tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nợ công đang tiến sát trần

  • Cập nhật : 24/10/2015

(Tai chinh)

Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho biết như trên trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21-10.

ong bui duc thu - anh: v.v.t.

Ông Bùi Đức Thụ - Ảnh: V.V.T.

* Chính phủ vừa trình Quốc hội việc phát hành 3 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, Luật quản lý nợ công hiện hành quy định không vay ngoại tệ để cơ cấu lại khoản vay bằng đồng Việt Nam. Vậy vấn đề này nên được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Luật ngân sách nhà nước sửa đổi cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ, bù đắp bội chi. Tuy nhiên, hiện tại Luật quản lý nợ công không cho phép phát hành trái phiếu chính phủ ra nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ trong nước, đây là vấn đề bất cập.

Để tái cơ cấu nợ công, làm cho nghĩa vụ trả nợ hằng năm giảm xuống, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài nhằm cơ cấu lại nợ trong nước là cần thiết.

Nhưng trong khi Luật quản lý nợ công chưa sửa, theo tôi, Quốc hội nên chấp thuận (đề xuất của Chính phủ) và quy định trong nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, qua đó xác lập cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện của Chính phủ.

Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia có nhiều quy định, một trong những quy định đó là xác định trần nợ công, ví dụ mức dư nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 55% GDP.

Ngoài ra để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần xem xét mức độ trả nợ so với ngân sách nhà nước. Theo thông lệ quốc tế thì nghĩa vụ trả nợ hằng năm không vượt quá 25% số thu ngân sách.

Hiện nay nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng đang tăng nhanh và tiến sát đến trần (nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, cuối năm 2016 ước khoảng 63,2% GDP - PV). Vấn đề đặt ra trong những năm gần đây là mặc dù dư nợ trong ngưỡng an toàn, nhưng nghĩa vụ trả nợ hằng năm rất lớn.

* Mới đây, Chính phủ đã quyết định thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang đại diện. Theo ông, thời gian tới SCIC tiếp tục đầu tư vào những ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao, hay chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế?

- Hiện nay có hai quan điểm đặt ra. Một là SCIC phải hoạt động có hiệu quả, vì vậy vốn nhà nước giao cho SCIC nên tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp nào có hiệu quả để bảo tồn và nhân vốn lên.

Hai là SCIC có nhiệm vụ là công cụ của Nhà nước điều hành nền kinh tế, mà Nhà nước thì chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, kiến tạo, nên không nhất thiết phải đầu tư vào những doanh nghiệp hiệu quả mà phải thoái vốn.

Qua đó để Nhà nước tập trung vào những ngành có lợi thế của nước ta nhưng chưa phát triển, còn những ngành đã phát triển và có các thành phần kinh tế đầu tư rồi thì Nhà nước nên rút ra. Đối với hai quan điểm này cần thảo luận làm rõ để có định hướng đổi mới trong giai đoạn tới.

Thoái vốn theo nguyên tắc thị trường

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh việc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhà nước lớn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, điều quan trọng là thoái vốn ở những nơi mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Phó thủ tướng cho biết đã có quy định, tất cả đều theo nguyên tắc thị trường, cách thức cụ thể thì tùy theo doanh nghiệp đã niêm yết hoặc chưa niêm yết, nhưng nhìn chung đều phải thực hiện thoái vốn thông qua đấu giá. Đấu giá lần một không được thì lần hai, qua đó để công khai, minh bạch.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục