tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 04-02-2016

  • Cập nhật : 04/02/2016

Nhật Bản nới lỏng thị thực cho công dân VN

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo từ ngày 15.2, thị thực lưu trú ngắn hạn có giá trị nhập cảnh nhiều lần dành cho doanh nhân, trí thức Việt Nam, Ấn Độ sẽ được nâng giá trị tới 10 năm.
Theo tờ The Japan Times, đây sẽ là thị thực có giá trị dài nhất do Nhật cấp từ trước đến nay. Trong lần nhập cảnh đầu tiên, người được cấp chỉ có thể đến Nhật vì mục đích kinh doanh hoặc trao đổi học thuật nhưng sau đó có thể dùng thị thực này để trở lại nhiều lần cho mục đích du lịch hoặc thăm thân nhân...
Tuy nhiên, thời gian lưu trú của mỗi chuyến đi không quá 90 ngày, theo thông tin trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại VN.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 17.6.2014, chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng các quy định đối với cấp thị thực (visa) ngắn hạn cho công dân Việt Nam, Indonesia, Philippines, theo webiste tờ Nekkei Asian Review (Nhật Bản).

mua thu la do la mua thu hai o nhat hut nhieu khach den tham - anh: jnto

Mùa thu lá đỏ là mùa thứ hai ở Nhật hút nhiều khách đến thăm - Ảnh: JNTO

Theo thông cáo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, công dân Indonesia mang hộ chiếu điện tử (e-passport) sẽ được miễn thị thực nếu đăng ký trước với Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Indonesia.

Đối với công dân Việt Nam và Philippines, các quy định cấp thị thực du lịch nhiều lần sẽ được nới lỏng, và các quy định cấp thị thực du lịch một lần sẽ được nới lỏng ở “mức độ tương đương với miễn thị thực” nếu đăng ký thông qua các công ty du lịch do phía Nhật chỉ định. Điều khoản này cũng áp dụng với công dân Indonesia, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Đây là một phần trong kế hoạch tăng số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản lên đến 20 triệu người vào năm 2020, Nekkei Asian Review cho hay.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, trong năm 2013, có khoảng 140.000 du khách Indonesia, 110.000 du khách Philippines và 80.000 du khách Việt Nam đã đến Nhật Bản.


550/1.900 mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm

Thông tin từ Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 1.900 mẫu thực phẩm được cơ quan này tiến hành lấy mẫu trên cả nước và kiểm tra nhanh trong dịp Tết Nguyên đán, có đến 550 mẫu, chiếm 29%, không đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ yếu nhiễm hàn the, bị ôi, khét...
Trước đó, ngày 1.2, đoàn kiểm tra liên ngành trung ương do Cục An toàn thực phẩm chủ trì đã tiến hành lấy 14 mẫu thực phẩm tại Hà Nội và tỉnh Hòa Bình để kiểm nghiệm, kết quả có 11 mẫu đạt, 3 mẫu không đạt chất lượng theo quy định.
Các mặt hàng mà các cơ quan quản lý chú trọng trong dịp tổng kiểm tra trước Tết gồm: nem giòn, xúc xích, ô mai, cải rổ, kim chi cải thảo, nạc thịt heo, mực tươi, chân gà đông lạnh, mứt cổ truyền… 3 mẫu không đạt chất lượng gồm: kim chi cải thảo xắt lát của Công ty CP CJ Foods VN (sản xuất tại TP.HCM), ô mai mơ cam thảo của cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát (sản xuất đóng gói tại Hà Nội) và ô mai mơ chua ngọt của Công ty CP Hồng Lam (Hà Nội).
Theo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này đã thông báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh về thông tin sản phẩm không đạt chất lượng được lấy mẫu bất kỳ trên thị trường. Đồng thời, giao cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm tại địa phương giám sát và xử lý vi phạm theo quy định.

80 uỷ viên Trung ương vào Quốc hội

Sẽ có khoảng 80 uỷ viên Trung ương tham gia Quốc hội khoá 14. Đây là con số được nêu tại nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khoá 14.

Nghị quyết này là một trong số các tài liệu phục vụ hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Bộ Chính trị tổ chức, sáng 2/2.

Theo nghị quyết, tổng số đại biểu Quốc hội khoá 14 là 500 người.

Dự kiến số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%. Trong đó các cơ quan Đảng 11 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ 18 đại biểu, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở Trung ương) 114 người.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người.

Số lượng đại biểu ở địa phương là 302 người bằng 60,4%, trong đó 63 trưởng đoàn sẽ là lãnh đạo chủ chốt và 67 phó đoàn chuyên trách (mỗi địa phương một người, riêng Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh nghệ An và Thanh Hoá có 2 phó đoàn).

Đáng chú ý trong cơ cấu định hướng số đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ là 7 người (dự kiến phân bổ 3 doanh nghiệp nhà nước, 4 hiệp hội, nghiệp đoàn về sản xuất kinh doanh).

Nghị quyết cũng nêu rõ cơ cấu kết hợp khoảng 80 uỷ viên Trung ương khoá 12 tham gia Quốc hội khoá 14, trong đó 12 - 14 vị là uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đại biểu ngoài Đảng 25 - 50 người, trẻ dưới 40 tuổi khoảng 50 đại biểu, tái cử khoảng 160 đại biểu.

Khi lập danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất có 162 đại biểu là người dân tộc thiểu số ít và phấn đấu trúng cử ít nhất 90 đại biểu, đại biểu phụ nữ trúng cử ít nhất 150 đại biểu, bằng 30% tổng số đại biểu Quốc hội, nghị quyết nêu rõ.

Thông tin từ hội nghị cũng cho biết một số mốc thời gian đáng chú ý. Như, chậm nhất 17 giờ ngày 13/3/2016 (70 ngày trước ngày bầu cử) người được giới thiệu ứng cử đai biểu Quốc hội phải nộp hai bộ hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đại biểu được giới thiệu ở Trung ương nộp hồ sơ tại Hội đồng Bầu cử Quốc gia, còn đại biểu được địa phương giới thiệu nộp hồ sơ tại uỷ ban bầu cử của tỉnh.


Việt Nam lên tiếng vụ biệt kích Ukraine khám xét làng Sen

dai su quan viet nam tai ukraine keu goi nguoi dan o khu lang sen het suc binh tinh, khong manh dong.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine kêu gọi người dân ở khu Làng Sen hết sức bình tĩnh, không manh động.


Bộ Ngoại giao làm việc với Đại sứ Ukraine tại Hà Nội về việc khám xét, bắt giữ một số công dân Việt Nam tại khu vực Làng Sen, Odessa.

Bộ Ngoại giao cho biết, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Lý Quốc Tuấn đã có cuộc làm việc với Đại sứ Ukraine tại Hà Nội Aleksiy Shovkoplias về vụ việc trên.

Tại cuộc gặp, ông Lý Quốc Tuấn cho biết vụ việc bất ngờ khám xét, bắt giữ người Việt tại làng Sen ở Odessa, Ukraine xảy ra giáp Tết cổ truyền dân tộc nên đã gây ra những tâm lý hoang mang cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Ukraine. Ông Lý Quốc Tuấn đề nghị phía Ukraine sớm giải quyết vụ việc, thả người bị bắt, trả lại hàng hóa và tiền kinh doanh của người dân. Đại sứ Aleksiy Shovkoplias hứa sẽ báo cáo về nước yêu cầu của Việt Nam và sẽ thông tin sớm cho Việt Nam.

Trước đó, sáng 28/1, lực lượng đặc nhiệm thuộc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã khám xét khu Làng Sen do cộng đồng người Việt xây dựng ở thành phố Odessa, Ukraine. Đặc nhiệm SBU đã phá cửa và lục soát các căn hộ ở đây. Động thái khám xét này được cho là liên quan tới các giao dịch ngoại hối bất hợp pháp, trong đó có một số người Việt bị tình nghi có dính líu đến hoạt động này.

Lực lượng thi hành công vụ trong vụ việc là lực lượng an ninh quốc gia Ukraine, phối hợp cùng cảnh sát đặc nhiệm tiến hành khám xét theo lệnh của Tòa án quận Pechersky, thủ đô Kiev.

Nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Odessa, cụ thể là nhà của Chủ tịch Hội này là Nguyễn Như Mạnh và các thành viên khác của Hội đồng loạt bị khám. Trong số các căn hộ người Việt và 2 căn hộ khác của người Trung Quốc bị khám tại khu chung cư Làng Sen, nhiều căn hộ chủ nhà đang đi công tác hoặc về Việt Nam đón Tết.

Theo mô tả của một người dân sống tại khu Làng Sen: “Tầng trệt của khu nhà vang lên những tiếng búa tạ, tiếng phá khóa… Khoảng gần 7h sáng, cửa của tất cả các căn nhà đã được phá xong. Cả Làng Sen như ngồi trên chảo lửa, điện thoại gọi đi khắp nơi.” Nhiều người dân không hiểu chuyện gì xảy ra và tỏ ra lo lắng.


Giám sát chặt hành khách nhập cảnh để phòng ngừa virus Zika

Đến nay, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika - loại virus đang được nghiên cứu để xác định mối liên quan với 2 biến chứng nguy hiểm là sốt gây liệt và teo não.

Ngày 2/2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân và dịp Tết Nguyên đán 2016.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 1/2 đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh là Brazil, Colombia, Mexico...

Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khi hiện nay người dân không có miễn dịch đối với virus này.

Thêm nữa, nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của muỗi Aedes – loại muỗi truyền virus Zika.

Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hằng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

Theo ông Phu, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết như sốt, phát ban, đau cơ, mỏi người… do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng, ngay cả đối với các nhân viên y tế.

Chính vì lý do đó, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyển cáo cần đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch rộng rãi trong cộng đồng.

Cụ thể, khuyến cáo người dân không nên đi đến vùng và quốc gia có dịch, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh ở cửa khẩu và sân bay, đồng thời nhanh chóng khám, xét nghiệm và cách ly các trường hợp nghi ngờ.

Tại cộng đồng, Bộ trưởng Kim Tiến khuyến cáo người dân đẩy mạnh việc diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy ở khu dân cư bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, tiêu diệt nguồn sinh sản muỗi…

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương cần phải làm xét nghiệm xem có hay không tình trạng biến đổi gene của muỗi, để từ đó đưa ra biện pháp phòng bệnh hoặc thay đổi hóa chất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng đến người dân các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm có khả năng cao xảy ra trong dịp Tết như: Cúm A/H1N1, H5N1, bệnh liên cầu lợn…

Theo thông báo của WHO, virus Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brazil.

Ngày 1/2, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp và các chuyên gia của WHO đã thống nhất có sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh, mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh.

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch; do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục