tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 02-03-2016

  • Cập nhật : 02/03/2016

Ấn - Mỹ tiến tới chia sẻ căn cứ

tau san bay uss theodore roosevelt cua my trong mot cuoc tap tran voi an do va nhat ban - anh: hai quan my

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ trong một cuộc tập trận với Ấn Độ và Nhật Bản - Ảnh: Hải quân Mỹ


Ấn Độ và Mỹ đang tiến gần đến thỏa thuận chia sẻ các dịch vụ hậu cần quân sự, dấu hiệu hứa hẹn về sự hình thành của một liên minh không chính thức.
Mỹ đang trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ sau nhiều năm bị Nga chiếm lĩnh thị phần, và hai bên liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với tần suất ngày càng tăng.
Lầu Năm Góc cũng đang đàm phán với New Delhi trong dự án đóng hàng không mẫu hạm lớn nhất của nước này, một động thái sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh hải quân Ấn Độ trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn tầm đến Ấn Độ Dương.
Và sau nhiều năm giẫm chân tại chỗ do các chính phủ trước đây lo ngại thỏa thuận chia sẻ nguồn lực hậu cần quân sự với Mỹ có thể kéo Ấn Độ vào thế phải cam kết hỗ trợ Mỹ trong thời chiến, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã bắn tín hiệu muốn hoàn tất Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LSA) vẫn treo lơ lửng lâu nay.
Hãng tin Reuters ngày 29.2 dẫn lời các quan chức tiết lộ thỏa thuận sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau cho mục đích tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi. Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay hai bên đang nỗ lực đàm phán thỏa thuận thứ nhất là LSA, kế đến là thỏa thuận CISMOA nhằm bảo mật liên lạc viễn thông khi quân đội hai nước cùng triển khai chiến dịch chung, và thứ ba là thỏa thuận trao đổi dữ liệu trắc địa, hàng hải và hàng không.
“Chúng tôi vẫn chưa ký kết với phía Ấn Độ, nhưng tôi cho là thời điểm đã cận kề”, Đô đốc Harris phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện trước khi lên đường đến thăm Ấn Độ trong tuần này.
Trong khi đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho hay các bên mong đợi LSA có thể được ký kết khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm New Delhi vào tháng 4.
Tiến triển mới trong quan hệ hai nước diễn ra vào đúng giai đoạn các bên cân nhắc phối hợp tuần tra các vùng biển, bao gồm Biển Đông. Reuters dẫn lời một quan chức Ấn Độ giấu tên cho hay trở ngại chính trong việc ký kết LSA đã được khơi thông, sau khi Washington cam kết rằng New Delhi không bị buộc phải tuân thủ thỏa thuận nếu Mỹ khai chiến với một quốc gia thân hữu, hoặc triển khai bất cứ hoạt động đơn phương nào mà Ấn Độ không ủng hộ.
“Chúng tôi đã làm rõ rằng mọi thứ sẽ được thực hiện dựa trên từng trường hợp một, chứ không phải các bên đều sẽ có quyền sử dụng những căn cứ của đối phương trong trường hợp chiến tranh”, theo quan chức này. Trước đó, các chính phủ trung tả tại New Delhi lo ngại những thỏa thuận trên có thể làm suy yếu sự tự chủ chiến lược của Ấn Độ và lôi kéo nước này vào tình thế bị buộc phải thiết lập liên minh quân sự không chính thức với phía Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, tờ The Economic Times ngày 29.2 đưa tin New Delhi và Washington đã thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin liên quan đến theo dõi chuyển động của các vệ tinh, tránh va chạm và xác định các nguy cơ tiềm tàng đối với các tài sản vũ trụ và trên mặt đất. Hai bên cũng bàn thảo cơ chế chia sẻ dữ liệu vệ tinh trong lĩnh vực hàng hải.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng trên biển, Mỹ - Ấn có thể hợp tác triển khai các sứ mệnh trinh sát những tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương, theo tờ báo Ấn Độ.

Nhân chứng hãi hùng kể chuyện Khmer Đỏ ăn thịt người

hai cuu thu linh khmer do, gom nuon chea (89 tuoi, phai) va khieu samphan (84 tuoi) trong phien xet xu hoi nam 2014 - anh: reuters

Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, gồm Nuon Chea (89 tuổi, phải) và Khieu Samphan (84 tuổi) trong phiên xét xử hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters


Một nhân chứng từng ngồi tù dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã nói trước toà án ở Phnom Penh ngày 29.2 rằng ông bị ép chứng kiến cảnh hành quyết dã man một phụ nữ.
Ông Meu Peou ngày 29.2 đã kể lại chuyện Khmer Đỏ ăn thịt người trong phiên xét xử tội diệt chủng đối với hai cựu lãnh đạo cấp cao của chế độ tàn ác này, gồm Nuon Chea (89 tuổi) và Khieu Samphan (84 tuổi), theo AFP.
Trước tòa, ông Meu Peou đã khóc khi kể lại quãng thời gian còn là một cậu bé bị giam ở tỉnh Pursat với cáo buộc phản bội Khmer Đỏ vì đã... ăn trộm gạo. Trong trại giam, cậu bé Meu Peou chứng kiến cảnh một người phụ nữ bị hành quyết.
“Cô ta bị buộc cởi hết quần áo và sau đó bị xẻo thịt. Máu chảy lênh láng… Gan của cô ta bị moi ra để nấu ăn”, ông Meu Peou nói trước tòa.
Ngoài ông Meu Peou còn có một nhân chứng khác cũng kể lại tội ác ăn thịt người của Khmer Đỏ. Ông Meu Peou cho hay ông mất 17 người thân dưới chế độ Khmer Đỏ.
Có đến 2 triệu người ở Campuchia chết dưới chế độ Khmer Đỏ trong giai đoạn 1975-1979, theo AFP. Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Khmer Đỏ đã chết mà không bị xét xử, bao gồm thủ lĩnh Pol Pot chết vào năm 1998, theo AFP.

Bị Mỹ thờ ơ, Thái Lan ngả sang Trung Quốc

Chiến lược ngoại giao của Thái Lan đang có những dấu hiệu chuyển hướng quan trọng ngả hẳn theo Trung Quốc do những mâu thuẫn với Washington.
thu tuong thai lan prayyth chan-ocha (phai) va nguoi dong cap trung quoc ly khac cuong (trai) o bac kinh, nam 2014. anh: afp

Thủ tướng Thái Lan Prayyth Chan-ocha (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) ở Bắc Kinh, năm 2014. Ảnh: AFP

Sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014, các tướng lĩnh thuộc Hội đồng vì Hòa bình và Trật tự Quốc gia cầm quyền ở Thái Lan cảm thấy tức giận với những chỉ trích gay gắt từ Mỹ, và đang có xu hướng áp dụng chiến lược ngoại giao mềm dẻo để ngả sang Bắc Kinh, theo Le Monde.

Theo Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, quan hệ Thái - Trung hiện nay được đánh giá là sự hàn gắn của mối bang giao lâu đời giữa hai nước từ trước thế kỷ XX, lúc Thái Lan còn chưa ngả sang phương Tây.

Từ giữa thế kỷ XIX, vương quốc Xiêm (Thái Lan ngày nay) đã là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Khi chủ nghĩa thực dân phương Tây tràn vào châu Á và tiếp sau đó là Chiến tranh Lạnh, Thái Lan bắt đầu rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây, và trở thành một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á.

"Tuy nhiên, những hục hặc giữa Washington và chính quyền quân sự Bangkok gần đây đã khiến Thái Lan ngày càng xích lại gần Trung Quốc", ông Pongsudhirak nhận định.

Kể từ sau vụ đảo chính, số lượng các chuyến viếng thăm cấp cao giữa các lãnh đạo Thái Lan và Trung Quốc đã tăng mạnh. Tháng 12/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Bangkok vài ngày trước khi tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, có chuyến thăm đáp lễ. Tháng 2/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Thái Lan và tới tháng 4, đến lượt Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng công du tới quốc gia Đông Nam Á này.

Vào mùa hè 2015, trước khi tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tuyên bố đang thương thảo với Trung Quốc để mua ba tàu ngầm tấn công trị giá một tỷ euro. Dù thỏa thuận này không được cụ thể hóa do những quan ngại từ phía Mỹ, nó cho thấy sự cạnh tranh ảnh hưởng với Thái Lan ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự năng động của cộng đồng người Hoa ở Thái Lan với nhiều doanh nhân thành đạt và có vị trí trong xã hội sở tại cũng giúp tạo nên mối liên kết thương mại giữa Bangkok và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa vào cuối những năm 1970.

Hai bên đã đa dạng hóa lĩnh vực thương mại song phương. Trung Quốc và Thái Lan đang thảo luận để thực hiện một dự án đường sắt cao tốc tham vọng nối biên giới Lào với vịnh Thái Lan trị giá 11,8 tỷ USD. Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ mua hai triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao su của Thái Lan trong năm nay.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington cho rằng động lực đẩy Thái Lan tiến gần hơn về phía Trung Quốc là phản ứng của người Mỹ về cuộc đảo chính quân sự. Phản ứng này bị giới quân sự ở Bangkok cho là "bất ngờ và ngạo mạn". 

Tháng 1/2015, khi tới thủ đô Bangkok, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu rằng Thái Lan đang "tự đánh mất sự tín nhiệm của mình trong con mắt các đối tác nước ngoài" khi không sớm dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật và khôi phục chính quyền dân sự.

"Những lời chỉ trích trên, cùng với sự bất ổn trong nội bộ đất nước, càng thúc đẩy chính quyền quân sự Thái Lan chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, một đối tác không hề bận tâm tới vấn đề mà Mỹ chỉ trích", ông Poling đánh giá.

Việc Lầu Năm Góc mới đây giảm số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng tổ chức thường niên tại Thái Lan là một dấu hiệu cho thấy Washington đang tái định hình lại quan hệ với quốc gia này. Trước động thái đó, Thái Lan đã có phản ứng khá gay gắt với Mỹ, khiến quan hệ hai nước có nguy cơ sẽ ngày càng xa nhau.

Tuy nhiên, Bruno Philip, bình luận viên về châu Á của Le Monde, cho rằng Mỹ vẫn coi Thái Lan là một đối tác mang tính quyết định trong khu vực Đông Nam Á và cố duy trì quan hệ với Thái Lan. Việc Lầu Năm Góc duy trì cuộc tập trận Hổ mang Vàng như một sợi dây liên kết giữa hai quân đội hai nước bất chấp sự phản đối của nhiều tướng lĩnh được coi là bằng chứng cho nhận định này.

"Nếu muốn duy trì ảnh hưởng với Thái Lan, người Mỹ không nên xem nhẹ sự cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời phải có những biện pháp chính trị và ngoại giao nồng ấm hơn nữa để tránh việc Bangkok đi hẳn vào quỹ đạo của Bắc Kinh", Philip nói.


Trung Quốc có thể mạnh tay tăng lương quân đội, sắm vũ khí

Các chuyên gia phân tích đánh giá Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng sau đợt tái cấu trúc quy mô lớn lớn quân đội. 
hai quan trung quoc dung canh tau khu truc jinan tro ve cang quan su zhoushan, tinh zhejiang hoi thang hai. anh: xinhua

Hải quân Trung Quốc đứng cạnh tàu khu trục Jinan trở về cảng quân sự Zhoushan, tỉnh Zhejiang hồi tháng hai. Ảnh: Xinhua

Theo SCMP, chính phủ Trung Quốc dự kiến hé lộ đề xuất ngân sách thường niên cho đội quân lớn nhất thế giới vào ngày 5/3 này, khi quốc hội khai mạc phiên họp thường niên. 

"Tôi nghĩ khoản tiền có tăng 20% đi nữa thì vẫn sẽ chấp nhận được vào thời điểm này, kể cả khi nó sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2007", một nguồn tin thân cận Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nói. 

"Việc cắt giảm mạnh số binh sĩ không có nghĩa là PLA sẽ cắt giảm ngân sách ngay lập tức, bởi họ cần phân bổ một khoản chi tiêu nhất định cho tiền lương hưu hay bồi thường thôi việc trong hai năm tới", nguồn tin cho biết. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 9 năm ngoái thông báo cắt giảm 300.000 quân nhân cho đến năm 2017, trong đó hầu hết là sĩ quan, binh sĩ không trực tiếp phục vụ tác chiến. Sau khi cắt giảm, PLA vẫn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với khoảng hai triệu người. 

Một nguồn tin khác, thân cận với hải quân, nói căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như với Mỹ trên biển Hoa Đông và Biển Đông cũng khiến Bắc Kinh gia tăng ngân sách quốc phòng để tăng cường an ninh khu vực. 

Mỹ bắt đầu cử tàu chiến tới áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, tuần trước nói Lầu Năm Góc sẽ tăng cường các nhiệm vụ trong khu vực để thực hiện tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Bắc Kinh nói chiến dịch này là sự "khiêu khích, thách thức" cái gọi là "chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc". 

Nguồn tin hải quân cho biết Trung Quốc cần tăng vũ khí phòng vệ ở Biển Đông, gồm các hệ thống radar tân tiến, tàu chiến, máy bay và các thiết bị khác phục vụ lực lượng đồn trú trên các đảo xa, những loại khí tài vốn cần rất nhiều tiền. 

Tình báo Mỹ cho hay Trung Quốc những tuần gần đây triển khai các chiến đấu cơ J-11, oanh tạc cơ JH-7 và hai khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Hải quân Trung Quốc dường như cũng đang nâng cấp năng lực tác chiến trên biển Hoa Đông, nơi nước này có tranh chấp với Nhật xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Một nguồn tin khác thân cận với Chiến lược khu miền Nam nói quân đội cũng sẽ tăng lương để xốc lại tinh thần binh sĩ trong bối cảnh một số quân nhân không hài lòng sau đợt cắt giảm nhân sự lớn cũng như quá trình tái tổ chức quân đội. 

"Quân đội hồi tháng một tăng lương 20-40%, theo quyết định được đưa ra từ năm ngoái", nguồn tin nói. 

Cũng theo nguồn tin này, các quan chức cấp cao trong quân đội đang cân nhắc một đợt tăng lương nữa vào dịp kỷ niệm ngày thành lập PLA hôm 1/8, tuy nhiên điều này cần được quốc hội thông qua. 

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 10,1% trong năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. PLA được phân bổ 886,9 tỷ nhân dân tệ (141,5 tỷ USD), trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ năm ngoái ở khoảng 597 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tăng chi tiêu quốc phòng trung bình ở hai con số của Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua đã khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới. 

Nhật vừa thông qua ngân sách quốc phòng lớn chưa từng có lên tới 41,4 tỷ USD trong năm tới.


Các lớp chống tiếp cận dày đặc của Trung Quốc ở Biển Đông

Bằng các vũ khí, khí tài tầm xa, Trung Quốc đang tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn rộng lớn ở Biển Đông phục vụ chiến lược A2/AD của mình.
cac vong tron the hien nang luc chong tiep can bang radar, ten lua, chien dau co cua trung quoc tren bien dong. do hoa: csis

Các vòng tròn thể hiện năng lực chống tiếp cận bằng radar, tên lửa, chiến đấu cơ của Trung Quốc trên Biển Đông. Đồ họa: CSIS

Hôm 22/2, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI)  trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) công bố một đồ họa thể hiện khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Tyler Rogoway của Foxtrotalpha, chỉ cần nhìn bằng mắt thường, có thể thấy Trung Quốc đang tạo ra những vùng kiểm soát chồng lấn trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một trong số các đảo ở khu vực bắc Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ưu tiên phát triển nhanh, đã được trang bị các tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 cũng như tiêm kích bom JH-7. Đây là các động thái đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng dự báo nhiều năm trước và có thể là dấu hiệu cho những bước quân sự hóa tiếp theo của Trung Quốc trên các tiền đồn phi pháp ở khắp Biển Đông.Mới đây, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt trái phép một trạm radar mảng pha cao tần trên đá Châu Viên, một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp nằm ở khu vực trung tâm phía nam Biển Đông. Loại radar kiểu này được cho là có thể phát hiện máy bay và tàu thuyền từ khoảng cách xa vượt đường chân trời, và trên lý thuyết có khả năng phát hiện một số máy bay tàng hình trong một số trường hợp nhất định.

tram radar cao tan trung quoc co the da bo tri tren da chau vien. anh: cnet

Trạm radar cao tần Trung Quốc có thể đã bố trí trên đá Châu Viên. Ảnh: CNET

Sự xuất hiện của các loại radar cao tần hiện đại như vậy ngày càng chứng tỏ Trung Quốc đang tích cực triển khai chiến lược A2/AD ở Biển Đông, giới phân tích đánh giá.

Những động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc đưa vào hoạt động đường băng dài hơn 3000 m trên đá Chữ Thập, đảo nhân tạo lớn nhất trong dự án xây đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đường băng trên đá Chữ Thập đủ dài để các oanh tạc cơ hạng nặng và máy bay vận tải của Trung Quốc có thể cất hạ cánh.

Các chuyên gia thuộc CSIS gọi những vùng kiểm soát của các vũ khí chống tiếp cận mà Trung Quốc triển khai đến Biển Đông là "các vòng tròn đe dọa". Nhiều khả năng những vòng tròn này sẽ tiếp tục được mở rộng, tạo ra một khu vực kiểm soát chồng lấn lớn được hỗ trợ bởi các tên lửa phòng không và diệt hạm cũng như các chiến đấu cơ và máy bay tấn công, trinh sát trên biển, chuyên gia Rogoway nhận định.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục