tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tác động của Brexit với Hồng Công

  • Cập nhật : 06/07/2016

Trước những diễn biến sau kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), Hồng Công với đặc điểm là thị trường tài chính tiền tê, thị trường trung chuyển lớn đã có những phản ngay tức thì.

Thị trường chứng khoán

Ngày 24/6/2016 thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng tiêu cực ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu theo hướng Vương Quốc Anh (Anh) sẽ rời EU (Brexit). Chỉ số chứng khoán Hang Seng Hồng Công giảm mạnh 4,7% và tiếp tục giảm 1,4%; 0,9%  tương ứng trong 2 phiên giao dịch tiếp theo vào các ngày 27, 28 tháng 6. Tuy nhiên với sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu, chỉ số Hang Seng tăng trở lại 1,3% trong phiên giao dịch thứ 4 sau sự kiện Brexit.

Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, chứng khoán tại Hồng Công, Trung Quốc thì chỉ số Hang Seng đã phản ánh đầy đủ những tác động của Brexit khi giảm tới 6% kể từ đầu tháng 6 và đến nay thì cổ phiếu Hồng Công dường như đã “tiêu hóa” những tác động tiêu cực của Brexit.

Thị trường tiền tệ

Hiện nay Hồng Công đang duy trì chính sách tiền tệ (đồng HKD) thắt chặt đối với đồng USD (tỷ giá là HK7.8/USD từ năm 1983 và duy trì biên độ dao động hẹp cho đến nay), do đó ảnh hưởng của Brexit đã làm đồng USD và HKD mạnh hơn so với các đồng tiền khác.

Giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Công ông Norman Chan và Cục trưởng Cục Tài chính John Tsang Chun – Wah đều cho biết lãi suất vẫn được giữ ở mức ổn định. Đồng HKD có thể biến động ngắn hạn nhưng trong tầm kiểm soát khi các khoản đầu tư của Hồng Công tại Anh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dự trữ ngoại tệ của thành phố.

Kinh tế, thương mại, đầu tư

Xét về khía cạnh phát triển kinh tế, nhu cầu hàng hóa dịch vụ từ Anh sẽ yếu đi, đặc biệt là do đồng Bảng mất giá. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới các nước trong khu vực Châu Á trong đó có Hồng Công.

Theo ông John Tsang Chun – Wah, Brexit sẽ không tác động mạnh, trực tiếp đối với quan hệ thương mại Hồng Công – Anh do giá trị thương mại với Anh chỉ chiếm 1,5% trong tổng giá trị thương mại của Hồng Công. Tuy nhiên, 600 doanh nghiệp của Anh tại Hồng Công sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp từ hệ quả của Brexit. Ở chiều ngược lại, xu hướng đầu tư của Hồng Công vào Anh dự báo sẽ giảm. Đây cũng là tuyên bố mà ông Lý Gia Thành (người giàu nhất Hồng Công) đưa ra đối với các hoạt động đầu tư của của mình tại Anh.

Dự báo và đánh giá

Đánh giá chung

Việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, tổ chức ngày 23/6/2016 không chỉ gây ra hậu quả tức thời trên thị trường tài chính toàn cầu mà còn mang lại một viễn cảnh không chắc chắn cho nước Anh hậu Brexit. Bên cạnh đó, Brexit có khả năng gây ra những thiệt hại cho EU khi phá vỡ mối quan hệ của khối này với Anh cũng như mối liên kết trong nội khối EU còn lại.

Chiến thắng của chiến dịch rời EU ngày lập tức đã gây chấn động cho giới tài chính. Rõ nét nhất đó là việc thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, sự giảm giá mạnh của đồng Bảng và đồng Euro so với USD.

Kết quả từ cuộc bỏ phiếu nêu trên không có nghĩa là Anh không còn là thành viên của EU. Việc Anh chính thức rời EU sẽ do Anh yêu cầu và viện dẫn theo Điều 50 của Hiệp định Lisbon. Theo đó, Anh có 2 năm để đàm phán với các nước thành viên còn lại về việc rời EU và thời gian này có thể kéo dài bằng cách thỏa thuận và được sự đồng ý của các nước thành viên khác. Trong thời gian này, Anh vẫn là một thành viên của EU có trách nhiệm tiếp tục tuân thủ các quy định, luật lệ của EU trong khi Anh không có quyền tham gia thảo luận và quyết định các chính sách mới của EU.

Ảnh hưởng của Brexit sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thỏa thuận rời EU của Anh với các nước thành viên. Đó có thể là lựa chọn theo cách của Na Uy, theo đó Anh sẽ đàm phán tham gia Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) hiện tại gồm EU, Na Uy, Iceland, Liechtenstein nhằm giữ lại quyền tiếp cận đầy đủ vào thị trường chung Châu Âu. Tuy nhiên, Anh sẽ phải chấp nhận quy định của EU bao gồm quyền di chuyển tự do của người dân mà không có quyền can thiệp vào những quy định này.

Lựa chọn thứ hai có thể theo cách mà Thụy sỹ đã chọn, theo đó Anh phải đàm phán nhiều Hiệp định song phương đối với những lĩnh vực khác nhau để giành quyền tiếp cận tự do với thị trường EU. Tuy nhiên đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn và tốn nhiều công sức cho Vương quốc Anh nếu muốn đạt được một số lượng lớn các thỏa thuận có lợi với EU.

Lựa chọn thứ ba có thể theo cách của Thổ Nhỹ Kỳ. Anh sẽ cần thiết lập một liên minh thuế quan với EU để tránh các hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, mức độ bao trùm của Liên minh thuế quan có lẽ là không đủ do Anh vẫn phải tuân theo hầu hết các quy định của EU áp dụng đối với thương mại hàng hóa.

Lựa chọn thứ tư đơn giản dựa vào quy định của WTO và Anh sẽ không có bất kỳ ưu đãi nào khi tiếp cận thị trường chung Châu Âu. Và một lựa chọn có thể coi là cuối cùng nếu Anh đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU, tuy nhiên đây cũng sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn do Anh sẽ phải đáp ứng những điều kiện, yêu cầu bất lợi từ các thỏa thuận khác.

Dự báo tác động

Tác động đối với Anh

Quyết định rời EU chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng kéo dài tại Anh, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế. Những biến động được dự báo là dòng vốn đầu tư của công ty nước ngoài sẽ chuyển sang các nước Châu Âu khác (như Đức, Pháp…) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tự do vào thị trường chung Châu Âu. Như vậy, ưu tiên đầu tiên của Anh là đàm phán quyền tiếp cận thị trường chung Châu Âu, bởi 50% xuất khẩu của Anh là sang Châu Âu, đồng thời việc này cũng giúp giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đây là điều rất khó đối với Anh.

Brexit cũng loại trừ quyền của Anh trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác. Tại thời điểm đàm phán thương mại diễn ra chủ yếu giữa các khối với nhau, Anh sẽ phải bắt tay đàm phán từ đầu với hàng loạt các quốc gia và các khối, bao gồm cả Mỹ hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Hơn nữa, không giống khu vực EU với một thị trường lớn có ảnh hưởng về chính trị, Anh có ít quyền thỏa thuận khi đàm phán thương mại với các nước hoặc các khối.

Ngoài ra, Anh có thể mất quyền tiếp cận thị trường chung Châu Âu đối với dịch vụ tài chính hiện đang được khai thác trong EU. Điều này đe dọa vị trí thống thị của Lôn Đôn và khuyến khích công ty dịch vụ tài chính di chuyển sang các nước Châu Âu khác, đặc biệt trong khu vực EU là Frankfurt và Paris.

Với những dự báo đe dọa cho môi trường kinh doanh của Anh, niềm tin doanh nghiệp sẽ bị tổn thương; thất nghiệp tăng, cổ phiếu và bất động sản mất giá làm giảm lòng tin người tiêu dùng; lạm phát tăng trong khi đồng Bảng mất giá làm giảm thu nhập thực tế của người dân, giảm nhu cầu trong nước và ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Anh.

Tác động tới phần còn lại của thế giới

Sự ra đi của Anh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến Vương quốc Anh mà còn tác động tới kinh tế thế giới nói chung. Hiện nay, Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới (chiếm 4% GDP toàn cầu) và lớn thứ 2 trong EU (chiếm 18% GDP của EU). Thương mại của Anh cũng đứng thứ 5 trên thế giới (chiếm 3% tổng giá trị thương mại toàn cầu) và đứng thứ 2 trong EU (chiếm 10% tổng giá trị thương mại của EU).

Những thỏa thuận còn chưa rõ mà Anh sẽ tiến hành để rời EU dự báo gây ra những biến động trên thị trường tài chính. Điều này tạo sức ép đối với đồng Bảng, đồng Euro gây ra sự bất ổn tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Âu. Do đó, các nhà hoạch định chính sách, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ có kế hoạch dự phòng để đối phó với biến động của thị trường tài chính.

Đối với EU, sự ra đi của Anh, một trung tâm tài chính hàng đầu và là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh ở EU, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của EU. Ở cấp độ Liên minh, EU sẽ thiếu vắng một người ủng hộ quan trọng đối với tự do hóa thương mại, dịch vụ. Ở cấp độ quốc gia, các nước có liên kết tài chính, thương mại, đầu tư với Anh là Ireland, Hà Lan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.  

Nghiêm trọng hơn, sự ra đi của Anh có thể dẫn đến một hiệu ứng domino, đe dọa toàn EU khi thúc đẩy một số quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Thậm chí nếu không có bất kỳ quốc gia nào khác chọn ra đi nhưng nó sẽ dấy lên quan điểm chống EU, điều này cũng sẽ gây trở ngại cho tiến trình hội nhập và phát triển của Liên minh.

Tác động đối với Châu Á

Trong báo cáo về tác động của Brexit đối với những thị trường mới nổi Châu Á, nhà kinh tế Trinh D. Nguyen (Ngân hàng Natixis Hồng Kông) đã đưa ra những đánh giá ban đầu về kết quả của cuộc trưng cầu Anh rời EU.

Nhìn từ triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhu cầu từ Anh sẽ giảm với nguyên nhân chính là đồng Bảng mất giá. Trong các nước Châu Á, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất mặc dù Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, ổn định, ít bị giảm. Tiếp theo đó, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ 2 trong khi Hàn Quốc, Philippines, Indonesia là nước ít bị ảnh hưởng nhất.

Bên cạnh những tác động trực tiếp từ Anh, các nước Châu Á sẽ bị tác động gián tiếp do sự sụt giảm nhu cầu của EU. Tác động này cần được quan tâm hơn tác động trực tiếp từ Anh vì EU hiện là thị trường lớn hơn nhiều. Theo đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực từ tác động gián tiếp này.

Tác động đối với Hồng Công

Mặc dù ảnh hưởng của Brexit ít hơn đáng kể ở Châu Á, sự không chắc chắn trong mối quan hệ mới giữa Anh và EU vẫn có thể tác động tiêu cực đối với quan hệ thương mại, đầu tư giữa Hồng Công với Anh. Trong năm 2015, Anh là thị trường lớn thứ 2 của Hồng Kông tại Châu Âu (chiếm 16% tổng giá trị thương mại với EU) và lớn thứ 9 trên thế giới (chiếm 1,5% tổng giá trị thương mại với thế giới). Khoảng 60% giá trị xuất khẩu của Hồng Kông đến Anh là hàng tiêu dùng như đồ điện tử, quần áo, đồ trang sức, đồ chơi và đồng hồ...

Trong thời gian tới, mọi hoạt động kinh doanh giữa hai Bên vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Anh đạt được thỏa thuận để chính thức rời EU. Tuy nhiên, một nền kinh tế mong manh cùng với đồng Bảng mất giá đồng nghĩa với nhu cầu nhập khẩu sụt giảm từ thị trường này sẽ tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Hồng Công.

Về đầu tư, Anh là nước đón nhận FDI lớn nhất trong EU, nhưng Brexit có thể làm xói mòn vị trí thống trị của Vương quốc Anh vẫn biết đến như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Và như vậy đối với Hồng Công nói riêng và các nước nói chung, Anh không còn hấp dẫn như một cửa ngõ vào EU, một nơi để đặt trụ sở của các tập đoàn, công ty và một điểm đến cho đầu tư từ EU. Trong bối cảnh này, dự báo một số công ty Hồng Kông có thể xem xét chuyển một phần vốn đầu tư của họ tại Anh sang các nước EU khác.

Với số vốn 242 tỷ HKD, Vương quốc Anh là điểm đầu tư ra nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Hồng Kông vào EU trong năm 2014 (chiếm 65% tổng số vốn đầu tư EU), và lớn thứ 5 trên thế giới (chiếm 2,2% tổng số vốn đầu tư ra thế giới).

Bảng 1. Danh sách 10 thị trường xuất khẩu lớn của Hồng Công 2015

Thị trường xuất khẩu chính

USD (tỷ)

Tỷ lệ %

Tăng trưởng

Thế giới

392.9

100%

-1,8%

Trung Quốc

248.3

53,7%

-2,1%

Mỹ

43.8

9,5%

0,2%

Nhật Bản

15.8

3,4%

-6,6%

Ấn Độ

13.1

2,8%

8,1%

Việt Nam

9.9

2,1%

14,7%

Đức

9.0

1,9%

-3,2%

Đài Loan

8.3

1,8%

-18%

Singapore

7.4

1,6%

-2,3%

Vương Quốc Anh

7.1

1,5%

0,8%

Hàn Quốc

6.9

1,5%

-12,8%

 (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Hồng Công – Cục Thống kê Hồng Công)

Bảng 2. Danh sách 10 địa bàn lớn có vốn đầu tư của Hồng Công tính đến năm  2014

Nước/vũng lãnh thổ

Tỷ USD

Tỷ lệ %

Quần đảo Virgin

589.5

40,9%

Trung Quốc

584.6

40,5%

Bermuda

36.3

2,5%

Đảo Cayman

31.4

2,2%

Vương Quốc Anh

31.0

2,2%

Úc

16.7

1,2%

Singapore

10.9

0,8%

Mỹ

10.0

0,7%

Luxembourg

10.0

0,7%

Canada

9.5

0,7%

Tổng số

1441.9

100%

(Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Hồng Công – Cục Thống kê Hồng Công)

Dự báo, đề xuất liên quan đến quan hệ thương mại Việt Nam – Hồng Công

Theo số liệu của Cục phát triển thương mại Hồng Công (HKTDC) trong 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại của Hồng Công với thế giới giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó xuất khẩu giảm 5,6% và nhập khẩu giảm 7,2%.

Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm 2016 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt gần 5 tỷ USD) trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Hồng Công giảm 3,4% (2,88 tỷ USD); xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Công tăng 5.1% (2,12 tỷ USD). Trong tổng giá trị 2,12 tỷ USD nhập khẩu từ Việt Nam, Hồng Công tái xuất khoảng 54% (1,14 tỷ USD) giảm 9,4% so với cùng kỳ 2015.

Sự sụt giảm thương mại của Hồng Công trong nửa đầu năm 2016 đã tác động tới quan hệ thương song phương của Việt Nam với Hồng Công. Những ảnh hưởng từ hệ quả của Brexit dự báo có thể tiếp tục tác động tiêu cực xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Công, trong đó xuất khẩu trực tiếp sẽ gặp khó khăn do tỷ giá của USD và HKD tăng; xuất khẩu gián tiếp sẽ bị ảnh hưởng do Hồng Công là là thị trường trung chuyển quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam.


Nguồn: moit.gov.vn/Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục