tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lãi suất: Bài toán khó của NHNN

  • Cập nhật : 24/12/2015

(Tai chinh)

Thị trường tài chính tiền tệ cuối năm có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt sau khi FED chính thức tăng lãi suất 0,25%, chấm dứt gần một thập kỷ duy trì lãi suất 0%.

3 cái khó của ngân hàng trung ương

Khác với các nước, chính sách tiền tệ của Việt Nam chỉ độc lập tương đối và thực hiện nhiều mục tiêu. Với điều kiện hiện nay, một yêu cầu của nền kinh tế là lãi suất cho vay cần hạ thấp, giúp doanh nghiệp cạnh tranh, hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù đã kéo mặt bằng lãi suất trở về ngang thậm chí thấp hơn thời điểm trước khủng hoảng, nhưng so với các quốc gia trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều.

Theo T.S Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh BDI, lãi suất của VND không giảm bởi 3 rào cản rất lớn là lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP), chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng (credit default swap – CDS) và nợ xấu.

Trước hết là rào cản từ lợi suất huy động của TPCP có xu hướng tăng lên. Với mức độ đánh giá rủi ro là 0% thì mức lợi suất của TPCP được coi như đường cong lãi suất chuẩn của thị trường. TPCP được phát hành không chỉ liên quan đến hoạt động cơ cấu tài sản của NHTM mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới lãi suất huy động đầu vào.

“Khi lợi suất trái phiếu tăng lên thì các NHTM không thể hạ lãi suất huy động. Cùng tỷ lệ lạm phát nhưng lãi suất huy động TPCP Việt Nam cao gấp 2 lần TPCP Hoa Kỳ. Lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm huy động từ 4,8-6,5%/năm. Nếu NHTM hạ thấp hơn nữa thì sẽ rơi vào bẫy thanh khoản” – ông Nghĩa nói.

Gắn liền với hoạt động huy động TPCP là chỉ số CDS. Chỉ số này cho biết rủi ro của nhà đầu tư khi nắm giữ TPCP của quốc gia. Trên thị trường, CDS của Việt Nam đang tăng rất đáng ngại, khoảng 270 điểm.

“Hy Lạp sụp đổ khi CDS là 320 điểm. Khi mua TPCP người ta tin rằng rủi ro không có nhưng nếu có nguy cơ vỡ nợ thì khác. CDS tăng thể hiện lo ngại của nhà đầu tư về vấn đề nợ công của Việt Nam” – T.S Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Nếu CDS Việt Nam tiếp tục tăng thì lợi suất TPCP cũng lại tăng lên như thế khiến Chính phủ cũng như NHNN dù muốn cũng không thể kéo lãi suất xuống được.

Yếu tố thứ 3 khiến lãi suất không thể xuống như NHNN mong muốn chính là nợ xấu. Dù cho theo báo cáo, nợ xấu đã được xử lý tại NHTM cũng như qua VAMC và tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3% nhưng chi phí dành cho hoạt động này rất lớn. Thực tế, dù có chuyển qua VAMC đưa ra ngoại bảng thì với nợ xấu chưa xử lý được các NHTM vẫn phải trích lập dự phòng 20%/năm.

Qua số liệu theo dõi, T.S Lê Xuân Nghĩa cho biết tỷ lệ chi phí hoạt động/ tổng chi phí của các NHTM tại Việt Nam từ 16%-23%, trong khi các ngân hàng trong khu vực chỉ 11%-14%.

“Nguyên nhân không phải do trình độ quản lý của các NHTM quá yếu kém mà vì nợ xấu khiến chi phí tăng mạnh. Chỉ số này cao cho thấy khả năng chịu đựng rủi ro của NHTM thấp hơn. Vì vậy dù NHNN có muốn giảm lãi suất thì chính các NHTM cũng không thể chịu được” – T.S Nghĩa kết luận.

Fed tăng, Việt Nam giảm

Một số quốc gia có động thái tăng lãi suất nhằm bảo vệ nội tệ trước những tác động tiêu cực từ quyết định của FED. Còn tại Việt Nam, NHNN đã có chính sách được xem khá bất ngờ khi giảm lãi suất huy động ngoại tệ của cá nhân về 0%. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam được đánh giá là chính sách khôn ngoan.

Thứ nhất, xuất phát từ mục tiêu hạ lãi suất thúc đẩy tăng trưởng như đã nói ở trên thì NHNN không thể tăng lãi suất VND theo FED để bảo vệ đồng nội tệ. Do vậy, hạ lãi suất ngoại tệ là cách duy trì chênh lệch lãi suất giúp VND tiếp tục có giá tương đối với USD. Một mũi tên đạt được 2 mục đích: kiềm chế lãi suất tăng và ổn định tỷ giá.

Thứ hai, hạ lãi suất xuống 0% khiến USD không bị găm giữ trên tài khoản mà có xu hướng chuyển đổi sang VND, giảm tình trạng dollar hóa trong nền kinh tế. Từng bước giúp NHNN loại bỏ quan hệ tín dụng ngoại tệ, chuyển hẳn sang quan hệ mua bán.

Liệu có phải như vậy?

Kể từ trước khi FED tăng lãi suất đến sau khi NHNN hạ lãi suất USD của cá nhân xuống 0%, tỷ giá vẫn giao dịch ngưỡng trần chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này chứng tỏ cầu ngoại tệ vẫn rất lớn, nhất là dịp cuối năm. Sự biến động 0,25% về lãi suất không đủ để làm VND tăng giá so với USD như mong muốn NHNN. Hơn nữa, trước đó NHNN đã giảm lãi suất USD của tổ chức về 0% thì với quyết định hạ lãi suất của người gửi cá nhân khó có tác động gì tới tỷ giá.

Có lẽ, chỉ có bán USD thì NHNN mới có thể hạ nhiệt thị trường ở thời điểm hiện tại. Đây là quyết định khó khăn bởi chỉ còn vài ngày nữa sẽ bước sang năm mới 2016 và nếu không biến động quá lớn thì NHNN rõ ràng đã hoàn thành cam kết ổn định tỷ giá.

Đó là trong ngắn hạn, còn về dài hạn việc hạ lãi suất của người gửi cá nhân sẽ tác động lên dòng kiều hối gửi về Việt Nam. Trong bối cảnh VND luôn có xu hướng mất giá so với USD mà lãi suất USD thấp hơn tại Mỹ, chắc chắn động cơ gửi tiền về hưởng lãi suất chênh lệch không còn.

Với hoàn cảnh thị trường cũng như chính sách đã được ban hành có thể thấy NHNN đang đối diện nhiều khó khăn. Và chắc chắn những khó khăn này còn kéo dài, khi chính sách tiền tệ vừa phải lo vốn ngắn hạn đồng thời đảm đương tín dụng trung, dài hạn rồi sẵn sàng hỗ trợ tài khóa luôn thâm hụt mỗi khi cần.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục