Chông gai đàm phán thương mại Mỹ-Trung; Bất đồng chưa thu hẹp, Mỹ sắp hết thời gian để sửa đổi NAFTA; Chi hơn 1.000 tỉ đồng mua mới xe công trong năm 2017; Trung Quốc bác bỏ tin nhượng bộ Mỹ 200 tỉ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-05-2018
- Cập nhật : 19/05/2018
Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc tăng mua gấp ba lần đậu tương từ Nga
Khối lượng đậu tương xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc như vậy cao nhất từ trước đến nay.
Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, đã tăng gấp 3 lượng mua từ Nga trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tăng cao. Hiện Mỹ là nước trồng nhiều đậu tương nhất thế giới
Theo Cơ quan giám sát nông nghiệp Nga – Rosselkhoznadzor, tính từ đầu vụ mùa kéo dài 12 tháng bắt đầu vào tháng 7/2017 cho đến giữa tháng 5/2018, Nga đã bán khoảng 850.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc.
Mức bán của Nga cho Trung Quốc như vậy cao hơn so với bất kỳ mùa đậu tương nào trước đây. Khoảng thời gian 12 tháng của vụ mùa trước đó, Nga chỉ bán cho Trung Quốc tổng số 340 nghìn tấn đậu tương, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.
Dự báo trước về khả năng Mỹ đánh thuế đối với hàng Trung Quốc, Trung Quốc đã hủy mua một số chuyến hàng đậu tương. Dù Braxin được dự báo sẽ là nước có thị phần cao, thế nhưng Nga cũng đang hưởng lợi khi Trung Quốc giảm mua đậu tương Mỹ.
Trong mùa hiện tại, Trung Quốc ước tính cần mua khoảng 97 triệu tấn đậu tương, trong khi đó nguồn mua từ Nga mới chỉ chiếm chưa đầy 1%, theo số liệu của chính phủ Mỹ.
Hoạt động trồng đậu tương của Nga ở vùng cận đông – khu vực gần với Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi nhiều trong mùa tới, quy mô ước tính khoảng 1,4 triệu hecta, theo nhận định của chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu nông nghiệp tại Moscow (IKAR), ông Daniil Khotko. Cũng theo ông, quy mô trồng đậu tương của khu vực này có thể tăng thêm khoảng 20% trong khoảng từ 2 đến 3 năm tới.(Bizlive)
--------------------------
Trung Quốc đề xuất giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ
Đề nghị này được đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại song phương tại Washington hôm thứ Năm.
Trung Quốc đã đề xuất một số biện pháp và một gói các mặt hàng nhập từ Mỹ nhằm cắt giảm khoảng 200 tỷ USD mỗi năm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho hay.
Đề nghị này được đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại song phương tại Washington hôm thứ Năm. Đây là vòng đàm phán thứ hai nhằm giải quyết căng thẳng thuế quan và ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một trong những nguồn tin cho biết, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ sẽ là công ty hưởng lợi nhiều từ gói đề xuất của Trung Quốc. Boeing hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, và đã bán khoảng một phần tư máy bay thương mại cho khách hàng Trung Quốc.
Cũng theo các nguồn tin, gói này có thể bao gồm việc dỡ bỏ thuế quan cho một số nông sản Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD, gồm trái cây, quả hạch, thịt lợn, rượu vang và cao lương.
Hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc là máy bay trị giá 16 tỷ USD vào năm ngoái, và đậu tương, 12 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có xu hướng tăng và đạt 375 tỷ USD trong năm 2017.
Tại vòng đàm phán đầu tiên tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này, phái đoàn của Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc cắt giảm 200 tỷ USD trong thặng dư thương mại với Mỹ đến 2020.(Bizlive)
-------------------------------
Giá cá tra tăng kỷ lục, doanh nghiệp lo khó cạnh tranh
Doanh nghiệp vừa bị áp thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng ở Mỹ vừa chịu cảnh nguyên liệu đầu vào ở trong nước đắt đỏ
Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giá nguyên liệu cá tra tiếp tục trở thành “cơn sốt” trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khi lập đỉnh mới, trung bình ở mức 28.000-30.000 đồng, có nơi được đẩy lên đến 32.500 đồng một kg. Riêng giá cá tra giống cũng đã tăng gấp 2-3 lần, dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng một kg tùy loại.
Theo Vasep, đến cuối tháng 4, giá cá tra nguyên liệu loại 1 đã lên mức 33.500 đồng một kg - mức tăng cao kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, tại một số thị trường nhập lớn ở châu Mỹ, giá cá tra trung bình xuất khẩu tăng đột biến khiến khách hàng khó chấp nhận và bị cạnh tranh gay gắt hơn các sản phẩm cá thịt trắng.
Đặc biệt, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cao kỷ lục và EU đang giơ thẻ vàng đối với Việt Nam nên việc xuất khẩu cá tra sẽ càng thêm khó khăn.
Lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất cá tra tại Hậu Giang cho biết đang phải gồng mình khi cùng lúc gặp nhiều yếu tố bất lợi. “Chúng tôi đang chuyển hướng xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản để thích ứng. Hơn một tháng nay chúng tôi cũng thấy gặp thuận lợi hơn khi các thị trường này chấp nhận giá tăng do nguyên liệu đầu vào", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Công ty Tradex Foods Canada cũng thừa nhận giá cá tra đang tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và leo thang trong những tháng tới. Do đó, các doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi giá xuất khẩu cạnh tranh. Hiện, một số có xu hướng chuyển từ thị trường Mỹ sang Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN.
Tuy nhiên, theo Vasep, điều đáng lo ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc chính là việc bất ổn về nhu cầu và phương thức thanh toán. Cụ thể, thời gian qua, giá xuất bằng đường chính ngạch cao hơn 1 USD một kg so với các sản phẩm tiểu ngạch. Do đó, Vasep đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra hiện nay để bảo đảm chất lượng cá tra xuất khẩu. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra sang thị trường này.(Vnexpress)
-------------------------
Phí rút tiền ATM dự kiến tăng gấp 4 lần
Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) đầu tháng 5 đã gửi công văn đến các ngân hàng bổ sung phí chia sẻ giao dịch rút tiền ATM đối với tổ chức thành viên chỉ tham gia chiều phát hành thẻ.
Trong công văn này, Napas đề nghị việc bổ sung phí chia sẻ cho giao dịch rút tiền ATM dành cho tổ chức thành viên (TCTV) chỉ tham gia trong vai trò tổ chức phát hành (TCPH), không có mạng lưới ATM chấp nhận thanh toán. Khi tổ chức thanh toán (TCTT) chấp nhận giao dịch rút tiền từ TCTV chỉ tham gia với vai trò tổ chức phát hành sẽ nhận được mức phí chia sẻ là 8.000 đồng thay vì mức 2.000 đồng như hiện nay.
Mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 1.8. Ngoài ra đối với hoạt động rút tiền, còn có thêm phí dịch vụ TCPH trả cho Napas là 1.000 đồng/giao dịch, TCTT trả cho Napas 350 đồng/giao dịch. Phí nhắn tin, in sao kê mà TCPH trả cho TCTT là 250 đồng/giao dịch, phí dịch vụ là 250 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản nội bộ, đổi PIN mà TCPH trả cho TCTT là 1.000 đồng/giao dịch, phí dịch vụ là 500 đồng/giao dịch. Riêng đối với những tổ chức vừa phát hành vừa thanh toán thì giữ nguyên mức phí chia sẻ như hiện nay.
Theo lý giải của Napas, cán cân phát hành - thanh toán thẻ trên thị trường đang có xu hướng mất cân đối khi các ngân hàng tập trung vào việc phát hành thẻ mà chưa đầu tư nhiều vào phát triển mạng lưới ATM vì chi phí đầu tư và vận hành cao.
Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp mã BIN phát hành thẻ, một số công ty tài chính tiêu dùng sẽ được tham gia vào mạng lưới Napas nhưng chỉ trong vai trò TCPH. Khi đó, các TCTT có mạng lưới ATM sẽ càng chịu thêm gánh nặng phục vụ, càng gây mất cân bằng giữa phát hành và thanh toán. Chính vì vậy Napas đề xuất bổ sung thêm phí chia sẻ cho giao dịch rút tiền ATM nhằm hài hòa giữa hoạt động tổ chức phát hành và thanh toán, bù đắp chi phí, tự điều chỉnh và khuyến khích mạng lưới ATM.(Thanhnien)