tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-08-2018

  • Cập nhật : 23/08/2018

Đã đến thời của hàng hóa “Made in Vietnam”?

Việt Nam đang nổi lên trong vai trò một trung tâm sản xuất quan trọng. Cứ 10 chiếc điện thoại thông minh trên thế giới thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam.

 

Năm 2017, riêng Samsung chiếm khoảng 25% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 227 tỷ USD của Việt Nam. Trong tổng danh mục hàng hóa xuất khẩu, thép và sản phẩm nội thất cũng có đóng góp quan trọng. 

Người Việt Nam đang cố gắng tăng thêm giá trị cho hàng hóa theo một cách rất đáng ngạc nhiên, người ta hoàn toàn có thể dễ dàng chứng kiến điều này ở Đà Nẵng, theo câu chuyện được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) đăng tải. 

Anh Nguyễn Bá Hội không sản xuất điện thoại thông minh hay thép phục vụ xuất khẩu. Thay vào đó, anh tập trung vào tham vọng phát triển Việt Nam thành một trung tâm đổi mới và sáng tạo.

Anh đang dành thời gian phát triển “Maker Spaces”, không gian nơi những người ưa sáng tạo có thể tập trung và thử nghiệm sản phẩm mới. Loại hình không gian như thế này đang phát triển nhanh chóng khắp khu vực. 

Anh Hội chia sẻ: “Sinh viên đại học đến đây để nghiên cứu về toán hoặc cách làm ra một dụng cụ âm nhạc trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đồng thời thiết kế ra một thiết bị để hỗ trợ cho những người bị đột quỵ”.

Anh Hội đã thiết kế ra không gian sáng tạo này tại khu học xá của đại học Đà Nẵng. Không gian sáng tạo có đầy đủ máy in 3D, máy cắt lazer và tất cả những thiết bị công nghệ hỗ trợ hiện đại. 

Để có được cuộc sống như hiện tại, anh Hội đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Anh chia sẻ: “Cả hai bố mẹ tôi vừa đi dậy học, vừa làm nghề nông. Họ nuôi cả gia cầm, thu nhập cực kỳ thấp”.

Anh Hội đến từ xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Cho đến tận bây giờ, Bình Lâm vẫn chỉ là một xã nông nghiệp nghèo với những con đường nhỏ hẹp, những căn nhà bán tạp hóa một tầng, bao xung quanh bởi những cánh rừng rộng mênh mông. 

Sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử tại đại học Đà Nẵng, anh Hội sang Thái Lan theo học hệ thạc sỹ tại Viện công nghệ châu Á (AIT). Sau đó anh tiếp tục sang Munich, Đức, nơi anh tham gia phát triển hệ thống hộp đen cho Mercedes-Benz.

Anh tiếp tục đến Mỹ theo học hệ tiến sỹ tại trường Washington’s Catholic University of America ngành kỹ thuật sinh học. Hoàn thành xong chương trình tiến sỹ, người đàn ông 39 tuổi này rất hào hứng trở về Việt Nam.

Anh mang trong mình rất nhiều hoài bão về sự đổi mới: “Khi tôi biết về công nghệ mới nhất, thường tôi được biết rằng nó được phát minh bởi người Đức hoặc người Anh. Vậy tại sao không phải người Việt Nam? Đó chính là lý do tại sao những không gian như Maker Space cần phải có: Mang đến cho người trẻ Việt Nam cơ hội để có thể tạo lập danh tiếng cho riêng mình. 

Đà Nẵng - thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghệ và các lĩnh vực liên quan đến đổi mới. 

Công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam, FPT, đang cố gắng phát triển Đà Nẵng thành thành phố thông minh trước năm 2020. Hiện tại FPT đang đầu tư 658 nghìn USD vào dự án thử nghiệm như hệ thống đèn giao thông thời gian thực cũng như hệ thống lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử. 

Trong khi nhiều nền kinh tế khu vực đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc căng thẳng và đối đầu về thương mại, GDP Việt Nam quý 1/2018 tăng trưởng được 7,38%. 

Dù Tổng thống Donald trump không mấy chào đón thương mại toàn cầu, vào đầu năm nay, hơn 60 doanh nghiệp Mỹ, từ Microsoft cho đến IBM, đã đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 7 tỉnh của Việt Nam. 

Tuy nhiên, khi mà hiện tại Việt Nam chỉ có 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, Việt Nam sẽ đối diện với rào cản nhất định khi muốn nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất.

Anh Hội tuy nhiên vẫn lạc quan khi nói về triết lý đằng sau việc vận hành Maker Space: khi bạn đến đây, bạn có thể đổi mới và thất bại rất nhanh, thế nhưng bạn cố gắng thêm một lần nữa và sau đó bạn thành công. Trước khi thành công, chúng ta phải chấp nhận thất bại.

Nếu Việt Nam có thể nâng cao kỹ năng cho người lao động, giảm quan liêu và có thêm những nhà khoa học như Hội – chắc chắn tương lai của Việt Nam sẽ vô cùng sáng lạng.(Bizlive)
-------------------------

Những dự án BĐS khiến “bông hồng vàng” Phú Yên ôm nợ nghìn tỷ đồng

Công ty Thuận Thảo của nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh vốn nổi tiếng bậc nhất miền Tây. Tuy nhiên, cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ triền miên suốt nhiều năm qua.

Mới đây, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thông báo đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Tài.

VAMC cho biết, tính tới 30/6 tổng nợ gốc và lãi khoản nợ này là hơn 2.378 tỷ đồng. Trong đó, số nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 92 khách hàng cá nhân tại VAMC là trên 1.905 tỷ đồng, gồm 939 tỷ đồng nợ gốc và 966 tỷ tiền lãi. Công ty của đại gia Phú Yên và 3 cá nhân khác cũng có khoản nợ tại BIDV chi nhánh Phú Tài gần 473,4 tỷ đồng, trong đó 269.000 tỷ nợ gốc và 204,4 tỷ đồng lãi.

Tài sản đấu giá lần này gồm khu đất có diện tích 275 m2 toạ lạc trên đường Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP HCM), đây cũng là trụ sở chính của công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Ngoài ra còn có hai khu đất tại huyện Bình Chánh (TP HCM) với tổng diện tích 22 ha và 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thuận Thảo (mã CK: GTT) thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh.

Nữ đại gia nợ nghìn tỷ vì 'ôm mộng' bất động sản

Năm 1997, sau hơn chục năm làm Tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập, bà Võ Thị Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Sau khi thành lập, Công ty Thuận Thảo phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên khi tiên phong tạo nên nhiều cái "đầu tiên": Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam…

Những dự án BĐS khiến “bông hồng vàng” Phú Yên ôm nợ nghìn tỷ đồng  - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Thanh từng được tôn vinh vì nỗ lực vượt qua phận nghèo, xây dựng Thuận Thảo thành công ty nghìn tỷ. Với những thành tích đạt được, bà Thanh được vinh danh là “Bông hồng vàng”.

Cho đến trước năm 2010, Thuận Thảo vẫn thể hiện tham vọng tăng trưởng nhanh như vũ bão thông qua việc đầu tư vào bất động sản. Nhờ lợi thế sở hữu quỹ đất 337.000 m2 nằm ngay trung tâm thành phố Tuy Hòa, cộng với việc sáp nhập cùng lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc và du lịch nên Thuận Thảo nhanh chóng triển khai hàng loạt dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Thuận Thảo đã liên tục xây dựng hàng loạt dự án bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo, Khách sạn 5 sao Cendeluxe, nhà hát Sao Mai… Khi Tuy Hòa còn là hòn ngọc thô chưa có nhiều đại gia bất động sản đến khai phá, giữa những ngôi nhà thấp tầng và kém khang trang thì Khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo được coi là tòa nhà biểu tượng của tỉnh.

Năm 2011, Thuận Thảo tiếp tục thành lập công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (Tp.Hồ Chí Minh). Sau khi thành lập, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn. Ngoài dự án này, công ty còn tham vọng mở rộng đầu tư, phát triển hàng loạt các dự án bất động sản du lịch như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai… tại TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Thế nhưng trong bối cảnh du lịch Tuy Hòa vẫn chưa phát triển, thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng khiến Thuận Thảo Nam Gài Gòn phải vay nợ ngân hàng, đối tác để phát triển dự án.

Những dự án BĐS khiến "bông hồng vàng" Phú Yên chìm trong thua lỗ

Điển hình trong số những dự án từng được Thuận Thảo "ôm mộng" lãi trăm tỷ là khách sạn 5 sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên- khách sạn CenDeluxe Hotel. Công trình gồm 218 phòng ngủ hạng sang, kèm nhiều công trình phụ trợ như hồ bơi, phòng họp hiện đại… Tuy nhiên, CenDeluxe Hotel được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của Thuận Thảo trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.

Những dự án BĐS khiến “bông hồng vàng” Phú Yên ôm nợ nghìn tỷ đồng  - Ảnh 2.

Khách sạn CenDeluxe Hotel.

Tiếp đó là khu biệt thự cao cấp Resort & Spa Golden Beach tọa lạc tại bãi biển thành phố Tuy Hòa, trên đường Độc Lập, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Khu biệt thự cao cấp này được xây dựng trên diện tích 80.000 m2, có 91 căn biệt thự cao cấp và các công trình dịch vụ phục vụ hỗ trợ như: nhà tiếp đón, nhà hàng, sân tennis, công viên cây xanh, bể bơi…

Dự án cũng từng được đánh giá rất tốt về tiềm năng phát triển và dự báo đóng góp lớn cho doanh thu công ty. Thế nhưng, sau khi hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2008 và tiếp tục khởi công giai đoạn 2 từ tháng 8/2010 thì đến nay công trình này vẫn còn dang dở.

Những dự án BĐS khiến “bông hồng vàng” Phú Yên ôm nợ nghìn tỷ đồng  - Ảnh 3.

Khu biệt thự cao cấp Resort & Spa Golden Beach.

Dự án thứ 3 trong danh sách những dự án BĐS khiến nữ đại gia Phú Yên chìm trong thua lỗ là dự án khu du lịch sinh thái Thuận Thảo tọa lạc tại 03 Hải Dương, Bình Ngọc, Thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Dự án được xây dựng từ năm 2010 với quy mô lên đến 7 hecta và là công trình khu vui chơi giải trí lớn nhất tỉnh Phú Yên hiện nay. Mặc dù liên tục được đầu tư mở rộng nhằm cạnh tranh với các khu vui chơi giải trí trên cả nước, nhưng lượng khách tham quan rất khiêm tốn.

Những dự án BĐS khiến “bông hồng vàng” Phú Yên ôm nợ nghìn tỷ đồng  - Ảnh 4.

Dự án khu du lịch sinh thái Thuận Thảo.

Có thể nói, Thuận Thảo là minh chứng điển hình về một "đại gia" sử dụng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn, hơn nữa là đầu tư dàn trải bất động sản vào đúng giai đoạn thị trường khủng hoảng và nền kinh tế đang xuống dốc.

Hiện tại, Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản xuống cấp trầm trọng nhưng không có nguồn vốn đầu tư nâng cấp. Một số dự án khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao... xây dựng hiện đại, sử dụng nguồn vốn quá lớn, không phù hợp với thực tế địa phương dẫn đến doanh thu xuống mức thấp.(CafeF)
-------------------------

Thế trận mới của ngành thép

Với những đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp và chiến lược mở rộng thị trường miền Nam của Hòa Phát, dự báo cạnh tranh ngành thép sẽ càng khốc liệt.

Sức nóng ngày một tăng

Tăng trưởng ngành này sẽ còn cao, khoảng 20-22% nên càng thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Kyoei Steel Group (Nhật), chẳng hạn, mua lại Thép Việt Ý và dự kiến khởi động lại dự án nhà máy thép miền Bắc Việt Nam vào cuối năm nay. Trước đó, Hòa Phát cũng lên kế hoạch chi 52.000 tỉ đồng để đầu tư nhà máy thép Dung Quất (Quảng Nam). Hay Pomina, Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á... đều có những hoạt động đầu tư mạnh mẽ. Mục tiêu của các doanh nghiệp là tăng khả năng cạnh tranh.

The tran moi cua nganh thep

 

Bởi ngành thép Việt Nam hiện đang đối diện với nỗi lo từ thép Trung Quốc. Đây là quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng đầu ra của thép Trung Quốc đang bị nghẽn lại dưới các chính sách bảo hộ của Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... Điều này đồng nghĩa một lượng thép dư thừa Trung Quốc đã và sẽ tràn vào Việt Nam, gây mất cân đối cung cầu. URC dự đoán, tình hình dư thừa này có thể sẽ tiếp tục trong 3 năm tới.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thép Việt phải có những liệu tính mới. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tôn Đông Á, cho biết, Công ty sẽ ưu tiến cải tiến chất lượng cũng như mở rộng thị trường. Đây là chiến lược của hầu hết các công ty lớn trong ngành.

Cuộc chiến ở thị trường miền Nam

Miền Nam được xem là địa điểm mở rộng thị trường lý tưởng. Đây là khu vực kinh tế chủ lực tạo ra gần một nửa GDP toàn quốc và có dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Thép Việt, những năm qua, sức tiêu thụ thép ở miền Nam chỉ bằng một nửa miền Bắc. Xét nguồn cung, ở miền Nam, chưa có doanh nghiệp thép nào chiếm giữ trên 20% thị phần. Miền Nam cũng chưa có nhiều dự án lớn để đón đầu tăng trưởng của thép xây dựng, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

The tran moi cua nganh thep

 

Hòa Phát là doanh nghiệp sớm thấy được tiềm năng thị trường thép xây dựng ở miền Nam. Công ty đã triển khai Khu liên hợp sản xuất gang thép ở Dung Quất. Dự kiến, quý III/2018, dây chuyền cán thép đầu tiên tại khu liên hợp này của Hòa Phát sẽ bắt đầu sản xuất, chủ yếu cung cấp thép cho thị trường miền Nam và xuất khẩu. VDSC dự đoán, với công suất 1 triệu tấn thép xây dựng mỗi năm từ nhà máy Dung Quất, Hòa Phát có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thị phần thép ở miền Nam.

Hòa Phát từng có kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường miền Bắc (ở miền Bắc, Hòa Phát cùng với Thái Nguyên, Việt Đức nắm giữ khoảng 60% thị phần). Còn nhớ, khi bắt đầu vận hành các lò cao tại khu liên hợp thép Hải Dương, Hòa Phát đã liên tục tăng thị phần tại miền Bắc từ 24,7% (năm 2013) lên 33,4% (9 tháng năm 2017). Giới đầu tư kỳ vọng, ở dự án Dung Quất, Hòa Phát cũng sẽ nâng thị phần đáng kể tại miền Nam, từ mức 3,8-4% thị phần hiện tại. Hòa Phát còn có thể tạo thế đứng mới khi tham gia sản xuất cả thép dài chất lượng cao (1 triệu tấn) và thép dẹt cán nóng HRC (công suất 2 triệu tấn). Dự kiến, khi dự án Dung Quất hoàn tất (năm 2020), các sản phẩm này của Hòa Phát sẽ có thể cạnh tranh trực tiếp với Formosa.

Về phần Pomina, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thép Việt - tập đoàn nắm cổ phần chi phối ở Pomina, cho biết: “Pomina tự tin có lợi thế riêng”. Vì phân khúc Pomina tập trung là thép xây dựng cao cấp. Mảng này chỉ chiếm 30% tổng nhu cầu thép xây dựng. Một lợi thế khác là thương hiệu Pomina tạo được uy tín ở miền Nam. Hầu hết các công trình bất động sản cao tầng, thủy điện, các công trình đòi hỏi khắt khe, khó tính...đều đặt hàng thép Pomina. Đơn cử, Phú Mỹ Hưng là khách hàng của Pomina từ hàng chục năm qua. Các dự án bất động sản của Đại Quang Minh, Vingroup… đều dùng thép của Pomina.

The tran moi cua nganh thep

 

Mặc dù vậy, trước sức ép cạnh tranh, Pomina đã bị suy giảm thị phần. Nếu năm 2010, Pomina chiếm 17% thị phần thép xây dựng cả nước thì nay, con số chưa tới 10%. Trong khi đó, Hòa Phát vượt lên, từ 12% năm 2010 lên hơn 22% thị phần hiện nay. Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái không cảm thấy lo lắng. Theo ông, mỗi Công ty có quan điểm kinh doanh riêng. Ở Pomina là hướng đến phát triển trường tồn, trung thành với phân khúc thép xây dựng cao cấp và dồn lực tập trung phát triển thị trường từ Đà Nẵng trở vào. Tất cả hoạt động đầu tư của Pomina, như đầu tư nhà máy tôn, mở rộng nhà máy thép xây dựng, phát triển công nghệ luyện thép Consteel... đều phục vụ chiến lược trên.

Điều này lý giải vì sao, dù giảm thị phần nhưng kinh doanh của Pomina vẫn tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, 6 tháng đầu năm 2018, Pomina đạt 6.636 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 373 tỉ đồng, tăng 41%, hoàn thành gần 75% kế hoạch cả năm 2018.

Nhưng rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép là biến động thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Pomina đã dự phòng bằng cách duy trì ổn định xuất khẩu, hiện chiếm 30% doanh thu Công ty. Ngoài ra, ông Đỗ Duy Thái cho biết, Pomina cũng đã chuẩn bị tài chính, đủ sức cầm cự nếu khủng hoảng xảy ra.(NCĐT)

Trở về

Bài cùng chuyên mục