tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-04-2017

  • Cập nhật : 17/04/2017

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại thỏa thuận của Tổng thống Trump với Trung Quốc

Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết các vấn đề thương mại gai góc có thể chỉ mang lại những kết quả hời hợt.

doanh nghiep my lo ngai thoa thuan cua tong thong trump voi trung quoc

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại thỏa thuận của Tổng thống Trump với Trung Quốc

Theo Business Insider, vài ngày sau khi cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc kết thúc, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter của mình rằng Bắc Kinh sẽ có được một thỏa thuận thương mại tốt hơn nếu họ đồng ý với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề hạt nhân ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà quản lý doanh nghiệp của Mỹ lo ngại rằng việc Tổng thống Trump tập trung vào cách dùng thương mại để đổi lấy thỏa thuận chính trị có thể không phải là giải pháp tận gốc cho hàng loạt khó khăn kinh tế kéo dài hàng thập niên qua, đồng thời còn làm giảm lợi ích thương mại của nước này ở Đại lục.

James Zimmerman, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không nên bị sử dụng như một “con chip thương lượng”. “Giao dịch thương mại của ông Trump để đổi lấy lợi thế đối với Triều Tiên là điều vô lý. Đó là một trong những kết quả công khai đầy hạn chế từ cuộc họp đầu tiên của nhà lãnh đạo hai nước tại Florida tuần vừa qua”, ông James Zimmerman nói.

Ông William Zarit, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Chamber, cho biết cuộc đàm phán Mỹ - Trung đáng ra cần phải ưu tiên hơn vào việc Tổng thống Trump hứa sẽ giải quyết sự mất cân bằng trầm trọng thương mại và tìm cách mở cửa thị trường Trung Quốc để cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp Mỹ đi vào hơn là những trao đổi hời hợt, thiếu trọng tâm.

“Chúng tôi muốn nói chuyện thẳng thắn với nhau hơn là có một cuộc chiến thương mại xảy ra. Nhưng có vẻ như các cuộc nói chuyện như thế này đã diễn ra trong suốt 20 năm qua mà kết quả vẫn chưa đi đến đâu”, ông Zarit nói.

Theo Business Insider, trong khi các công ty cá nhân có quy mô nhỏ do dự và lo sợ khi đưa ra các phản ứng dữ dội, những nhà phê bình từ các nhóm kinh doanh lớn hơn của Mỹ không ngại buộc tội Bắc Kinh vì đã không công bằng và hạn chế đầu tư nước ngoài từ các công ty của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ví dụ, mặc dù Trung Quốc đã cam kết nâng cao khả năng sở hữu của các công ty bảo hiểm nước ngoài vào năm 2001, nhưng kết quả lại hạn chế thị phần của họ khoảng 6%. Không những thế, chính phủ Đại lục tuyên bố sẽ bỏ một số ngành ra khỏi danh sách hạn chế đầu tư, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp phải rào cản về giấy phép kinh doanh.

Jacob Parker, Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Mỹ, cho biết ông lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục không thực hiện theo như những cam kết thương mại mà họ đã đề ra. “Có rất nhiều lĩnh vực Trung Quốc cho rằng họ cởi mở, nhưng thực ra thì không phải”, ông Jacob Parker nói.

Hơn nữa, việc ông Tập Cận Bình đề xuất hợp tác và phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng và các ngành công nghệ cao đang tạo ra thêm những mối lo lắng không chỉ về thương mại, mà còn trong chính trị và an ninh quốc gia.

“Nếu bạn nhìn vào các lĩnh vực mà Trung Quốc nói rằng họ đang mở cửa, như công nghệ, quản lý đầu tư, dầu khí hay bảo hiểm, bạn sẽ thấy tất cả đều là các khu vực mà Trung Quốc đang cần được giúp đỡ để họ cải thiện, phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn”, James McGregor, Chủ tịch của APCO Worldwide, cho biết.(Thanhnien)
---------------------------------

Apple có thể trở thành 'người giải cứu' Toshiba

Nhà sản xuất iPhone đang tích cực tìm kiếm các giải pháp để giúp đỡ Toshiba, công ty Nhật Bản đang gặp khó khăn, bằng cách đầu tư vào các bộ phận bán dẫn.

apple co the tro thanh 'nguoi giai cuu' toshiba

Apple có thể trở thành 'người giải cứu' Toshiba

Theo Bloomberg, Apple đang cân nhắc một loạt lựa chọn trong việc hợp tác với Hon Hai Precision Industry của Đài Loan để tham gia cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản theo một đề nghị đấu giá. Tập đoàn SoftBank cũng đang xem xét tham gia vào cuộc đấu giá đơn vị chip của Toshiba, và có thể sẽ hợp tác với Hon Hai hoặc Apple.

Việc Apple tham gia vào cuộc bán đấu giá có thể cải thiện viễn cảnh phá sản của tập đoàn điện tử 142 năm tuổi trước thất bại trong hoạt động kinh doanh của nhà máy hạt nhân Westinghouse, dẫn tới hàng tỉ USD thua lỗ.

Toshiba cần phải huy động tiền từ việc bán các bộ phận bán dẫn để bổ sung lỗ trống trong bảng cân đối kế toán, nhưng quá trình đấu thầu cho đến thời điểm này vẫn còn rất phức tạp. Hơn nữa, “đại gia” công nghệ này đang phải cảnh giác với quyết định tham gia đấu thầu của Hon Hai trong việc kiểm soát hoàn toàn đơn vị chip vì Toshiba dự đoán chính phủ Nhật Bản và Mỹ sẽ lên tiếng phản đối.

Các chip nhớ của Toshiba được sử dụng trong điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và các trung tâm dữ liệu. Các đơn vị bán dẫn, trong báo cáo tuần này cho thấy tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực, đồng thời nhận được mức giá thầu đề xuất vào khoảng 2 - 3 tỉ yen từ Hon Hai, SK Hynix, và nhà sản xuất chip Broadcom.

Tuy nỗ lực của Toshiba trong việc bán bộ phận bán dẫn và đấu thầu các đơn vị chip đã đem lại một số dấu hiệu khả quan, nhưng đối tác liên doanh Western Digital Corp thông báo rằng động thái này có thể vi phạm hợp đồng liên doanh giữa hai bên. Steve Milligan, Giám đốc điều hành của Western Digital, đã viết một lá thư cho hội đồng quản trị Toshiba vào hôm 9.4, để nói rằng Toshiba nên đàm phán độc quyền với công ty của ông trước khi bán bất kỳ sản phẩm nào.

“Một điều tích cực là công ty đã cho thấy lợi nhuận quý thứ ba trong mảng kinh doanh bộ nhớ, tạo tiền đề đảm bảo các sản phẩm này có thể bán được với mức giá tốt. Nhưng vẫn còn rất nhiều điểm tiêu cực mà tôi thậm chí không biết bắt đầu từ đâu”, Kazunori Ito, nhà phân tích tại Morningstar Investment Services, cho biết.

Được biết, hôm 11.4, Toshiba thực hiện một bước đi không bình thường khi báo cáo lợi nhuận quý 3 mà không cần sự chấp thuận từ phía kiểm toán. Điều này có thể gây nguy hiểm cho việc niêm yết của hãng trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE).

Tháng trước Toshiba trình báo một bản báo cáo chi tiết các kế hoạch cải thiện kiểm soát nội bộ. Nhưng nếu báo cáo này được đánh giá là không đủ chi tiết, “ông lớn” công nghệ Nhật Bản có thể sẽ phải đối diện với quyết định phải hủy bỏ niêm yết. TSE đã đưa Toshiba vào danh sách cảnh báo an toàn chứng khoán sau khi hãng này được cho là đã đưa ra báo cáo lợi nhuận quá mức trong giai đoạn 2008 - 2014.(TN)
----------------------------------

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhẹ giọng với kinh tế Đức, Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không gán mác Đức và Trung Quốc là các nước thao túng tiền tệ dù từng cáo buộc cả hai nước giữ đồng tiền một cách thấp giả tạo để đạt lợi thế trong thương mại với Mỹ.

Theo CNN hôm 14.4, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo đầu tiên về hoạt động tiền tệ của hai đối tác thương mại Mỹ. Luật pháp Mỹ yêu cầu tài liệu dạng này được đưa ra hai lần mỗi năm.

Bộ Tài chính Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng theo lộ trình như chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thực hiện năm ngoái là đưa Trung Quốc, Đức vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ bị theo dõi nhiều vấn đề tiềm năng. Tổng cộng, có sáu đối tác thương mại Mỹ được theo dõi đặc biệt: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thụy Sĩ. Đây cũng là sáu nước và vùng lãnh thổ từng được chú ý dưới thời Tổng thống Obama.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói: “Việc mở rộng thương mại theo cách tự do hơn, công bằng hơn cho người Mỹ đòi hỏi tất cả những nền kinh tế khác phải tránh các động thái tiền tệ thiếu công bằng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này cẩn thận”. Lời hứa khôi phục lại việc làm Mỹ vốn biến mất vì các động thái thương mại thiếu công bằng của nhiều nước khác là lời hứa chính của chính quyền ông Trump.

Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia mới của ông Trump từng cáo buộc Đức sử dụng đồng euro “bị định giá thấp cực kỳ” để làm tổn thương kinh tế Mỹ. Ngay sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ tuyên bố trên, cho hay với tư cách là một thành viên Liên minh châu Âu (EU), Đức không thể gây ảnh hưởng đến đồng tiền chung và cũng ủng hộ một Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) độc lập.

Trước khi đắc cử, Tổng thống Trump từng thề sẽ gán mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên làm tổng thống. Song đến ngày 13.4, ông thay đổi hoàn toàn lời hứa đó trong bài phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal. “Họ không phải là nước thao túng tiền tệ”, ông Trump nói.

Cụ thể, ông Trump giải thích mình đổi ý vì Đại lục không thao túng tiền tệ trong nhiều tháng qua, và việc gán mác sẽ gây tổn hại cho cuộc đàm phán đang diễn ra với Bắc Kinh về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Dù Đại lục bị nhiều nước chỉ trích vì hành vi thao túng tiền tệ, Bắc Kinh thực tế làm điều ngược lại, cố vực dậy giá trị nhân dân tệ, trong thời gian gần đây. Vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đã và đang nghi ngờ về việc Đại lục sẽ vướng tất cả các tiêu chí để xác định quốc gia thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.

Chính phủ của các đời tổng thống trước sử dụng ba yếu tố để xác định liệu một nước có phải là nước thao túng tiền tệ hay không: thặng dư hơn 20 tỉ USD trong thương mại với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai tổng cộng hơn 3% GDP và liên tục phá giá nội tệ bằng cách mua tài sản nước ngoài có giá trị bằng 2% GDP. Báo cáo cuối cùng được đưa ra hồi tháng 10.2016 cho thấy Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thụy Sĩ vướng hai trong ba tiêu chí trên.

Việc Mỹ gán mác một quốc gia, vùng lãnh thổ là thao túng tiền tệ không dẫn đến hình phạt ngay tức thì, nhưng lại là động thái mà nhiều chính phủ khác xem là sự khiêu khích. Lần cuối cùng Mỹ thực hiện hành động này là đối với Trung Quốc vào năm 1994, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Các cựu Tổng thống Obama và George W. Bush có cách tiếp cận ngoại giao hơn, gây áp lực thay đổi chính sách lên các nước bằng nhiều cuộc đàm phán song phương, đa phương.(Thanhnien)
-----------------------------------

2 tháng đầu năm 2017, người Việt đến Đài Loan tăng 90%

Trong hai tháng đầu năm 2017, có 47.000 người mang hộ chiếu Việt Nam đến Đài Loan. Con số này tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.

nha ga trung tam thanh pho dai bac - noi thu hut dong du khach den tham quan khi du lich tai dai loan - anh: ha binh

Nhà ga trung tâm thành phố Đài Bắc - nơi thu hút đông du khách đến tham quan khi du lịch tại Đài Loan - Ảnh: HÀ BÌNH

Bà Dương Chân Hoa - phòng phát triển du lịch thành phố Đài Bắc cho biết số liệu thống kê này.

Theo bà Hoa, trong số này một nửa đi du lịch. Số còn lại đến Đài Loan với những mục đích khác như du học, xuất khẩu lao động, công tác...

Cũng theo số liệu thống kê, năm 2016 có 196.600 (làm tròn) người mang hộ chiếu Việt Nam đến Đài Loan. Năm 2015, con số này là 146.300 người. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, số này thấp hơn. Cụ thể: Malaysia (474.400), Singapore (407.200), Indonexia (188.700)…

ba duong chan hoa: “so nguoi viet den dai loan hai thang dau nam 2017 tang 90% so voi cung ky nam ngoai” - anh: ha binh

Bà Dương Chân Hoa: “Số người Việt đến Đài Loan hai tháng đầu năm 2017 tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái” - Ảnh: HÀ BÌNH

Lý giải số người Việt đến Đài Loan du lịch tăng đến 90% trong hai tháng đầu năm 2017, bà Hoa cho biết một phần nhờ vào quảng bá và kế đến là giá tour rẻ hơn so với Nhật Bản, Hàn Quốc…

Cũng theo bà Hoa, tháng 9-2017, phòng thông tin và du lịch TP Đài Bắc tiếp tục có hoạt động quảng bá du lịch Đài Loan tại TP.HCM. (tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục