tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Toàn cảnh vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông

  • Cập nhật : 11/07/2016

Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông: Vụ kiện Thế kỷ ​
 

Ngày 12/7, Tòa PCA sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông- vụ kiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Theo tờ Straits Times của Singapore, vụ kiện này đặc biệt quan trọng bởi nó không chỉ liên quan trực tiếp đến hai bên tranh chấp là Philippines và Trung Quốc mà còn đến các nước khác như Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á.

philippines kien trung quoc ve bien dong: vu kien the ky

Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông: Vụ kiện Thế kỷ

Phạm vi vụ kiện

Trong vụ kiện này, Philippines muốn Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết liên quan đến “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm hầu khắp Biển Đông.

Đây là khu vực rộng tới 3,5 triệu km2 và có vai trò cực kỳ quan trọng đến kinh tế và an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu. Khu vực này bao gồm 250 đảo, bãi đá, bãi cạn, rặng san hô… chủ yếu không có người sinh sống. Các thực thể này chìm một phần hoặc hoàn toàn dưới nước.

Biển Đông cũng là nơi trung chuyển hàng hóa với trị giá lên đến 5.000 tỷ USD và là nơi kết nối những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á với Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, đây cũng là nơi có lượng dự trữ dầu lên đến 11 tỷ thùng và khoảng 500.000 tấn khí đốt.

Trung Quốc đã cải tạo phi pháp một số bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng trên đó các công trình như đường băng, bến cảng nhằm mở rộng tầm hoạt động của quân đội nước này và tạo sự đã rồi.

Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng, nếu không bị ngăn chặn, Trung Quốc có thể ngang nhiên chiếm quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới qua Biển Đông.

Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, Bắc Kinh sẽ điều tên lửa và máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo nói trên để chuẩn bị thành lập cái gọi là Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông và cản trở quyền đi lại tự do của các nước qua không phận và hải phận quốc tế.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông còn được cho là “phép thử quan trọng” đối với Mỹ và Trung Quốc để xem hai nước có thể cùng phát triển và hợp tác duy trì hòa bình tại khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Đối với Mỹ, vụ kiện là điều kiện để Mỹ thể hiện cam kết của mình đối với các đồng minh cũng như các đối tác của châu Á để những nước này có thể trông đợi vào vai trò duy trì sự ổn định của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, vụ kiện này sẽ cho thấy, Trung Quốc muốn tuân thủ luật pháp quốc tế đến đâu.

Tâm điểm “đường 9 đoạn” của Trung Quốc

Trên thực tế, vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu đề cập đến yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc khi nước này cho rằng mình có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực bên trong “đường 9 đoạn” và yêu cầu các nước phải tôn trọng chủ quyền phi lý đó để “duy trì hòa bình” trong khu vực. “Đường 9 đoạn” này được Trung Quốc vẽ ra lần đầu năm 1947 với tổng cộng 11 đoạn.

“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm tới 2 triệu km2 diện tích Biển Đông kéo dài tới 1.611km từ đảo Hải Nam xuống phía Nam sát với Indonesia và vòng lại đại lục Trung Quốc tạo thành cái gọi là “đường lưỡi bò”.

Phía Philippines cho rằng, “đường 9 đoạn” chồng lấn tới 531.00km2 vùng biển mà Philippines coi là Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình. Không chỉ vậy, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc còn chồng lấn lên cả lãnh thổ của Việt Nam, Malaysia và Brunei.

EEZ là khái niệm được Liên Hợp Quốc công nhận, trong đó một quốc gia ven biển sẽ có đặc quyền thăm dò và khai thác các nguồn lợi trong khu vực cách bờ của quốc gia đó 200 hải lý.

Lý lẽ của Philippines và Trung Quốc

Dù ra yêu sách “đường 9 đoạn” và ngang nhiên buộc các quốc gia khác phải tôn trọng, Trung Quốc đã không thể đưa ra được những chứng cứ pháp lý, cũng như những cứ liệu về địa lý và lịch sử thuyết phục để chứng minh tính hợp lý và hợp pháp của “đường 9 đoạn”.

