tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tuyển dụng ngân hàng có còn "nhất thân, nhì quen..."?

  • Cập nhật : 25/01/2016

(Tai chinh)

Bên cạnh tài năng thực sự nếu như không có mối quan hệ, thì rõ ràng để xin được một công ăn việc làm tại ngân hàng sẽ rất khó, thậm chí phải nhờ cậy đến..."cửa" khác.

Có thể thấy tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành nghề ở nước ta vẫn ở mức cao, nhu cầu về việc làm rất lớn, đặc biệt là với đối tượng là con em gia đình lao động (nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ) - những người không có tiền để "chạy việc" mà sẽ tự lo việc, xin việc bằng năng lực của mình.

Ngân hàng hiện nay vẫn được đánh giá là một ngành nghề “hot” nhưng do đào tạo quá nhiều, cung vượt quá cầu trong khi hệ thống đang trong giai đoạn tái cấu trúc, lành mạnh hóa hệ thống, nên khả năng xin việc làm tại các ngân hàng khá khó khăn.

Còn tồn tại tình trạng ưu tiên

Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ và kết quả cho thấy, có đến hơn 70% ý kiến đồng tình rằng việc thi tuyển vào ngân hàng hiện nay do kiến thức - tài năng quyết định 50%, 10% là may mắn, và 40% là mối quan hệ. Đó cũng là lý do ảnh hưởng đến tâm lý của các sinh viên ngành tài chính. Bên cạnh tài năng thực sự nếu như không có mối quan hệ, thì rõ ràng để xin được một công ăn việc làm tại ngân hàng sẽ rất khó, thậm chí phải nhờ cậy đến..."cửa" khác.

Thông thường, theo chu trình tuyển dụng bài bản nhất tại các ngân hàng, mỗi thí sinh sẽ phải vượt qua 3 vòng thi: nộp hồ sơ, thi viết test (IQ nghiệp vụ, tiếng Anh) và phỏng vấn. Nếu đủ điểm theo quy định của ngân hàng đợt tuyển dụng đó, ứng viên sẽ được vào làm.

Điều đáng nói, ở hồ sơ của nhiều ngân hàng bao giờ cũng có phần "anh chị có quen ai làm ngân hàng ứng tuyển này hoặc ngân hàng khác không?"

Theo lời kể của một thí sinh tham dự thi tuyển vào ngân hàng quốc doanh có chi nhánh tại một tỉnh phía Bắc mới đây cho biết, sau hai phần thi, thí sinh này đã xuất sắc đứng ở top 3. Đến vòng phỏng vấn, bên cạnh những câu hỏi nghiệp vụ, còn có thêm một phần hỏi rất sâu về gia cảnh, mối quan hệ với các doanh nghiệp. với dụng ý các ngân hàng sẽ dựa vào điểm này xem ứng viên có đủ mối quan hệ để huy động vốn hay phát triển mạng lưới khách hàng hay không. Song do xuất thân từ một gia đình thuần nông và không có kinh nghiệm xử lý các tình huống hội đồng tuyển dụng đưa ra, dù trả lời tốt các câu hỏi nhưng bạn thí sinh đã không được vào làm.

Chuyện phân biệt đối xử trong thi cử vào ngân hàng thể hiện rõ và công khai ngay cả hình thức ghi tên tuổi. Một ứng viên từng chia sẻ rằng "Tôi từng tham gia đợt tuyển dụng của một ngân hàng có Hội sở trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Sau khi qua bài thi viết, các ứng viên được gọi lên phỏng vấn trực tiếp, chia theo phòng với danh sách công khai. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa những người có quan hệ với ngân hàng là tên họ được in hoa hoàn toàn, còn những ứng viên khác thì không”.

Lâu nay, những câu chuyện bàn tán về việc xin vào ngân hàng phải có các mối quan hệ này nọ thường chỉ người trong cuộc mới tỏ. Tuy nhiên mới đây, "luật ngầm" ưu tiên "con ông, cháu cha" đã được công khai trong một thông báo tuyển dụng của Agribank - ngân hàng có quy mô nhân sự đông nhất trong hệ thống với hơn 40 nghìn người. Cụ thể, theo thông báo, con em trong gia đình cán bộ làm việc ở ngân hàng đều được cộng 30 điểm trên thang điểm 100.

Việc cộng điểm cho người nhà thi tuyển ở Agribank sau đó vấp phải sự phản ứng dữ dội của xã hội, và ngân hàng phải tạm bỏ phần ưu tiên này ra khỏi thang điểm tuyển dụng, song đó là một minh chứng rõ ràng cho việc tuyển dụng thời nay vẫn cần phải có "nhất thân, nhì quen".

Bên cạnh xin việc bằng mối quan hệ, trên các diễn đàn online hiện nay không thiếu những chia sẻ và băn khoăn của người xin việc khi "chạy" việc vào ngân hàng với chi phí môi giới lên tới hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ “vòng vèo, thân sơ", tên tuổi từng ngân hàng và các vị trí làm việc của từng trường hợp.

Cánh cửa cống hiến với người có năng lực thực sự vẫn mở

Việc các nhà băng ưu tiên cho con em trong ngành khi tuyển dụng, chuyện chạy suất vào làm các vị trí là việc không còn mới. Song dù thế nào cũng tạo ra tâm lý không tốt cho các sinh viên - những người nuôi ước mơ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp như ngân hàng.

Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa, cánh cửa được cống hiến trong ngành ngân hàng khép lại với nhiều người. Chính vì tâm lý không tốt về chuyện tiêu cực trong thi tuyển tại các ngân hàng lớn, xu hướng ngày càng nhiều các bạn sinh viên nhắm đến xin việc tại các ngân hàng nước ngoài hoặc các ngân hàng có quy mô nhỏ. Bởi tại các môi trường này, năng lực sẽ là nhân tố chính quyết định ai được chọn.

Hầu hết các ngân hàng nước ngoài đều ưu cầu rất cao kỹ năng, ngoại ngữ, kiến thức xã hội tốt, tác phong chuyên nghiệp. Chính vì vậy, tỷ lệ chọi của các ứng viên vào ngân hàng cũng không nhỏ, và nếu muốn có được công việc bằng chính năng lực của bản thân, các sinh viên phải tự rèn luyện và xây dựng cho mình một bệ phóng bằng tố chất.

Các chuyên gia cho rằng, sắp tới, Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập, ngành tài chính ngân hàng sẽ đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức, vì vậy, nguồn nhân lực cũng sẽ dịch chuyển từ lượng sang chất, khi đó, các ngân hàng cũng sẽ phải tự thay đổi cách thức quản lý, đổi mới nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả thay đổi cả về tư duy trong chọn lọc nhân tài.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục