tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-08-2018

  • Cập nhật : 25/08/2018

Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung chính sách về thị trường tài chính

Đó là khẳng định của Ngài Gareth Ward - tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại buổi chào xã giao Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhằm trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai bên, vào sáng 23/8.

Chào mừng Ngài Gareth Ward đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam với vai trò Đại sứ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len tại Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã được tăng cường mạnh mẽ kể từ khi hai bên thiết lập đối tác chiến lược từ năm 2010, trong đó hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Vương quốc Anh hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai, với 267 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.

“Vương quốc Anh hiện nằm trong danh sách 15 đối tác có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua đạt gần 5%. Năm 2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt mốc 6,15 tỷ USD”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực Tài chính giữa hai nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao Chính phủ và Bộ Tài chính Anh thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính đã được ký kết giữa hai bên vào năm 2015, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường vốn Việt Nam. “Hợp tác với Đại sứ quán Anh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế chính sách về: khung khổ pháp lý về thị trường vốn, thị trường xổ số, casino và trò chơi có thưởng, cơ chế tài chính của các dự án PPP”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Phát biểu tại buổi tiếp, Ngài Đại sứ Gareth Ward đánh giá cao vai trò của Bộ Tài chính trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực: quản lý nợ công, thị trường tài chính, các định chế tài chính mới, ổn định kinh tế vĩ mô….

“Trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa hai bên, Vương quốc Anh sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm phát triển thị trường dịch vụ tài chính, thị trường bảo hiểm…tại Việt Nam trong thời gian tới”. Ngài Gareth Ward khẳng định.

Với quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng mong muốn Đại sứ quán Anh và Đại sứ Gareth Ward sẽ tiếp tục hỗ trợ, tăng cường và mở rộng hơn nữa các hoạt động hợp tác song phương.(TCTC)
---------------------

Doanh nghiệp nhà nước được chuyển nhượng vốn đầu tư trong hợp đồng hợp tác kinh doanh

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho các thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP...

Đó là một trong những điểm mới tại Thông tư số 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó Thông tư số 59/2018/TT-BTC bổ sung quy định “Ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau: Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý giá trị vốn điều lệ giảm, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà phát sinh phần chênh lệch vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm thì xử lý như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo và yêu cầu doanh nghiệp nộp phần chênh lệch này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định lại.

Các trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thông tư số 59/2018/TT-BTC cũng bổ sung nội dung “Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC)”

Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng BCC theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây: Cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn căn cứ vào nội dung cụ thể của hợp đồng BCC, trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước được phép chuyển nhượng vốn để thực hiện thoái vốn thì quyết định việc áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp theo một trong hai trường hợp dưới đây:

Trường hợp chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho các thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Trường hợp không có quy định ràng buộc chuyển nhượng vốn cho thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.(TCTC)
-------------------------

Tăng lãi suất huy động – "Cuộc đua" bắt đầu?

Từ giữa tháng 8 trở lại đây, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ bước vào “cuộc đua” lãi suất huy động. Các chuyên gia dự báo “cuộc đua” lãi suất sẽ trở nên gay cấn hơn từ nay đến cuối năm.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Cuộc đua” lãi suất huy động đã bắt đầu?

Trong tuần đầu tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng phổ biến tại các ngân hàng ở mức 4,3 - 5,5%/năm; với kỳ hạn 6 - 12 tháng dao động quanh mức 5,3 - 6,5% và 6,5 - 7,3% với các khoản tiền gửi trên 12 tháng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 trở lại đây, hầu hết các ngân hàng đều đã đưa ra mức lãi suất rất cao cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.

Hàng loạt ngân hàng như: TPBank, SeABank, Nam Á Bank, VIB Bank… đã đẩy mức lãi suất tiền gửi lên từ 1% - 1,5% đối với các kỳ trung và dài hạn.

Trong số các ngân hàng tăng lãi suất đợt này, Ngân hàng Bản Việt đã điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên, với mức tăng từ 0,6 - 1,4%. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 8 - 11 tháng tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 7,8%/năm, trước đó là 7,2 - 7,4%/năm. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng đã tăng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.

Vietcapital Bank cũng điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên với mức tăng từ 0,6%-1,4%. Trước đó, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, mức lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất hiện là 7,2%/năm. Các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng hầu như không có thay đổi, tuy nhiên, ngân hàng đã cộng thêm từ 0,05 đến 0,1 điểm % cho các khách hàng có số tiền gửi lớn từ 5 tỷ đồng trở lên.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân

Lý giải về việc nhiều ngân hàng đồng loạt đua tăng lãi suất huy động sau một thời gian dài giữ ở mức ổn định, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguyên nhân là trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn. Tín dụng tăng trưởng khoảng 8%, trong đó huy động vốn tăng khoảng 6%.

Tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp luôn ở mức rất cao trong 7 tháng đầu năm nay. Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của các ngân hàn ở Thành phố đã lên đến gần 90%.

Cụ thể, tổng vốn huy động trên địa bàn trong 7 tháng đạt 2.150.600 tỷ đồng, tăng 7,21% so với cuối năm ngoái, trong khi cho vay 1.928.000 tỷ đồng, tăng 9,47%. Mức tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng đã tác động đến mặt bằng lãi suất chung. Do đó, các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nguyên nhân khác khiến lãi suất huy động tăng xuất phát từ việc các ngân hàng chuẩn bị cho nguồn vốn vào các tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm nhu cầu tín dụng, nhu cầu sử dụng vốn tăng cao. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư số 16/2018/TT-NHNN (từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn), các ngân hàng cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn nhiều hơn.

Ngoài ra, hiện nay, trong xu hướng đồng USD đang tăng giá, nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, tránh việc khách hàng rút VND để đầu cơ USD.

Áp lực lên lãi suất cho vay

Việc lãi suất đầu vào tăng đang làm dấy lên sự lo lắng về việc duy trì ổn định lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mùa cao điểm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay chưa có dấu hiệu tăng lãi suất cho vay một cách đồng loạt, song giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là không đơn giản. Thậm chí, giữ được mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm đã là một nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng.

Lý do là từ nay đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nếu tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9/2018 sẽ khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo. “Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, khách hàng gửi tiền hưởng lợi. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó”, TS. Hiếu phân tích.(TCTC)

Trở về

Bài cùng chuyên mục