Thay vì thế, Trung Quốc tự “chế ra” cái gọi là “sự thật lịch sử” và “bản đồ cổ”–[những thứ chỉ Trung Quốc mới có thể chấp nhận-ND] để “bảo vệ quan điểm của mình”.

Theo đó, Trung Quốc viện dẫn “những ghi chép lịch sử” [ngụy tạo] về các chuyến đi, các lần vẽ bản đồ cũng như việc có người dân Trung Quốc sinh sống tại các đảo trên Biển Đông từ thời Tống (từ năm 960-1279) cho đến nay.

Trung Quốc còn viện dẫn các Hội nghị Cairo năm 1943 và Postdam năm 1945 cùng Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Mỹ, Anh và Nga để đòi lại cái gọi là “lãnh thổ mà Nhật Bản chiếm của Trung Quốc” trong đó có cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa [dù trên thực tế, 2 quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam].

Đáp lại, Philippines khẳng định, “đường 9 đoạn” là vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

UNLOS được cả Philippines và Trung Quốc phê chuẩn vào các năm 1986 và 1996, trong đó nêu rõ trường hợp các quốc gia có thể thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như thực hiệc việc thăm dò và khai thác.

Theo đó, UNCLOS cho phép một quốc gia ven biển được phép thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền của mình trong khu vực 12 hải lý tính từ đất liền và thực hiện quyền thăm dò và khai thác kinh tế trong khu vực 200 hải lý tính từ đất liền (đây chính là EEZ). Tuy nhiên, UNCLOS cũng nêu rõ, những thực thể chìm dưới nước khi thủy triều lên không được tính làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền.

Ngoài ra, UNCLOS cũng không được phép sử dụng làm căn cứ để xác định ai có chủ quyền đối với một thực thể nào đó trên biển. Nói cách khác, UNCLOS không phải là căn cứ để xác định chủ quyền.

Chính vì thế, Philippines đã thận trọng tránh kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền [dù phi pháp] của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép.

Thay vì thế, văn bản dày 4.000 trang với tổng cộng 10 chương mà Philippines đệ trình lên PCA hồi năm 2014 đã mô tả rất kỹ lưỡng về tính chất địa chất, địa lý và đặc tính cụ thể của từng thực thể ở Biển Đông và từ đó đề nghị PCA ra phán quyết yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách “đường 9 đoạn” của mình [điều mà Trung Quốc hết sức tránh vì không có được chứng cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử rõ ràng].

Trong văn bản đó, Philippines nêu rõ, theo UNCLOS, “đường 9 đoạn” [nếu có và được công nhận] phải được tính từ đại lục Trung Quốc ra biển chứ không phải từ cái gọi là “chủ quyền lịch sử hay bản đồ cổ” [do Trung Quốc tự chế].

Philippines cũng khẳng định, không có đảo hay bất cứ thực thể nào ở Biển Đông đủ lớn để Trung Quốc có thể làm căn cứ áp đặt “đường 9 đoạn nuốt trọn” gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo đó, hầu hết 250 đảo và thực thể trên Biển Đông là những đảo đá không có người sinh sống và thậm chí không nổi trên mặt nước kể cả khi thủy triều xuống thấp. Chính vì thế, rõ ràng “đường 9 đoạn” không có căn cứ nào để tồn tại.

Tại Trường Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, 7 bãi đá là Subi, Gaven, Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn, Tư Nghĩa và Gạc Ma đều là những đảo chìm hoặc chỉ nổi một phần rất nhỏ khi triều lên.

Theo Philippines, ngay cả khi được công nhận chủ quyền [Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với các bãi đá này] thì theo UNLCOS, Trung Quốc cũng chỉ có thể thiết lập chủ quyền tối đa là 12 hải lý nên “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không thể rộng tới 2 triệu km2 như nước này vơ vào.

Dù Trung Quốc đã rầm rộ cải tạo các bãi đá trên thành các đảo hòng thiết lập EEZ rộng 200 hải lý theo quy định của UNCLOS, tuy nhiên, Philippines khẳng định, UNCLOS không phải là căn cứ để xác lập lãnh hải trên biển đối với các đảo nhân tạo.

Cũng theo Philippines, ngay cả bãi cạn Scarborough - bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 2012 cũng chỉ có thể tạo ra “chủ quyền 12 hải lý” quanh đó. Dù bãi cạn này vẫn nổi trên mặt nước khi triều lên, nhưng Trung Quốc không thể lấy đó làm căn cứ để mở rộng ra 200 hải lý nhằm bao biện cho diện tích “lớn bất thường” của “đường 9 đoạn”./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN


Chạy nước rút trước thềm phán quyết PCA

Suốt hơn ba năm qua, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vạch ra gần như liếm hết Biển Đông.

Tuy nhiên, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thông báo ra phán quyết về vụ kiện này, Trung Quốc dường như ngày càng lo lắng, còn Philippines vẫn kiên định lập trường tuân thủ pháp luật quốc tế.
 
Trung Quốc bất an
 
Trong những tháng gần đây, mặc dù mạnh miệng bác bỏ thẩm quyền của PCA nhưng Trung Quốc lại ráo riết có những phát ngôn, động thái thể hiện rõ sự bất an. Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch cần mẫn bên ngoài phòng xử án ở La Haye (Hà Lan) để “răn đe” Philippines và hạ thấp uy tín PCA.
 
Mới đây nhất, Trung Quốc đã phô trương sức mạnh khi tiến hành tập trận hải quân một tuần trên Biển Đông từ ngày 5/7 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhật báo Phố Wall (Mỹ) cho rằng thời gian và địa điểm của cuộc diễn tập lần này “có tính khiêu khích”, nhắm bắn tín hiệu là Trung Quốc sẽ không khuất phục trước các áp lực quốc tế, tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông bất chấp phán quyết.
 
Khi điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Mỹ cần thực hiện cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp, nói và hành động cẩn trọng, không thực hiện hành động gì làm tổn hại đến chủ quyền, lợi ích an ninh của Trung Quốc. Ông Vương Nghị cũng nhắc lại rằng muốn có giải pháp hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận sự phân xử cưỡng ép. Thậm chí, ông này còn nói: “Trò hề của PCA nên chấm dứt là vừa”.
 
Trung Quốc lý luận rằng chủ quyền các bãi, đá, đảo ở Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp nên PCA không thể phán quyết về chủ quyền với vùng nước quanh các đá, bãi đó. Hơn nữa, nước này đã gán cho PCA cái mác “tòa trọng tài lạm dụng pháp luật” và tiến trình vụ kiện là “vở kịch”. Trên các tờ báo do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc, gần như ngày nào cũng có tin về giới chức ngoại giao nước này bác bỏ, bôi nhọ PCA như kiểu trên.
 
Thậm chí, nhằm tạo dư luận thuận lợi, Trung Quốc còn nói rằng có trên 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ ở Biển Đông. Thực ra, theo điều tra của báo chí, chỉ có 9 nước nhỏ, không liên quan gì tới Biển Đông và chịu ảnh hưởng kinh tế lớn của Trung Quốc là ủng hộ họ. Việc từ chối tiết lộ danh sách nước ủng hộ khiến cho dư luận hoài nghi về động cơ cũng như tính chính xác của danh sách.
 
Nhận định về một loạt động thái trên, ông J. Berkshire Miller, thành viên chương trình Đông Á thuộc Viện Tây Á ở New York, cho rằng Trung Quốc muốn phủ đầu phán quyết PCA và làm xói mòn tính pháp lý của tòa này thông qua chiến dịch vừa lôi kéo, vừa chia rẽ cộng đồng quốc tế.
 
Philippines thận trọng
 
Trong khi đó, về phía nguyên đơn Philippines, giới chức nước này hành xử rất thận trọng và khác biệt với Trung Quốc trước ngày phán quyết 12/7. Tờ Philstar hôm 6/7 đưa tin: Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết lạc quan đối với phán quyết của PCA. Ngay cả trong trường hợp phán quyết của PCA không có lợi cho Philippines, nước này cũng sẽ chấp nhận nhằm thực hiện cam kết quốc tế của mình về UNCLOS.
 
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nêu rõ vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ kéo dài nhiều thế hệ nên sẽ có lợi hơn khi hợp tác với Trung Quốc cùng phát triển khu vực trên phục vụ lợi ích của đôi bên. Trả lời trang tin ANC ngày 4/7, ông Yasay nói: “Chừng nào quyết định của tòa án quốc tế đối với UNCLOS còn được đề cập, đây vẫn là lĩnh vực mà chúng ta có thể dễ dàng đàm phán và tìm cách thức có thể cùng hợp tác để phát triển và khai thác khu vực vì lợi ích chung”.
 
Theo ông Yasay, quan điểm muốn hợp tác với Trung Quốc của chính quyền mới Philippines có thể là một cơ hội đối với Trung Quốc để đẩy mạnh mối quan hệ song phương, trên cơ sở tôn trọng quyết định của UNCLOS. Ngoài ra, ông Yasay còn khẳng định việc cần thiết có một đặc sứ có chức năng khác với đại sứ để hỗ trợ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và có thể là “qua kênh bí mật”.
 
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Ngoại trưởng Yasay từng nhấn mạnh, đó là cho dù không muốn chiến tranh, muốn đối thoại nhưng Philippines sẽ không bán rẻ “lợi ích tối thượng quốc gia” và chủ quyền lãnh thổ.
 
Tóm lại, hai cách hành xử khác nhau cho thấy rõ thái độ của Trung Quốc và Philippines với luật pháp quốc tế, cụ thể là với UNCLOS mà cả hai nước đều đặt bút ký. Vốn được xây dựng trên sự đồng thuận quốc tế, nếu chỉ cần một nước không tuân thủ UNCLOS thì đó cũng là đòn giáng mạnh vào tính thượng tôn của pháp luật.
 

Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS. PCA sẽ phán quyết về vụ kiện này, bao gồm cách giải thích của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” có phù hợp với UNCLOS hay không.

Ngọc Dương - baotintuc.vn
 

“Lựa chọn thảm họa” chờ Mỹ sau phán quyết của PCA
 

Ngày mai (12/7), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc vạch ra ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc phản ứng cứng rắn, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với “lựa chọn thảm họa”.

tau chien trung quoc phong ten lua trong cuoc dien tap thuc binh o bien dong hom 8/7. anh: thx

Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc diễn tập thực binh ở Biển Đông hôm 8/7. Ảnh: THX

 
Trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ về tình hình Biển Đông hôm 7/7, theo hãng tin Reuters của Anh, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Colin Willett khẳng định Washington sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia và các cam kết của mình với các đồng minh và đối tác tại châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sau phán quyết của PCA vốn được phổ biến nhìn nhận là sẽ có lợi cho Philippines, tập đoàn truyền thông Bloomberg của Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phản ứng cứng rắn.

Trên phương diện này, hành động của Trung Quốc có thể gồm: cải tạo bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag) thành đảo nhân tạo rồi biến thành căn cứ mini hoặc kéo tàu Sierra Madre của Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) như tờ Nhân dân Nhật báo từng đề cập hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Nếu Trung Quốc làm như vậy, Mỹ sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn bởi hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố là đồng minh của Philippines, nếu Trung Quốc tiến hành xây dựng ở Scarborough, Mỹ sẽ hành động.

Vấn đề, theo Bloomberg, là ông Carter không nêu rõ cụ thể Mỹ sẽ có những hành động gì. Hơn nữa, Mỹ chưa từng lập ra một giới hạn ở các khu vực khác trên thế giới và xem ra Mỹ cũng không hứng thú với việc tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự ở nơi cách xa bờ biển của mình hàng nghìn dặm.

Trong trường hợp này, Giáo sư nghiên cứu chiến lược Hugh White thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra cho rằng Washington sẽ đối mặt với “lựa chọn thảm họa”.

Bởi nếu Mỹ thối lui, điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận ưu thế ngày càng tăng của Trung Quốc và sự thụt lùi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, còn nếu Mỹ cuốn vào xung đột thì e rằng xung đột sẽ diễn biến thành xung đột lớn hơn.

Hoàng Hà-baotintuc.vn


Phán quyết của PCA về Biển Đông - Phép thử thế kỷ
 

Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn, không chỉ cho Philippines, mà còn cho các nước tranh chấp khác có thể nhờ đến chiến lược chiến tranh pháp lý tương tự để gây sức ép và có được những nhượng bộ từ Trung Quốc.

toa trong tai thuong truc o la haye lang nghe luat su philippines trinh bay.

Tòa trọng tài thường trực ở La Haye lắng nghe luật sư Philippines trình bày.

Trang tin National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích của tác giả Richard Javad Heydarian, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle và Giáo sư Matthew C. Waxman thuộc Đại học Columbia, trong đó nhận định rằng: "Danh tiếng và uy tín của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) – với vai trò là một cơ quan gồm các quy định và các cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc – đang bị đe dọa". Cơ quan trọng tài phải đối mặt với nguy cơ "bị chối bỏ, chế giễu và chịu thiệt thòi từ cường quốc lớn nhất trong khu vực". 

Tháng 10/2015, Hội đồng Trọng tài (được thành lập theo Điều 287, Phụ lục VII của UNCLOS) đã quyết định sẽ thực hiện quyền tài phán về một nửa các mục trong hồ sơ kiện của Philippines, các hạng mục còn lại sẽ được kiểm tra bằng cả thẩm quyền và tài đức. Trong một bản tóm tắt gồm mười trang, các thẩm phán cho rằng việc thành lập hội đồng trọng tài cho vụ kiện Philippines "là quyết định đúng đắn" và rằng "hành động thành lập Hội đồng Trọng tài này không cấu thành sự lạm dụng quyền lực như khẳng định của Trung Quốc". Các thẩm phán nhắc lại rằng "việc Trung Quốc không xuất hiện trong quá trình tố tụng không làm mất thẩm quyền của PCA" và "luật pháp quốc tế không đòi hỏi một nhà nước phải tiếp tục đàm phán khi nhà nước đó kết luận rằng không thể sử dụng giải pháp thương lượng được nữa". Tòa Trọng tài Thường trực, mặc dù không có quyền phán quyết về các vấn đề chủ quyền, nhưng vẫn có đủ thẩm quyền trong việc xác định bản chất của các thực thể tranh chấp, đặc biệt là các đá Vành Khăn, Chữ Thập, bãi cạn Scarborough...

PCA cũng có thể thực hiện quyền tài phán về việc cuộc diễn tập của tàu Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc cáo buộc là hành động xâm lược, cũng như các tác động sinh thái của các hoạt động cải tạo của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough và bãi cát ngầm Second Thomas. Tuy nhiên, các vấn đề quan trọng như tính hợp lệ của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và học thuyết mơ hồ về "chủ quyền lịch sử" lại cần phải cân nhắc thêm. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục bỏ qua cơ hội để chính thức tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 5, Phụ lục VII.

Do đó, cơ quan trọng tài bác bỏ yêu sách của Trung Quốc rằng: Thứ nhất, UNCLOS và cơ quan trọng tài dưới sự bảo trợ của UNCLOS không có nhiệm vụ phân xử tranh chấp ở Biển Đông; Thứ hai, Philippines vẫn chưa sử dụng hết các cuộc đàm phán song phương trước khi buộc phải nhờ đến tòa trọng tài; và thứ ba, Trung Quốc, theo Điều 298, đã tự loại mình ra khỏi quá trình này. Đây không chỉ là một vấn đề pháp lý đơn thuần, mà còn có ý nghĩa chiến lược to lớn, không chỉ cho Philippines, mà còn cho các nước tranh chấp khác có thể nhờ đến chiến lược chiến tranh pháp lý tương tự để gây sức ép và có được những nhượng bộ từ Trung Quốc. Trên thực tế, trường hợp nhờ đến PCA của Philippines có thể tạo ra một cuộc "chiến tranh pháp lý cấp số nhân". Đến nay, Indonesia, đã từng bước giảm thái độ trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông, và Việt Nam đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và tuyên bố sẽ đi đến cùng nếu Trung Quốc tiếp tục có những động thái hung hăng ở các vùng biển lân cận.

tau trung quoc tien sat tau ca philippines gan scarborough. anh: ap

Tàu Trung Quốc tiến sát tàu cá Philippines gần Scarborough. Ảnh: AP

Quan trọng hơn, phán quyết của tòa trọng tài có thể đem lại một chứng minh hợp pháp hoàn hảo không chỉ cho Mỹ, mà còn cho các cường quốc hải quân quan trọng khác như Nhật Bản, để khởi động chiến lược duy trì và đa phương hóa Các hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. FONOP với sự phối hợp đa quốc gia giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt của mình sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để buộc Trung Quốc phải điều chỉnh lại hành vi của mình trong khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, một kết quả thuận lợi sẽ đem lại cho Chính quyền ông Duterte một đòn bẩy tuyệt vời trong bất kỳ cuộc thách thức song phương nào với Trung Quốc. Chẳng hạn, chính quyền mới của Phillipines có thể không sử dụng tất cả các kết quả từ PCA – chỉ coi là một ý kiến tham vấn chứ không phải một ràng buộc – để đổi lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc ở Biển Đông, ví dụ như không áp đặt các giới hạn đối với ngư dân, hải quân và các tàu Philippines di chuyển trong các vùng biển tranh chấp để cùng sử dụng bãi cạn Scarborough, ngoài ra còn có các hoạt động đầu tư quy mô lớn. Rõ ràng là Trung Quốc hoan nghênh mọi cơ hội để tránh một "cuộc đảo chính quyền lực mềm" nếu Manila chọn tập hợp sự ủng hộ quốc tế và miêu tả Trung Quốc, bá chủ tham vọng trong khu vực, như “một con ngựa bất kham và sống ngoài vòng pháp luật”. 

Đến nay, các cường quốc trong Nhóm G-7, Australia và gần như tất cả các nước có liên quan trong khu vực châu Á đã công khai hoặc gián tiếp bày tỏ sự ủng hộ đối với PCA, buộc Trung Quốc đang trong trạng thái hoảng sợ phải một mực tuyên bố rằng mình nghi ngờ về tính hợp pháp của cơ quan trọng tài, thiết lập tòa án quốc tế riêng và tập trung sự ủng hộ của 40 quốc gia.

Tất nhiên cũng có một khả năng khác. Chính quyền của ông Duterte và ông Tập Cận Bình có thể cùng tôn trọng luật pháp quốc tế và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đàm phán song phương bằng cách chọn ra một cơ chế mà hai bên có thể chấp nhận nhiều hơn theo UNCLOS. Hai bên đều có thể đồng thuận lập một "Ủy ban Hoà giải", cho phép cả hai bên giải quyết các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp với sự hướng dẫn của các chuyên gia pháp lý mà hai bên thỏa thuận, nhóm chuyên gia này sẽ cung cấp tư vấn pháp lý mà không có phán quyết ràng buộc. Nói một cách ví von, trong khi người tiền nhiệm của Duterte lựa chọn thủ tục “ly hôn” (tức là, bắt buộc dùng đến Tòa trọng tài), thì ông Durterte có thể lựa chọn tư vấn "hôn nhân" (tức là, Uỷ ban hoà giải) trong mối quan hệ với Trung Quốc.
 
TTXVN/Tin Tức

Trở về

Bài cùng chuyên mục