tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dịch vụ bất động sản: "Tái đấu"

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Tin kinh te)

Sự trở lại của các nhà phát triển bất động sản (BĐS) giúp những đơn vị cung cấp dịch vụ được "thơm lây".

Hiệu ứng từ thị trường nhà ở

Tháng 10/2012, thị trường BĐS đón nhận thông tin khá "sốc": CBRE Việt Nam được CBRE Group mua lại. Marc Townsend là người đã đưa CBRE quay lại thị trường Việt Nam (năm 2003) thông qua hình thức nhượng quyền thương mại và biến CBRE thành đơn vị cung cấp dịch vụ BĐS hàng đầu tại Việt Nam trong suốt 9 năm.
 

dich vu bat dong san: "tai dau"

Dịch vụ bất động sản: "Tái đấu"

Khi đó ông không đưa ra bất kỳ nhận định nào về thương vụ, dù thực tế, ông không phải người kiệm lời với giới truyền thông.

Thị trường BĐS Việt Nam năm 2012 còn chìm trong "băng giá”, một số doanh nghiệp dịch vụ, trong nước lẫn quốc tế dần thu hẹp quy mô, hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí nói lời chia tay với thị trường Việt Nam.

Nói về độ khó của ngành, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE chỉ chia sẻ ngắn gọn rằng, mỗi tuần đón được một nhà đầu tư đến văn phòng đã là lạc quan.

Gần 3 năm sau ngày sáp nhập, Marc vẫn giữ vai trò điều hành của CBRE tại Việt Nam, nhưng văn phòng đã chộn rộn hơn, đặc biệt là từ thời điểm các luật, quy định mới cho thị trường BĐS Việt Nam có hiệu lực (từ ngày 1/7/2015, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đi vào thực tiễn). Số lượng khách nước ngoài đến CBRE nhờ hỗ trợ, tư vấn mua BĐS nhà ở chia đều cho mỗi ngày trong tuần.

"Thị trường BĐS đang dần hồi phục, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... nên các nhà cung cấp dịch vụ như chúng tôi có nhiều cơ hội để làm việc với chủ đầu tư. Chúng tôi cũng chuẩn bị đón thêm 28 nhân viên mới để đáp ứng yêu cầu hoạt động của công ty trong giai đoạn hồi phục", đại diện CBRE chia sẻ.

Không riêng gì CBRE, một số nhà cung cấp dịch vụ BĐS ngoại khác cũng đã có động thái cụ thể khi thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục từ năm 2014. Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Tư vấn BĐS toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL).

Tháng 3 vừa rồi, cái tên JLL, vốn im ắng khoảng 2 năm nay, bỗng chốc được nhắc đến trong vai trò là đối tác quản lý, vận hành các dự án BĐS do M.I.K Corporation đầu tư, phát triển. JLR trước mắt vận hành khu biệt thự cao cấp Villa Park (Q.9, TP.HCM), rồi sau đó là những dự án căn hộ do Công ty CP Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O) phát triển.

Song, thông tin khiến JLL được chú ý hơn hết là việc đơn vị này công bố khảo sát: "TP.HCM nằm trong top 10 thành phố năng động nhất trên thế giới" hồi tháng 7 vừa qua.

Trong khi đó, dù vẫn giữ sự hiện diện ở các thành phố lớn trong thời kỳ thị trường BĐS ảm đạm nhưng cũng phải đến năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, Savills Việt Nam mới có những chuyển động đáng kể.

Hồi tháng 6/2015, Savills Việt Nam đã thành lập thêm bộ phận chăm sóc khách hàng Hàn Quốc vì số lượng nhà đầu tư này đến Việt Nam ngày càng tăng.

Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết, Công ty đã thuê thêm 3 chuyên gia người Hàn Quốc, người Nhật và một người Anh nói thạo tiếng Nhật để tiếp cận nhanh hơn với nhóm nhà đầu tư này (khách hàng của Savills) khi họ muốn tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào BĐS Việt Nam.

Đồng thời, Savills cũng duy trì, phát triển đội ngũ bán hàng ở Đà Nẵng, Nha Trang... bởi nguồn cung các sản phẩm cao cấp về BĐS nghỉ dưỡng không hề nhỏ.

Nắm giữ ưu thế riêng

Cung nhà ở đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, đây chính là đòn bẩy để các đơn vị cung ứng dịch vụ BĐS chia lại thị trường.

Trước đây, trong lĩnh vực dịch vụ, khối ngoại chiếm gần như 90% thị phần với những gương mặt quen thuộc như CBRE, Savills, Colliers International, Cushman & Wakefield, DTZ, Knight Frank, JLL... Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có một vài sự thay đổi.

Theo đó, nhóm "Big 3" là sự hiện diện của Savills, CBRE và Cushman & Wakefield, thay vì Colliers. Trong khi Knight Frank, đơn vị dịch vụ BĐS chiếm phần lớn thị phần ở châu Âu đã gần như chia tay với thị trường Việt Nam.

Tình trạng này cũng xảy ra với thương hiệu Coldwell Banker (được nhượng quyền vào thị trường Việt Nam năm 2009). Riêng Colliers, được biết đến với vai trò nhà quản lý các tòa nhà hạng A (Kumho Asiana, Bitexco Tower,...), nay tập trung hoạt động ở TP.HCM (trước đây có văn phòng ở Hà Nội).

Xét về sản phẩm, nhóm các nhà cung cấp dịch vụ BĐS có thương hiệu lớn thường phát triển đầy đủ các mảng, từ quản lý BĐS, định giá, tư vấn, môi giới, cho thuê, cho đến nghiên cứu thị trường. Song, mỗi bên sẽ xác lập ưu thế riêng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Marc Townsend nhấn mạnh rằng cung ứng nhiều dịch vu BĐS, trong đó, định giá và nghiên cứu thị trường là hai mảng khẳng định vị thế của CBRE Việt Nam trong bức tranh cạnh tranh của ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, tại buổi ký kết trở thành nhà quản lý chuỗi 4 dự án Mega (Mega Village, Mega Residence, Mega Ruby, Mega Sapphire) cùng khu biệt thự cao cấp Lucasta (do Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền làm chủ đầu tư), đại diện CBRE Việt Nam cũng bày tỏ tham gia khâu phân phối, bán sản phẩm nhà ở của Khang Điền.

Ngược lại, với Savills Việt Nam, Neil MacGregor, chia sẻ, việc xác lập thế mạnh của công ty tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Chẳng hạn, khi thị trường khó khăn, doanh thu từ dịch vụ quản lý chiếm ưu thế trong tổng doanh thu của Savills Việt Nam, còn lúc thị trường hồi phục, dịch vụ bán hàng "lên ngôi" và có thể tạo ra đột biến cho Công ty.

Hiện, ở dòng sản phẩm trung, cao cấp, đội ngũ kinh doanh nhà ở của Savills vượt trội so với những đơn vị khác cùng ngành. Ở hoạt động này, theo Neil, cạnh tranh mà Savills đang đối mặt không phải công ty nước ngoài mà là công ty trong nước.

Ở "sân chơi" dịch vụ, gần đây nổi lên những "ngoại binh" mới như Okamura Tokyo (Nhật Bản), M+K Corporation (Singapore), cùng một vài doanh nghiệp trong nước.

Chẳng hạn, Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng (đã vượt qua 3 nhà quản lý ngoại để thắng thầu quản lý dự án căn hộ Tropic Garden (Q.2); hay những công ty quản lý trực thuộc chủ đầu tư dự án (đối với doanh nghiệp phát triển chuỗi dự án như Novaland).

Phần lớn những công ty này phát triển dịch vụ tư vấn, quản lý dự án sau bán hàng ở những dự án hạng B, C.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Savista, cho biết, nhu cầu tìm kiếm nhà quản lý dịch vụ BĐS của các chủ đầu tư BĐS hiện nay khá lớn.

Họ muốn sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua dịch vụ quản lý chất lượng (quản lý tài sản, tiện ích... trong dự án) để tăng thanh khoản cho bán hàng nên cần một nhà quản lý có tên tuổi đi cùng.

Khách hàng cũng ngày một khó tính, họ quyết định mua sản phẩm không đơn thuần vì giá mà còn quan tâm đến chính sách quản lý sau khi công trình được bàn giao nên đòi hỏi chủ đầu tư phải hợp tác với đơn vị quản lý có kinh nghiệm.

Ở giai đoạn "hậu bán hàng" này, các công ty dịch vụ trong nước có cơ hội để hợp tác với chủ đầu tư, nhất là phân khúc nhà ở tầm trung, vốn đang chiếm lĩnh về nguồn cung, vì giá dịch vụ uyển chuyển hơn khối ngoại.

Theo quan điểm của ông Dũng, tuy thị trường dịch vụ BĐS còn nhiều khoảng trống cho "người mới" tham gia nhưng khác với dịch vụ môi giới BĐS thu được "tiền tươi thóc thật" chỉ sau vài hợp đồng thành công, quản lý thì phải chịu khó "cày", nếu không nâng cấp dịch vụ sẽ khó cạnh tranh, thậm chí là mất uy tín.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Trở về

Bài cùng chuyên mục