tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-08-2018

  • Cập nhật : 24/08/2018

Điện gió tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài

Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa chấp thuận chủ trương cho ba nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 20%, còn lại là vốn vay từ ngân hàng Landesbank Baden-Wurttembrg-LBBW, Đức.

Dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 2.747ha tại khu đất bãi bồi ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), với công suất thiết kế 78MW, có từ 18-19 cột tuabin gió.

Các nhà đầu tư thực hiện dự án gồm Công ty cổ phần (CP) Năng lượng tái tạo Ecotech Việt Nam (có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội); Công ty Janakuasa Pte LTD (Singapore) và ông Lâm Minh, quận Ba Đình, Hà Nội. Các nhà đầu tư đã thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh để thực hiện dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.

Ông Lâm Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh, cho biết dự án đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 19/5/2016. Hiện nay dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư với mục tiêu là đưa vào vận hành trong quý 1/2020.

Chia sẻ về giá điện gió, ông Minh cho rằng giá điện gió hiện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và có hiệu lực từ 20/8/2011 là 7,8 cents/kWh.

Với giá điện này đối với các dự án điện gió ngoài biển như Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh là khó thực hiện và mức giá đó chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cùng với việc triển khai khảo sát, đo đạc, lập báo cáo kỹ thuật và các thủ tục đầu tư thì Công ty cũng song hành với đàm phán về giá điện.

Ông Ti Chee Liang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Janakuasa Vietnam Limited, nhà đầu tư Malaysia trong lĩnh vực năng lượng cũng đang xây dựng dự án đầu tiên tại Việt Nam là Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

Ông Ti Chee Liang đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh cho biết: “Qua đánh giá của giới tài chính và ngân hàng tôi nhận thấy Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển nhất trong các nước ASEAN những năm vừa qua và những năm tới. Tôi không phải là người Việt nhưng rất muốn đóng góp một phần vào xã hội Việt Nam.”

Mặc dù vậy ông Ti Chee Liang cũng chia sẻ: “Với giá điện là 7,8 cents/kWh ở dự án này thì rất khó thu xếp vốn. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng đánh cược vào dự án vì tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và cũng là đóng góp vào việc phát triển các nhà máy điện tại Việt Nam. Tôi cũng tin Chính phủ Việt Nam sẽ nghiên cứu và tính toán lại để đưa giá điện gió ở mức hài hòa hơn, bảo đảm công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo.”

Ông Ti Chee Liang cho biết trong quá trình xây dựng dự án điện gió ở Trà Vinh, chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu của địa phương, đảm bảo đời sống, công ăn việc làm và nhất là môi trường của khu vực đó. Đặc biệt là trong quá trình vận hành và đưa vào sử dụng không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Ratchaburi, nhà phát điện độc lập lớn nhất ở Thái Lan và cũng là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh thực hiện dự án điện gió Hiệp Thạnh. Đây là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm xây dựng các nhà máy điện than, khí và đã đầu tư ở nhiều nước trên thế giới như Australia, Philippin, Malaysia, Trung Quốc... cũng rất quan tâm đến phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió.

Ông Peerawat Pum Thong, Tổng Giám đốc phụ trách Ratchaburi, cho biết nhà đầu tư này đã đầu tư với tổng công suất trên 7.000MW trong tổng công suất nguồn điện của Thái Lan là 42.000MW. Đồng thời cũng đầu tư năm trang trại gió ở Australia với công suất 500 MW và Thái Lan có hai trang trại gió với công suất 100,35 MW/trang trại.

“Do vậy thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam và giúp Công ty CP Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh thực hiện dự án điện gió tại Trà Vinh,” ông Peerawat Pum Thong khẳng định.

Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh là dự án điện gió thứ 4 được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án điện gió, với tổng công suất thiết kế 192 MW, thực hiện trên địa bàn xã Trường Long Hoà (thị xã Duyên Hải) và xã Đông Hải (huyện Duyên Hải).

Các dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở... để tiến hành khởi công. Các dự án này cũng nằm trong Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020.

Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 4/12/2015, tỉnh Trà Vinh quy hoạch sáu dự án nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; trong đó, có ba nhà máy tại xã Trường Long Hòa, hai nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và một nhà máy tại xã Đông Hải.

Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh. Đến năm 2030, công suất lắp đặt khoảng 1.338 MW. Tổng mức đầu tư cho các dự án điện gió nối lưới đến 2020 khoảng 14.313 tỷ đồng.

Tiềm năng điện gió của tỉnh Trà Vinh tương ứng với quy mô công suất khoảng 1.780 MW tập trung tại thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh với ba vùng; trong đó, vùng 1 là vùng bãi bồi và ven biển, cách biên rừng phòng hộ 300m (ở khoảng cách 3km hướng ra biển) thuộc thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, có tốc độ gió bình quân trong năm 6,8 m/s, tổng diện tích khoảng 10.330ha, tương ứng quy mô công suất khoảng 408MW.

Vùng 2 là vùng đất liền nằm trong đê biển, tốc độ gió trung bình trong năm là 6,4 m/s, tổng diện tích khoảng 7.115ha, tương ứng quy mô công suất khoảng 285 MW.

Vùng 3 là vùng ngoài khơi, cách đất liền 10km thuộc thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tốc độ gió trung bình trong năm là 6,8m/s, tổng diện tích khoảng 22.865 ha, quy mô công suất lắp đặt khoảng 915MW.

Các dự án phát triển năng lượng gió sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội của Trà Vinh như: tăng nguồn ngân sách cho địa phương từ thuế, tăng nguồn cung cấp điện tạo việc làm cho người lao động địa phương; tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp bên dưới.

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007), Việt Nam phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Còn theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch điện VII sẽ đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020 và khoảng 6.200MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.(Vietnam+)
----------------------

Lãng phí vốn ODA

Vốn ODA chỉ nên vay khi hiệu quả sử dụng cao hơn chi phí, tuy nhiên thực tế có không ít khoản vay không đem lại hiệu quả kinh tế bởi quan niệm đây là "của trời cho"

Theo báo cáo Ðịnh hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa trình Chính phủ mới đây, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 -2017 hơn 9,198 tỉ USD, trong đó vốn ODA 6,78 tỉ USD. Bộ KH-ĐT đánh giá vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận nguồn kỹ thuật, tri thức và là chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.

Không hề rẻ

Thực tế được các chuyên gia chỉ ra là vốn ODA không rẻ như nhiều người nghĩ, bởi hàng loạt chi phí ngoài lãi, đẩy lãi vay thật sự phải trả cao hơn gấp nhiều lần.

Lãng phí vốn ODA - Ảnh 1.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Theo phân tích của chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, lãi vay ODA hiện từ 1%-2%/năm. Nếu cộng thêm các khoản ngoài lãi như tư vấn, dàn xếp vốn, chi phí đội vốn vật tư nhà thầu… thì tổng chi phí vay ODA không hề rẻ hơn các khoản vay thương mại hiện có với lãi suất khoảng 7%/năm. Thậm chí, chi phí vay ODA thực tế ở một số dự án phải trả có thể lên đến 10%/năm.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng nhận xét các khoản vay ODA có lãi suất thấp của các nhà tài trợ song phương thường đi kèm với những điều kiện ràng buộc về mặt chính sách, giới hạn về lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị, gián tiếp dẫn đến chi phí vốn thực tế cao hơn dự toán ban đầu. Thậm chí, ở một số trường hợp, quá trình đàm phán, tiếng nói của người thụ hưởng không cao, điều kiện nhà tài trợ đặt ra không có lợi cho phía Việt Nam. Song, trong quá trình đàm phán không phát hiện ra để đấu tranh, dẫn đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, bất lợi, quyền lợi của nước tiếp nhận dự án ODA chưa được thỏa đáng.

Cùng chung nhận định vốn ODA thật ra không "ngon, bổ, rẻ" như lầm tưởng của nhiều người, chuyên gia kinh tế - TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: "Nguyên tắc là không ai cho không ai cái gì và với nguyên tắc đó, các nước viện trợ ODA cho Việt Nam chắc chắn duy trì lợi ích về mặt kinh tế hoặc chính trị. Ngoài việc hợp đồng kèm theo điều kiện để doanh nghiệp thuộc nước cho vay thực hiện các công trình vốn ODA thì lương chuyên gia nước ngoài ở các dự án đó cũng rất cao, có thể đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng".

Thực tế, ngay cả Nhật Bản - quốc gia ưu ái vốn ODA cho Việt Nam nhất - cũng ngày càng cấp vốn "đắt" và điều kiện khắt khe. Báo cáo mới nhất hồi cuối tháng 7-2018 của Bộ Tài chính về việc thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 nêu rõ từ ngày 1-10-2017, lãi suất vay thông thường của nước này cho Việt Nam tăng từ 1,2%/năm lên 1,5%/năm, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong một số lĩnh vực tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm. Cùng với đó, phía Nhật yêu cầu mức lương để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 là khoảng 30.000 USD/tháng/người, chưa kể các khoản phụ cấp. Mức này cao hơn 20%-25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA.

"Viết hay miễn vay được tiền"

Trong khi đồng vốn ODA ngày càng đắt đỏ, áp lực trả nợ dồn từ năm này qua năm khác thì các nơi được phân bổ vốn lại chưa thực sự "nâng niu", dẫn đến nhiều hậu quả. Có hàng loạt dự án là dẫn chứng cho việc quản lý vốn ODA kém. Chẳng hạn, dự án metro ở TP HCM vay của chính phủ Đức 137 triệu euro, tổng số phí cam kết phải trả đến hết năm 2016 là 1,358 triệu euro nhưng vẫn chưa giải ngân được. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD. Hay như tỉnh Quảng Trị với dự án quản lý thiên tai có kế hoạch bố trí 13,6 tỉ đồng nhưng giải ngân đến 113,096 tỉ đồng, gấp hơn 8 lần số vốn đã bố trí…

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, nhiều dự án sử dụng vốn ODA không thực hiện theo đúng quy trình của một dự án đầu tư công hoặc dù đúng quy trình nhưng không được thẩm định, thực thi một cách đầy đủ theo Luật Đầu tư công. Chẳng hạn, một dự án đầu tư công phải thẩm định được hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng thực tế quy trình thẩm định lại bị xem nhẹ, thậm chí làm cho dự án không hiệu quả thành hiệu quả để thông qua!

"Không ít bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn xem ODA là "của trời cho", "của chung", mà không nhìn nhận rằng bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Có lãnh đạo địa phương ngồi 1-2 nhiệm kỳ vẫn chưa hình dung được áp lực, trách nhiệm phải trả nợ khoản vay ODA, không có ràng buộc trách nhiệm nên tư duy nhiệm kỳ vẫn còn" - ông Tuấn nói thêm.

Cũng theo vị chuyên gia này, năng lực quản lý vốn ODA vẫn còn yếu ở cả cấp trung ương và địa phương trong mọi quy trình, nhất là yếu kém của các địa phương trong việc đánh giá hiệu quả sau dự án ODA. "Khi nghiên cứu về dự án đầu tư công ở các địa phương, hỏi tiêu chí đánh giá dự án thì cán bộ cấp sở, ngành cảm thấy rất xa lạ. Việc đánh giá dự án cần nhìn vào yếu tố tạo ra bao nhiêu việc làm, lao động, thu nhập tăng thêm của người dân so với trước khi có dự án… chứ không chỉ đánh giá chung là dự án rất hiệu quả" - ông Tuấn phân tích.

