tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-04-2016

  • Cập nhật : 18/04/2016

IMF và WB cam kết nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng

Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cam kết nỗ lực gấp đôi nhằm thúc đẩy triển vọng tăng trưởng còn chưa vững chắc của kinh tế toàn cầu, và loại bỏ những yếu tố bất lợi về chính trị đối với thương mại tự do và các mặt khác của toàn cầu hóa. 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói cần có những chính sách mạnh hơn để đối phó với một loạt những rủi ro gia tăng đối với kinh tế toàn cầu. Cả bà Lagarde và ông Kim đều cho rằng câu trả lời cho vấn đề lương giậm chân tại chỗ ở nhiều nước công nghiệp và việc làm bị mất do cạnh tranh thương mại là thực hiện các chính sách đảm bảo tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Kim nói việc giảm bớt rào cản thương mại đã giúp đưa hàng triệu người trên khắp thế giới thoát khỏi đói nghèo. Trong khi đó, ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đã chỉ trích rằng giảm rào cản thương mại làm mất việc làm của người Mỹ và cam kết áp đặt các mức thuế để trả đũa, nếu các nước như Trung Quốc và Mexico không dừng các biện pháp không công bằng về thương mại.

Trong khi đó, bà Lagarde cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, mặc dù tăng trưởng chậm hơn và không đồng đều. Bà nói đà phục hồi vẫn chậm và quá mong manh, nhấn mạnh đến việc IMF trong dự báo kinh tế mới đã một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,2%, từ mức 3,4% đưa ra trong báo cáo công bố trước đó.

Bà cũng cho rằng nhịp độ tăng trưởng này là không đủ để nâng cao chất lượng cuộc sống hay tạo đủ cơ hội việc làm cho gần 200 triệu người đang thất nghiệp và tìm kiếm việc làm trên toàn cầu; tăng trưởng thấp sẽ gây thêm khó khăn cho các gia đình trung lưu và người nghèo, đồng thời “khuyến khích” sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự chia rẽ. IMF sẽ nỗ lực hơn trong năm 2016 để giúp các nước thành viên đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo IMF và WB cũng đề cập đến kịch bản nước Anh rời khỏi EU, cảnh báo đây là "một vấn đề nghiêm trọng" đe dọa nền kinh tế toàn cầu. WB đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm nay từ 2,9% xuống 2,5%.

Các phát biểu trên của người đứng đầu IMF và WB được đưa ra khi diễn ra các hội nghị trong ba ngày của các quan chức tài chính hàng đầu, bắt đầu với hội nghị của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong hai ngày 14-15/4 và khép lại với hội nghị của các ủy ban hoạch định chính sách của cả IMF và WB ngày 16/4.

Trong ngày họp đầu tiên, đại diện các nước cũng bàn luận về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống nạn trốn thuế và rửa tiền trong việc giúp các quốc gia củng cố tài chính và thúc đẩy tăng trưởng.


Trọng tâm là xử lý nợ xấu

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục phát triển thị trường mua bán nợ và nợ xấu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa – “thuận mua, vừa bán”.

Sau khi thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, trong đó có phần xử lý nợ, hệ thống ngân hàng đã đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,92% vào cuối năm 2015, đem lại nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, tạo động lực cho nền kinh tế.

Điểm nhấn trong thời gian qua là NHNN và các TCTD không chỉ tập trung xử lý số nợ xấu tiềm ẩn xác định được đến thời điểm xây dựng Đề án (464,7 nghìn tỷ đồng), mà còn triể̉n khai các giải pháp làm cho nợ xấu được nhận diện, phân loại đúng hơn và được minh bạch hoá. Các TCTD tích cực trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát chi phí và dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu. Điều này hoàn toàn nhất quán với chủ trương không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.

Đặc biệt, kể từ khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được thành lập, và qua chỉnh sửa, bổ sung cơ chế hoạt động cho công ty này thì việc xử lý nợ xấu đã tích cực hơn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, trong đó tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn giảm dần qua các năm, từ trên 103% năm 2011 xuống còn 88,56% cuối năm 2015; tỷ lệ vốn khả dụng trên huy động ổn định ở mức 20%. NHNN không phải tái cấp vốn cho mục đích hỗ trợ chi trả các TCTD. Chất lượng danh mục tài sản được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hệ thống được giảm dần và tạo điều kiện cho các TCTD lành mạnh hoá tài chính, cơ cấu lại hoạt động và phát triển an toàn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc “xả” những khoản nợ mà VAMC mua lại vẫn đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ vay của các TCTD trong thực tế gặp nhiều khó khăn, do hầu hết những khách hàng có nợ xấu rơi vào tình trạng ngừng sản xuất hoặc có nguy cơ bị phá sản, không còn khả năng trả nợ; bên bảo đảm, khách hàng vay có thái độ bất hợp tác, chây ì trả nợ và tìm cách trì hoãn việc chuyển giao TSBĐ. Trong khi đó, sự phối kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan với ngân hàng trong việc xử lý TSBĐ còn nhiều bất cập.

Hay “hành trình” khởi kiện ra tòa để xử lý thu hồi nợ thường mất thời gian quá dài, gây nhiều khó khăn trong thu nợ (giá trị tài sản giảm sút, mất thời gian, chi phí…). Không ít trường hợp, Tòa án chậm đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hoặc hạn chế, khước từ quyền khởi kiện của ngân hàng khi khách hàng cố tình lẩn trốn.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tiếp tục phát triển thị trường mua bán nợ và nợ xấu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa – “thuận mua, vừa bán”.

TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nợ xấu đã gom lại được, nghĩa là đã xử lý được một bước, nhưng bước đi và hướng xử lý tiếp theo như thế nào thì đòi hỏi sự kiên trì và bài bản.

“Muốn nợ xấu được xử lý nhanh hơn thì phải phát triển thêm thị trường mua bán nợ, mua bán tài sản… Ví dụ, quyền chủ nợ trong bán tài sản, tôi đã đề nghị nhiều lần phải xử lý những bất cập trong hệ thống pháp luật mới làm được, chứ tự NHNN không thể giải quyết hết”, ông Lịch nói.

Đáng lưu ý là vấn đề xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục được bổ sung cơ chế từ Chính phủ và NHNN. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng ban hành quyết định phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nự xấu theo giá thị trường của VAMC, trong đó nhấn mạnh tới nguyên tắc xác định giá mua, nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Song, cùng với nỗ lực từ NHNN, các bộ ngành khác cần hỗ trợ trong việc điều chỉnh cơ chế pháp lý.


Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục trong diện bị cảnh báo, kiểm soát

Cổ phiếu CLG, PIT, NVT, BAM, EFI hiện đang trong tình trạng bị cảnh báo/kiểm soát/hạn chế giao dịch.

Cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo

-Cổ phiếu CLG của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec: bị đưa vào diện bị cảnh báo từ 22/4/2016 do LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2015 là số dương 0,67 tỷ đồng và LNST chưa phân phối là -27,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát

-Cổ phiếu PIT của CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex được giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ 19/4/2016.

-Cổ phiếu NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bayđược giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ 15/4/2016.

Cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch

-Cổ phiếu BAM của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch từ ngày 19/4/2016 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK. Cổ phiếu BAM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

-Cổ phiếu EFI của CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục bị bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch từ ngày 19/4/2016 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên TTCK. Cổ phiếu BAM chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.


FPT Shop ủng hộ Oppo Việt Nam, không bán Oppo do FPT Trading phân phối

Hệ thống bán lẻ FPT Shop vừa lên tiếng ủng hộ Oppo Việt Nam trong sự việc lùm xùm với FPT Trading.

Trong một thông báo, bộ phận truyền thông của FPT Shop lên tiếng ủng hộ Oppo Việt Nam trong vụ việc gây tranh cãi về phân phối thời gian gần đây. Cụ thể, FPT Shop cho biết, "chỉ kinh doanh sản phẩm chính hãng được chỉ định và phân phối qua các nhà sản xuất để đảm bảo người tiêu dùng nhận được sản phẩm đảm bảo chất lượng nhất từ chính hãng và hưởng trọn dịch vụ bảo hành chính hãng đầy đủ nhất, an tâm nhất.

chiec oppo f1 do cong ty tnhh san pham cong nghe fpt phan phoi - anh: hai dang

Chiếc Oppo F1 do Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT phân phối - Ảnh: Hải Đăng

Trong tình huống của Oppo, FPT Shop chỉ kinh doanh các mặt hàng được phân phối trực tiếp từ Oppo Việt Nam vì FPTshop là đại lý trực tiếp của Oppo VN và không cần phải nhập thêm hàng từ nguồn nào khác". Như vậy có thể hiểu hệ thống FPT Shop chỉ nhập hàng từ Oppo Việt Nam mà không dùng nguồn hàng Oppo do FPT Trading nhập về bán mới đây.

Mặc dù chung một tập đoàn FPT, nhưng cần hiểu rằng FPT Shop thuộc Công ty Cổ Phần Bán Lẻ Kỹ Thuật Số FPT (FPT Retail), chỉ thực hiện nhiệm vụ bán lẻ. Trong khi công ty thực hiện nhiệm vụ phân phối của FPT là FPT Trading - Công ty TNHH Thương mại FPT. Hai công ty này độc lập nhau.

Như chúng tôi đã thông tin, vài ngày gần đây FPT Trading nhập về một nguồn máy Oppo, trước mắt là Oppo F1, và chào bán đến các đại lý bán lẻ với giá thấp hơn Oppo Việt Nam đang bán - mức giá có khi thấp hơn giá Oppo Việt Nam phân phối hơn 1 triệu đồng. Hiện chưa có tin chính thức về nguồn hàng FPT Trading nhập về bán nhưng các đại lý cho rằng, hàng FPT Trading phân phối và Oppo Việt Nam phân phối không khác nhau, chỉ khác là Oppo F1 của FPT Trading có 4G trong khi bản F1 bán tại Việt Nam không có 4G.

Trước sự việc FPT Trading nhập hàng về bán cho đại lý, hôm 14/4, Oppo Việt Nam gửi đi thông báo cho thấy FPT Trading không phải là nhà phân phối được Oppo Việt Nam chỉ định. Trả lời ICTnews, Oppo Việt Nam cho biết họ là nhà phân phối chính thức và độc quyền tại Việt Nam, được Oppo toàn cầu chỉ định. “Việc các kênh khác nhập hàng đều không đúng chính sách kinh doanh của tập đoàn”, Oppo Việt Nam nói.

Ngược lại, đại diện FPT Trading cho rằng nguồn hàng họ bán có hóa đơn chứng từ đầy đủ, hưởng chính sách bảo hành bình thường do FPT cung cấp.

Một ngày sau, hôm 15/4, những chiếc Oppo F1 được một cửa hàng điện thoại rao giá 4.990.000 đồng, rẻ hơn mức giá Thế Giới Di Động đang bán đến 1 triệu đồng. Máy Oppo F1 này được nhập khẩu và phân phối bởi Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT.

Cũng trong ngày 15/4, Oppo Việt Nam thông báo đến các đại lý của mình, cho biết sẽ mua lại toàn bộ nguồn hàng Oppo do FPT bán cho các đại lý này, đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi đại lý.

Hệ thống Mai Nguyên, CellphoneS trước đó cho biết hiện tại vẫn chưa nhập hàng Oppo do FPT Trading bán. Trả lời chúng tôi hôm 15/4, ông Đoàn Văn hiểu Em - Giám đốc ngành hàng điện thoại của Thế Giới Di Động, hệ thống bán lẻ điên thoại lớn nhất hiện nay - cho biết ông chưa nhận được đề nghị nào của FPT Trading về việc nhập hàng Oppo F1. Ông cũng cho rằng Oppo Việt Nam chắc chắn sẽ có cách để bình ổn thị trường, không thể có việc mỗi nhà phân phối bán mỗi giá chênh nhau quá nhiều.


Công ty của đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn dùng nguyên liệu hết hạn sử dụng

Thương hiệu Domino’s Pizza của gia đình nhà chồng Tăng Thanh Hà bị cơ quan chức năng tại TP.HCM phạt vì dùng nguyên liệu hết hạn.

Vỡ mộng thức ăn Tây

Cửa hàng Domino’s Pizza dùng nguyên liệu hết hạn sử dụng ở địa chỉ số 313 Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10, TP.HCM là 1 trong 23 cửa hàng thuộc hệ thống Domino’s Pizza ở Việt Nam. Vào tháng 3/2016, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), đã phát hiện cửa hàng này vi phạm “Sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm”.

Với lỗi vi phạm trên, Công ty VFBS chủ chuỗi cửa hàng Domino’s Pizza đã bị phạt 4 triệu đồng.

Được biết, Công ty VFBS là một Cty thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) do doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà, làm chủ.

Domino’s Pizza là hãng pizza kiểu Mỹ xuất hiện chính thức tại TP.HCM vào ngày 21/1/2013, thông qua đối tác là Công ty VFBS - đơn vị thuộc tập đoàn IPP sau khi có mặt tại 27 quốc gia khác trên thế giới. Đến nay Domino’s Pizza đã gây dựng được chuỗi 23 cửa hàng ở cả TP.HCM và Hà Nội, trong đó tập trung nhiều ở TP.HCM.

Tập đoàn IPP của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn còn làm chủ loạt thương hiệu coffee và đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới ở Việt Nam như Burber King, Popeyes Chicken, Dunkin’ Donuts...

 
cua hang domino’s pizza dung nguyen lieu het han su dung o dia chi so 313 nguyen tri phuong, p.5, q.10, tp.hcm.

Cửa hàng Domino’s Pizza dùng nguyên liệu hết hạn sử dụng ở địa chỉ số 313 Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10, TP.HCM.

 

4 triệu đồng và nhiều hơn thế nữa

Ngoài 4 triệu đồng bị phạt, một số sản phẩm do Tập đoàn IPP phân phối tại Việt Nam cũng từng bị “dính tai tiếng”.

Cụ thể, Báo Người Tiêu Dùng từng có bài viết “Ví Ferragamo sờn da sau 1 tháng sử dụng”, với nội dung liên quan việc khách hàng mua ví da Salvatore Ferragamo sờn màu sau hơn 1 tháng sử dụng, nghi ngờ cửa hàng bán hàng kém chất lượng, không đúng như cam kết. Được biết sản phẩm trên do Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), thuộc Tập đoàn IPP phân phối.

Hiện tại Việt Nam, ngoài Salvatore Ferragamo, Tập đoàn IPP còn phân phối độc quyền nhiều thương hiệu thời trang lớn như: Chanel, Burberry, Versace, Paul&Shark, Rolex, Cartie...

Ngoài các thương hiệu nổi tiếng liên quan đến thời trang, Tập đoàn IPP cũng trở thành đối tác nhượng quyền thương hiệu chuỗi nhà hàng Dunkin’ Donuts tại Việt Nam. Được biết, Dunkin’ Donuts là sản phẩm được kiểm duyệt theo những tiêu chuẩn kiểm định gắt gao và nghiêm ngặt. Các sản phẩm như latte, cappuccino đều đã được cắt giảm hàm lượng caffeine xuống mức tốt nhất. Đặc biệt, thương hiệu mang đến một số loại thức uống nổi tiếng và tạo ra giá trị khác biệt là Frozen Dunkaccino hay thức uống đá xay Coolatta.

Trong kế hoạch, Dunkin’ Donuts sẽ tiếp tục khảo sát và cho ra mắt những thực đơn gồm các món ăn phù hợp hơn với văn hóa của khách hàng Việt nhằm đem đến sự hài lòng và thỏa mãn cao nhất cho khách hàng.

Với những kế hoạch cũng như khẳng định tên tuổi nhãn hàng Dunkin’ Donuts đã tin tưởng Công ty VFBS thuộc Tập đoàn IPP.

Tuy nhiên, sau vụ “lùm xùm” về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại cửa hàng thuộc hệ thống Domino’s Pizza ở Việt Nam do VFBS quản lý, rất có thể Domino’s Pizza, Dunkin’ Donuts, các nhãn hiệu liên quan đến Tập đoàn IPP sẽ phải đối mặt với những nghi ngờ và sự mất niềm tin của người tiêu dùng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-04-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-04-2016

    Đại gia Singapore, Nhật Bản “lùng mua” dự án bất động sản Việt
    Thị trường bất động sản chững lại
    Đừng phí tiền quảng cáo “thiên thần hương” trên tivi nữa, người Việt không quan tâm đâu
    Các sàn thương mại điện tử bắt đầu siết hoạt động bán hàng
    Thị trường tài chính Nhật sụt giảm mạnh sau tin động đất

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-04-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-04-2016

    Vốn ngoại đổ vào thực phẩm sạch
    Lo ngại bẫy giá cá tra ảo từ thương lái Trung Quốc
    Eximbank lao đao vì “thông tin không tốt”
    Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ mạnh nhất tháng Tư
    Các ngân hàng “tranh” bán USD cho NHNN

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-04-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-04-2016

    Ôtô Thái Lan ùn ùn nhập vào Việt Nam
    Đại lý thép thua lỗ tiền tỷ vì đầu cơ
    Thủ tướng nêu bốn nhiệm vụ lớn để phát triển Quảng Trị
    Hơn 8.000ha tôm thiệt hại do độ mặn cao
    Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm theo giá dầu

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-04-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-04-2016

    Bắt vụ xuất khống vải nguyên liệu trị giá hơn 5 tỷ đồng
    Khai ra sao khi muốn bổ sung số lượng hàng hóa NK?
    Chính sách tiền tệ quý I có nhiều chuyển biến tích cực
    Quý I: Kim ngạch XNK của doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp nội
    Dừng vay ngoại tệ: Kẻ bình chân, người khốn đốn

  • Tin kinh tế đọc nhanh 19-04-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 19-04-2016

    Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng "soi" nợ xấu của ngân hàng nước ngoài
    CTCK có vốn ngoại không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
    70.000 EURO trong sản phẩm dưỡng thể
    Kỳ vọng những điểm mới của hai luật thuế
    Vướng mắc kiểm dịch sản phẩm thủy sản do thiếu danh mục chi tiết

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-04-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-04-2016

    50 ông lớn công nghệ Mỹ giấu 1.400 tỷ USD ở nước ngoài
    Giá dầu lao dốc 7% vì đàm phán Doha đổ vỡ
    Vụ sáp nhập Toshiba, Fujitsu, Vaio đổ bể
    Saudi dọa bán 750 tỷ USD tài sản ở Mỹ vì vụ khủng bố 11/9
    Nga chuẩn bị “kịch bản” cắt giảm ngân sách và phòng ngừa khủng hoảng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-04-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-04-2016

    Arab Saudi có thể ngay lập tức tăng sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng
    Từ 1/7: Ô tô sang đồng loạt tăng giá tới 2 tỷ
    Ngân hàng với phát triển công nghiệp hỗ trợ
    Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc
    Sức mua vật liệu xây dựng hồi phục

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-04-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-04-2016

    Chuyên gia IMF: Trung Quốc đối mặt nguy cơ khi chuyển đổi kinh tế
    Hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Trị
    Báo Nhật: Doanh số iPhone đang sụt giảm nghiêm trọng
    Tình cảnh bi đát của 4 nền kinh tế hàng đầu châu Phi
    Mừng lo cho hạt gạo Việt Nam xuất khẩu

  • Tin kinh tế đọc nhanh 18-04-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh 18-04-2016

    Mỹ khiến Trung Quốc tạm dừng trợ cấp xuất khẩu
    Kho ngoại quan diện tích trên 30.000 m² bắt đầu hoạt động
    TP Hồ Chí Minh: Gia tăng nguồn cung thị trường nhà ở
    Tổng công ty thép giảm phần vốn nhà nước xuống còn 51%
    Giao dịch bất động sản toàn cầu giảm trong quý đầu năm 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-04-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-04-2016

    Lotte Mart tìm kiếm hàng hóa Việt Nam đưa sang Hàn Quốc
    U&I Logistics khai trương kho ngoại quan thứ 7
    Hòa Phát sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn quặng sắt trong năm nay
    Tín dụng tăng chậm, nhà băng thấp thỏm lo vơi túi tiền
    IFC cấp vốn cho PUMA tại các thị trường mới nổi