Indonesia, quốc gia giàu tài nguyên và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang rục rịch quay lại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tổng số thành viên OPEC sắp tới có thể lên đến con số 13.
Thách thức cải cách năng lực thể chế của Trung Quốc
- Cập nhật : 09/09/2015
(Tin kinh te)
Những diễn biến liên tục từ tình hình kinh tế - chính trị - an ninh quốc phòng của Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi về việc gì đang diễn ra thật sự tại nước này.
Xe sụp “hố tử thần” trên đường phố thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 6-9. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc chưa đạt chất lượng xứng đáng với nền kinh tế lớn - Ảnh: Reuters
Khái niệm “trạng thái thông thường mới” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hình dung về giai đoạn phát triển tiếp theo hứa hẹn sự chuyển hóa toàn diện nền kinh tế, thiết lập lại nguyên tắc bền vững và hòa hợp các lợi ích khác nhau trong xã hội một cách đồng đều hơn.
Nhưng những gì đang diễn ra bên trong đất nước Tử Cấm Thành cho thấy trạng thái bình thường mới hiện đã qua giai đoạn khởi động ban đầu, và đang tiến vào vùng nước xoáy.
Nói một cách ví von hơn: sau khi mũi tên cải cách đã bắn ra thì những lực cản đã dội ngược trở lại với nhiều chiều kích khác nhau. Trong đó quan trọng nhất là hiện tượng năng lực thể chế thực tại lệch pha với những cải cách song hành đang là bài toán mà Bắc Kinh chưa có lời giải.
Trạng thái bình thường mới hiện đã qua giai đoạn khởi động khởi động ban đầu, và đang tiến vào vùng nước xoáyLuận điểm “3 không”
Sau 35 năm chuyển đổi (từ năm 1979), sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên chóng vánh. Hiện tại, Trung Quốc chiếm khoảng 13% GDP, 20% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và đầu tư ra nước ngoài khoảng 9% tổng vốn FDI trên thế giới.
Tuy nhiên, tất cả số liệu đó không che giấu được sự thật rằng kinh tế Trung Quốc đang đối diện với nhu cầu tái cơ cấu bức bách nhất kể từ trước đến nay.
Trong phát biểu tại Hội nghị chính trị hiệp thương lần thứ 11 được tổ chức vào tháng 3-2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nêu luận điểm “Ba không” rất rõ ràng, miêu tả nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình phát triển “không chắc chắn, không cân đối, không bền vững”.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ngày một rõ, việc phân phối các thành quả phát triển kinh tế không đồng đều ngày càng gia tăng đã làm suy giảm uy tín của chính quyền không kém gì vấn nạn tham nhũng.
Một năm sau khi trở thành chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh mô hình tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay là “không cân bằng, không hài hòa, không bền vững”.
Vấn đề mà thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc phải làm trên thực tế khó khăn hơn nhiều so với hình dung. Trung Quốc phải lựa chọn cải cách để có một thể chế mới với năng lực đáp ứng được các yêu cầu mới hay chỉ điều chỉnh “nhỏ giọt” và cuối cùng vẫn vận động trong thể chế như trước.
Năng lực thể chế của siêu cường
Theo nghiên cứu của chúng tôi, có ít nhất ba dạng năng lực thể chế về mặt kinh tế mà Trung Quốc cần cải thiện để đạt được mục tiêu mà quốc gia này theo đuổi trong tư cách một cường quốc toàn cầu.
- Năng lực quản trị. Cam kết mạnh mẽ nhất mà thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc đưa ra là “để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực”.
Tuy nhiên, giữa cam kết và thực thi luôn là một khoảng cách về năng lực quản trị - điều đã được kiểm chứng qua cách thức Bắc Kinh phản ứng khi thị trường chứng khoán (TTCK) nước này rơi vào đợt bán tháo giữa tháng 6-2015.
Thông thường, khi xảy ra khủng hoảng trên TTCK, chính phủ chỉ cần hỗ trợ hệ thống ngân hàng để thiết lập một hệ thống “đê chắn sóng khẩn cấp” ngăn cản cú sốc từ TTCK lan tới khu vực sản xuất thực. Bắc Kinh đã chọn cách can thiệp thẳng vào TTCK.
Qua đó, Trung Quốc đã ứng phó với sự suy giảm trên TTCK như một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện.
Bên cạnh đó, việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế không phải là dấu hiệu lành mạnh đối với một quốc gia đang hướng đến điểm đích là kinh tế thị trường.
Kết quả của những chính sách cứu thị trường này là làm gia tăng “rủi ro đạo đức” và thị trường bắt đầu mất niềm tin với các biện pháp được đưa ra. Bằng chứng là sau khi Bắc Kinh bơm vào TTCK hàng trăm tỉ nhân dân tệ, các nhà đầu tư đã có ba sóng bán tháo khi TTCK lên cao.