Một thực tế khác, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, phần không nhỏ nguồn vốn ODA được vay cho các mục đích bù đắp cân đối ngân sách (chi thường xuyên) và vay để trả nợ cũ (đảo nợ)… "Vốn ODA chỉ nên vay khi hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn chi phí nhưng không ít khoản vay lại không đem lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, suy nghĩ vay ODA hiện tại chưa phải trả nên các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục sử dụng dòng vốn này dù nợ công đã ở mức cao và mỗi người dân sẽ phải gồng gánh trả nợ trong tương lai" - ông Trinh nêu thực tế.

Ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra thêm hầu hết địa phương còn thiếu chủ động và tính toán kỹ trong việc chuẩn bị dự án kéo theo có dự án chuẩn bị và thực hiện mất vài năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu trở nên không phù hợp. Địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi nên viết dự án để báo cáo rất hay để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực. (NLĐ)
----------------------------

Kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm: Con gà đẻ trứng vàng của các ngân hàng

 6 tháng đầu năm 2018, thu từ kinh doanh và cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó đóng góp phần không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của các tổ chức này. 

Thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy, ngoại trừ SHB và VPBank có thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ giảm, các ngân hàng còn lại như TPBank, HDBank, LienVietPost Bank, VIB, MBB, ACB, Sacombank, VCB, BIDV, SCB, Kienlong Bank đều tăng trưởng từ hơn 20% đến 210% so với cùng kỳ năm trước.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, thu từ dịch vụ thanh toán tăng trưởng mạnh và đóng góp lớn vào thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng. Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả là thu từ kinh doanh và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó đóng góp phần không nhỏ vào doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng.

6 tháng đầu năm TPBank ghi nhận doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm 123 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước chỉ có 4 tỷ đồng; đóng góp hơn 39% thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong kỳ.

Tương tự TPBank, 6 tháng đầu năm Sacombank ghi nhận gần 101 tỷ đồng thu từ dịch vụ hoa hồng hợp tác bảo hiểm, cùng kỳ năm trước Sacombank chưa có doanh thu từ mảng dịch vụ này.

Ngân hàng MBB, 6 tháng đầu năm ghi nhận 1.142 tỷ đồng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng trưởng 46%, đóng góp hơn 50% doanh thu dịch vụ và gần 50% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong kỳ của MBB.

Nguồn: Số liệu báo cáo quý II các ngân hàng 

Trong khi đó, VIB cho biết, trong 6 tháng đầu năm mô hình kinh doanh bảo hiểm chuyên biệt đã giúp VIB tăng doanh số bán mới bảo hiểm 151% so với cùng kỳ năm 2017, và là 1 trong 3 ngân hàng có thị phần bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất thị trường.

Những ngân hàng khác, mặc dù không có chi tiết về thu từ hoạt động dịch vụ ở báo cáo 6 tháng nhưng thuyết minh báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, HDBank vừa tham gia vào mảng bảo hiểm, và dịch vụ này mang lại cho HDBank 67 tỷ đồng trong năm 2017 so với cùng kỳ năm trước là 0 đồng; VPBank mẹ ghi nhận 2.206 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm so với năm 2016 là 1.509 tỷ đồng. 
 

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho biết, thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng ước tính tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 32%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13%.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, riêng mảng bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí trong 6 tháng năm 2018 ước đạt hơn 37.280 ngàn tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu khai thác mới của toàn thị trường ước đạt hơn 12.200 tỷ đồng, tăng 25%. 
 

Tại Hội nghị CEO Nhân Thọ tổ chức trong tháng 7/2018, lãnh đạo các doanh nghiệp bảo hiểm bày tỏ rất lạc quan về sự phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam nhìn từ tín hiệu tăng trưởng cả về tổng doanh thu và doanh thu khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2018. 

Giới phân tích đánh giá, chỉ tính riêng mảng bảo hiểm nhân thọ, với tốc độ tăng trưởng trên 25% như hiện nay, kinh doanh và cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ tiếp tục là con gà đẻ trứng vàng cho các ngân hàng trong thời gian tới.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục