tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực trả nợ lớn

  • Cập nhật : 29/07/2016

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 vào sáng nay 29/7 tại kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn

Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Thủ tướng cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương, nợ đọng thuế còn lớn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).

Cơ cấu chi NSNN còn bất hợp lý; tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm từ 28% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 23,4% giai đoạn 2011 - 2015; tỷ trọng chi thường xuyên tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.

Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

DNNN hoạt động hiệu quả thấp

Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ; xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai trong chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

 

Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế

Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm; đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do Dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn nghiêm trọng. Riêng rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2014 giảm 273 nghìn ha. Đất rừng ở nhiều địa phương bị xâm hại nghiêm trọng. Chất lượng môi trường tự nhiên (không khí, nước, biển, rừng) nhiều nơi bị xuống cấp. Vấn đề chất thải rắn, xả thải ở nông thôn và đô thị còn rất nghiêm trọng.

Tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua và sự cố môi trường ở ven biển 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,7%); trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,48%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ (5,9% so với 9,2%), trong đó nhiên liệu, khoáng sản giảm 38,7%, nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,2% (cùng kỳ là 18%). Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 17,1%).

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập; sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi bán lẻ hiện đại còn hạn chế. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều, gây bức xúc xã hội. Tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn nghiêm trọng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng. Còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen.

Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực triển khai chậm, còn lúng túng

Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hình thức, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và đời sống của người dân, nợ xây dựng nông thôn mới lớn.Phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập, nhất là đối với tour và hướng dẫn viên. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch, dịch vụ ở 04 tỉnh miền Trung.

 

Chính phủ đã nói thật về nợ công, nợ xấu

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã nhận định như trên khi phát biểu tại Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 29-7.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, khi đề cập tới những vấn đề lớn của đất nước và của nền kinh tế”.

Nợ xấu chưa được sang tên đổi chủ bằng "tiền tươi thóc thật"

Theo ông Lộc, Thủ tướng đã khẳng định: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ chính phủ đã vượt trần; xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn.

“Lần đầu tiên chúng ta được thông tin chính thức từ Chính phủ như vậy vì xưa nay chúng ta vẫn nghĩ: Có vẻ như việc xử lý nợ công, nợ xấu đang trong một lộ trình suôn sẻ” - ông Lộc nói.


Đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Chính phủ đã nói thật về nợ công, nợ xấu". Ảnh: QH

Chủ tịch VCCI cho rằng đây là tiền đề cho những quyết tâm và giải pháp có thể giải quyết một cách thực chất các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế đất nước.

Về tình hình kinh tế chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm, theo ông Lộc, là do chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế còn tồn đọng. Chính phủ chưa cắt giảm chi tiêu đáng kể, thâm hụt ngân sách cao vẫn tiếp diễn, thậm chí còn vượt quá mức 5% theo dự toán mà Quốc hội thông qua.

“Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng và có khả năng vượt trần ngay trong năm nay. Nợ xấu mới chỉ được chuyển sang cho VAMC chứ chưa được mua-bán, sang tên đổi chủ bằng “tiền tươi thóc thật” - ông Lộc nhận định.

Không ít cán bộ, công chức đã quên mất chữ "đồng"

Nhận định về môi trường kinh doanh, ông Lộc nói: “Nhiều giải pháp đúng nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo. Trên con đường “đồng hành” cùng người dân và doanh nghiệp, không ít công chức đã bỏ quên mất chữ “đồng”" - ông Lộc nói.

Đặc biệt, ông Lộc cho rằng: Việc triển khai soạn thảo các nghị định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã ban hành từ năm 2014 nhưng suốt cả năm 2015 và quý I-2016, các bộ, ngành vẫn “đủng đỉnh” và không tránh khỏi thiếu sót.

Và mặc dù gần 50 nghị định hướng dẫn đã được thông qua đúng theo kế hoạch nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép con bất hợp lý đã chưa được giải quyết dứt điểm ở thời điểm 1-7. Kỷ luật thực thi không nghiêm đã vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ.

Dù vậy, ông Lộc cho rằng niềm tin đã trở lại và nhấn mạnh: “Người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ và Chính phủ không thể phụ niềm tin này”.(Theo plo.vn)

Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục