tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-05-2018

  • Cập nhật : 20/05/2018

Chông gai đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về thương mại với nỗ lực tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh về thuế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Với những tín hiệu tích cực song song từ cả hai phía, giới phân tích kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với cuộc tham vấn đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh với kết quả chỉ dừng lại ở mức duy trì liên lạc chặt chẽ và cam kết giải quyết tranh cãi thương mại thông qua đối thoại. Tuy nhiên, để đạt được một kết quả như kỳ vọng, có lẽ là tham vọng này vẫn là quá lớn khi các bên vẫn còn tồn tại những quan điểm quá khác biệt trong một số vấn đề nhạy cảm.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Bắc Kinh.

Trước đó, những nỗ lực nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại diễn ra tại Washington đã đạt được một số kết quả tích cực. Ngay từ cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, diễn ra 3 ngày sau vòng tham vấn đầu tiên kết thúc, các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuyên bố hai nước cần nỗ lực tìm cách giải quyết thỏa đáng các tranh cãi thương mại. Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng khẳng định cam kết đảm bảo mối quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với Trung Quốc "công bằng và có lợi cho các công nhân cũng như doanh nghiệp Mỹ" trong khi Chủ tịch Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ cần duy trì liên lạc nhằm nỗ lực tìm ra một biện pháp giải quyết thỏa đáng vấn đề thương mại giữa hai nước và đạt được những kết quả đôi bên cùng có lợi và cùng thắng.

Sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, việc ông Lưu Hạc thăm Mỹ (từ 15-19/5) với tư cách là "đặc phái viên của Chủ tịch nước", cho thấy tầm quan trọng của cuộc đàm phán lần này cũng như thái độ tích cực của phía Bắc Kinh. Việc đội ngũ phụ trách thương mại của Tổng thống Mỹ với đại diện là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trải qua một tuần lễ gấp rút để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề nhạy cảm có giá trị thương mại hàng trăm tỷ USD trong bối cảnh các thời hạn chót đang đến gần, đã được đánh giá cao. Giới phân tích thậm chí còn dự đoán ngoài một kết quả tích cực, mang tính xây dựng, hai bên còn có thể đạt được nhiều đồng thuận hơn nữa.

Cùng với những diễn biến tích cực này, Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross bất ngờ tuyên bố cân nhắc "các giải pháp thay thế" đối với những biện pháp trừng phạt mà Washington đã áp đặt đối với Hãng sản xuất thiết bị viễn thông (ZTE) của Trung Quốc, buộc hãng này ngừng hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản. Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố Washington và Bắc Kinh đang phối hợp để đưa ZTE nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh. Dù chưa cụ thể, song lập trường của Mỹ trước thềm cuộc đàm phán thương mại cấp cao trên được phía Trung Quốc đánh giá cao, coi đây là  thiện ý tích cực từ phía Chính phủ Mỹ. Không những thế, dư luận cho rằng động thái này giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nảy sinh lo ngại bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại khi phía Mỹ đe dọa áp thuế nhập khẩu tới 150 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh cảnh báo đánh thuế 50 tỷ USD với hàng nhập Mỹ.

Mặc dù ghi nhận những nỗ lực từ cả hai phía trước thềm cuộc đàm phán diễn ra tại Washington, song giới phân tích cho rằng những khác biệt quá lớn về quan điểm có thể khiến hai bên không tận dụng được những cơ hội đang có. Về thương mại, cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc cũng chưa đạt được nhất trí trong một loạt vấn đề mà hai bên đưa ra. Tổng thống Trump muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại hàng năm với Mỹ ít nhất là 200 tỷ USD vào cuối năm 2020 và không có hành động trả đũa việc Washington áp thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc muốn Mỹ ngừng điều tra việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại những công nghệ "nhạy cảm" của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ thậm chí còn cho biết giới chức nước này đã lập một danh sách chi tiết yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại theo từng sản phẩm và số lượng. Trong khi Trung Quốc cũng khẳng định lập trường của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ là không thay đổi, theo đó Bắc Kinh phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ thương mại. Theo Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế - Đại học Nhân dân Trung Quốc, hai bên khó có thể đạt được "bước đột phá" mang tính thực chất, nhiều khả năng chỉ có thể là "thỏa hiệp một phần" để giảm thiểu quy mô của cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ. (Baohaiquan)
-------------------

Bất đồng chưa thu hẹp, Mỹ sắp hết thời gian để sửa đổi NAFTA

AP đưa tin nhóm đàm phán thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp hết thời gian để sửa đổi một thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico, còn gọi là Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong khi quan chức thương mại hàng đầu của Washington nói rằng 3 nước này vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách bất đồng.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Idelfonso Guajardo (giữa) và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc họp báo sau vòng 7 tái đàm phán NAFTA tại Mexico City ngày 5/3. Nguồn: AFP/TTXVN.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 17/5 cho hay các nước NAFTA còn lâu mới đến gần một thỏa thuận do có những bất đồng lớn về các vấn đề từ thương mại nông sản, tiêu chuẩn lao động cho đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Lighthizer nói: "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thương lượng. Tôi mong chờ được làm việc với các đối tác để đảm đảo một thỏa thuận tốt nhất có thể cho các nông dân, chủ trại gia súc, công nhân và doanh nghiệp của Mỹ."

Trước đó, ông Lighthizer từng hy vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận sửa đổi NAFTA vào giữa tháng Năm tới, để Quốc hội Mỹ có thêm thời gian để phê chuẩn thỏa thuận này.

Ông cho rằng việc bỏ phiếu về NAFTA vào thời điểm hiện tại sẽ tốt hơn, bởi quốc hội mới sẽ có một số ưu tiên khác biệt so với quốc hội hiện tại. Mỹ sẽ tiến hành bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới và một quốc hội mới sẽ ra mắt vào tháng 1/2019.

Nếu các nhà thương lượng không thể sớm nhất trí về một NAFTA sửa đổi theo thời hạn chót không chính thức mà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan sẽ đề ra (là ngày 17/5) thì cuộc đàm phán thương mại này có khả năng phải vắt sang năm 2019.

Hoặc Tổng thống Trump có thể thực thi lời đe dọa từ bỏ NAFTA, thỏa thuận mà ông gọi là "thảm họa" giết chết việc làm, và khiến hoạt động thương mại giữa 3 nước NAFTA rơi vào hỗn loạn.(Vietnam+)
-------------------

Chi hơn 1.000 tỉ đồng mua mới xe công trong năm 2017

Số xe công tăng do mua mới, tiếp nhận năm 2017 là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỉ đồng, trong đó số xe công mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là 1.030,85 tỉ đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội (QH) về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017.

Theo đó, năm 2017, số xe ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc với tổng nguyên giá 2.265,17 tỉ đồng. Số xe ô tô công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1.139,41 tỉ đồng.

Trong tổng số 2.604 xe ô tô công tăng của năm 2017 thì có 1.523 xe tăng do tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng nguyên giá là 1.234,32 tỉ đồng. Còn lại, số xe công mua mới là 1.081 xe với tổng nguyên giá là 1.030,85 tỉ đồng.

Như vậy, hiện nay, tổng số xe ô tô công là 39.425 chiếc với tổng nguyên giá 25.554,21 tỉ đồng, chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản Nhà nước.

Chính phủ cũng nhận định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công.

Đơn cử, tại TP Hà Nội, có 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung. Có 52 người thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, trong đó khối sở là 20 và khối quận, huyện là 32 người.

Tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 là 2.441 triệu đồng; tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là 4.212 triệu đồng. Như vậy, khi thực hiện khoán xe ô tô phục vụ công tác chung thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ, tổng số chi phí tiết kiệm được là: 1.771 triệu đồng, trung bình 1 xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/tháng.

Tại TP HCM, đã xây dựng, ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô để áp dụng thí điểm từ tháng 5-2018 đối với 5 đơn vị của TP.

Về phương thức khoán kinh phí, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lựa chọn thực hiện khoán theo 1 trong 2 phương thức gồm: căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh quyết định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung cho từng chức danh theo đơn giá khoán cố định theo km (11.000 đồng/km); hoặc căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định đơn giá khoán cố định là 19,8 triệu đồng/tháng/xe. Theo tính toán của TP HCM, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,2 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ thuộc các đơn vị thí điểm. Nếu thực hiện trên phạm vi cả nước, con số tiết kiệm chi sẽ lớn hơn.(NLĐ)
-------------------------

Trung Quốc bác bỏ tin nhượng bộ Mỹ 200 tỉ USD

Trung Quốc bác bỏ tin nhượng bộ Mỹ 200 tỉ USD

Trung Quốc hôm 18-5 đã bác bỏ thông tin nước này đề xuất một gói tài chính trị giá 200 tỉ USD nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. 

Trước đó, Trung Quốc quyết định từ bỏ các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lúa mì nhập khẩu từ Mỹ khi các đại diện đàm phán Mỹ-Trung Quốc đang đàm phán ở Washington.

Hôm thứ Năm rồi, các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang đề xuất các nhượng bộ thương mại, đồng thời gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc. Đề xuất này giá trị lên đến 200 tỉ USD.

“Tin đồn này hoàn toàn không phải sự thật. Tôi có thể xác nhận điều này” - ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Trung Quốc nói với báo chí. Vị này cho biết các cuộc tham vấn mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra nhưng từ chối cung cấp chi tiết về cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai bên ở Mỹ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc đang tham gia các chương trình đàm phán với các quan chức thương mại Mỹ. Mục tiêu của cả hai là nhằm giải quyết các bất đồng thương mại, đặc biệt các yêu cầu cắt giảm thâm hụt xuất nhập khẩu từ Mỹ, tránh để xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục