Hàn Quốc dẫn đầu top những nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới
Chuyện lạ ở Thụy Sĩ: Nộp thuế càng muộn càng tốt
Sản lượng thép đi xuống, điềm xấu với kinh tế Trung Quốc
Bộ Tài chính: Doanh thu ngành xổ số năm 2015 đạt khoảng 3 tỷ USD
TPHCM: Thu hút đầu tư theo đúng định hướng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Bất động sản sẽ đóng băng vào năm 2017?
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, đánh giá thị trường BĐS Việt Nam trong năm qua phát triển do lòng tin thị trường đang phục hồi, các ngành sản xuất kinh doanh thương mại đang phát triển. Phân khúc thu hút người mua nhiều là trung và cao cấp.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cảnh báo nguy cơ lại tái diễn tình trạng bong bóng nhà đất. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, phân tích năm 2016 thị trường BĐS sẽ phát triển hơn nữa, do đầu tư vào USD, vàng… không hấp dẫn nên nhiều người sẽ tập trung rót tiền vào BĐS. Song thị trường này có thể sẽ “đóng băng” vào năm 2017 hoặc năm 2018.
“Nguy cơ đó có thể sẽ diễn ra khi rất nhiều người đang kỳ vọng nhiều vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dường (TPP). Họ nghĩ rằng TPP đã ký kết, trong khi thực tế cần phải có lộ trình 5-10 năm thì những chính sách thuế mới được áp dụng” - ông Nghĩa phân tích.
Hơn nữa, theo ông Nghĩa, hiện nay các doanh nghiệp đang tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp quá nhiều (chiếm 70%), trong khi nhu cầu nhà ở thật nhiều nhất lại là phân khúc dưới 1 tỉ đồng/căn hộ.
“Một mối lo nữa là những dự án chưa thi công, thi công chậm đang thu hút nhà đầu tư, ngược lại những dự án hoàn thành lại giảm người mua. Lý do: Người mua để đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời nhiều hơn là mua để ở” - ông Nghĩa cảnh báo.
Một số doanh nghiệp, chuyên gia khác cũng dự báo những người mua để đầu tư, chờ lên giá bán cho lại người khác sẽ tung ra thị trường một lượng hàng “khủng” trong năm 2017. Đó là chưa kể năm 2017, 2018 các công ty cũng sẽ tung ra khoảng 60.000 căn hộ, trong khi dự báo chỉ bán được 30.000 căn. Khi đó rủi ro sẽ rất lớn đối với thị trường nhà đất. Chưa hết, hiện nay lực lượng tiếp thị tác động lên thị trường BĐS “quá giỏi” và lực lượng này có thể góp phần làm biến dạng thị trường.
Từ đó, nhiều ý kiến khuyến cáo các doanh nghiệp cần sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thật với giá hợp lý. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần điều chỉnh chính sách để tránh nguy cơ bong bóng BĐS trở lại.
Lo ngại thép Trung Quốc tràn ngập thị trường
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo cho biết ước trong năm 2015 đã có tổng cộng 18,75 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 9 tỷ USD.
Đáng chú ý lượng thép nhập khẩu đã tăng thêm 3,55 triệu tấn so năm 2014. Nếu trừ kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD của các doanh nghiệp trong nước và FDI, mức nhập siêu của ngành thép vẫn đạt hơn 7 tỷ USD. Đây là mức nhập siêu cao nhất trong ba năm gần đây.
Trước diễn biến này, VSA kiến nghị cơ quan chức năng cần có các biện pháp tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép Trung Quốc sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đồng thời có giải pháp kiểm soát lượng thép Trung Quốc nhập khẩu.
Về việc thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương cũng vừa cho biết, gần đây đang có dấu hiệu thép Trung Quốc lấy xuất xứ từ Việt Nam sau đó xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi về thuế.
Theo đó, qua quá trình làm việc, Bộ Công Thương nhận thấy Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TPHCM) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép có xuất xứ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Bộ Công Thương đã yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, đồng thời có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan.
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt từ nay đến năm 2018 chính là việc chúng ta phải loại bỏ thuế quan đối với 7% dòng thuế nhạy cảm (khoảng 400 dòng thuế) áp dụng cho các ngành nghề khác nhau.
