tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-02-2016

  • Cập nhật : 21/02/2016

TPHCM: Giá thuê văn phòng sẽ tăng nhanh trong năm 2016

Dự kiến các giao dịch thuê tại các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại tương lai chưa đi vào hoạt động sẽ diễn ra rất sôi nổi trong thời gian tới.

Ít nguồn cung mới trong tương lai

 

Trong năm 2015, bên cạnh nền kinh tế phục hồi (tỷ lệ lạm phát thấp, GDP được cải thiện, tiêu dùng cao), việc Việt Nam tham gia TPP và FTA EU – Việt Nam đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành BĐS. Dự báo, nhu cầu thuê văn phòng sẽ tăng mạnh do nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến và thành lập văn phòng trong năm 2016.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi được chính thức áp dụng vào ngày 01/7 cho phép các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho thuê lại tài sản họ đang thuê, đồng thời cho phép mua lại và sở hữu các tòa nhà đã xây dựng để sử dụng. Đây có thể xem là cách để tiếp cận nguồn vốn thứ cấp, cho phép các chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn đầu tư khác. Điều này có thể tạo điều kiện cho nhiều mặt bằng văn phòng được chào thuê lâu dài hoặc chào bán nhiều hơn.

Theo một báo cáo mới được công bố của CBRE Việt Nam, trong năm 2015, thị trường TP.HCM chào đón duy nhất một tòa nhà hạng A đi vào hoạt động là Vietcombank Tower. Tính đến năm 2018, thị trường sẽ có thêm 4 cao ốc văn phòng: Saigon M&C, Ngôi nhà Đức Deutsches Haus Hồ Chí Minh, Sài Gòn Centre (giai đoạn 2) và The One Hồ Chí Minh.

Theo số liệu nghiên cứu, diện tích thực thuê mới tại các tòa nhà mới đi vào hoạt động thường cao trong giai đoạn đầu, kéo tổng diện tích thực thuê mới trên toàn thị trường tại thời điểm đó tăng cao. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2015, diện tích thực thuê tăng mạnh khi thị trường chào đón thêm một nguồn cung mới.

Thị trường trong 3 năm tới dự kiến sẽ vẫn vận hành theo xu hướng này. Diện tích thực thuê mới trong năm 2016 sẽ rất thấp do không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động, đồng thời diện tích sàn còn trống trên thị trường cũng rất giới hạn. Diện tích thực thuê mới trong 2 năm 2017 - 2018 sẽ tăng trở lại khi một lượng đáng kể sàn văn phòng hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Chờ đón cuộc cạnh tranh về giá

 

Năm 2015 là năm thị trường điều chỉnh cung cầu. Thị trường văn phòng hạng A ghi nhận diện tích sàn thực thuê và mức cải thiện tỷ lệ trống khá tích cực. Nhóm khách hàng có nhu cầu thuê cao nhất trong năm 2015 thuộc lĩnh vực công nghệ/điện tử/ IT, sản xuất, ngân hàng/ tài chính/ bảo hiểm/, tư vấn và logistic/vận tải.

Trong 2016-2018, ngành công nghệ/điện tử/ IT dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng mạnh nhất. Ngoài ra, ngành dịch vụ hậu cần cũng sẽ nổi lên. Việc phát triển thương mại theo sau hiệp định TPP, ngành thương mại điện tử phát triển mạnh và nhu cầu về khu công nghệ cao tăng mạnh dự kiến thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Theo số liệu yêu cầu thuê mà CBRE nhận được trong 2015, các yêu cầu thuê cho mặt sàn dưới 500 m2 rất phổ biến. Các yêu cầu thuê mặt sàn lớn chủ yếu đến từ các công ty hợp nhất văn phòng. Do dự kiến các thương vụ sát nhập văn phòng sẽ ít diễn ra trong thời gian tới, các yêu cầu thuê sàn văn phòng vừa và nhỏ sẽ vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Khu trung tâm vẫn được ưa thích và nhu cầu đối với các mặt sàn từ 1.000 - 2.000 vẫn hiện hữu. Dự kiến các giao dịch thuê tại các tòa nhà tương lai chưa đi vào hoạt động sẽ diễn ra rất sôi nổi trong thời gian tới.

