tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Trung Quốc trước sức ép kinh tế kể từ khi bùng nổ cuộc chiến thương mại với Mỹ (Phần 1)

  • Cập nhật : 10/09/2018

Từ sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ hồi đầu tháng 7/2018 đến nay, kinh tế Trung Quốc liên tiếp xuất hiện những tin tức xấu.

Trung Quốc trước sức ép kinh tế kể từ khi bùng nổ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tiên là số liệu xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn so với dự báo, tiếp sau đó thị trường chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng đảo chiều đi xuống với chỉ số Thượng Hải đang từ 3.200 điểm tụt xuống còn khoảng trên dưới 2.800 điểm trong vòng chưa đầy hai tuần. 

Điều khiến mọi người chú ý là đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc không ngừng chuyển sang thế yếu, tỷ giá quy đổi so với đồng USD đang từ mức 6,5 NDT đổi 1 USD đã giảm xuống còn 6,7 NDT đổi 1 USD gần đây và vẫn còn khả năng xuống đến mức 7 NDT đổi 1USD. 

Đồng NDT không ngừng mất giá đã phản ánh tiền vốn có thể chảy ra bên ngoài, cũng sẽ tạo thành sức ép đối với các doanh nghiệp nhỏ dựa vào xuất nhập khẩu. Bởi vì điều này đồng nghĩa với tổn thất của các doanh nghiệp trong quy đổi đồng NDT sang đồng USD gia tăng, thu nhập xuất khẩu đi xuống, giá thành nhập khẩu tăng cao, những doanh nghiệp có nguồn vốn eo hẹp không dễ vượt qua khó khăn này.

Chính do viễn cảnh kinh tế Trung Quốc chuyển hướng xấu đi, các nhà phân tích và các ngân hàng đầu tư từ trước đến nay vốn chỉ một chiều ca ngợi kinh tế Trung Quốc cũng đã bắt đầu thay đổi cách đánh giá. Có quan điểm thậm chí còn nêu rõ kinh tế Trung Quốc trước sự tấn công của hai cạm bẫy lớn, không dễ khắc phục.

Cái gọi là hai cạm bẫy lớn là chỉ “cạm bẫy” Mỹ-Trung tranh hùng, tức “bẫy Thucydides” và bẫy thu nhập trung bình. Những phân tích này mặc dù có thể có phần cực đoan, nhưng không thể nói là không có căn cứ.

Mỹ ngăn chặn Trung Quốc phát triển công nghệ cao mới

Khái niệm “bẫy Thucydides” là một ví dụ chính trị tương đối cũ, vốn là hình dung sự đối đầu một mất một còn giữa Athens và Sparta của Hy Lạp cổ đại, sau đó được dùng cho tình hình tranh hùng khác trong lịch sử, như trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức trỗi dậy thách thức bá quyền Anh dẫn đến hai bên quyết chiến.

Hai năm gần đây, học giả trường Đại học Harvard của Mỹ Graham Allison đã đặt “bẫy Thucydides” vào quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng Trung Quốc trỗi dậy thách thức địa vị bá quyền của Mỹ, có thể dẫn đến hai nước đọ sức quyết liệt đến mức bùng nổ xung đột.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay đang áp dụng hàng loạt biện pháp chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc, tuy không phải là vũ khí đe dọa nhưng lại kiềm chế Trung Quốc phát triển kinh tế và khoa học công nghệ, ngăn chặn địa vị chủ đạo về kinh tế và khoa học công nghệ của Mỹ bị suy yếu là sự suy tính rất kỹ lưỡng.

Trong đó biện pháp trừng phát đối với Tập đoàn viễn thông Trung Hưng của Trung Quốc (ZTE), hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ của Mỹ, rõ ràng là Mỹ muốn cản trở, làm chậm lại sự phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, khiến kế hoạch “Made in China 2025” của Chính phủ Trung Quốc khó có thể thực hiện được. 

Cá nhân ông Trump có thể không cố tình coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, nhưng ưu thế về khoa học công nghệ luôn là bộ phận cấu thành quan trọng của bá quyền Mỹ. Còn những cố vấn quan trọng bên cạnh ông Trump như cố vấn thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro, đều ý thức rất rõ ràng về mối đe dọa từ Trung Quốc, chủ trương áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, ra sức thiết lập hạn chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao nhằm vào Trung Quốc.

Có thể nói, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lần này, tuy việc Mỹ gia tăng thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc giảm bớt xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở thành tiêu điểm, nhưng chiến trường thực sự là ở lĩnh vực khoa học công nghệ cao, ở chỗ làm thế nào kìm hãm thực lực chế tạo khoa học công nghệ cao của Trung Quốc trong thời gian dài.

Chính phủ Mỹ, kể cả chính phủ sau Chính phủ Trump, nhiều khả năng sẽ coi đây là chính sách lâu dài, thậm chí ngày càng được tăng cường hơn. Trong tương lai, Trung Quốc và Mỹ mặc dù không đến mức rơi vào chiến tranh nóng, nhưng đọ sức về kinh tế và khoa học công nghệ sẽ trói chặt quan hệ hai nước. Như vậy nói Trung Quốc rơi vào “bẫy Thucydides” ở mức độ nào đó là không sai. 

Kinh tế chuyển đổi quỹ đạo tăng trưởng GDP có thể chậm lại

Một cạm bẫy khác là “bẫy thu nhập trung bình”, tức nước đang phát triển trải qua giai đoạn phát triển với tốc độ cao trong một khoảng thời gian nhất định, nhất là GDP bình quân đầu người hàng năm sau khi tăng đến mức 3.000 USD sẽ không thể tiếp tục tăng thêm, kinh tế xuất hiện tình trạng đình trệ, xã hội biến động, không có cách gì để duy trì tăng trưởng nhanh vốn có.

Ví dụ điển hình nhất là hai thị trường mới nổi: Nam Phi và Brazil. Cả hai nước đều từng là “ngôi sao kinh tế” thế giới, “đứa con yêu” của các nhà đầu tư toàn cầu, dường như có hi vọng chen chân vào “Câu lạc bộ các nước phát triển”.

Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh vốn có của Nam Phi và Brazil chỉ dựa vào thu hút một lượng lớn vốn đầu tư bên ngoài và giá cả một số khoáng sản tăng cao, hiệu quả kinh tế và sức sản xuất thực tế không tăng mạnh. Bên cạnh đó, quan chức tham nhũng đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, khiến người dân khó được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Hơn thế, nhà đầu tư và các quỹ tài chính rất nhanh phát hiện ra lợi nhuận không tốt như dự tính và hiệu quả kinh tế thấp khi đầu tư vào hai nước này, nên điều chỉnh dòng vốn đầu tư để chuyển ra bên ngoài, dẫn đến khủng hoảng tài chính và kinh tế, viễn cảnh kinh tế phồn vinh của Nam Phi và Brazil bỗng chốc biến thành suy thoái.

Nhìn từ quy mô kinh tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, GDP bình quân đầu người cũng cao hơn Brazil và Nam Phi một bậc. Nhưng giống như vậy, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi quỹ đạo kinh tế, mô hình trước đây dựa vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và sử dụng lượng lớn thành quả khoa học công nghệ của người khác (giảm được chi phí nghiên cứu phát triển) đã không thể tiếp tục.

Ngoài ra, tăng trưởng nhân khẩu lao động đã giảm mạnh, trong tương lai đòi hỏi nâng cao hiệu quả kinh tế, thực lực khoa học công nghệ và tiêu dùng cá nhân mới có thể duy trì kinh tế tăng trưởng liên tục.

Thế nhưng trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, lợi nhuận từ đầu tư giảm mạnh, khai thác mở rộng thị trường ngày càng khó khăn, thêm vào đó là Mỹ và các nước khác bắt đầu thắt chặt chuyển nhượng kỹ thuật sang Trung Quốc, hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài, quá trình chuyển đổi quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, có thể khiến tăng trưởng GDP chậm lại bất kỳ lúc nào.

Do vậy, Trung Quốc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, kinh tế đình trệ giống như Brazil và Nam Phi cũng không có gì lạ. Rõ ràng, kinh tế Trung Quốc đang bước vào tình trạng khó khăn với cạm bẫy kép, trong tương lai có thể dự báo chắc chắn tin xấu sẽ nhiều hơn tin tốt.

Trở về

Bài cùng chuyên mục