Khảo sát gần đây, trong thời gian qua có những mặt hàng Việt Nam dù được hưởng mức bảo hộ rất cao bằng cả biện pháp thuế và phi thuế, nhưng không cải thiện được năng lực cạnh tranh... Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp như ôtô, sắt, thép sẽ đối mặt với khó khăn và Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Đường lậu lại đe dọa đường trong nước
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, theo số liệu thống kê của Tổ chức Đường thế giới (ISO), lượng đường nhập lậu từ Thái Lan vào Việt Nam rất lớn, với khoảng 400.000- 500.000 tấn/năm.
Theo Vssa, đường lậu từ lâu đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành đường trong nước. Giá đường trắng Việt Nam năm qua đã tăng lên mức 13.000-14.000 đồng/kg, trong khi giá đường Thái nhập lậu chỉ 9.000 đồng/kg. Giá đường trong nước cao là bất lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân và tạo cơ hội cho đường lậu giá rẻ tràn vào.
Vssa cho biết, do chi phí sản xuất lớn, giá thành cao nên khả năng cạnh tranh của đường Việt Nam yếu so với các nước. Hiện giá mía của Việt Nam luôn cao hơn giá mía của các nước trong khu vực và trên thế giới (giá mía Việt Nam khoảng 45-50 USD/tấn, còn Thái Lan chỉ khoảng 30-35 USD/tấn), trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm 75-80 % trong giá thành đường.
Chủ doanh nghiệp địa ốc sợ thị trường nóng sốt
Tại Hội nghị tổng kết đánh giá thị trường bất động sản TP HCM năm 2015 và dự báo năm 2016, ông Trung bày tỏ những trăn trở về hướng đi trong thời gian tới của ngành này.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp giải thích, trong lịch sử, địa ốc chỉ sốt trong một vài tháng nhưng hậu quả của nó để lại vô cùng to lớn và lâu dài, có khi chu kỳ khủng hoảng gần một thập niên. Ông phân tích, trạng thái sốt thực chất không có lợi cho thị trường, cũng gây bất lợi và thiệt thòi cho người mua và càng không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì nó đe dọa tính bền vững của ngành này.
Ông Trung thừa nhận câu hỏi nhận được nhiều nhất hiện nay là liệu bất động sản năm 2016 có nóng sốt hay không và chính ông cũng vô cùng lo lắng về viễn cảnh thị trường vọt lên đỉnh điểm rồi sau đó mất kiểm soát. Quan điểm của chuyên gia này là trạng thái thị trường phụ thuộc vào hành xử của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp cần nhìn lại mặt bằng giá đang bán hiện nay đã hợp lý hay chưa? Tại sao khách hàng vẫn còn kêu ca giá nhà đang bán quá cao? Giá dầu đang giảm, giá sắt cũng giảm, vì sao giá căn hộ lại liên tục đi lên? Tại sao các doanh nghiệp sính mác nhà cao cấp đến vậy?
"Trả lời những câu hỏi này chính là tìm sự cân bằng để thị trường phát triển bền vững hơn", ông Trung nói.
Cũng đầy băn khoăn, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hữu Nghĩa bộc bạch, nguồn cung nhà cao cấp quá lớn, hàng chục nghìn căn, giá 2-3 tỷ đồng trở lên sắp chuẩn bị bàn giao từ giữa và cuối năm 2016 trở đi khiến ông chóng mặt."Liệu có bao nhiêu người mua nhà để ở? Hay họ chỉ ôm tài sản tạm thời cho thuê, chờ lên giá rồi lại tiếp tục xả hàng trong những năm tiếp theo? Liệu làn sóng đầu tư này có góp phần đẩy nguồn cung trên thị trường thứ cấp tăng mạnh hơn nữa", ông đặt vấn đề.
Nhiều doanh nghiệp không mong đợi thị trường địa ốc nóng sốt vì e ngại trạng thái nóng sốt chỉ diễn ra chóng vánh và sau đó để lại những năm khủng hoảng triền miên. Ảnh: Vũ Lê
Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực nhận xét năm 2016 bất động sản có thể vẫn còn dư âm sức nóng của những ngoại lực. Tuy nhiên khó khăn ở dạng tiềm ẩn đã lần lượt xuất hiện. Đó là nguồn cung hàng chục nghìn căn hộ cao cấp sẽ đi về đâu? Ai mua để ở, ai mua để đầu tư cho thuê và ai sẽ thuê với chi phí đắt đỏ? Nhà dưới một tỷ đồng ngày càng khan hiếm, nhà giá rẻ dưới 300 triệu đồng vắng bóng (thua kém cả tỉnh lân cận là Bình Dương), lệch pha này làm sao cân bằng?
Ông nhận định thêm, áp lực bán hàng nhanh, bán nhiều mới có thể tồn tại ngày càng đẩy thị trường đi vào hướng khó kiểm soát hơn. "Ngoài ra chi phí giá đất, thủ tục pháp lý, lãi suất ngân hàng… cũng đứng trước thách thức buộc phải đi lên cũng rất đáng lưu ý", ông Đực nhấn mạnh.
Trước những lo ngại trên, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Trần Trọng Tuấn trấn an doanh nghiệp: "Năm 2015 thị trường bất động sản đang hồi phục tích cực, mang đến tín hiệu lạc quan nhưng không chủ quan. Thị trường năm 2016 sẽ đi theo hướng hội nhập sâu rộng và chuyên nghiệp hơn".
Vị lãnh đạo sở cho biết, năm 2015 Việt Nam đã hội nhập kinh tế sôi động và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức. Nhu cầu về nhà ở, kho hàng, bến bãi, văn phòng cho thuê… sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Năm 2015 tổ chuyên gia Thành phố đã ra quyết định công nhận đầu tư cho 54 dự án, tăng gần gấp đôi so với năm trước và chấp thuận đầu tư cho hơn 70 dự án, cũng tăng mạnh so với năm 2014. Trong thời gian tới TP HCM chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều dự án được triển khai.
"Với quy mô thị trường lớn dần, tính chuyên nghiệp của công ty bất động sản thể hiện ở vai trò đánh giá thị trường và mức độ am hiểu khách hàng đến mức nào", ông Tuấn nói.
Một chuyên gia bất động sản có gần hai thập niên quan sát thị trường xác nhận chưa bao giờ bất động sản TP HCM canh cánh nỗi lo nóng sốt như hiện nay. Quy mô thị trường quả thật đang mở rộng, có thêm cơ hội nhưng song song đó cũng thêm phần thách thức khá nặng nề. Bài toán thị trường sẽ trở nên khó hơn, trong đó khó nhất là làm cách nào hạ nhiệt các điểm nóng, giảm tốc độ lại để vững vàng tay lái hơn.
"Giữ cho thị trường ở trạng thái ổn định, cân bằng trong năm 2016 không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung khủng vẫn chực chờ dội bom ở phân khúc cao cấp và hạng sang", ông dự báo.
CEO ngoại của Techcombank từ nhiệm
Thông tin nêu trên được Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố sáng nay. Ngân hàng này cho biết, ông Murat Yuldashev đã có đơn xin thôi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc vì lý do cá nhân, dự kiến sẽ rời Techcombank từ ngày 1/3/2016.Để đảm bảo hoạt động chung của ngân hàng, ban quản trị có kế hoạch bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Giám đốc Khối chiến lược và Phát triển làm Phó tổng giám đốc phụ trách, điều hành hoạt động ngân hàng cho đến khi bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank - Đỗ Tuấn Anh cho biết, trong gần 3 năm gia nhập ngân hàng, với một năm giữ vị trí Tổng giám đốc, ông Murat Yuldashev đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của nhà băng.
Vị này cũng tin tưởng việc bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh - một người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và quản trị ngân hàng vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành trong giai đoạn chuyển giao sẽ đảm bảo hoạt động của Techcombank theo đúng chiến lược phát triển đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh tốt nghiệp Tiến sỹ công nghệ hạt nhân tại Đại học Purdue (bang Indiana) và Đại học bang California, Mỹ. Ông là chuyên gia trong các lĩnh vực: thiết lập tư duy chiến lược, quản lý dự án, phân tích kinh doanh và xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả, chiến lược kinh doanh và marketing, xây dựng kiến trúc hệ thống công nghệ.
Ông Quốc Anh từng giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức lớn tại Mỹ như T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Nissan USA, Fortress Investment Group, TransMarket Group, McKinsey & Co, Viện Nghiên cứu khoa học liên bang Mỹ, Pacific Gas & Electric Co và nhiều tổ chức quốc tế khác. Vị này gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vị trí Giám đốc Khối chiến lược và Phát triển ngân hàng.