Giá thuê văn phòng dự báo tăng nhanh trong năm 2016 do nguồn cung ngày càng hạn chế và ít nguồn cung mới đi vào hoạt động. Đến cuối 2018, thị trường dự kiến sẽ có thêm 119.080 m2 sàn, với một phần đáng kể diện tích đã được thuê trước. Có thể nói, nguồn cung văn phòng sẽ bị thiếu hụt trong ngắn hạn. Chủ nhà sẽ có lợi thế hơn trong việc đàm phán, nhờ đó sẽ tự tin hơn để tăng giá. Giá thuê sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc dộ chậm hơn giai đoạn 2017 - 2018.


Tỉ phú sân bay của Nga bị bắt

Dmitry Kamenshchik, ông chủ tỉ phú của sân bay quốc tế Domodedovo lớn nhất nước Nga, bị quản thúc tại gia hôm 18-2 vì vi phạm quy tắc an ninh, gián tiếp tạo điều kiện cho vụ khủng bố tại sân bay này năm 2011 khiến 37 người thiệt mạng.

Thông tin trên được ông Vladimir Markin, phát ngôn viên của Ủy ban Điều tra, cung cấp cho hãng tin ITAR-TASS của Nga. Theo đó, ông Dmitry Kamenshchik - chủ nhân thật sự của sân bay Domodedovo - bị buộc tội theo Khoản 3 Điều 238 Bộ Luật Hình sự Nga: “Thực hiện công việc hay dịch vụ không đáp ứng yêu cầu an toàn, dẫn đến cái chết của hai hay nhiều người”.

Trước ông Kamenshchik cũng đã có một số nhân vật khác bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ khủng bố sân bay Domodedovo năm 2011, trong đó có bà Svetlana Trishina (cựu Trưởng văn phòng đại diện Nga của Công ty Quản trị Hàng không), ông Andrei Danilov (giám đốc điều hành an ninh hàng không sân bay Domodedovo), ông Vyacheslav Nekrasov (giám đốc sân bay Domodedovo).

ong dmitry kamenshchik bi ap giai trong mot toa nha o moscow. anh: reuters

Ông Dmitry Kamenshchik bị áp giải trong một tòa nhà ở Moscow. Ảnh: Reuters

Đại diện Ủy ban điều tra, ông Markin cho biết: “Kamenshchik, Trishina, Nekrasov và Danilov đã áp dụng một hệ thống kiểm tra mới tại lối vào sân bay dẫn đến nguy cơ sân bay bị tấn công cao hơn và do đó các dịch vụ hàng không đã không đáp ứng yêu cầu an toàn. Hệ quả là vào tháng 1-2011, kẻ khủng bố Magomed Yevloyev đã tự do vào trong sân bay quốc tế Domodedovo với thiết bị gây nổ giấu dưới quần áo và đã đánh bom tự sát”.

Tỉ phú Dmitry Kamenshchik (47 tuổi) là chủ tịch của Ban giám đốc sân bay Domodedovo. Theo tạp chí Forbes, năm 2015 ông đứng thứ 27 trong danh sách những người giàu nhất nước Nga với tài sản ước tính 3,8 tỉ USD. Ông cũng là người sáng lập công ty hàng không East Line đầu thập niên 1990.

Các điều tra viên nói rằng sân bay đã không kiểm tra kỹ các hành khách vào ngày xảy ra vụ nổ. Nhưng ông Kamenshchik phủ nhận cáo buộc và cho rằng những quy định đang có hiệu lực lúc đó không đòi hỏi phải kiểm soát nghiêm ngặt như vậy.

Ông chủ sân bay Domodedovo phủ nhận mọi cáo buộc. Ảnh: ITAR-TASS

Ông chủ sân bay Domodedovo phủ nhận mọi cáo buộc. Ảnh: ITAR-TASS

Sau lệnh quản thúc của tòa án, vụ việc diễn tiến khá bất ngờ khi các công tố viên chính phủ phản đối lệnh bắt của tòa án và cho rằng những lời buộc tội là vô căn cứ, do vậy không đồng tình với lệnh quản thúc tại gia trong 2 tháng tới.

Vụ án này càng gây bất lợi cho nỗ lực mua lại sân bay Domodedovo của chính phủ Nga vì lâu nay ông Kamenshchik vẫn từ chối bán sân bay cho nhà nước.


Bất động sản lo ngân hàng siết tín dụng

Ngày 19-2, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 /2014 quy định về các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, có hai nội dung quan trọng mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động cực kỳ nghiêm trọng đến thị trường BĐS năm 2016 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dự thảo sửa đổi quy định giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Thực chất là hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS. Thứ hai là tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS. Nghĩa là xác định thị trường BĐS nhiều rủi ro, gây bất lợi cho sự phát triển của thị trường này.

“Điều này kéo theo chi phí vay vốn, chi phí tài chính của doanh nghiệp nặng thêm, lãi suất cao hơn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chủ đầu tư” - ông Châu nói.

Từ đó, hiệp hội đề nghị ban chấp hành HoREA và các doanh nghiệp cho ý kiến gấp để góp ý sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ khẩn trương có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo là BĐS hình thành trong tương lai và đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo là BĐS hình thành trong tương lai để xử lý ách tắc trên thị trường BĐS hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho hay Thông tư 36 đã nói rõ kinh doanh BĐS là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua BĐS để bán, chuyển nhượng… nhằm mục đích sinh lợi. Do đó việc thay đổi hệ số rủi ro của “khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà ở của Chính phủ. Hay nói cách khác không làm ảnh hưởng đến việc cá nhân mua nhà trả góp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm trần tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho vay trung dài hạn sẽ ảnh hưởng tới phân khúc cho vay mua nhà trả góp đối với một số ngân hàng đang có tỉ lệ này ở ngưỡng cao. Ngoài ra, nó cũng hạn chế đối với việc xây dựng các khu công nghiệp.


Đến cuối năm 2015, tổng tài sản của hệ thống TCTD đạt trên 7,3 triệu tỷ đồng

NHNN vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các TCTD cho biết, tổng tài sản của toàn hệ thống TCTD tiếp tục tăng mạnh tới 298.298 tỷ đồng trong tháng cuối năm 2015 lên 7.319.317 tỷ đồng; chiếm hơn 37% mức tăng của cả năm.

Tài sản của hầu hết các khối duy trì được đà tăng khá

Tính chung trong năm qua, tổng tài sản của hệ thống TCTD đã tăng thêm 804.435 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến tổng tài sản của hệ thống tăng mạnh trong tháng 12/2015 là do ngoại trừ NHCSXH, còn lại tổng tài sản của tất cả các khối đều duy trì được mức tăng khá.

Trong đó, tăng mạnh nhất là khối NHTMCP khi tài sản của khối này đã tăng 151.135 tỷ đồng lên 2.928.146 tỷ đồng. Đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước tăng 130.122 tỷ đồng lên 3.303.995 tỷ đồng; kế đó là khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 14.702 tỷ đồng lên 755.581 tỷ đồng; khối Công ty tài chính - cho thuê tăng 3.381 tỷ đồng lên 87.841 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác xã tăng 875 tỷ đồng lên 21.906 tỷ đồng; Hệ thống QTDND tăng 651 tỷ đồng lên 77.645 tỷ đồng.

Chỉ riêng tổng tài sản của NHCSCH là giảm 2.567 tỷ đồng xuống còn 144.204 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, tính đến đến cuối năm 2015, khối NHTM Nhà nước vẫn đang dẫn đầu về tổng tài sản với 3.303.995 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối NHTMCP với 2.928.146 tỷ đồng; xếp thứ ba là khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài với 755.581 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 12, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống đạt 13%, tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 11 và cao hơn nhiều tỷ lệ cho phép của NHNN là 9%. Tỷ lệ này tại tất cả các khối đều cao hơn quy định. Mặc dù tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống lại tăng mạnh lên 31% từ mức 28,93% tại thời điểm cuối tháng 11. Tuy nhiên tỷ lệ này tại tất cả các khối đều thấp hơn nhiều mức tối đa theo quy định của NHNN.

Vốn tự có, vốn điều lệ tiếp tục tăng

Vốn tự có của toàn hệ thống cũng tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 12. Cụ thể, đến cuối tháng 12, vốn tự có của toàn hệ thống đạt 578.020 tỷ đồng, tăng 18.732 tỷ đồng so với cuối tháng trước và tăng 81.447 tỷ đồng, tương đương tăng 16,40% so với cuối năm 2014.

Đóng góp trong mức tăng này chủ yếu do vốn tự có của khối NHTM Nhà nước tăng 13.309 tỷ đồng lên 203.328 tỷ đồng; khối NHTMCP tăng 6.129 tỷ đồng lên 236.342 tỷ đồng; Ngân hàng Hợp tác xã tăng nhẹ 5 tỷ đồng lên 3.472 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vốn tự có của khối ngân hàng liên doanh nước ngoài lại giảm 594 tỷ đồng xuống còn 117.164 tỷ đồng; khối công ty tài chính, cho thuê giảm 116 tỷ đồng xuống 17.715 tỷ đồng.

Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP lại dẫn đầu về vốn tự có với 236.342 tỷ đồng; đứng thứ hai là khối NHTM Nhà nước với 203.328 tỷ đồng; xếp thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 117.164 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của toàn hệ thống tiếp tục tăng nhẹ 344 tỷ đồng lên 460.279 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015. Còn nếu so với cuối năm 2014, vốn điều lệ của hệ thống tăng 24.630 tỷ đồng, tương đương tăng 5,65%.

Xét về giá trị tuyệt đối, khối NHTMCP cũng đang dẫn đầu về vốn điều lệ với 192.980 tỷ đồng; kế đến là khối NHTM Nhà nước với 137.082 tỷ đồng; thứ ba là khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 93.593 tỷ đồng.

Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản

(Đến 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng so với thời điểm cuối năm trước liền kề)

Đơn vị: %, tỷ đồng

 

- Khối NHTM Nhà nước bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu, Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương;


Ngay ngáy lo lãi suất cho vay tăng

nguoi vay dang lo lai suat huy dong tang dan toi lai suat cho vay nhich len anh: tan thanh

Người vay đang lo lãi suất huy động tăng dẫn tới lãi suất cho vay nhích lên Ảnh: TẤN THẠNH


Trong khi nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lại lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo

“Đến kỳ đáo hạn sổ tiết kiệm nhưng tôi mở sổ mới và gửi thêm 800 triệu đồng” - một vị khách hàng lớn tuổi nói với nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng (NH) cổ phần trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2, TP HCM. Số tiền gửi thêm này ông vừa rút từ một NH cổ phần khác có lãi suất thấp hơn. “Thấy NH này trả lãi cao hơn, tôi đem qua đây gửi để hưởng thêm chút lãi” - ông giải thích.

Cùng nhau tăng lãi suất huy động

Mới nhất trong làn sóng tăng lãi suất huy động là NH TMCP Phương Đông (OCB). OCB vừa niêm yết lãi suất huy động mới tăng mạnh ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng là 7,6%/năm, 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Khi gửi tiết kiệm trực tuyến (online), khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường đến thời điểm này.

Theo thống kê của NH Nhà nước trong tháng 12-2015 và tính đến giữa tháng 1-2016, hàng loạt NH thương mại đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi theo hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn. Đến đầu tháng 2-2016, thêm một số NH tham gia xu hướng này. Nếu trước Tết Nguyên đán, chỉ một số NH cổ phần nhỏ tăng lãi suất để bảo đảm thanh khoản thì sau Tết, làn sóng này đã có sự tham gia của nhiều NH lớn, vốn nhà nước.

Một số lãnh đạo NH cho biết tăng lãi suất tiền gửi ở một vài kỳ hạn không chỉ để cơ cấu lại nguồn vốn mà còn giữ chân khách hàng. Nếu khách hàng cứ thấy NH nào lãi suất cao là chuyển tiền sang gửi thì rất khó tránh khỏi cuộc đua tăng lãi suất giữa các NH.

Là người có vài trăm triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Trần Minh Anh (ngụ quận 9,TP HCM) thường chọn kênh gửi tiết kiệm. “Gần đây, tôi thấy một số NH đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng lên mức khá cao, từ 7,2%-7,6%/năm. Trong khi tôi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng tại một NH cổ phần chỉ được 4,7%/năm thì chị bạn đồng nghiệp tham gia chương trình khuyến mãi mới của NH này được lãi suất tới 5,4%/năm cũng kỳ hạn 1 tháng” - chị so sánh.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, cho rằng đợt tăng lãi suất huy động của nhiều NH gần đây chủ yếu nhằm chuẩn bị nguồn vốn chotăng trưởng tín dụng của cả năm, nhất là sau Tết Nguyên đán, người dân có nhiều tiền nhàn rỗi. Lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng để cơ cấu lại nguồn vốn trung - dài hạn nhiều hơn nên không quá lo ngại dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất.

Người mua nhà, doanh nghiệp nhỏ bị đe dọa

Trước việc nhiều NH tăng lãi suất huy động, rất nhiều khách hàng cá nhân vay mua nhà lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Anh Phạm Văn Thanh (ngụ quận 12, TP HCM) đang còn khoản vay mua nhà hơn 300 triệu đồng tại một NH cổ phần có hội sở ở TP HCM. Theo hợp đồng tín dụng, lãi suất vay từ năm thứ 2 sẽ thả nổi, được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng + chênh lệch 4%/năm.

“Từ tháng 2-2013 đến nay, khoản vay của tôi luôn phải trả lãi suất 11,5%/năm, không hề giảm. Đáng nói, NH tính lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên tới 7,5%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỉ đồng trở lên. Đây là cớ để NH tăng lãi suất cho vay vì có mấy người gửi tiết kiệm dài hạn từ 500 tỉ đồng trở lên?” - anh Thanh lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang vay vốn tại NH thương mại cho rằng nếu lãi suất vay tăng trong thời gian tới sẽ làm tăng chi phí tài chính khiến hoạt động của họ khó khăn hơn. Giám đốc một công ty sản xuất giấy tại TP HCM cho biết vài năm gần đây, do hoạt động của công ty không thuận lợi nên lãi vay NH cũng… tăng lên. “Dù chưa một lần nợ quá hạn nhưng do kết quả kinh doanh chỉ hòa vốn hoặc lỗ ít nên chúng tôi bị NH hạ tín nhiệm, tăng lãi vay từ 7%-8%/năm lên 11%-12%/năm, dù là vốn vay ngắn hạn. Sắp tới, nếu các NH thương mại tiếp tục tăng lãi suất cho vay theo lãi suất tiền gửi, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi sẽ khó khăn hơn” - ông ngao ngán.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP HCM, gần đây, nhiều doanh nghiệp âu lo lãi suất cho vay sẽ tăng khiến họ bị động trong tính toán làm ăn. “Nghe nói năm nay, NH Nhà nước sẽ siết tín dụng chảy vào bất động sản, hy vọng lượng vốn này sẽ tập trung cho doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, lãi suất vay ổn định nhưng giờ lại phải lo lãi suất vay tăng” - ông Anh nói.

TS Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất cho vay trung - dài hạn khó tăng mạnh bởi lạm phát của năm nay không đáng ngại khi giá cả hàng hóa, dầu và lương thực, thực phẩm ở mức thấp… Lãi suất kỳ hạn trên 1 năm cũng không thể tăng theo do các NH phải cạnh tranh với nhau. Chưa kể, Chính phủ đã yêu cầu phải ổn định lãi suất trung, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tái đầu tư, chuẩn bị cho hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-02-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-02-2016

    Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu bán trái phiếu Chính phủ Mỹ
    Huawei tuyên bố sẽ vượt Apple trong 3 năm
    TP.HCM cho thuê quảng cáo trên “lô cốt”
    Gặp gỡ tham tán: doanh nghiệp than xuất hàng quá khó
    Kết nối, hỗ trợ nông dân Củ Chi bán sữa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-02-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-02-2016

    Xăng dầu Dung Quất lại ùn ứ vì chênh lệch thuế với xăng dầu nhập khẩu
    Tái cơ cấu là con đường để đạt mục tiêu
    "Việt Nam hội nhập máu lửa nhất ASEAN"
    "Đóng băng" sản lượng làm giảm 50% mức dư cung dầu toàn cầu
    Cây xăng giữ nguyên giá không giảm vì phải... bù lỗ?

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-02-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-02-2016

    Ngân hàng cam kết cho vay 3.150 tỷ đồng theo Nghị định 67
    VPBank: LNTT năm 2015 đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng cho vay 49%
    Google trốn 2,4 tỷ USD tiền thuế như thế nào?
    Ukraine đòi phạt Gazprom gần 3,3 tỷ USD vì 'độc quyền'
    Lạm phát đang tăng nhanh tạo sức ép tăng lãi suất ở Mỹ

  • Tin kinh tế đọc nhanh 22-02-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 22-02-2016

    Cước thấp kỷ lục, doanh nghiệp vận tải biển gặp khó
    Sau Tết, doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người lao động
    14 tỉnh, thành vùng Bắc-Nam Trung Bộ hợp tác phát triển du lịch
    Twitter đẩy mạnh dịch vụ khách hàng
    Hàng loạt nhãn hàng bị cộng đồng mạng tẩy chay chỉ vì Đại sứ thương hiệu - Hồ Ngọc Hà

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-02-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-02-2016

    Chi phí trung gian làm đội giá vận chuyển
    Vận hội từ các FTA thế hệ mới: Việt Nam sẽ thoát bẫy thành công?
    Thu hút đầu tư nông nghiệp: Bao giờ ra khỏi vòng luẩn quẩn?
    Triển vọng tốt từ xuất khẩu gạo
    Vì sao xuất khẩu gạo sang Chi Lê giảm? 

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-02-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-02-2016

    Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính
    Apple đã rơi vào cái bẫy quá hoàn hảo của chính phủ Mỹ
    Bà Lagarde được bầu lại làm Tổng Giám đốc điều hành IMF
    “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ cho ngành hàng tiêu dùng”
    Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách

  • Tin kinh tế đọc nhanh 21-02-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 21-02-2016

    Smartphone sẽ vượt tablet trong thương mại di động
    Nga sẽ cần tới khoảng 11,7 tỷ USD để chấn hưng nền kinh tế
    Mỹ lo lắng trước làn sóng mua công ty của Trung Quốc
    Trung Quốc sa thải quan chức chứng khoán
    TS Võ Trí Thành: 'Phải bỏ tính đố kỵ với người dẫn dắt'

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-02-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-02-2016

    BĐS Hà Nội: Phân khúc cao cấp bắt đầu “nguội lạnh” từ 2017 – 2018
    42 dự án “đổ bộ” vào quận Hoàn Kiếm năm 2016
    5 năm qua, chi phí của PV Gas như thế nào?
    Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc
    OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-02-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-02-2016

    Tồn kho bất động sản Bình Dương cao
    Ả Rập Xê Út 'không sẵn sàng' cắt giảm sản lượng dầu
    Dừng cấp phép buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã với Lào
    Đề xuất chuyển nhà xã hội thành nhà ở thương mại
    Thuế nhập khẩu nhựa về 1%, hàng chục doanh nghiệp niêm yết sẽ hưởng lợi

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-02-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-02-2016

    Quốc hội Mỹ lo ngại về đề nghị mua sàn Chicago của Trung Quốc
    Bỏ cuộc vụ kiện gà Mỹ bán phá giá?
    Cho phép cạnh tranh đẩy thị trường tiềm năng phát triển
    Kinh tế Brunei bên bờ khủng hoảng vì giá dầu rớt thảm
    90% doanh nghiệp Trung Quốc 'đẩy' phí tàu sang cho Việt Nam