tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp đồ uống muốn duy trì hệ thống thương mại

  • Cập nhật : 24/09/2015

(Tin Kinh Te)

Habeco, Sabeco và các doanh nghiệp đồ uống khác thừa nhận, để nâng cao sức canh tranh của đồ uống trong nước khi hội nhập, ngoài việc nâng cao chất lượng sản xuất, thì kênh phân phối thương mại là yếu tố quyết định.

doanh nghiep do uong muon duy tri he thong thuong mai

Doanh nghiệp đồ uống muốn duy trì hệ thống thương mại

Tại Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành đồ uống khu vực Hà Nội diễn ra ngày 23/9, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu, nước giải khát Việt Nam ( VBA) cho biết, ngành đồ uống đã có lịch sử phát triển lâu dài. Tuy nhiên, cho tới nay ngành  rượu chưa được phát triển như kỳ vọng, nguyên nhân có thể là do cách thức làm chưa đúng. So với ngành rượu, ngành bia có sự phát triển mạnh hơn rất nhiều. Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và thuế nộp ngân sách Nhà nước. Cho tới nay, ngành đồ uống nộp ngân sách tên 25.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó riêng ngành bia chiếm 80 – 90%.

Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận, trong hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành bia đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng, đồ uống nước ngoài lấn sân. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước còn bị hạn chế do cơ chế quản lý và các khoản thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt. "Từ năm 2016, khi thị trường thương mại Việt Nam mở toang cửa, doanh nghiệp đồ uống nếu không nâng chất lượng và kênh phân phối, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà", ông Việt nói. 

Ông Lê Hồng Xanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lo ngại, nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang có kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều điểm hơn hẳn doanh nghiệp trong nước như  kinh nghiệm hoạt động trong cơ chế thị trường. Hơn nữa, tài chính của doanh nghiệp nước ngoài cũng chắc chắn hơn doanh nghiệp trong nước. Trong khi, doanh nghiệp trong nước lại gặp vướng mặc về thủ tục hành chính. Do đó, để doanh nghiệp nội có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp thế giới, ngoài việc nâng cao sản xuất thì hệ thống thương mại sẽ là yếu tố quyết định sự thành công..

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH MTV Habeco nhấn mạnh, thị trường bán lẻ chiếm vị trí quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đồ uống. Trong khi đó, xu hướng thị trường bán lẻ đòi hỏi có bộ máy chuyên nghiệp, hạch toán đúng kinh tế thị trường mới phát triển được. 

Tuy nhiên, bà Nga cũng lưu ý những khó khăn về việc phát triển đồng bộ kênh phân phối, bán lẻ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Hạn chế của việc chuyển đổi quản lý là bởi vì doanh nghiệp cũ còn nặng tư duy kinh tế cá thể, chưa hướng tới nền kinh tế thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp liên doanh khi mới thành lập đã có ngay mô hình quản lý chuyên nghiệp từ khâu sản xuất, kênh phân phối và thị trường bán lẻ. 

Cũng tại Hội nghị, ông Dương Như Quang - Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà kiến nghị cơ quan chức năng ủng hộ các nhà sản xuất trong việc duy trì hệ thống công ty thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan thuế chỉ ấn định giá tính thuế khi doanh nghiệp có từ 2 cấp thương mại trở lên; tập trung vào các chính sách dài hạn thay vì ngắn hạn. 

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương tiếp nhận nhiều khó khăn trăn trở của doanh nghiệp về thuế, kênh phân phối, vận tải. "Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo với lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, phía các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hơn kênh thương mại, phân phối để nâng sức cạnh tranh. Đồng thời, phía Hiệp hội cũng cần phát huy vai trò của mình, xúc tiến thương mại quốc gia", bà Nga nói. 


Huyền Thương
Theo Vinanet

Trở về

Bài cùng chuyên mục