tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thép ngoại giá rẻ tràn vào, thép nội sẽ đi về đâu?

  • Cập nhật : 20/11/2019

Trong thời gian gần đây, do lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ các nước Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… vào Việt Nam tăng nhanh khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành gang thép trong nước gặp nhiều khó khăn.

cang thang thuong mai my - trung nganh thep viet gap nhieu kho khan

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngành thép Việt gặp nhiều khó khăn

Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại, cụ thể là chịu ảnh hưởng từ mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Mỹ, cho phép Tổng thống Mỹ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia mà không cần có sự chấp thuận của Quốc hội.

Quyết định đánh thuế 25% đối với thép từ mọi khu vực vào Mỹ có hiệu lực từ tháng 5/2018 đã làm tăng thêm khó khăn cho ngành thép Việt Nam. Rõ ràng nếu Mỹ áp dụng một mức thuế cao như thế đối với nhà nhập khẩu Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Khi thuế tăng sẽ dẫn đến giá của các mặt hàng tăng và làm giảm cầu của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, chắc chắn động thái này sẽ tác động nhất định đến các nhà xuất khẩu thép từ Việt Nam.

nganh thep se phai no luc vuot qua kho khan de dat muc tieu tang truong de ra

Ngành thép sẽ phải nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra

Trong khi ở Việt Nam thép giá rẻ từ các nước Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lại nhập khẩu ồ ạt vào với số lượng lớn. Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải Quan, tính chung cả 9 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 4,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2018, đạt 10,81 triệu tấn, trị giá 7,21 tỷ USD. Toàn bộ giá sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Điều này vô hình chung gây sức ép khá lớn lên ngành thép trong nước khi các sản phẩm nội địa bắt buộc phải giảm giá nhằm có thể cạnh tranh với thép ngoại, đặc biệt là thép Trung Quốc. Do đó trong các doanh nghiệp thép đều đã hạ giá bán nhằm có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, ngoài ra không loại trừ khả năng giá thép giảm có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020.

Để tiêu thụ được lượng thép cuộn cán nóng sản xuất xuất ra, trong vòng nửa năm lại đây, Ấn Độ và Nga đã giảm giá bán tới hơn 20%. Lượng thép Ấn Độ bán về Việt Nam trước đây mỗi tháng khoảng 70.000 tấn, nay tăng mạnh lên hơn 200.000 tấn. Giá thép cán nóng giảm đồng nghĩa với việc giá thép cán nguội, mạ kẽm và thép ống cũng giảm, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của ngành thép trong nước. Nhiều nhà máy chịu thua lỗ do phải giảm giá đối với hàng tồn kho để cạnh tranh với thép ngoại nhập giá rẻ.

thep cuon can cua formosa ha tinh

Thép cuộn cán của Formosa Hà Tĩnh

Trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập giá rẻ, sản lượng sản xuất của Formosa Hà Tĩnh đã có sự sụt giảm. Tháng 7/2019, sản lượng thép cuộn cán nóng của Formosa đạt khoảng 350 ngàn tấn thì đến hết tháng 9 chỉ khoảng 300 ngàn tấn. Không những sản lượng sản xuất mà sản lượng thép tiêu thụ trong nước của công ty cũng sụt giảm.

Đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng, tháng 7/2019 tiêu thụ trong nước khoảng 320 ngàn tấn thì đến tháng 9 giảm xuống chỉ còn khoảng 250 ngàn tấn. Hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép của Formosa Hà Tĩnh bị sụt giảm kéo theo hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào để sản xuất cũng bị giảm sút đang ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

Mùa báo cáo tài chính năm 2019 đang cận kề. Nhà đầu tư cũng sẽ không quá ngạc nhiên khi xuất hiện báo cáo tài chính các doanh nghiệp ngành thép với doanh thu, và cả lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ. Thậm chí có những doanh nghiệp lỗ lớn. Nguyên nhân chính chủ yếu từ ảnh hưởng chiến tranh thương mại, của việc tồn kho giá vốn cao, và chi phí lớn. Đồng thời với đó, sản lượng tiêu thụ có xu hướng giảm. Để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước, ngoài cố gắng từ phía doanh nghiệp, các nhà chức trách cũng cần phải giải bài toán làn sóng thép ngoại giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam, thép nội sẽ đi về đâu?

 (Tú Nguyên)

Trở về

Bài cùng chuyên mục