tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-08-2017

  • Cập nhật : 07/08/2017

Xin loạt ưu đãi và cơ chế riêng, Vinatex muốn thành tập đoàn tư nhân

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với loạt các đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may. 

Đề nghị được thế chấp cổ phiếu để vay nợ

Vinatex cho biết theo hiệp định của Chính phủ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 10/11/2015, Vinatex được tham gia chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty tức là được ADB cho vay số tiền 100 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường, 5 triệu USD từ nguồn vốn vay đặc biệt.

Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay. Song, đến nay Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại chưa giải ngân được do vướng mắc về tài sản đảm bảo.

“Vinatex đã rất nhiều lần đề xuất được dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, do tập đoàn là công ty mẹ nên tài sản chính là cổ phiếu của các đơn vị thành viên. Trong khi cổ phiếu sở hữu của Vinatex trên thị trường chứng khoán có giá trị cao gấp nhiều lần so với mệnh giá và có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao trong nhiều năm liên tiếp và đều là các thương hiệu lớn của Việt Nam như May Việt Tiến, Dệt may Hoà Thọ, Dệt may Huế nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận”, văn bản nêu.

Về bản chất, cổ phiếu là tài sản có giá trị trên thị trường chứng khoán và có khả năng thanh khoản cao và dễ chuyển đổi thành tiền so với các tài sản cố định là máy móc thiết bị. Phía Vinatex cho rằng việc không chấp thuận cho phép sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo sẽ gây rất nhiều khó khăn cho tập đoàn.

Hiện Vinatex đang sử dụng tiền mặt để làm tài sản đảm bảo khoản vay. Đối với những khoản vay chưa được giải ngân, Vinatex phải thanh toán phí cam kết đối với ngân hàng gây nhiều lãng phí đồng thời cũng không giải ngân được nguồn vốn vay đã được chấp thuận.

Vì vậy, Vinatex kiến nghị được lấy cổ phiếu để thếp chấp cho các khoản vay ADB.

Muốn bán hết vốn nhà nước

Vinatex chính thức cổ phần hoá từ đầu năm 2015 với vốn điều lệ khoảng 5.000 tỷ đồng, sở hữu nhà nước đạt 53,49% tương ứng 2.675 tỷ đồng. Theo quyết định 58 của Chính phủ, trong giai đoạn 2016 -2020, Vinatex không thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ vốn.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quyết liệt, để tăng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, Vinatex bày tỏ việc cần có các cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Vinatex đề nghị Thủ tướng cho thoái toàn bộ vốn nhà nước tại tập đoàn cho các cổ đông bên ngoài.

Xin loạt cơ chế, ưu đãi

Vinatex kiến nghị Chính phủ một loạt các ưu đãi, cơ chế riêng để thúc đẩy phát triển dệt may. Cụ thể, tập đoàn muốn cho hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã thu nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận sau thuế làm vốn đầu tư mở rộng sản xuất theo công nghệ hiện đại.

Đồng thời, có chính sách riêng, ưu đãi hơn về thuế và phí nếu doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh. Hiện tại các quy định pháp lý là sản tối thiểu doanh nghiệp phải đảm bảo, nhưng chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp làm tốt hơn tiêu chuẩn do áp dụng công nghệ tiên tiến.

Vinatex cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may thông qua các chương trình đào tạo và đào tạo lại người lao động phù hợp với công nghệ mới theo hình thức đặt hàng cho doanh nghiệp và nhà trường phối hợp. Đặc biệt là các đào tạo trong doanh nghiệp tốt ở các nước phát triển cho các ngành thiết kế thời trang, công nghệ cho dệt may.

“Nên có chính sách hợp ký giữa tạo việc làm và lương tối thiểu, tỷ giá, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tập trung trong 5 năm đổi mới công nghệ”, Vinatex còn đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với doanh nghiệp trước áp lực về nguồn chi lương, nhân công, sản xuất và cạnh tranh trong, ngoài nước ngày càng tăng...

Tập đoàn này kiến nghị không phải kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa (trong phạm vi 3% hao hụt cho phép).

Đặc biệt, Vinatex đề nghị Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo các địa phương ủng hộ đầu tư dệt nhuộm, điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến 2035, tầm nhìn 2050 cho các ngành thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng 40% xuất khẩu cả nước, có cơ hội thành ngành trọng yếu xuất khẩu.

Vinatex cho biết định hướng phát triển ngành dệt may chưa đáp ứng được định hướng lâu dài cho sự phát triển và sự thay đổi của thị trường, vì vậy thiếu cạnh tranh và ổn định, thu hút với người lao động. Ngoài ra còn gây ra sự cạnh tranh gay gắt, giành giật khách hàng không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước và FDI.

"Công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển, tình trạng nút thắt cổ chai tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục vụ may, trên 70% là vải nhập khẩu, tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương”, Vinatex nói.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Với khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, nếu không có liên kết với một số doanh nghiệp lớn thì những doanh nghiệp này cũng khó tồn tại, chưa nói đến cạnh tranh quốc tế. (Vneconomy)
-------------------------

Ô tô nhập khẩu giảm xuống thấp kỷ lục

Ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đã trải qua một tháng giảm thấp nhất kể từ đầu năm đến nay khi con số ước tính chỉ vào khoảng 6.000 chiếc.

Nếu lượng xe nhập khẩu chỉ đạt 6.000 chiếc thì tháng 7 là tháng có lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm thấp nhất từ kể từ đầu năm, thậm chí lượng ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt trong tháng vừa qua còn giảm xuống thấp hơn tháng Tết.

Quan sát thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về thị trường Việt Nam tiếp tục thiếu ổn định khi liên tục tăng/giảm trái chiều. Sự không ổn định của ô tô nhập khẩu được cho là do tác động không nhỏ từ các chính sách về nhập khẩu ô tô thời gian qua. Trong đó có chính sách về thuế và thủ tục ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu.

Cụ thể, lượng ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt giảm từ 10.000 chiếc hồi tháng 5 xuống còn khoảng 8 nghìn chiếc vào tháng 6. Tuy nhiên, dù giảm khá mạnh về lượng nhưng trị giá các dòng ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt lại giảm sút không đáng kể so với con số 216 triệu USD hồi tháng 5.

Cộng dồn đến hết tháng 7/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU ước đạt 57.000 chiếc và 1,214 tỷ USD, giảm 5,5% về lượng và giảm 15,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tiếp tục giảm sút trong bối cảnh thị trường ô tô vẫn đang có những diễn biến khó đoán. Trong khi người tiêu dùng vẫn có tâm lý chờ đợi đến mốc 2018 để có thể được mưa xe với mức giá rẻ hơn.(ICT News)
---------------------------

Xây dựng tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ và Việt Nam

Tuyến đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN sẽ đi qua các nước Ấn Độ, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây sẽ là dự án quan trọng nhằm phát triển hạ tầng khu vực, thúc đẩy giao thương và kinh tế.

Phát biểu tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha cho biết, nhằm phát triển hạ tầng giao thông giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, việc hợp tác phát triển giao thông và logictics về đường thuỷ, đường bộ và hàng không, giữa Ấn Độ và ASEAN có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội phát triển vùng đặc biệt là khu vực phía Đông Ấn Độ và cửa ngõ ASEAN thông qua dự án đường cao tốc.

dai dien cac nuoc tham du dien dan. nguon: vietnamnet

Đại diện các nước tham dự diễn đàn. Nguồn: Vietnamnet

Một dự án quan trọng đang được nghiên cứu đầu tư là tuyến đường cao tốc đi qua Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan, kết nối với Campuchia, Lào và Việt Nam. Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa khu vực sông Mekong và Tây Ấn Độ, kết nối cả đường bộ và đường thuỷ. Trong đó, chính phủ Ấn Độ sẽ tham gia đầu tư từ Ấn Độ qua Myanmar và Thái Lan.

Các thành phố như TP.Hồ Chí Minh – Phnom Penh – Bangkok – Dawei – Chennai có vị trí quan trọng của ASEAN. Chính sách phát triển mở rộng trong khu vực đã được thông qua.

Năm 2017 kỷ niệm 25 năm mối quan hệ hợp tác ASEAN và Ấn Độ. Thỏa thuận Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ được thực hiện từ năm 2010 đối với các sản phẩm, dịch vụ và đầu tư của các bên.

Ấn Độ đã ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của khối ASEAN. Xuất khẩu từ Ấn Độ sang khối ASEAN đạt 25,15 tỷ USD trong giai đoạn năm 2015-2016. Kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ ASEAN giai đoạn cùng kỳ đạt mức 39,9 tỷ USD.

ASEAN và Ấn Độ cũng đang tiến lên trong việc mở rộng đối thoại với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để tiến tới thỏa thuận Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). RCEP được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thêm sự hội nhập kinh tế trong khu vực, bao gồm các thỏa thuận thương mại một phần và toàn phần.(Vietnamnet)
-----------------------------

Báo Anh: Nước Anh sẵn sàng trả tới 40 tỷ euro để rời khỏi EU

Theo Reuters, ngày 5/8, tờ Sunday Telegraph dẫn ba nguồn tin chính phủ không được nêu tên, cho biết Anh sẵn sàng trả tới 40 tỷ euro (47 tỷ USD), một phần trong thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tờ báo dẫn một nguồn tin cấp cao Chính phủ Anh cho biết: "Chúng tôi biết rằng lập trường (của EU) là 60 tỷ euro, nhưng điểm mấu chốt thực tế là 50 tỷ euro. Con số của chúng gần hơn với 30 tỷ euro, nhưng con số đạt được thực tế là 40 tỷ euro..."

Bộ phụ trách vấn đề đàm phán với EU của Chính phủ Anh từ chối bình luận về thông tin này.

Anh trước đó cho biết nước này sẵn sàng trả bất cứ khoản nợ nào còn tồn tại, song không đưa ra con số cụ thể./.(Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục