tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo kết quả 10 năm phòng chống tham nhũng

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Tin kinh te)

Ông Trần Đức Lượng - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vừa ký văn bản gửi các bộ ngành và UBND địa phương đề nghị báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

“Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực quan tâm chỉ đạo thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Thanh tra Chính phủ qua Cục Chống tham nhũng để được hướng dẫn, giải đáp”- văn bản nêu rõ.

ke khai tai san la mot trong nhung noi dung thanh tra chinh phu yeu cau cac bo nganh, dia phuong bao cao ro tinh hinh (anh minh hoa: nguoi lao dong).

Kê khai tài sản là một trong những nội dung Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương báo cáo rõ tình hình (Ảnh minh họa: Người Lao Động).

Theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, hàng loạt vấn đề nổi cộm trong công tác PCTN 10 năm qua cần được tổng kết, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và kiến nghị biện pháp khắc phục trong thời gian tới khi sửa đổi toàn diện Luật PCTN.

Đơn cử, Thanh tra Chính phủ yêu cầu đánh giá hiệu quả của mô hình tổ chức PCTN hiện nay, chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác này; công tác phối hợp của các cơ quan thanh tra - điều tra - viện kiểm sát - toà án và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan; kết quả phát hiện tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử; kết quả xử lý hành vi tham nhũng đối với cá nhân tham nhũng, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan...

Bên cạnh đó Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương có đánh giá tình hình thiệt hại do tham nhũng gây ra, kết quả thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại do tham nhũng; việc thực hiện kê khai tài sản, tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, quản lý và sử dụng nhà ở, quản lý dự án đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân...

“Khái quát về tình hình tham nhũng xảy ra tại bộ, ngành, địa phương thông qua phân tích, đánh giá kết quả phát hiện, xử lý; phản ánh của dư luận, báo chí; kết quả khảo sát, điều tra xã hội học (nếu có)”- Thanh tra Chính phủ yêu cầu.

Theo Thanh tra Chính phủ, số liệu thống kê chủ yếu về công tác PCTN được lấy trong thời kỳ từ ngày 1/6/2006 đến ngày 31/8/2015.

Trước đó, như Dân trí phản ánh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN đã ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc cho Ban chỉ đạo này. Theo đó, ông Trần Đức Lượng sẽ làm tổ trưởng, tổ phó gồm có ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).

(Theo Dân Trí)

Trở về

Bài cùng chuyên mục