tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 17-04-2017

  • Cập nhật : 17/04/2017

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý 1 tăng hơn 11%

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, quý 1/2017, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may tương đối ổn định với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,84 tỷ USD, tăng 11,2%.
 

xuat khau hang det may cua viet nam trong quy 1 tang hon 11%

Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong quý 1 tăng hơn 11%

Hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 1; trong đó có một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 2. Tuy nhiên, phần lớn các đơn hàng doanh nghiệp ký được trong các tháng đầu năm đều là đơn hàng vừa và nhỏ, mã hàng hạn chế.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Những thị trường chủ yếu đóng góp vào kim ngạch chung là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU...

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, cho biết xuất khẩu quý 1 của ngành dệt may tăng trên 11%% là mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Riêng đối với TNG quý 1 năm nay có mức tăng trưởng gần 15% cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành.

Mức tăng trưởng này là sự phân biệt rõ giữa doanh nghiệp có thương hiệu và doanh nghiệp chưa có thương hiệu. Doanh nghiệp có thương hiệu vẫn có mức tăng trưởng tốt. 

Trước xu hướng kế hoạch đơn hàng ngày một ngắn và giá không tăng, Hiệp hội Dệt May Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp ngành dệt may cần khai thác triệt để hiệu suất của trang thiết bị đã đầu tư nhằm giảm chi phí, tìm kiếm đơn hàng quy mô nhỏ nhưng khó để xác định lợi thế về kỹ thuật và tay nghề người lao động.

Năm nay, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD (Vietnam+)
-------------------------------------------

Nhật Bản và Trung Quốc vẫn trong danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đức và Thụy Sĩ có tên trong danh sách nhóm nước và vùng lãnh thổ chịu sự giám sát của Mỹ về chính sách tiền tệ. 
 

nhat ban va trung quoc van trong danh sach giam sat tien te cua my

Nhật Bản và Trung Quốc vẫn trong danh sách giám sát tiền tệ của Mỹ

Trong báo cáo trình Quốc hội ngày 14/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết danh sách này không thay đổi so với danh sách dưới thời cựu Tổng thổng Barack Obama. 

Bộ trên kết luận không đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tiền tệ để hưởng lợi bất hợp pháp từ hoạt động thương mại song phương. Tuy nhiên, với 2 đối tác lớn là Nhật Bản và Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục kêu gọi hai nước này duy trì chính sách tiền tệ lành mạnh, tránh hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ dẫn đến bất bình đẳng trong phương mại đa phương cũng như đẩy mạnh các biện pháp thu hẹp thăng dư thương mại với Mỹ. 

Với Nhật Bản, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã không can thiệp vào thị trường tiền tệ trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Washington cho rằng Tokyo cũng có thể linh hoạt can thiệp với một số trường hợp ngoại lệ, nhưng phải có sự tham vấn trước, phù hợp với cam kết trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). 

Với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi Bắc Kinh "nỗ lực hơn nữa trong việc minh bạch tỷ giá hối đoái, duy trì quản lý và mục tiêu đã đề ra". Washington thúc giục Bắc Kinh cam kết sẽ không hạ giá đồng nội tệ như một giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế nội địa. 

Bộ Tài chính Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về mức độ thặng dư thương mại giữa Mỹ với Đức và Hàn Quốc. Washington thúc giục Berlin, quốc gia sử dụng đồng euro song không có quyền điều chỉnh giá trị, nâng giá đồng nội tệ mà theo Mỹ đánh giá có tỷ giá thấp hơn thực tế. 

Bộ trên lấy dẫn chứng về đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng đồng Won của Hàn Quốc đang ở giá trị thấp, yêu cầu Seoul áp dụng tỷ giá linh hoạt. 

Đề cập đến đồng USD, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết giá trị đồng tiền này đều cao hơn so với các đơn vị tiền tệ của nhiều nước lớn và mới nổi trong 6 tháng cuối năm 2016. Điều này cũng đã được Tổng thống Donald Trump khẳng định trong cuộc phỏng vấn hôm 12/4 khi ông cho rằng đồng USD hiện ở mức quá cao so với giá trị thực và điều này có thể đe dọa nền kinh tế số một thế giới. 

