tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-04-2016

  • Cập nhật : 17/04/2016

Thị trường Nga là “món hời thế kỷ”

Dù cổ phiếu Nga gặp khó vì lệnh trừng phạt và giá dầu, thị trường nước này vẫn đang là “món hời thế kỷ”. Đây là nhận định của nhà đầu tư hàng đầu Mark Mobius, chủ tịch hãng Templeton Emerging Markets.
chu tich hang templeton emerging markets mark mobius - anh: bloomberg.

Chủ tịch hãng Templeton Emerging Markets Mark Mobius - Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, nhà đầu tư thị trường mới nổi Mark Mobius cho rằng “Nga đang rất rẻ”. Ông nói: “Vấn đề là các biện pháp trừng phạt. Nhiều người trong số chúng ta không thể đầu tư vào vì các biện pháp trừng phạt. Một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì thị trường sẽ thể hiện rất tốt”.

Chỉ số MSCI Nga đã tăng khoảng 20% trong năm nay, nhưng vẫn giảm khoảng 36% so với đầu năm 2014. Kinh tế Nga chật vật từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của họ hồi tháng 3.2014 và bị cho là có liên quan đến bất ổn ở Ukraine. Đây là nguyên nhân đất nước bị áp đặt lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Việc xem xét dỡ bỏ hay tiếp tục trừng phạt sẽ được tiến hành vào tháng 7 sắp tới.

Sự cô lập kinh tế cùng với giá cả dầu thô thấp đã gây áp lực lên đồng rúp. Hãng thông tấn Tass của Nga cho hay GDP nước này giảm 3,7% trong năm 2015. Tuy vậy, ông Mark Mobius không phải là người duy nhất nhìn thấy giá trị ở nước Nga.

“Khi bạn đề cập kinh tế Nga, điều tồi tệ ở phía sau chúng ta”, giám đốc điều hành Karine Hirn của hãng East Capital nói trên kênh CNBC, lưu ý rằng người tiêu dùng Nga đã phục hồi mạnh mẽ.

“Người Nga tiếp tục chi tiền. Ít hơn trước đây, nhưng họ vẫn đang chi tiêu”, bà Hirn nói, cho biết hãng East Capital đã đầu tư vào tiềm năng từ người tiêu dùng. “Thị trường Nga luôn là một trong những thị trường mới nổi đem lại lợi suất cao nhất và giờ đây, chính phủ cần tiền đang nói với các doanh nghiệp quốc doanh rằng hãy tăng tỷ lệ thanh toán từ 25% lên 50%”, bà Hirn cho hay.

Ý kiến của bà Hirn đưa ra vài ngày sau khi ngân hàng Credit Suisse thay đổi nhận định về thị trường Nga. Hôm 11.4, Credit Suisse cho biết cổ phiếu Nga đang được giao dịch với giá chỉ bằng 0,67 lần giá sổ sách, giảm 53% so với chỉ số MSCI Emerging Markets và đây là mức giá rẻ nhất của nước này kể từ tháng 9.1998, giữa những năm khủng hoảng tài chính châu Á gây ảnh hưởng các thị trường mới nổi toàn cầu.

Ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng kinh tế Nga đã vượt qua thời điểm đen tối nhất, dự báo “suy thoái tiêu dùng” ở nước này sẽ kết thúc trong năm nay.

Ngược lại với hai nhà đầu tư Mobius, Hirn và ngân hàng Credit Suisse, nhiều người vẫn e ngại về thị trường Nga. “Mọi thứ vẫn còn gắn nhiều với dầu thô, đó là một câu chuyện về dầu mỏ”, chuyên gia ngoại hối và chiến lược tỷ giá Mitul Kotecha của ngân hàng Barclays cho biết.

Hồi năm 2013, tài nguyên thiên nhiên, gồm dầu thô, khí đốt và các loại hàng hóa khác, đóng góp khoảng 18,8% vào GDP Nga, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB). Giá dầu đã giảm mạnh từ 120 USD/thùng năm 2012 xuống mức thấp nhất 29 USD/thùng trong năm nay.

Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu trung bình ở ngưỡng 37 USD/thùng trong năm nay. Đây có thể giúp tiền tệ Nga phục hồi nhưng chuyên gia Kotecha cho rằng sẽ có nhiều biến động trên đường hồi phục của rúp Nga.


Hai nhà đầu tư Nhật sẽ mua lại 50% công ty ASPL-PLB-NL từ Nam Long

Sau khi mua lại 50% vốn tại công ty ASPL – PLB – Nam Long, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad sẽ cùng Nam Long phát triển dự án Fuji Residence tại Quận 9, TP.HCM theo tỷ lệ 50:50.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Ngày 15/04/2016, CTCP đầu tư Nam Long (mã NLG) cùng hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã ký kết hợp tác chiến lược để phát triển một dự án mới Fuji Residence tọa lạc tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, Nam Long và hai nhà đầu tư Nhật đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn góp tại Công ty ASPL-PLB-Nam Long do Nam Long sở hữu 100% vốn. Hai nhà đầu tư Nhật sẽ mua lại 50% phần vốn góp của Nam Long trong Công ty ASPL-PLB-NL và cùng chia sẻ chi phí phát triển dự án với Nam Long theo tỷ lệ này trong tương lai.

Dự án Fuji Residence là một phần của khu đô thị Nam Long - Phước Long B mở rộng được đánh giá không chỉ thuận lợi về giao thương nhờ hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành Đai 2, cầu và hầm Thủ Thiêm, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...mà còn là một nơi an cư cực kỳ lý tưởng vì tọa lạc trong vùng sinh thái Quận 9 với môi trường sông nước và thiên nhiên trong lành.

 

Dự án Fuji Residence rộng 5,38 hecta gồm 84 căn biệt thự Valora và 789 căn hộ Flora nằm trải dọc ven sông Rạch Chiếc. Fuji Residence là dự án thứ hai mà Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long sau Flora Anh Đào với quy mô rộng hơn, mức đầu tư cao hơn.    

Trao đổi với báo giới ông Steven Chu, Tổng Giám Đốc của NLG cho biết, NLG kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác với 2 đối tác Nhật nói trên để phát triển nhiều dự án bất động sản hơn nữa.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, từ tháng 9/2015 NLG đã mua thêm vốn góp để nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên 100% tại ASPL-PLB-Nam Long. Tính riêng NLG mẹ nắm giữ  95% vốn tại ASPL – PLB – Nam Long với trị giá đầu tư 303,1 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng lớn ở Mỹ chật vật vì giá dầu

Các hãng tài chính Phố Wall từng cấp vốn cho đợt bùng nổ dầu đá phiến Mỹ hiện tiếp tục chịu lỗ, do các khoản vay rủi ro gia tăng cùng thời gian lao dốc giá dầu.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo CNN, các khoản nợ xấu liên quan đến dầu mỏ đang chất đống tại các ngân hàng Mỹ.

Ngân hàng Bank of America hôm 14/4 tuyên bố dành ra 997 triệu USD để tránh lỗ từ các khoản cho vay chủ yếu trong danh mục đầu tư 22 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của họ.

Ngân hàng Wells Fargo cảnh báo về “sự căng thẳng đáng kể” và “xuống cấp” trong ngành dầu khí. Nhà băng này cũng buộc lòng phải thêm 200 triệu vào khoản dự trữ để chống lỗ cho vay và đây là lần đầu tiên họ tăng khoản dự trữ này kể từ năm 2009.

JPMorgan Chase cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 88%, phần lớn là vì các mảng làm ăn dầu, khí đốt và đường ống. Điều này đủ để khiến lợi nhuận JPMorgan Chase giảm lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014.

Nhà phân tích ngân hàng Dick Bove của hãng Rafferty Capital cho biết chắc chắn các nhà băng đang chịu áp lực từ đợt lao dốc giá dầu. “Ngân hàng đang tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đáng kể. Họ đang nhìn thấy sự sụt giảm của các danh mục đầu tư”, ông Bove nói.

Đây không phải là tin tốt với các ngân hàng Mỹ, những hãng đang phải chật vật trong môi trường có lợi nhuận giao dịch giảm và hy vọng lãi suất cao bị dập tắt bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn. Không nhiều người ngạc nhiên khi ngành tài chính Mỹ đi xuống 4% trong năm nay và là mức giảm lớn nhất trong thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo giảm thêm 1% hôm 14.4, tăng mức hạ giá cổ phiếu ngân hàng này lên 11% trong năm nay. Các cổ phiếu khác như của JPMorgan Chase tăng lên khi nhà đầu tư lo ngại về các kết quả tồi tệ hơn.

Các nhà băng Mỹ đã bơm tín dụng quá nhiều cho các hãng dầu khí khi giá dầu là 100 USD/thùng, và một số khoản vay giờ đây xấu đi vì dầu chỉ có giá 40 USD/thùng, làm gia tăng các vụ phá sản. Dù vậy, các khoản vay rủi ro đang đem về một phần ký ức của các cuộc khủng hoảng tài chính  hiện vẫn chưa đến mức bi quan.

Các ngân hàng Mỹ không tiếp xúc nhiều với ngành năng lượng. Khoản vay năng lượng chỉ chiếm khoảng 2,5% tài sản của các ngân hàng, theo ước tính của Goldman Sachs. Hồi năm 2007, tỷ lệ các khoản vay thế chấp là 33% trong tổng tài sản.

“Sẽ là vô cùng khó khăn để ngành công nghiệp dầu khí đủ sức gây thiệt hại đến mức thảm họa cho ngành ngân hàng Mỹ”, ông Bove cho hay. Tuy nhiên, rõ ràng dầu giá rẻ vẫn đang khiến các nhà băng lớn đau đầu.

Ông Bove nói thêm rằng Wells Fargo đang chịu tổn thương từ đợt lao dốc giá dầu nhiều hơn các ngân hàng khác vì nhiều trong số các khoản vay của họ được gửi cho các công ty rủi ro hơn với xếp hạng tín dụng ở mức “rác”. Wells Fargo đang ngồi trên đống nợ xấu liên quan đến dầu khí 1,9 tỷ USD, tăng 72% so với cuối năm 2015. Ngược lại, nhà băng này cũng lưu ý rằng 41 tỷ USD tài sản có tiếp xúc với ngành dầu khí của họ đang giảm, và con số trên vẫn chỉ là một phần nhỏ của tổng tài sản ngân hàng.


Trung Quốc gây lo ngại cho tăng trưởng toàn cầu

“Tăng trưởng của thế giới quá thấp và đã kéo dài từ quá lâu nay”. Hai ngày trước khi khai mạc khóa họp mùa xuân tại Washington, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã bi quan đưa ra nhận định trên và giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,1 % cho năm 2016.
thep trung quoc doi nguoi mua. anh chup tai tinh an huy/reuters

Thép Trung Quốc đợi người mua. Ảnh chụp tại tỉnh An Huy/Reuters

Toàn cảnh thế giới càng thêm u ám khi các nền kinh tế đang trỗi dậy, mà đứng đầu là Trung Quốc liên tục bắn đi những tín hiệu xấu.
 
Nợ xấu Trung Quốc 1.300 tỷ USD
 
Theo báo cáo vừa được IMF công bố, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 6,5 %, tức là thấp hơn so với thành tích của năm 2015, vốn đã là mức tệ hại nhất của nước này từ 25 năm qua.
Sự tăng trưởng chậm lại đó của Trung Quốc đặt ra hai vấn đề : thứ nhất, đây là một gánh nặng đối với các doanh nghiệp, đẩy nợ của các doanh nghiệp lên cao, gây liên lụy cho ngành ngân hàng. Mối lo ngại thứ nhì, là những khó khăn của nền kinh tế thứ hai toàn cầu tác động dây chuyền đến phần còn lại của thế giới.
 
So với thời điểm của năm 2010, tổng số nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng nhanh gấp ba lần. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo, rủi ro nợ xấu của ngành ngân hàng Trung Quốc đã lên tới 1.300 tỷ USD và chỉ riêng trong năm 2015, đã tăng 7 %.
 
Đây là một trong những hậu quả trực tiếp do tiến trình “chuyển hướng” kinh tế của Trung Quốc không được “thuận buồm xuôi gió” như Bắc Kinh mong đợi. Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu để hướng tới tiêu thụ nội địa, biến Trung Quốc thành một nền kinh tế cung cấp dịch vụ thay vì chỉ trông đợi vào công nghiệp và sản xuất.
 
Dù vậy, trước mắt chiến lược này đang làm giảm tỷ lệ tăng trưởng một cách rõ rệt và theo IMF, kinh tế Trung Quốc “không hạ cánh nhẹ nhàng” như nhiều người mong đợi.
 
Trung Quốc hắt hơi, thế giới cảm lạnh
 
Có điều, như đánh giá của chuyên gia kinh tế Obsfeld, sự hụt hơi của mô hình Trung Quốc tác động trực tiếp đến “tăng trưởng và mức đầu tư của thế giới, đến các hoạt động thương mại của toàn cầu”.
Những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các nền kinh tế đang trỗi dậy và các nước xuất khẩu dầu hỏa, đã quá tin tưởng vào một khách hàng lớn như Trung Quốc.
 
Hậu quả trực tiếp là trong “hai thập niên qua” chưa khi nào triển vọng kinh tế của các nước đang trỗi dậy lại "đen tối" như hiện tại. Đầu tháng 4/2015 cả Ngân hàng Phát triển Châu Á lẫn Ngân Hàng Thế Giới đều ghi nhận những khó khăn kinh tế của Trung Quốc kéo khu vực và quốc tế vào vòng xoáy.
 
Hai ngày trước khi Bắc Kinh công bố thống kê về các hoạt động kinh tế trong quý 1/2016, hãng tin Pháp AFP thực hiện một cuộc thăm dò với 19 nhà phân tích. Kết quả cho thấy, trong ba tháng đầu năm, GDP của Trung Quốc tăng khoảng 6,7 %. Với đà này, tăng trưởng cho cả năm sẽ chỉ đạt 6,6 %, tức còn thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng 6,9 % của năm ngoái.
 
Theo phân tích của cơ quan tư vấn IHS Global Insight, hai cột trụ chính của cỗ xe kinh tế Trung Quốc là công nghiệp và xây dựng liên tục giảm trong những tháng gần đây.
 
Điều đáng quan ngại hơn cả, là Bắc Kinh đã liên tục bơm tiền để tiếp sức cho kinh tế mà vẫn không đem lại kết quả mong muốn. Như ghi nhận của giới chuyên gia : nếu như các biện pháp can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động kinh tế không được đi kèm với các chương trình cải tổ sâu rộng, thì sẽ chỉ đem lại “những kết quả rất khiêm tốn”.
 
Chính Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc cũng phải nhìn nhận là “những yếu tố gây bất lợi cho kinh tế Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn, và nếu không có các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh thì nền kinh tế nước này sẽ còn tiếp tục đổ dốc”.

Tổng giám đốc WTO nói gì với doanh nghiệp Việt Nam ?

Có rất nhiều kỳ vọng đã bị bỏ lỡ trên chuyến tàu WTO của Việt Nam.

“Việc WTO bỏ trợ cấp xuất khẩu sẽ rất tích cực đối với Việt Nam”. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo  nói trong cuộc đối thoại với các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 15-4.

Duy trì lợi thế quốc gia xuất khẩu

Trả lời thắc mắc của một đại biểu về tỉ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, ông Roberto Azevêdo ví von: “Để duy trì lợi thế của một quốc gia xuất khẩu, Việt Nam phải chủ động đàm phán, tham gia nhiều hiệp định thương mại. Những con ngỗng nào không chạy đi thì sẽ bị bắt.”

Tổng giám đốc WTO cũng cho hay có nhiều dữ liệu thống kê cho thấy Việt Nam và nhiều quốc gia có quá trình tăng trưởng dài hơi hơn, mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn khi gia nhập WTO. Việc Việt Nam là thành viên WTO khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn.

Hiện nay, theo ông Azevêdo, điều kiện và chi phí gia nhập WTO đã cao hơn rất nhiều, khoảng 30% so với trước đây nhưng những lợi ích do WTO đem lại còn gấp nhiều lần.

“Hiện nay, các hàng rào phi thuế quan như chống phá giá, quy định dán nhãn, kiểm dịch… đã được các quốc gia tăng lên, trong đó có những quy định hợp lý, có quy định chưa hợp lý. Nhưng là thành viên của WTO thì Việt Nam đỡ gặp khó khăn hơn đối với các hàng rào phi thuế quan này” - ông Azevêdo cho hay.

Theo ông Azevêdo, hiện Việt Nam là một trong 35 nước xuất khẩu nhiều trên thế giới và có khả năng ứng phó với khủng hoảng thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo Việt Nam là 10 nền kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian tới. “Chúng ta cùng nhìn vào tương lai và coi thương mại là một nhân tố quan trọng để giảm nghèo đói” - tổng giám đốc WTO khuyến nghị.

tong giam doc wto roberto azevedo (giua) tai buoi doi thoai. anh: chan luan

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo (giữa) tại buổi đối thoại. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Azevêdo cho hay WTO hiện đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là sau hội nghị tại Nairobi với quyết định quan trọng là dỡ bỏ bao cấp trong nông nghiệp. Ông nhận định: “Điều này sẽ tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho cả Việt Nam và các quốc gia khác. Nông dân Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn và có lợi nhuận nhiều hơn. Những thỏa thuận về sản phẩm công nghệ thông tin cũng sẽ giúp cho các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng củng cố vị thế trong lĩnh vực điện thoại, máy tính, công nghệ thông tin. Tôi rất muốn Việt Nam tận dụng thành công cơ hội này”.

Nhiều mặt hàng sẽ giảm giá

Trong buổi đối thoại, đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều câu hỏi thiết thực. Chẳng hạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ninh Bình Nguyễn Thị Tự hỏi: Các công ty sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế do WTO mang lại không và cần những điều kiện gì?

Rất thích thú với các câu hỏi này, tổng giám đốc WTO trả lời: Việc WTO bỏ trợ cấp xuất khẩu sẽ rất tích cực đối với Việt Nam. “Nhiều mặt hàng sẽ giảm giá khi bỏ trợ cấp xuất khẩu” - ông Azevedo khẳng định.

Ông Azevêdo cũng bày tỏ lo ngại về những vụ việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bị thua kiện hoặc bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ông cho rằng lợi ích từ WTO đối với các doanh nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền. Doanh nghiệp phải biết được những quyền của mình và phát huy nó.

“Tôi phải chia sẻ rất thật điều này. Có nhiều quy định sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh của khu vực tư nhân và điều này đã xảy ra ở Brazil do họ không biết được quyền của mình. Khi còn làm việc ở Brazil, tôi được giao thành lập một cơ quan không chỉ là đi kiện các quốc gia khác mà còn truyền thông đào tạo kiến thức cho các viên chức nhà nước. Việc xây dựng kiến thức, năng lực, hiểu được những quy định của WTO là rất cần thiết, quan trọng. Các quốc gia cần phải chú ý điều này” - ông Azevêdo nói.

Ông Azevêdo nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng, đang ngày càng trở nên có năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng năng lực cạnh tranh không phải muốn là được, không phải một sớm một chiều.

Lấy ví dụ về ngành dệt may Việt Nam, ông Azevêdo khuyến nghị: “Phải bắt đầu từ những khâu cơ bản nhất, rồi sau đó nâng lên khâu thiết kế, áp dụng công nghệ cao trong dệt may. Việt Nam cũng có thể sản xuất đồ chơi bằng nhựa. Đến một lúc nào đó, mức độ giá trị cao của sản xuất sẽ phải đạt được”.

Lấy một công ty sản xuất máy bay của quê hương mình là Brazil làm ví dụ, tổng giám đốc WTO kể hiện nay Brazil có công ty sản xuất máy bay đứng thứ ba thế giới. Tuy vậy, công ty vẫn phải nhập khẩu các thành phần cấu tạo nên máy bay từ các nước khác và chỉ đảm nhận những phân khúc cao như thiết kế, viết phần mềm điều hành.

“Những người làm trong công ty này đều là những kỹ sư có trình độ, nhiều người là thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ một số ít công nhân làm công đoạn lắp ráp. Để đạt được điều này, cần phải có những cam kết và đầu tư bài bản, không phải ngày một ngày hai mà đạt được. Có lẽ Việt Nam nên phát triển dần dần và cần nhiều sự kiên nhẫn, nhất quán trong một thời gian dài” - ông Azevêdo khuyến nghị.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-04-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-04-2016

    IMF và WB cam kết nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng
    Trọng tâm là xử lý nợ xấu
    Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục trong diện bị cảnh báo, kiểm soát
    FPT Shop ủng hộ Oppo Việt Nam, không bán Oppo do FPT Trading phân phối
    Công ty của đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn dùng nguyên liệu hết hạn sử dụng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-04-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-04-2016

    Arab Saudi có thể ngay lập tức tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng
    Từ 1/7: Ô tô sang đồng loạt tăng giá tới 2 tỷ
    Ngân hàng với phát triển công nghiệp hỗ trợ
    Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc
    Sức mua vật liệu xây dựng hồi phục

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-04-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-04-2016

    Chuyên gia IMF: Trung Quốc đối mặt nguy cơ khi chuyển đổi kinh tế
    Hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Trị
    Báo Nhật: Doanh số iPhone đang sụt giảm nghiêm trọng
    Tình cảnh bi đát của 4 nền kinh tế hàng đầu châu Phi
    Mừng lo cho hạt gạo Việt Nam xuất khẩu

  • Tin kinh tế đọc nhanh 18-04-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 18-04-2016

    Mỹ khiến Trung Quốc tạm dừng trợ cấp xuất khẩu
    Kho ngoại quan diện tích trên 30.000 m² bắt đầu hoạt động
    TP Hồ Chí Minh: Gia tăng nguồn cung thị trường nhà ở
    Tổng công ty thép giảm phần vốn nhà nước xuống còn 51%
    Giao dịch bất động sản toàn cầu giảm trong quý đầu năm 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-04-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-04-2016

    Lotte Mart tìm kiếm hàng hóa Việt Nam đưa sang Hàn Quốc
    U&I Logistics khai trương kho ngoại quan thứ 7
    Hòa Phát sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn quặng sắt trong năm nay
    Tín dụng tăng chậm, nhà băng thấp thỏm lo vơi túi tiền
    IFC cấp vốn cho PUMA tại các thị trường mới nổi

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-04-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-04-2016

    Ba tháng, Việt Nam chi 10,6 tỷ USD nhập hàng Trung Quốc
    Apple 'đặt' Samsung sản xuất 100 triệu tấm nền màn hình OLED trong năm 2017
    Gạo Việt lo mất thị trường vì giá cao
    Iran, Ấn Độ bắt tay giải bài toán khó giá dầu
    Giao dịch bất động sản chững lại

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-04-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-04-2016

    Cha đẻ Zalora, Lazada làm ăn như thế nào?
    Quỹ Nhật rót hàng triệu USD vào một startup Việt
    Lotte sẽ đuổi kịp Samsung về tổng mức đầu tư vào Việt Nam
    Gạo Việt rồi chỉ bán được cho người nghèo
    Vietcombank báo lãi 2.300 tỷ đồng trong quý I/2016, tăng 61,7%

  • Tin kinh tế đọc nhanh 17-04-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 17-04-2016

    Quý I: Giao dịch mua bán, sáp nhập BĐS tăng
    Coalimex đưa 11 triệu cổ phiếu lên niêm yết tại HNX
    Viettel nắm giữ 49% cổ phần trong một DN viễn thông của Myanmar
    Bảo hiểm “ghi điểm” cho môi trường đầu tư
    Mất mát vì biến động

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-04-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-04-2016

    4 nước ASEAN sẽ là nền kinh tế nghìn tỉ USD năm 2030
    Đại lý thép ‘méo mặt’ vì ôm hàng đầu cơ
    Sẽ có làn sóng đầu tư mới vào VN
    OTC dậy sóng
    Công ty Internet lớn nhất châu Á vừa vay ngân hàng 2 tỷ USD để thực hiện tham vọng bành trướng

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-04-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-04-2016

    Ngân hàng Trung Quốc 'gánh' 1.300 tỉ USD nợ xấu
    BIDV bắt tay với ngân hàng Đài Loan hút kiều hối
    Xuất khẩu gạo quý II dự kiến giảm
    Các nước sản xuất dầu 'đốt' hơn 300 tỉ USD dự trữ
    Tập đoàn Nhật mua 8% cổ phần Petrolimex