhà đầu tư lớn nhất của Tập đoàn viễn thông Vimpelcom Ltd và Tập đoàn bán lẻ X5, vẫn giữ vững vị trí người giàu thứ hai của Nga, đứng thứ 63 trong tốp các tỉ phú giàu nhất thế giới củaForbes.

Potanin, Giám đốc điều hành và là người đồng sở hữu mỏ nickel và palladium Norilsk Nickel, đứng thứ 78 trên bảng xếp hạng.

Số lượng tỉ phú Nga trong danh sách của Forbes giảm mạnh trong hai năm qua sau khi phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt với Moscow năm 2014 vì nước này đã can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine, cùng với giá dầu giảm mạnh và suy thoái kinh tế làm hao hụt tài sản của nhiều người.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục