tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Viễn cảnh Biển Đông sau phán quyết của PCA

  • Cập nhật : 15/07/2016

Ngày 12-7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, theo đó Trung Quốc đã phải hứng chịu một thất bại pháp lý và Philippines đã giành được một chiến thắng "chấn động". Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định sẽ không có gì thay đổi ở Biển Đông.

cung dien hoa binh tai la hay, noi dat tru so toa pca.

Cung điện Hòa bình tại La Hay, nơi đặt trụ sở tòa PCA.

Phán quyết của PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn". Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn (Mischief) hay bãi Cỏ Mây (Thomas). PCA cũng khẳng định thực thể Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của PCA là khá "lớn tiếng", cho rằng văn kiện này "vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc". Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ "không làm gì" để thực hiện theo phán quyết của PCA. Tuy nhiên, không có sự leo thang trong các phát ngôn, và Bắc Kinh chỉ lặp lại các văn bản được soạn theo khuôn mẫu vốn đã được sử dụng trong hàng chục bài xã luận. 

Có hai loại tranh chấp ở Biển Đông gồm: Tranh chấp về các rạn san hô, bãi đá và tranh chấp về không gian ở giữa các rạn san hô và bãi đá. Phán quyết của PCA chỉ đề cập đến loại tranh chấp thứ hai. Do đó, Trung Quốc và các bên tranh chấp khác có thể tiếp tục tin tưởng vào sức mạnh của tuyên bố chủ quyền của họ, bất chấp phán quyết trên. Bằng cách công khai và liên tục đề cập vấn đề "chủ quyền" trong phản ứng đối với vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã chuyển hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi vấn đề thực tế được xem xét: các quyền mà các nước được hưởng trong khu vực biển giữa các rạn san hô và bãi đá. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để "sống chung" với phán quyết của PCA.

Một số chuyên gia nhận định phán quyết của PCA đã giáng một đòn mạnh vào chính sách ngoại giao gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến nước này có thể phản ứng kích động, đối đầu ngoại giao với Mỹ và có thể đẩy chính quyền của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào cuộc khủng hoảng với Bắc Kinh. Trung Quốc cũng có thể sẽ đẩy nhanh các hành động khai hoang bất hợp pháp và xây dựng đảo, hoặc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ hoặc một phần của Biển Đông. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác dự báo sẽ không có bất kỳ rắc rối nào xảy ra trong khu vực trước tháng 11 tới bởi Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Hàng Châu trong hai ngày 4và 5-9, Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ diễn ra tại Lào ngay sau đó. Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 và từ trước đến nay, Trung Quốc đã luôn cố gắng để tránh trở thành một "vấn đề" trong các chiến dịch tranh cử ở Mỹ.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo này. 


Vĩnh Hà
(Theo Báo Hải Quan) 
 
Trở về

Bài cùng chuyên mục