- Năng lực sáng tạo. Kinh tế Trung Quốc từng bùng nổ nhờ lực lượng lao động dồi dào. Nền kinh tế “ba rẻ” (chi phí lao động rẻ, vốn rẻ, giá xuất khẩu rẻ) đã dựa vào lực lượng lao động này để trở thành “công xưởng của thế giới”.
Nhưng với việc giá nhân công tăng bình quân 10%/năm (trong khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp chỉ tăng dưới 7% và lợi nhuận dưới 4%), rõ ràng Trung Quốc đang dần mất đi tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nếu không cải thiện đáng kể năng lực sáng tạo, sáng chế, Trung Quốc sẽ không có khả năng cạnh tranh và sự thua kém về năng lực thể chế này sẽ khiến Trung Quốc “hụt hơi” trong cuộc đua đường trường.
Bắc Kinh đã đề xuất một kế hoạch nâng cấp công nghiệp toàn diện mang tên “China 2050”, theo đó Trung Quốc sẽ chuyển từ khẩu hiệu “Made in China” thành “Created in China”. Đó là một khuôn khổ thể chế mới mà Trung Quốc phải đạt tới.
- Minh bạch và lan tỏa. Năm 2014, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 120 tỉ USD (ước tính), tăng 11,3% so với năm trước, khiến Trung Quốc trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, không phải bất kỳ sáng kiến hợp tác kinh tế, kế hoạch đầu tư, viện trợ hay cho vay nào của Trung Quốc cũng được các nước chào đón và chấp nhận.
Ba vấn đề lớn nhất hiện nay của đầu tư Trung Quốc bao gồm: Thứ nhất, lo ngại chủ nghĩa thực dân kiểu mới rút kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng do phương pháp - kỹ thuật lạc hậu và sự thiếu quan tâm đến môi trường.
Thứ hai, sự nhập cư tràn ngập của lao động Trung Quốc gây mất ổn định chính trị - xã hội, tăng tỉ lệ thất nghiệp và vi phạm quyền lao động tại địa phương. Thứ ba, là sự thiếu công khai, minh bạch trong đấu thầu và vấn đề hối lộ - tham nhũng.
Nghịch lý của dòng tiền đổ ra ngoài với sự đi sau của những thể chế “thẩm thấu” các dòng vốn đó khiến cho yếu khả năng quản lý và cạnh tranh của quốc gia nhận đầu tư. Thậm chí dẫn đến sự lũng đoạn nền kinh tế ở rất nhiều nước đang phát triển, khi phần lớn dự án công đều do những nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
Với các nền tảng đang bị lung lay, Trung Quốc đang phải đối diện với khoảng cách giữa “thể chế mới mà Trung Quốc muốn có” với “năng lực mà Trung Quốc hiện có”. Khoảng cách về năng lực thể chế này đang bộc lộ ngày một rõ cả trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Một số ý kiến học giả nước này cho rằng việc “san lấp khoảng cách” là một nhiệm vụ “bất khả thi” vì cấu trúc hiện tại của nền tài chính, thương mại và rộng hơn là chính trị toàn cầu không phải là sản phẩm do người Trung Quốc tạo nên. Là một cường quốc trỗi dậy, Trung Quốc cần thay đổi luật, thay vì chấp nhận hay thỏa hiệp với các thể chế hiện hữu.
Được kỳ vọng sẽ hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa”, ông Tập Cận Bình sẽ phải đề xuất cho Trung Quốc một khái niệm “trạng thái thông thường mới” quan trọng hơn khái niệm ông đã nêu: trạng thái thông thường mới của năng lực thể chế của Trung Quốc.
Trạng thái mới ấy yêu cầu Trung Quốc phải có một thể chế minh bạch hơn, mang tính cam kết cao hơn, có sức sáng tạo lớn hơn và có mức độ bao hàm lan tỏa hơn.
Với một năng lực thể chế dồi dào, Trung Quốc có thể đạt được những mục tiêu nhất định. Nhưng với tình hình hiện nay, cần nói ngược lại rằng: “Không có những đột phá về năng lực thể chế, “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ chấm dứt ngay ở thời điểm người ta bắt đầu thảo luận về nội hàm của nó”.
Điều chỉnh tăng trưởng GDP
Hôm qua, theo AFP, Tổng cục Thống kê Trung Quốc “cải chính” mức tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2014 chỉ là 7,3% so với con số 7,4% công bố đầu năm nay.
Bà Wendy Chen, nhà phân tích thuộc Nomura International, lý giải: “Việc điều chỉnh chủ yếu do lĩnh vực dịch vụ không đạt mức tăng trưởng như đã công bố trước đó”.
Dự kiến mức tăng trưởng năm nay của Trung Quốc sẽ là 7% nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu đó sẽ khó đạt được.