tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giải cứu làng nghề

  • Cập nhật : 01/06/2016

(Tin kinh te)

Các Tổ chức tín dụng (TCTD) tạo thuận lợi cho hộ sản xuất, làng nghề tiếp cận vốn vay, nhằm vực dậy, phát triển các làng nghề truyền thống

Làng nghề… đang “nguy kịch”

Bình Định một trong những địa phương có nhiều làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Nhiều làng nghề trên địa bàn đã phát triển từ lâu đời, với sản phẩm đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc, giá trị kinh tế cao.

Trong đó, có thể kể đến làng dệt chiếu cói, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), làng rượu Bầu Đá (An Nhơn), nghề dệt thổ cẩm Hà Văn (Vân Canh) hay làng đúc, rèn truyền thống Đập Đá (An Nhơn)…

san xuat tai co so duc, ren sau loi (thi xa an nhon)

Sản xuất tại cơ sở đúc, rèn Sáu Lợi (thị xã An Nhơn)

Tuy nhiên, có thời điểm đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhiều làng nghề truyền thống ở Bình Định gặp rất nhiều khó khăn, một số làng nghề rơi vào cảnh “hấp hối”, đứng trước nguy cơ phá sản. Người lao động gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, tại làng nghề đúc, rèn truyền thống Đập Đá nằm trên địa bàn phường Đập Đá, thị xã An Nhơn. Đây là làng nghề chỉ cách TP. Quy Nhơn khoảng 30km về phía bắc. Theo các nghệ nhân của làng, nghề rèn đúc đã có mặt ở đây hàng trăm năm.

Đến nay, cả làng có đến hơn 300 hộ trong tổng số 436 hộ dân đang làm nghề truyền thống. Vào thời kỳ hoàng kim, sản phẩm đúc, rèn mang thương hiệu Đập Đá có mặt khắp các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thế nhưng, do sản phẩm được sản xuất trên công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, giá thành cao, sản phẩm khó tiêu thụ trên thị trường, cả làng nghề gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Văn Lợi, chủ cơ sở đúc Sáu Lợi cho biết, có thời điểm cả làng với mấy trăm hộ dân nhưng chỉ sản xuất cầm chừng. Bởi, càng làm càng lỗ, sản phẩm khó chen chân được trên thị trường…

Tương tự như làng đúc, rèn ở Đập Đá nhiều làng nghề truyền thống khác ở Bình Định cũng từng đứng trước nhiều khó khăn như, làng nghề gốm Vân Sơn (An Nhơn), làng nghề dệt chiếu ở xã Phước Thắng (Tuy Phước), làng nghề làm bánh tráng Trường Cửu (An Nhơn) thậm chí nổi tiếng như làng nghề rượu Bầu Đá ở An Nhơn cũng có thời điểm liêu xiêu vì đầu ra không ổn định.

Nguyên nhân khiến các làng nghề ở Bình Định nói riêng cũng như ở các địa phương khác nói chung gặp khó do hầu hết đều có quy mô nhỏ, khép kín trong gia đình hoặc một vài hộ góp vốn, khả năng quản lý, chuyên môn kỹ thuật của chủ hộ, chủ cơ sở còn thấp.

Trình độ tay nghề của lao động yếu, hạn chế về kỹ năng chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm từ thực tế, công nghệ lạc hậu khiến giá thành sản phẩm tăng cao… không thể cạnh tranh được trên thị trường.

Thêm một yếu tố quan trọng nữa nhu cầu vốn để phát triển ở các làng nghề là tương đối lớn, song đa số các hộ sản xuất gia đình đều thiếu vốn trầm trọng. Thị trường tiêu thụ hạn hẹp, sản phẩm tồn kho… càng khiến việc tiếp cận vốn của các làng nghề khó khăn hơn…

Ngân hàng tiếp vốn

Đứng trước những khó khăn của các làng nghề truyền thống, ngành ngân hàng trên địa bàn Bình Định đã tích cực vào cuộc cùng “tiếp lửa”. Theo đó, nhiều TCTD đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, làng nghề tiếp cận với nguồn vốn, ưu đãi về lãi suất, thời gian vay…

Với những hỗ trợ kịp thời từ ngành ngân hàng không ít làng nghề truyền thống ở Bình Định đã được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển sản xuất, giúp nhiều làng nghề được hồi sinh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Ông Phan Đình Trung, Giám đốc Agribank Bình Định cho biết, thực hiện chủ trương của địa phương về việc vực dậy và phát triển các làng nghề truyền thống, trong thời gian qua, chi nhánh luôn tập trung ưu tiên vốn vay nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Điều đáng mừng có nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất đã sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh… từng bước vực dậy các làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm ổn định cho lao động ở địa phương.

Cũng tại làng nghề đúc, rèn truyền thống Đập Đá ở An Nhơn, từ những trợ sức của ngân hàng đến nay một số cơ sở sản xuất đã dần khôi phục sản xuất, sản phẩm làng nghề bắt đầu xuất hiện trở lại trên thị trường.

Ông Bùi Văn Lợi chủ cơ sở đúc Sáu Lợi cho biết thêm, với khoản vay hơn 1 tỷ đồng của Agribank Bình Định, đã tạo điều kiện để cơ sở phát triển thêm các sản phẩm đúc từ gang, đồng, nhôm, đặc biệt là các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho thị trường Tây Nguyên. Từ thời điểm sản xuất cầm chừng, đến nay cơ sở đang giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, thời gian tới Agribank Bình Định sẽ tiếp tục đầu tư cho cơ sở Sáu Lợi khoảng 1 tỷ đồng để chuyển từ dây chuyền lò nấu bằng than, sang sử dụng điện vừa bảo đảm môi trường, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn… Được biết, trong năm 2015 dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Agribank Bình Định, chiếm tỷ trọng 85,14% tổng dư nợ.

Tính đến nay, trên địa bàn Bình Định có gần 60 làng nghề, giải quyết trên 16 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 14 -24 triệu đồng/lao động/năm. Để “giải cứu” các làng nghề, bên cạnh những sự tiếp sức của ngành ngân hàng, thời gian qua, hàng loạt các chính sách hỗ trợ về đất đai, cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, đặc biệt là chính sách về hỗ trợ đầu tư… cũng đã được địa phương chú trọng thực hiện.

Theo đó, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình, đề án khuyến công cho các làng nghề truyền thống như, đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn...

Bên cạnh, Bình Định hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng ở các làng nghề truyền thống với tổng kinh phí 11,35 tỷ đồng... Hiện, Bình Định đã đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ đầu tư phát triển 36 làng nghề đạt chuẩn theo tiêu chí quy định; giá trị sản xuất công nghiệp của các làng nghề chiếm khoảng 4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Đặc biệt, sẽ tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm như hải sản khô, rượu Bàu Đá và hàng thủ công mỹ nghệ các loại... với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 triệu USD/năm.


Bài và ảnh Nghi Lộc
(Thời báo Ngân hàng)

Trở về

Bài cùng chuyên mục