Đạo luật cạnh tranh và thương mại 1988 của Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ xác định xem những đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thao túng nội tệ nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước hay không. 

Nếu câu trả lời là có, Quốc hội sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Lần cuối cùng Bộ Tài chính Mỹ đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là vào năm 1994, dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Tuy nhiên, kể từ đó, thay vì cáo buộc Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi nước này thay đổi chính sách tiền tệ, một động thái được cho là mang tính ngoại giao hơn nhằm tránh gây ra các cuộc chiến thương mại không cần thiết với chủ nợ lớn nhất của Mỹ. 

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump mới đây thừa nhận Trung Quốc không thao túng tiền tệ trong một tuyên bố trái ngược hoàn toàn với các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái. 

Ông Trump từng cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền./. (Vietnamplus)
--------------------------------------------

Thăng trầm Toshiba - Doanh nghiệp “quốc hồn quốc túy” của Nhật

Nếu nói tới một doanh nghiệp “quốc hồn quốc túy” của một quốc gia nào đó thì Tập đoàn Toshiba xứng đáng được xướng tên khi nhắc tới Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
 

thang tram toshiba - doanh nghiep “quoc hon quoc tuy” cua nhat

Thăng trầm Toshiba - Doanh nghiệp “quốc hồn quốc túy” của Nhật

Trải qua gần 142 năm kể từ ngày thành lập chính thức, sau nhiều thăng trầm, Toshiba hiện vẫn được đánh giá là hình ảnh đại diện của kinh tế Xứ hoa Anh đào.

Kinh nghiệm thường mang tới những điều đặc biệt. Trong nhiều năm qua, Toshiba là một cái tên vang dội trong ngành công nghiệp chế tạo. Di sản giàu có của tập đoàn khởi nguồn từ thế kỷ 19 khi thương hiệu này đóng một vai trò chủ đạo trong quá trình công nghiệp hóa của đất nước Nhật Bản. Toshiba là một câu chuyện về thành công ngoại lệ trong khía cạnh tầm nhìn và lòng can đảm.

Toshiba chế tạo nhiều loại sản phẩm, từ chất bán dẫn cho tới các thiết bị điện tử, có công lớn trong việc thay đổi, nâng cấp cuộc sống của con người trên khắp thế giới.

Chuyến hành trình mang tính lịch sử của Toshiba bắt đầu từ năm 1873, khi Tokyo nhận ra sự cần thiết hiện đại hóa Nhật Bản và cấp cho ông Hisashige Tanaka (1799-1881) một số vốn để sản xuất thiết bị điện báo. Sau này, chính ông đã lập nên Tanaka Engineering Works (sau này đổi tên là Shibaura Engineering Works) - nhà chế tạo thiết bị điện báo đầu tiên của Nhật Bản.

Toshiba dần “thành hình” với việc “cha đẻ” của Hakunetsu-sha Co Ltd (sau này được biết tới với tên Tokyo Electric Company Ltd) lập nên doanh nghiệp này để tự sản xuất bóng đèn tại Nhật Bản thay cho việc phải nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài.

Hai doanh nghiệp trên chịu trách nhiệm cho việc cung cấp thiết bị điện tại Nhật Bản và cho tới năm 1939 đã nhập về một khối, tạo nên Tokyo Shibaura Electric Co Ltd và không lâu sau nổi lên như cồn với tên “Toshiba.”

Trong thời chiến, Toshiba chủ yếu cung cấp radio và máy phát điện. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Toshiba phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thời gian sau đó, hoạt động sản xuất hồi phục chậm rãi và doanh số bán hàng tăng chỉ khi Toshiba phát triển công nghệ mới, mở rộng nhà máy và xây mới nhiều công xưởng.

Doanh số bán hàng trên các thị trường quốc tế theo đó cũng đi lên. Khoảng năm 1973, Toshiba quyết định cần tăng trưởng mạnh hơn nữa, do đó đã dốc nhiều đầu tư vào mảng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với mục tiêu duy nhất là phát triển công nghệ mới. Một vài năm sau, Toshiba đã cho ra mắt chip nhớ DRAM dung lượng 1 megabyte đầu tiên và cũng “xắn tay” vào sản xuất máy tính xách tay và máy tính cá nhân.

Năm 1987, Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm của Toshiba sau khi phát hiện một công ty con của Toshiba đã cung cấp thiết bị quân sự cho Liên Xô. Nhưng sự việc này cũng lại chính là “cú hích” để Toshiba mở rộng hoạt động sang các thị trường toàn cầu khác.

Một số giai đoạn phát triển mang tính mốc son của Toshiba phải kể đến là năm 1873-1890 đánh dấu những bước đầu tiên trong việc kiến tạo nên tập đoàn này; năm 1891-1931 là khoảng thời gian Toshiba cùng lúc trải qua tăng trưởng, biến cố và tái cấu trúc; năm 1940-1956, Toshiba là nhà cung cấp chủ chốt các thiết bị cho chính phủ trong thời chiến và sau đó xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Đông Nam Á; năm 1957-1972, Toshiba tiến hành cải tổ trong quản lý và kinh doanh, chuẩn bị cho sự mở rộng ra thị trường nước ngoài; năm 1973-1983, tăng trưởng bền vững; năm 1984-1999, tên Toshiba thay thế Tokyo Shibaura Denki trở thành tên chính thức của tập đoàn này. Kể tử năm 2000, Toshiba lớn mạnh và tung ra thị trường các sản phẩm hàng đầu thế giới.

Mới đây nhất, Toshiba gây xôn xao làng công nghệ thế giới khi công bố ý định bán cổ phần của mình tại mảng kinh doanh chip cho một công ty Trung Quốc hoặc Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Sự việc này không làm Chính phủ Nhật Bản yên tâm bởi lo lắng về an ninh quốc gia.

Theo các quan chức của Toshiba, nhiều công ty công nghệ lớn trên toàn cầu đang quan tâm tới việc mua lại mảng kinh doanh chip có trị giá ước tính khoảng 1.000 tỷ yen (8,81 tỷ USD) của tập đoàn này. Ngoài các tên tuổi "đình đám" như Apple Inc. và Microsoft Corp., các doanh nghiệp khác gồm Western Digital Corp. (Mỹ); Hon Hai Precision Industry Co. (Đài Loan); SK Hynix Inc. (Hàn Quốc) cũng tỏ ra “thèm thuồng” mảng kinh doanh chip của Toshiba.

Hiện bộ phận sản xuất chip nhớ, sử dụng cho các thiết bị như điện thoại thông minh, là đơn vị duy nhất đem lại lợi nhuận cho Toshiba. Trong nửa đầu tài khóa 2016-2017 (kết thúc vào tháng 3/2017), lợi nhuận hoạt động của bộ phận này đạt 78,3 tỷ yen, đóng góp 81% vào tổng lợi nhuận hoạt động của Toshiba.

Hiện tình hình tài chính của Toshiba cũng đang đón những tin không vui khi trong giai đoạn tháng 4-12/2016, số liệu cho thấy Toshiba đã thua lỗ 712,5 tỷ yen liên quan đến lĩnh vực kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ. Thực tế này cho thấy thời gian tới có thể sẽ chứng kiến sự chuyển mình lớn của Toshiba (Vietnam+)
------------------------------------------------

Khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019. 
 

 doi tuong ap dung cua quyet dinh gom cac to chuc, ca nhan tham gia phat trien cac du an dien mat troi tai viet nam va cac to chuc, ca nhan khac co lien quan.

Đối tượng áp dụng của Quyết định gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền. Bên bán điện là tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện từ các nhà máy điện Mặt Trời nối lưới; tổ chức, cá nhân có dự án điện Mặt Trời trên mái nhà bán lượng điện dư cho Bên mua điện. 

Theo Quyết định, Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện Mặt Trời; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện Mặt Trời đưa vào vận hành thương mại. 

Việc mua bán điện được thực hiện thông qua hợp đồng mua bán điện Mặt Trời được lập theo Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện Mặt Trời do Bộ Công Thương ban hành. 

Thời hạn của hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện Mặt Trời là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. 

Sau 20 năm, hai bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Dự án điện Mặt Trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được. 

Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện Mặt Trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành và thuế. 

Đối với các dự án nối lưới, Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. 

Hàng năm, căn cứ vào tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đôla Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước, Bộ Công Thương ban hành giá mua bán điện Mặt Trời đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo. (Vietnamplus)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục